Thần Học Đại Kết 3-4

 

Thần Học Đại Kết

Phần 3. Giáo Hội Công Giáo Từ Vaticano II

Với Công Cuộc Đại Kết

Lm Giuse Phan Tấn Thành op


Thần Học Đại Kết 3-4Như đã có dịp trình bày, Văn phòng cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu được thiết lập ngày 5/6/1960 trong thời gian chuẩn bị công đồng Vaticano II. Cơ quan này lo tiếp xúc với các Giáo hội ngoài công giáo, để gởi các đại biểu làm quan sát viên tại công đồng (từ 40 vị vào lúc khai mạc lên tới hơn 100 vào ngày bế mạc). Văn phòng cũng đảm trách việc soạn thảo sắc lệnh của công đồng về vấn đề hợp nhất và những văn kiện chấp hành kế tiếp. Ngoài ra, cũng nên biết là Văn phòng đã chịu trách nhiệm soạn thảo tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng.

 

I. Công đồng Vaticano II

Văn kiện căn bản là sắc lệnh về đại kết (Unitatis redintegratio) được ban hành ngày 21/11/1964. Tuy nhiên, vấn đề đại kết được đề cập tới ở nhiều văn kiện khác của công đồng. Chúng ta chỉ ghi nhận vài bản văn chính:

– Hiến chế về Mặc khải không những nhằm giải quyết vấn đề tương quan giữa Thánh kinh với Thánh Truyền mà Luther đã gợi lên, nhưng còn nói tới việc hợp tác trong việc dịch Kinh thánh (số 22).

– Hiến chế về Hội thánh nhìn nhận rằng các Giáo hội ngoài công giáo cũng thuộc về Hội thánh của đức Kitô (số 8 và 15).

– Hiến chế về các Giáo hội Đông phương nhìn nhận rằng sự hợp nhất công giáo không loại trừ những khác biệt về phụng vụ, kỷ luật và truyền thống (số 2-3).

Sắc lệnh về Đại kết gồm có ba chương:

1) Những nguyên tắc công giáo về đại kết.

2) Việc thực hành đại kết.

3) Các Giáo hội và giáo đoàn ly khai với tông tòa Rôma.

A. Trong chương một, công đồng phát biểu những xác tín về ý nghĩa và mục tiêu của phong trào đại kết. Nên biết là trong bản dự thảo đầu tiên, tựa đề của chương một là Những nguyên tắc về việc đại kết công giáo (De oecumenismi catholici principiis); nhưng sau đó, ủy ban soạn thảo đã sửa lại là: Những nguyên tắc công giáo về việc đại kết (De catholicis oecumenismi principiis). Lý do là vì ở đây, công đồng bày tỏ lập trường của Giáo hội công giáo về vấn đề đại kết. Còn việc đại kết thì chỉ có một, chung cho hết tất cả các Kitô hữu, chứ không có chuyện đại kết công giáo, đại kết tin lành, vv.

Điều đáng chú ý là tuy rằng sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một thực trạng không thể chối cãi, nhưng công đồng muốn trình bày một cái nhìn khác về sự hợp nhất, đó là: giữa các Kitô hữu đã có sự hợp nhất rồi, nhưng mà chúng ta còn phải cố gắng tiến tới sự hợp nhất hoàn hảo hơn. Nói khác đi, chúng ta không đi từ chỗ chia rẽ tới chỗ hợp nhất, nhưng là đi từ sự hợp nhất bất toàn sang sự hợp nhất toàn vẹn (communio imperfecta – plena communio). Thực vậy, giữa các Kitô hữu đã có những yếu tố hợp nhất rồi: qua bí tích rửa tội, chúng ta đã đựơc tháp nhập vào thân thể của đức Kitô, đã được trở thành con Thiên Chúa, đã được lãnh nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính những yếu tố thần linh đó thúc đẩy các Kitô hữu tìm cách biểu lộ sự hợp nhất kể cả qua những yếu tố hữu hình nữa.

