Tại sao Chúa lại chọn hang đá Belem?

 

Tại sao Chúa lại chọn hang đá Belem?

 

Tại sao Chúa lại chọn hang đá Belem?

Đêm nay trời lạnh cóng, gió thổi ù ù ngoài kia đập xầm xập lên mái tôn của nhà ai, trời như sắp có bão. Các khớp xương của tôi lạnh buốt, đã nhiều năm nay tôi không chịu được lạnh như một cụ già gần đất xa trời. Tôi co người cuộc tròn trong chăn ấm nệm êm, thế mà vẫn không sao ngủ được. Tôi nghĩ đến những người bất hạnh đang sống ngoài vỉa hè, những người sống trong những căn nhà hở hang gió lạnh mà không đủ áo ấm…

Cái lạnh buốt thấm vào da thịt, trời đã vào đông, chỉ còn ít ngày nữa thôi là đến lễ Giáng Sinh rồi. Dòng suy tưởng của tôi hướng về Chúa Giê-su Hài Đồng, một baby nằm trong máng cỏ lạnh lẽo?”. Bỗng nhiên, những câu hỏi lóe lên trong óc tôi “Tại sao Chúa lại sinh ra trong thân phận một người nghèo khổ? Nếu cho Người chọn lại, thì Người có còn chọn hang đá Bê-lem lạnh lẽo để chào đời không?” Tôi bật cười vì cảm giác như Chúa Giê-su trách yêu mình “Cái con nhỏ này! Thiệt là lí lắc!” Nhưng rồi tôi như nghe thấy Chúa hỏi:

“Nếu ta cho con chọn lại, con có dám chọn lại con đường mà mình đã đi hay không?”

Tôi nhắm nghiền mắt lại, hình dung ra cả một chặng đường dài đã vượt qua. Những mốc thời gian chạy vùn vụt trong đầu… tôi nhớ lại những ngày còn bé học ở trường mẫu giáo với soeur Kính, nhớ cái bàn học có những ô vuông màu xanh màu đỏ… Nhớ những ngày cùng bố ngắm giàn mướp đơm hoa, nhớ những ngày cùng cả nhà gặt lúa dưới ánh trăng non… những tháng ngày niên thiếu trên nương rẫy xiết bao cực khổ, nhưng ngập tràn hạnh phúc. Cô bé mười ba tuổi trong tôi đã cảm nghiệm được biết bao điều quý giá của cuộc sống!

Mùa xuân 1982, khi vừa bước vào tuổi mười bảy, một bước ngoặt trong cuộc đời, tôi bị bệnh tiểu đường type I, phải phụ thuộc vào insulin suốt đời. Thời điểm ấy, đã mấy tháng liền, tôi không nhìn thấy chữ mà lại nhìn thấy một tương lai đen ngòm trước mắt. Sau mấy tháng điều trị, tôi có thể tiếp tục việc học, và với câu thần chú “XIN CHO CON ĐỦ SỨC CHỊU ĐỰNG”, tôi đã sống như một người không có bệnh. Tôi chẳng hề nói với ai về việc mình lo sợ sẽ bị mù, ngay cả bố mẹ tôi cũng không biết rằng tôi đang chuẩn bị cho mình cái ngày sẽ bước vào bóng tối. Tôi nghĩ ngày ấy chắc cũng còn xa…

Tuổi mười bảy bẻ gẫy sừng trâu, tôi đã năng nổ sống như ngày mai mình sẽ phải chết. Tôi hạnh phúc với một thời sinh viên sôi nổi… những lần làm MC cho chương trình văn nghệ của nhà trường, những đêm đốt lửa trại hò hát cùng lũ bạn… Tôi nhớ những ngày làm cô giáo dạy Toán cho lũ học trò cấp II… Có lần lũ nhóc rủ tôi cùng đi chơi với chúng, thấy mấy cặp tình nhân ngồi lấp ló dưới các lùm cây, tôi ngứa ngáy muốn nghịch ngợm như cái thời “nhất quỷ, nhì ma” lắm! Nhưng chẳng lẽ cô giáo mà lại đi trêu ghẹo người ta, tôi nháy mắt ra hiệu cho lũ học trò đi chọc phá họ. Lũ nhóc khoái chí thực hiện mệnh lệnh của cô giáo mà miệng đứa nào cũng tủm tỉm…

