TH online 23: BT Thêm Sức trong chương trình cứu độ

Thần học online:

Bí tích Thêm Sức

Bài 1: Bí tích Thêm Sức trong

chương trình cứu độ của Thiên Chúa

 

 TH online 23: BT Thêm Sức trong chương trình cứu độTrong lịch sử Hội thánh, chúng ta thấy ngoài việc thông ban Thánh Thần trong phép Rửa Tội, còn có sự thông ban Thánh Thần cho những người đã được kết hợp với Chúa Kitô nhờ phép Rửa. Hiệu quả của việc thông truyền thiêng liêng này còn vượt lên trên hiệu năng cứu độ của phép Rửa, vì qua đó người tín hữu nhận được năng lực mới để làm chứng cho đức tin.

Tuy nhiên, vào thời Giáo hội tiên khởi, thật không dễ dàng phân biệt bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức như hai bí tích tách biệt nhau, bởi vì cả hai liên kết với nhau chặt chẽ và được cử hành cùng một lúc.[1] Đức Piô X (1903-1914) trong Sắc lệnh Lamenabili của Bộ thánh vụ (1907) cũng đã khẳng định:

Không có gì minh chứng rằng nghi thức bí tích Thêm Sức đã được các Tông đồ áp dụng. Lịch sử Kitô giáo nguyên sơ hoàn toàn không biết đến việc phân biệt rõ rệt giữa hai bí tích là phép Rửa và phép Thêm Sức.[2]

[youtube]OlwHGhhHmvM[/youtube]

Cho tới ngày nay, Giáo hội Đông phương vẫn duy trì thói quen cử hành bí tích Thêm Sức ngay sau khi cử hành phép Rửa.

Ngày nay, Giáo hội Công giáo cử hành bí tích Thêm Sức như một bí tích riêng biệt, tách biệt khỏi phép Rửa. Việc cử hành được nhìn nhận từ Công đồng Trentô. Trước đó, bí tích này qua dòng lịch sử đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau như việc đặt tay, dấu ấn, xức dầu…

Nhiều đoạn Kinh thánh cho chúng ta những chứng từ quan trọng về ân huệ của Thánh Thần được thông ban cho các tín hữu. Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ: “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”[3] Quả thật, khi Đức Kitô chưa được tôn vinh thì chưa ai được đón nhận Thần Khí:

Hôm ấy… Đức Giêsu đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.” Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh.[4]

Đặc biệt, Sách Công Vụ Tông Đồ có thể coi là quyển Tin mừng về Chúa Thánh Thần khai mở thời kỳ mới của Đấng Phục Sinh, thời kỳ ơn Chúa Thánh Thần được ban tràn đầy trên các tín hữu, thời kỳ lời hứa ban Thánh Thần của Chúa Giêsu được thành tựu. Quả thật Chúa Thánh Thần đã ngự xuống tràn đầy trên các Tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần;[5] và sau đó Thánh Thần xuống tràn ngập trên trên các cộng đoàn tín hữu tiên khởi.

Quả vậy, trong phần trình bày về bí tích Thêm Sức, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã nhấn mạnh đến những hoạt động và sự hiện diện của Thánh Thần. Truyền thống của Tây phương cũng như truyền thống phong phú của Đông phương đều nhấn mạnh đến vai trò của Thần Khí; các chiều kích cá nhân và Giáo hội của ơn Thần Khí trong bí tích này, cũng đều được nêu bật. Như vậy, bí tích Thêm Sức hiện nay có thể coi như một lời khẩn cầu rộng lớn Giáo hội dâng lên để nguyện xin Thần Khí ngự xuống.

Và giờ đây trong mục II này, chúng ta cùng tìm hiểu về bí tích Thêm Sức trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, vai trò của Chúa Thánh Thần trong nhiệm cuộc cứu độ; mối tương quan giữa bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Tẩy; chiều kích Hội thánh của bí tích Thêm Sức; đồng thời tìm hiểu về việc cử hành và suy tư thần học về bí tích Thêm Sức qua dòng lịch sử Hội thánh. (trích Từ cạnh sườn bị đâm thâu, tr 203-205)

 

 


[1] Xc. Cv 8, 14-17; 19, 1-7.

[2] Ds 3444; trích lại theo Bearbeitet von Günter Koch, Bí tích học qua các tác giả, dẫn nhập và tuyển chọn trong bộ Texe Zur Dogmatik, Verlag Styria, Graz, Wien, Köln, 1991; tr. 290.

[3] Lc 24, 49.

[4] Ga 7, 38-39.

[5] Xc. Cv 2, 1-13.

Trả lời