Tuy vẫn thâm tín rằng Giáo hội công giáo chứa đựng cách sung mãn những yếu tố cấu thành Hội thánh của đức Kitô, nhưng công đồng nhìn nhận rằng các cộng đoàn khác cũng chứa đựng những yếu tố đó nữa. Nên biết là ở đây công đồng không bàn tới các Kitô hữu ngoài công giáo như là những cá nhân riêng rẽ, nhưng công đồng nói tới các cộng đoàn Kitô hữu ở ngoài công giáo. Riêng về trách nhiệm luân lý của hiện tượng chia rẽ, công đồng khiêm tốn nhìn nhận rằng cả hai bên đều có lỗi. Dù sao các Giáo hội ngoài công giáo không bị gọi là phe “ly giáo, lạc giáo” như trước nữa! Con đường tìm về hợp nhất được tiến hành qua sự thống hối và khẩn cầu lòng thương xót của Chúa.

B. Bước sang việc thực hành việc đại kết (trong chương hai), sắc lệnh đề ra ba hình thức: tinh thần; thần học, hợp tác. Nên biết là công cuộc đại kết không phải chỉ liên can tới các nhà lãnh đạo các giáo hội, nhưng tất cả các tín hữu cần dấn thân cho việc hợp nhất các Kitô hữu, ít là qua việc cầu nguyện và chứng tá (số 5).

1) Đại kết về tinh thần (Spiritual Ecumenism). Cuộc đối thoại đại kết giả thiết hai điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành đó là: a/ sự canh tân hay cải cách Hội thánh (số 6); b/ sự cải hoán nội tâm của mỗi tín hữu (số 7). Cả hai đều nhằm tới sự trung thành với đức Kitô. Trong những phương thế hỗ trợ cho việc đại kết tinh thần, công đồng nhắc tới: sự tha thứ cho nhau, sống đời thánh thiện và nhất là cầu nguyện cho việc hợp nhất (số 8).

2) Đại kết về thần học. Nó bao hàm việc tìm hiểu lẫn nhau, qua việc nghiên cứu đạo lý, đối chiếu những tương đồng và khác biệt. Để cho cuộc đối thoại thần học mang lại kết quả, công đồng vạch ra cho các nhà thần học công giáo hai nguyên tác cần lưu ý khi học hỏi và trình bày đạo lý của Hội thánh.

a/ Cần phải biết phân biệt đâu là “nội dung” của đạo lý, và đâu là “cách thức diễn đạt” đạo lý. Nội dung đạo lý thì không thay đổi, nhưng cách thức diễn đạt thì lệ thuộc vào những điều kiện văn hóa lịch sử. –
b/ Cần phải biết phân biệt hệ cấp các chân lý (hierarchia veritatum), nghĩa là không phải tất cả các đạo lý đều có tầm quan trọng ngang nhau (số 11). 

Sự hợp nhất cốt yếu về đức tin có thể bao hàm những khác biệt về nghi thức phụng tự và truyền thống kỷ luật (số 5). Công đồng lấy lại phương châm của đức Gioan XXIII: hơp nhất trong những điều cốt yếu, tự do trong những gì chưa chắc, bác ái trong hết mọi trường hợp (in necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas).

3) Đại kết về hợp tác, nghĩa là cộng tác với nhau trong các công tác bác ái nhằm phục vụ nhân loại (số 12).

C. Sau khi đã nói tới những nguyên tắc tổng quát về lý thuyết cũng như về thực hành, công đồng bước sang phần áp dụng ở chương Ba. Chương này được phân thành hai mục rõ rệt: một đàng dành cho các Giáo hội Đông phương; đàng khác là các Giáo hội và giáo đoàn ly khai bên Tây phương. Sự phân biệt đó không phải chỉ dựa theo diễn tiến của hai giai đoạn chia rẽ trong lịch sử, nhưng nhất là dựa theo căn bản thần học: các Giáo hội Đông phương gần gũi với Công giáo hơn, về tín lý cũng như về các bí tích; còn các nhóm ly khai vào thời Cải cách không còn duy trì tất cả 7 bí tích nữa, đặc biệt là bí tích truyền chức thánh, vì thế không những đã làm thay đổi cơ cấu phẩm trật của Hội thánh mà còn gây ra những khó khăn khi bàn về giá trị của các buổi cử hành Thánh Thể và thống hối.