Tôi nhớ ngày mình viết đơn xin nghỉ dạy ở cái tuổi hai mươi sáu, cái nghề bị người ta gán cho là “bạc bẽo như vôi” thế mà phải chia tay với nó đã khiến lòng tôi đau như cắt. Nhưng thiên hạ lại bảo tôi bỏ nghề đi buôn để làm giàu! Họ đâu biết rằng tôi phải bỏ nghề vì không còn nhìn rõ chữ để chấm bài cho học trò nữa!

Tôi nhớ ngày nhập viện vì bị xuất huyết trong đáy mắt, chỉ một buổi sáng hôm ấy, tôi phải nghe hơn mười bác sĩ kết luận “Bệnh này phải chịu… case này thế giới cũng bó tay!” Những ngày nằm trong bệnh viện tôi không cho mẹ tôi vào, bảo “Cả nhà cứ lo làm ăn, con bệnh đã tốn tiền của mẹ rồi! Con còn tự lo liệu cho mình được, mẹ cứ yên tâm!” Kỳ thực, tôi không muốn người nhà thấy mình khóc vì buồn. Người để tôi tâm sự trong những ngày đó chính là Mẹ Maria, những tràng chuỗi Mân Côi đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi và đau buồn.

Sau 5 ngày nằm viện, tôi trở về nhà với một tia hy vọng le lói, một bà bác sĩ hứa sẽ dùng phương pháp chiếu tia Laser vào đáy mắt, giúp tôi ngăn chặn căn bệnh phát triển. Dù sao cũng còn hơn là không có cách nào như lời mười mấy vị bác sĩ trước đó đã nói. Tôi ngồi nhà chờ phone của bà bác sĩ tốt bụng, bà bảo tôi chờ vì hiện máy chiếu tia Laser trong bệnh viện St. Paul đã bị hư. Đó là chiếc máy chiếu Laser duy nhất ở Việt Nam vào thời điểm đó. Chờ phone mãi sốt ruột, tôi tìm đến bệnh viện, nhưng lần nào cũng chỉ nhận được câu trả lời “Phụ kiện để sửa máy phải mua ở Pháp, Đoàn công tác của bệnh viện chưa về!” . Trong hai tháng chờ đợi, mắt phải của tôi bị bong võng mạc hoàn toàn, không còn nhìn thấy gì nữa. Cũng thời gian đó, mẹ tôi đã hoàn tất thủ tục để mở một pharmacy, niềm mơ ước đã ấp ủ từ lâu của bà. Bà giao cho tôi trông coi, tôi học những nguyên tắc cơ bản để bán thuốc Tây từ người dược sĩ đứng tên cho cửa tiệm. Để có thể nắm vững các công dụng của mỗi loại thuốc, tôi mua một cuốn “Từ điển thuốc” và đọc nó với một con mắt chỉ còn thị lực 1/10. Từng chữ, từng chữ một tôi dùng kính lúp say mê nghiên cứu “Từ điển thuốc” trong những lúc ế ẩm. Sau một tháng, tôi trở thành nhân viên chính thức của cửa tiệm. Vì khách hàng bảo tôi mát tay, uống thuốc do tôi bán mau khỏi, họ không thích mua từ cô dược sĩ. Tôi thì cho rằng, họ khỏi bệnh nhờ ơn Chúa, vì mỗi sáng trước khi bắt tay vào việc tôi đều nói thầm “Xin Chúa chữa những bệnh nhân mà con bán thuốc cho họ đều mau khỏi bệnh!”

Rồi tôi cũng nhận được phone của bác sĩ, bà gọi lên để chiếu tia Laser cho con mắt còn lại của tôi. Lên tới nơi, người ta bảo máy hư vì bộ phận lọc nước trong máy không hoạt động. Lại những ngày chờ đợi… Cuối cùng, tôi cũng được chiếu tia Laser. Nhưng chẳng bao lâu sau con mắt đó bị xuất huyết trở lại. Bác sĩ điều trị mắt cho tôi bảo “Em về đợi chừng nào đáy mắt quang trở lại thì lên đây! Đáy mắt quang tôi mới làm cho em được!” Cái “chừng nào” ấy sẽ không bao giờ xảy ra nữa!

