Tấm bánh đem tới phúc trường sinh


Tấm bánh đem tới phúc trường sinh

 

Tấm bánh đem tới phúc trường sinhCó sinh ắt có tử. Đó là quy luật lẽ thường tự nhiên. Đối với việc một con người được sinh ra, khi còn là một bào thai, không ai có thể biết hôm nay mình sẽ chào đời ở nơi này, hay ngày mai ở nơi kia. Nhưng đối với sự chết, sau khi chào đời và khôn lớn, một điều chắc chắn rằng, ai cũng có thể biết, rồi mai đây, mình sẽ phải trở về với tro bụi.

Trở về với bụi tro, hay nói theo kiểu bình dân đó là sự chết. Vâng, sự chết là một nỗi ám ảnh suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Trải qua hàng ngàn thế kỷ, nhân loại đã tốn nhiều công sức để tìm kiếm  phương cách trường sinh bất tử.

Trong số những nhân vật có niềm tin sẽ tìm ra phương thuốc trường sinh bất tử, có lẽ nổi đình nổi đám nhất đó là Tần Thủy Hoàng. Vì muốn được mãi mãi ở ngôi vua, vị hoàng đế này đã ra lệnh cho đạo sĩ Tử Phúc thực hiện một cuộc hải trình ra biển khơi, tìm đến một hòn đảo có tên là Bồng Lai, vì ông vua này tin rằng ở đó có thuốc tiên, uống vào sẽ được trường sinh bất tử.

Than ôi! Thuốc đâu không thấy, chỉ thấy Tử Phúc cùng đoàn tùy tùng của ông ta, nhân cơ hội đó, trốn sang Nhật Bản và tị nạn ở đó. Giấc mơ trường sinh bất tử của Tần Thủy Hoàng vẫn mãi chỉ là giấc mơ. Cuối cùng vị hoàng đế này đã phải mang giấc mơ đó xuống tuyền đài khi chỉ mới bốn mươi chín tuổi.

Có thể nói, từ cổ chí kim, nhân loại đã hoàn toàn thất bại trong việc tìm kiếm sự trường sinh bất tử. Phải chăng vì con người chưa tìm ra đúng nơi, đúng chỗ?

Xin thưa, đúng vậy. Có một người, và chính người này, chẳng những có một thứ lương thực “đem lại phúc trường sinh” mà còn sẵn sàng ban phát thứ lương thực đó một cách nhưng không, cho bất cứ ai tin và muốn đón nhận.  

Người đó chính là Đức Giêsu.

*****

Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Nazareth, Đức Giêsu bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng. Nơi được cho là Đức Giêsu thường lui tới rao giảng chính là thành phố Caphacnaum.

Trong ba năm thi hành sứ vụ, Caphacnaum chính là thành phố được hưởng nhiều điều tốt lành từ Đức Giêsu.

Thật vậy, tại nơi đây, Đức Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ. Điển hình là sự kiện chữa lành cho một người bị quỷ ám, cũng như sự kiện chữa cho một người bại liệt được khỏi v. v… Vâng, những sự kiện đó đã khiến ai nấy đều kinh ngạc và sửng sốt.

Tiếng lành đồn xa, chính vì thế, bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Đức Giêsu, dù là ở vùng Thập Tỉnh hay ở Giêrusalem hoặc ở Giuđê, người ta vẫn luôn thấy được hình ảnh “dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Ngài”.

Hôm đó, như một thông lệ, vào một buổi chiều tà, sau biến cố gặp gỡ với dân chúng trên một ngọn núi cao, môn đệ của Đức Giêsu, một lần nữa, “xuống thuyền đi về phía Caphacnaum bên kia Biển Hồ”.

Hoàng hôn buông xuống mà vẫn không thấy bóng dáng Đức Giêsu, dân chúng lập tức loan tin cho nhau, và như có một sự gì thôi thúc, lập tức  “họ xuống thuyền đi Caphacnaum tìm Người”(Ga 6, 24).

Tìm Đức Giêsu ư! Vâng, đây không phải là lần đầu tiên họ đi tìm Ngài. Rất nhiều lần  họ «lũ lượt kéo đến đi theo Ngài» (Mt 4:25).