Chính vì dựa trên cơ cấu phẩm trật mà Sắc lệnh phân biệt giữa giáo hội và giáo đoàn. Tiếng Giáo hội (hay: Hội thánh, ecclesia) dành cho những cộng đoàn nào có chức Giám mục (điển hình là các Giáo hội Đông phương); nếu không có Giám mục thì gọi là giáo đoàn (communitas ecclesiastica). Nên biết các cơ quan đại kết ngoài công giáo không chấp nhận sự phân biệt đó. Dù sao thì trong sắc lệnh này, công đồng muốn đề cao những điểm trùng hợp hơn là nêu lên những dị biệt. Chẳng hạn khi nói tới các giáo đoàn ly khai bên Tây, văn kiện đã trình bày những yếu tố sau đây: việc tuyên xưng đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và Trung gian giữa Thiên Chúa với loài người (số 20); lòng hâm mộ học hỏi Kinh thánh (số 21); bí tích rửa tội (số 22); sống đạo qua việc cầu nguyện và sinh hoạt xã hội (số 23).

Một cử chỉ có ý nghĩa đại kết không nhỏ vào hôm trước khi bế mạc công đồng (7/12/1965) là việc Đức Giáo hoàng Phaolo VI và đức Thượng phụ Constantinopoli Atenagora I rút lại vạ tuyệt thông từ năm 1054.

 

II. Sau công đồng Vaticano II

Trong số những văn kiện của Tòa thánh có liên can đến đại kết, chúng ta có thể ghi nhận: 1/ Những huấn thị áp dụng; 2/ Bộ giáo luật.

A. Những huấn thị áp dụng.

Năm 1967, Văn phòng hợp nhất đã xuất bản phần thứ nhất của Kim chỉ nam để áp dụng sắc lệnh của công đồng (Directory for the Application of the Second Vatican Council’s decisions on Ecumenism: AAS 59, 1967, 574-592).

Phần thứ hai ra đời năm 1970 (AAS 62,1970, 705-724). Sự đối thoại đại kết cần được tiến hành qua việc thiết lập những ủy ban cấp giáo phận và cấp toàn quốc, cũng như qua việc đào tạo các thành phần Dân Chúa.

Vào năm 1993, cả hai phần được duyệt lại, và đúc kết thành một tài liệu duy nhất mang tên là Kim chỉ nam áp dụng những nguyên tắc và quy chuẩn của đại kết (Directory for the application of principles and norms on ecumenism, 25/3/1993).

Tài liệu này gồm có 5 chương như sau:

1) Bản chất của việc cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu.

2) Những cơ quan của Giáo hội Công giáo nhằm phục vụ công cuộc đại kết.

3) Việc huấn luyện đối thoại đại kết.

4) Việc chia sẻ các bí tích và kinh nguyện giữa các Kitô hữu.

5) Sự hợp tác trong lãnh vực đối thoại và chứng tá. Chúng tôi sẽ trở lại nội dung của nó trong bài tới.

B. Bộ giáo luật latinh 1983.

Tuy là một văn kiện pháp lý chi phối nội bộ của Giáo hội công giáo, song không vì thế mà bộ giáo luật không cần biết tới chuyện đối thoại đại kết. Thực vậy bộ giáo luật đã dành ra số 755 (trong những điều khoản dẫn nhập vào quyển Ba) để nói về phong trào đại kết. Đúng ra, ở chỗ này nhà lập pháp chỉ xác định thẩm quyền điều hành công cuộc đó. Chúng ta có thể nhận thấy những khoản luật khác có tính cách thực tiễn hơn.

Thí dụ: về việc hợp tác trong việc dịch Kinh thánh (đ.825 $2); về việc tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, giải tội và xức dầu (đ.844); vấn đề hôn nhân hỗn hợp thì được bàn ở các đ. 1124-1125. Các đại biểu của các Giáo hội ngoài công giáo có thể được mời làm quan sát viên trong các công nghị giáo phận (đ.463 3).

Dù sao ảnh hưởng lớn nhất của phong trào đại kết trong việc soạn thảo bộ giáo luật được nhận thấy ở đ.11. Bộ luật cũ có tính cách bó buộc tất cả các Kitô hữu; còn bộ luật 1983 chỉ bó buộc các tín đồ của giáo hội công giáo. Một thay đổi về từ ngữ cũng được du nhập khi nói về việc gia nhập Giáo hội công giáo: từ nay sẽ không dùng từ trở lại đạo (convertire) cho một người Kitô hữu ngoài công giáo, nhưng phải nói là được đón nhận vào thông hiệp (receptus).

Bộ giáo luật Đông phương thì dành hẳn thiên XVIII cho vấn đề đại kết (de oecumenismo seu de christianorum unitate fovenda), từ đ.902-908.

 

Trả lời