Tôi nhớ… buổi sáng hôm đó, tôi cầm lấy toa tuốc của một khách hàng, mặc dù tôi sử dụng kính lúp để đọc nhưng toa thuốc trống trơn. Chẳng có chữ nào hết, một cảm giác chết lặng trong tôi! Hình ảnh Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá vụt thoáng qua trong đầu; phải, mặc dù tôi đang đứng đó nói cười với khách hàng và tay chân tôi vẫn đang cử động, nhưng sâu thẳm trong tôi có cảm giác mình bị đóng đinh chân tay vào thập giá! Thế là hết! Từ nay tôi sẽ chẳng còn nhìn thấy chữ nữa! Song, trước mặt tôi lúc ấy là 5, 6 người khách đang chờ mua thuốc. Tôi cố kìm những giọt nước mắt đang dần ứa ra hai bên khóe mắt, may mà tôi đeo kính đậm màu. Tôi cố mỉm cười duyên dáng với khách, xin lỗi họ vì mắt tôi quá kém, rồi gọi với vào phía trong để nhờ bố tôi đọc toa thuốc giùm. Tôi tự nhủ “Để lát nữa hãy khóc!”, bây giờ phải tiếp xong mấy người khách này đã. Những người khách đi rồi tôi lại ứa nước mắt, lần này thì như suối chảy… Nhưng trước mặt tôi là dòng người đi chợ qua lại không dứt, tôi lại nhủ “Để đến tối hãy khóc!”. Đêm hôm ấy, tôi chẳng khóc được nhiều, vì phải tính toán cho những bước đi trong tương lai… Những ngày sau đó, tôi tiếp tục bán thuốc với sự trợ giúp của người nhà. Cũng may, Chúa đã ban cho tôi có trí nhớ tốt và cung cách làm việc khoa học, nên khách hàng thấy tôi đọc tên thuốc, chỉ chỗ và mô tả màu sắc một cách chính xác, họ vẫn tin tưởng vào tôi. Nhưng rồi gia đình tôi phải chuyển chỗ ở, tôi không còn bán thuốc Tây nữa, quay sang trông nom con nhỏ cho mấy anh chị em trong nhà…

Sức khỏe tôi yếu dần, những biến chứng của bệnh tiểu đường đã dồn dập kéo đến, có lẽ vì tôi ít hoạt động hơn trước. Tôi nhớ… những ngày tháng nằm dài trên giường và những cơn đau… có khi tôi ói mửa liên tục suốt mấy ngày ròng. Tôi trải qua những cơn đau thần kinh ngoại biên và nhiều đêm thức trắng. Những ngày tháng đó thật là ảm đạm, tôi nằm bẹp trên giường như một cái mền rách. Người nhà đưa tôi đến bệnh viện rồi đưa tôi về với những bọc thuốc to đùng. Nhưng càng uống thuốc thì tôi lại càng bị ói nhiều hơn! Cuối cùng tôi vứt hết thuốc đi và phó mặc bệnh tình cho Chúa! Ban đêm, khi những cơn đau đã vắt kiệt sức, tôi nghĩ đến Chúa Giê-su trên thập tự. Tôi nghĩ đến cái đau của người bị đóng đinh, và cảm thấy cái đau của mình không là gì cả. Cảm giác đau đớn dần dần dịu êm đưa tôi chìm vào giấc ngủ… Cứ mỗi sáng, tôi lại thầm mong Chúa sẽ gởi đến cho tôi điều gì đó mới mẻ. Và có những niềm vui tuy bé nhỏ nhưng đã đem lại hạnh phúc cho tôi suốt ngày hôm đó! Cứ như thế, tôi nhích đi từng giây phút một giữa đời. Tám năm, tám năm như thế trôi qua!