Nhưng tệ thật! Hôm nay họ tìm Đức Giêsu với một lý do hết sức trần tục. Họ tìm Đức Giêsu «không phải vì đã thấy dấu lạ». Họ đi tìm Ngài chỉ vì «đã được ăn bánh no nê».

Được ăn bánh no nê… Vâng, có lẽ họ nghĩ, dấu lạ Đức Giêsu đã làm, với năm chiếc bánh và hai con cá cho khoảng năm ngàn người ăn, chẳng qua cũng giống như xưa kia «tổ tiên chúng tôi đã ăn man na trong sa mạc».  Và hôm nay, nếu Đức Giêsu là Môsê tái thế, quả là «trúng mánh» to.  

Nếu đúng như vậy… thật đáng tiếc ! Và tiếc thật, cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu, hôm đó,  đã không có tiếng nói chung. Một bên chỉ nghĩ  đến những chuyện liên quan tới sự sống “trần gian”. Đối với Đức Giêsu, Ngài muốn họ nhận ra rằng, còn có sự sống “trên trời”.  Sự sống đó không thể được nuôi dưỡng bởi những thứ “lương thực mau hư nát” nhưng phải được nuôi bởi thứ “lương thực thường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh” (Ga 6, 27).

Vâng, giáo lý của Đức Giêsu quả đúng là một thứ “giáo lý mới”. Mới…  nhưng không phải vì thế mà phủ nhận rằng, manna xưa không phải là “bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.

Bánh manna xưa, thật là bánh từ trời, nhưng cũng chỉ là “một thứ bánh mau hư nát”. Còn manna hôm nay, chính là “thứ lương thực Con Người sẽ ban cho” một thứ bánh đem lại phúc trường sinh “bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”

Và hôm đó, tại Caphacnaum, Đức Giêsu dõng dạc tuyên bố trước cử tọa rằng: “Chính tôi là bánh trường sinh” (Ga 6, 35).

Một phút tâm tình và suy tư…

Giả sử, có một người hàng xóm, hôm qua sang nhà của ta và được ta tặng hai trăm ngàn, hôm sau người hàng xóm đó lại đến với ý định sẽ xin ta thêm ba trăm ngàn, nhưng không được đáp ứng… Hãy thử tượng người hàng xóm đó nghĩ gì về ta? Và ta, ta sẽ nghĩ gì về họ?

Phải chăng, những người đi tìm Đức Giêsu hôm đó cũng có tâm trạng như người hàng xóm nêu trên?

Vâng, trước làn sóng những người đi theo, Đức Giêsu không phải là không quan tâm đến nhu cầu “thuộc thể” của họ. Nhưng nếu Ngài đến thế gian chỉ để làm những việc chữa bệnh, hóa bánh ra nhiều v. v…  thì có lẽ hôm nay, Đức Giêsu cũng chỉ ngang cỡ hoặc nhỉnh hơn chút đỉnh danh y Hoa Đà.

Và nếu Đức Giêsu đi tới đâu cũng chỉ “quay cuồng” trong việc làm phép lạ hóa bánh ra nhiều thì giỏi lắm, hôm nay, thiên hạ cũng chỉ coi Ngài ngang hàng với  ảo thuật gia David Copperfield là cùng.

Đúng vậy, vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu đến thế gian không để trở thành nhà ảo thuật, biến “đá thành bánh”. Bởi nếu có làm như thế thì tấm bánh đó cũng chẳng khác nào “manna xưa, tổ tiên họ đã ăn và đã chết”.

Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối. Thế còn thương linh hồn bảy mối thì bỏ sao? Vâng, là người Công Giáo không ai không biết điều này.

Kinh Thánh có lời khuyên “đừng bắt kẻ túng thiếu đợi lâu mới được con giúp đỡ” (Hc 4,3). Nhưng, “nếu con làm việc thiện, thì hãy biết con làm cho ai” (Hc 12, 1)  

Vâng, đến thế gian, Đức Giêsu biết Ngài đến để làm gì, đến vì ai và làm cho ai.

Vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu đến thế gian, là “để ai tin… thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Sự sống muôn đời đó không thể được nuôi dưỡng bởi thứ lương thực của trần gian, nhưng là thứ lương thực bởi trời, và lương thực bởi trời chính là “Lời Thiên Chúa” như có lần Đức Giêsu đã cảnh cáo satan rằng  “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).

*****

Hôm nay, phải chăng lời cảnh cáo trên của Đức Giêsu chính là lời khuyên cho chúng ta?

Đúng vậy, và thánh Phaolô tiếp lời khuyên rằng “tôi khuyên anh em : đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo tư tưởng phù phiếm của họ”.

Có một câu chuyện được kể rằng ; “Sivil là một người phục vụ trong đền thờ. Khi được hỏi rằng, bà muốn được thưởng công thế nào cho xứng đáng với công phục vụ của mình, Sivil đã trả lời như sau: Xin cho tôi được trường sinh bất tử.

Lời cầu xin của bà đã được toại nguyện.

Khi tất cả mọi người thân, bạn bè quen biết đều lần lượt ra đi. Thế hệ này đến, rồi thế hệ khác lại đi. Sivil vẫn sống trước mọi biến cố vui buồn xảy đến trong cuộc đời của mình.

Nhưng, dù không chết, thân thể của Sivil mỗi ngày một tàn tạ, nếp nhăn của thời gian cũng từ từ hiện lên trên mái tóc, trên khuôn mặt của bà ta.

Bất tử… nhưng bà vẫn không tránh khỏi bệnh tật ngày càng gia tăng theo năm tháng. Không chết…  nhưng thân xác của bà ngày càng khô héo và nhỏ lại đến độ cuối cùng, bà có thể chui vào một trong cái chai nhỏ.

Chính trong cái chai nhỏ ấy, một hôm, có một người đã khám phá ra bà ta. Giờ đây, khi được hỏi, bà mong mỏi điều gì, bà Sivil trả lời: Tôi chỉ muốn chết. Sivil đã xin được bất tử, bà đã được như ý. Giờ đây bà chỉ còn một nỗi khao khát là được chết. (nguồn : internet)

Qua câu chuyện kể trên, phải chăng ước mơ của Sivil là một ước mơ phù phiếm? Đúng vậy. Ước mơ của một Kitô hữu tất nhiên cũng là ước mơ được trường sinh bất tử, nhưng không phải kiểu trường sinh bất tử của Sivil.

Nếu một Kitô hữu biết sống một cuộc sống đầy ý nghĩa và tốt đẹp… Nói cách khác, cũng theo lời khuyên của tông đồ Phaolô, nếu một Kitô hữu sống đúng những gì đã “học biết về Đức Kitô… được nghe nói về Đức Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu” cho đến khi qua đời…

Vâng, hình ảnh người Kitô hữu đó sẽ vẫn sống mãi trong lòng mọi người. Và đó, chính là cách “trường sinh bất tử” mà ai cũng có thể thực hiện được.

Hãy tự hỏi lòng mình, tôi đã có được một cuộc sống như thế chưa? Và một cuộc sống như thế có phải là một điều khó thực hiện?

Thánh Đa Minh đã sống và đã thực hiện được, vì thế dù đã chết vào năm 1221 nhưng Ngài vẫn trường sinh bất tử cho đến hôm nay. Ngày 08.08 hàng năm, Ngài  vẫn được toàn thể cộng đoàn dân Chúa long trọng nhớ đến.

Có quá khó để sống một cuộc sống giống như thánh Đa Minh? Thưa không. Thánh Phaolô khuyên “anh em phải để Thần Khí đổi mới anh em”.

Chính Thần Khí Chúa sẽ thôi thúc chúng ta “mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4, 24).

Thật sự sống công chính và thánh thiện, đó chính là cách sống dẫn đến phúc trường sinh.

Là một Kitô hữu, hãy tự hỏi lòng mình rằng: tôi đã có Thần Khí Chúa? Nếu chưa có, hãy như những người theo Chúa xưa mà nguyện xin  “Thưa Ngài, xin cho chúng con”.

Và  hãy nhớ, Thần Khí Chúa chính là “tấm bánh đem tới phúc trường sinh”. 

Petrus.tran

 

Trả lời