Noel năm 2001 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời tôi. Một người bại liệt gọi phone khuyến khích tôi đi lễ dành cho người khuyết tật ở Nhà thờ Đức Bà. Tôi không muốn đi, nhưng vì sợ phụ lòng tốt của anh, nên cuối cùng tôi cũng nhờ em gái chở đến Nhà thờ Đức Bà vào sáng ngày 25/12/2001. Buổi sáng đó, khi nghe một cô gái đọc Thánh thư với giọng rất diễn cảm và lưu loát, tôi hết sức ngạc nhiên vì em gái tôi bảo đấy là giọng của một cô gái mù. Sau đó, tôi biết cô gái ấy tên là Oanh sống ở Mái ấm Thiên Ân. Thế là tôi tìm đến mái ấm Thiên Ân, xin học chữ nổi và học sử dụng computer. Tôi nhớ những ngày say mê luyện tập trên máy vi tính và tập đọc, tập viết chữ Braille… nhớ mình đã suýt khóc vì ngón tay trỏ bên phải của tôi không sao nhận biết được các chấm nổi. Cũng may, tôi vẫn có thể đọc được chữ nổi bằng ngón trỏ trái! Những ngày háo hức tập viết chữ nổi phải bỏ dở, chứng thoái hóa đốt sống cổ khiến tôi đau phát ói khi phải ngồi và phải cử động hai cánh tay. Căn bệnh này chính là nguyên nhân bắt tôi nằm trên giường suốt bao ngày tháng. Một bác sĩ ở Trung tâm Chấn Thương Chỉnh hình đã tặng tôi một cái “gông” đỡ cần cổ cho bớt đau. Nhờ nó tôi có thể ngồi lâu tập đọc tập viết, có hôm tôi ngồi miệt mài suốt 6 tiếng đồng hồ liền. Cuối cùng, tuy chậm hơn so với bạn bè, song bằng cách riêng của mình, tôi vẫn có thể viết chữ Braille những khi cần. Tôi cảm thấy Chúa đang mở ra cho tôi một chân trời mới! Giống như trong những câu chuyện cổ tích, tôi phải trải qua nhiều chặng thử thách cam go, để rồi cuối cùng tôi được bước vào một khu rừng đầy hoa thơm cỏ lạ!

Không phải là bà tiên hay một ông bụt nào đó đã hiện ra, dắt tôi vào khu rừng cổ tích. Chính Chúa Giê-su đã làm việc đó! Bởi vì, tôi biết, không có tình yêu của Thiên Chúa thông qua những người thân bạn hữu, tôi đã không thể vượt qua được những thử thách chông gai của đời mình!

Qua những bàn tay nhân ái đó, tôi cảm nhận được một điều hết sức quan trọng: Chúa đang đồng hành với tôi! Người dắt tôi đi trong miền thung lũng tối… Từ mái ấm Thiên Ân… đến Hội người mù quận Tân Bình… Qua những anh chị em đồng cảnh ngộ, tôi học được sự nhẫn nhịn và nhận ra rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người! Tôi tìm hiểu cách thức người mù đi chợ, nấu ăn, ủi đồ… tôi theo một chị bán vé số để coi người mù buôn bán ra sao… cũng có lần tôi theo mấy người mù đi ăn cơm Chùa để xem họ ăn uống ở bên ngoài thế nào… Chỉ mấy tháng sau tôi đã có thể hòa nhập với họ, và cảm thấy mình tự tin trở lại.

Tôi nhớ những ngày cùng người bạn mắt kém tập đi xe bus và đi bộ tập thể dục… những buổi chiều hai đứa chúng tôi đi dạo trong công viên, xem hoa nở và nghe tiếng chim hót. Một người mù vẫn có thể ngắm những bông hồng bằng cảm giác của đôi bàn tay mình!

Và làm sao tôi có thể quên được cái lần đầu mình đã thực sự biết nói lời cảm tạ Thiên Chúa! Đó là khi tôi viết hai câu kết cho bài thơ “Cô gái mù với ly café trắng”:

   Cô giơ tay hướng về Thượng đế:

   “Xin cảm ơn Người, Người mãi ở bên con!”

Đó là lúc biết bao cảm xúc dâng trào, khiến tôi nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình là rất cụ thể, Thiên Chúa ở bên tôi qua những con người trần thế.

Tại sao Chúa lại chọn hang đá Belem?Bài thơ “Cô gái mù với ly café trắng” đã bắc cầu nối cho tôi đến được với biết bao người! Từ bài thơ này, tôi quen biết với Thanks God. Thanks God là bút danh của một người bị teo cơ cả tứ chi. Người bạn của tôi cho biết, anh lấy bút danh này để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa; vì trong sự bất toàn của anh, Chúa vẫn thương ban cho anh khả năng vẽ tranh để có thể gởi gấm vào đó biết bao tâm tình. Chính Thanks God đã vẽ tặng cho tôi bức tranh “Bình yên của cỏ” vào Noel năm 2004. Tôi nhớ… câu nói của bố mình “Ai lại đi tặng tranh cho người mù bao giờ!” Lúc đó, tôi đã phản biện: “Ồ! Con vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh này bố ạ!” Thanks God vẽ bức tranh theo bài thơ “Bình yên của cỏ” mà tôi đã viết sau chuyến đi Đà lạt vào hè 2004. Tôi quý bức tranh của Thanks God lắm! Qua câu chuyện của chị P., một người khuyết tật vận động, tôi mới biết, thì ra… trong cuộc hội chợ dành cho người khuyết tật ở Đầm Sen trước đó, Thanks God có triển lãm bốn bức tranh do anh sáng tác. Một khách thập phương đã rất muốn mua bức tranh “Bình yên của cỏ”, nhưng Thanks God từ chối, không bán. Chị P. tỏ ý ngạc nhiên hỏi, “Người ta trả giá cao thế sao không bán?”. Thanks God bảo với chị rằng anh ta vẽ bức tranh này để tặng tôi. Chị P. khuyên Thanks God cứ bán đi, rồi vẽ bức khác tặng cho Thủy sau cũng được. Nhưng Thanks God nói “Không được! Em đã định vẽ để tặng cho chị Thủy thì sẽ không bán với bất cứ giá nào!” Nghe vậy, tôi hết sức cảm động, và càng quý bức tranh ấy hơn. Thỉnh thoảng nhớ đến nó, tôi lại tới gần rờ nhè nhẹ lên lớp sơn dầu như một người đang ngắm tranh vậy.

Tôi nhớ về cả quá trình Chúa đã dắt tôi vào lối thơ của Ngài… Thực sự, tôi đâu phải là thi sĩ, mà làm thơ nói về Chúa thì tôi lại càng không có năng khiếu! Như một sự tình cờ và cũng có thể nói là gượng ép, tôi đã phải học “Elements of Poetry” of Hadley School for the Blind. Lý do là tiếng Anh của tôi thì quá kém, nhưng người giáo viên trước đó giúp tôi hoàn thành “English Skills” vì biết tôi thích làm thơ nên đã đăng ký giùm tôi “course” này mà không chờ ý kiến của tôi. Để khỏi phụ lòng người giáo viên tốt bụng, tôi đành phải học Poetry. Không ngờ sau khi học xong, tôi có thể viết những bài thơ nói về tình yêu của Chúa một cách ngon lành. Chính con đường vào lối thơ ca tụng Chúa đã mở ra cho tôi một chân trời mới. Tôi như một con chiên lạc được Chúa đưa về sống giữa đồng cỏ xanh, hằng ngày tôi được uống nước suối trong của vị Chúa chiên lành… Sức khỏe tôi dần dần tăng tiến, chứng thoái hóa cột sống đã giảm bớt dẫu chẳng uống viên thuốc nào, tôi không còn phải đeo “gông” để đỡ cần cổ nữa!

Cũng từ người bại liệt đã rủ tôi đi nhà thờ Đức Bà trong dịp lễ Noel đó, tôi đến với anh chị em khuyết tật vận động… Qua họ, tôi học được rất nhiều điều và nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa rõ hơn. Ánh mắt chịu đựng của họ trước vẻ khinh mạn của đồng loại chính là ánh mắt của Chúa Giê-su trên Thánh giá.

Sống giữa cộng đồng người khuyết tật, tôi cảm thấy chúng tôi dễ hiểu nhau, dễ chia sẻ, dễ gắn bó và dễ yêu thương nhau hơn! Chúng tôi hiểu rất rõ những khó khăn, những hạn chế, những thiệt thòi, những trăn trở của nhau! Người này thấy nỗi đau của mình không là gì so với người kia, người kia thì lại thấy nỗi đau của mình thật là nhỏ bé so với người nọ… chúng tôi thương nhau hơn là vì vậy! Có lần tôi đã nói với mẹ: “Mẹ ơi! Nếu con không bị mù thì con không thể nào yêu thương những người khuyết tật như Chúa đã dạy, có chăng chỉ là thương hại mà thôi! Bây giờ con mới thực sự đồng cảm với họ, để mà yêu thương họ như Chúa đã dạy mẹ ạ!”

Tôi nhớ đến chị T., một người khuyết tật vận động bán vé số, nổi tiếng là đanh đá đến nỗi ít ai dám gần gũi với chị. Chị đã không được người nhà yêu thương như lẽ ra chị phải được thế. Người ta ai cũng cho là chị đanh đá dữ dằn, nhưng đâu phải như mọi người nghĩ. Đôi lần có dịp nói chuyện với chị, tôi tỏ vẻ tôn trọng và sẵn sàng nghe chị, thì ra chị T. cũng dễ thương lắm! Tôi đọc được những khát vọng của chị qua những tâm tình chia sẻ, muốn học hỏi và ngay cả cái đanh đá của chị nữa! Chị T. khát khao được học hành tử tế, được người ta tôn trọng, được làm việc từ thiện như bao nhiêu người khác. Nếu tôi sinh ra trong hoàn cảnh như chị, chắc có lẽ tôi cũng sẽ đanh đá như chị!

Tôi đã có rất nhiều thứ mà chị T. đã không có! Sự yêu thương, tôn trọng, và cảm thông của bố mẹ, anh chị em, bạn bè và người quen. Còn nhiều thứ nữa mà càng kể ra thì tôi lại càng thấy chị T. đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Nghĩ đến đây tôi thấy hạnh phúc trong tôi như muốn vỡ ra, và nó vỡ ra thật! Những giọt nước mắt tự nhiên lăn tròn trên má tôi rồi chảy tràn xuống gối… Tôi khóc vì thương chị T., thương những số phận con người không đi bằng hai chân mà phải đi bằng hai bàn tay bò trên mặt đất. Chúa ơi! Sao lại có nhiều người khổ quá vậy hở Chúa?

Tôi như nghe được tiếng Chúa nói “Nếu con không bị mù thì con có thấu hiểu cho những con người thống khổ đó hay không? Nếu Ta cho con chọn lại, con có dám chọn con đường mà mình đã đi hay không?” Bây giờ thì tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi “TẠI SAO CHÚA LẠI CHỌN HANG ĐÁ BÊ-LEM?” rồi!

Tôi đã mặc lấy thân phận mù lòa để rồi nhận ra rằng chính Chúa Ki-tô mới đích thực là ánh sáng của đời mình. Nhãn quan này đã khai mở cho tôi biết bao điều kỳ diệu, sự mù lòa về thể lý chẳng làm tôi xao xuyến! Chính trong thân phận mù lòa, tôi mới cảm thông và gần gũi được với những anh chị em khuyết tật khác. Từ đó tôi hiểu ra rằng, Chúa Giê-su đã chọn được sinh ra trong hang đá Bê-lem là để gần gũi và cảm thông với những người nghèo khổ, cơ hàn.

Nếu tôi không phải là một người mù, có thể lúc này đây tôi đang làm MC cho một chương trình văn nghệ nào đó, có thể tôi đang mải mê kiếm tiền để sắm cho mình một chiếc xe hơi đời mới… Những điều đó đối với tôi giờ đây đều trở nên xa lạ. Tôi sẵn sàng chọn lại con đường mà Chúa đã dắt tôi đi. Chúa cùng tôi đi qua thung lũng tối mà vẫn nhìn thấy hoa thơm cỏ lạ. Hoa thơm cỏ lạ chúng tôi nhìn thấy như những bông hoa xương rồng, bất chấp sỏi đá khô cằn hoa vẫn nở những sắc màu rực rỡ và hình dáng kỳ lạ của hoa…

… Để giờ đây, tôi ngồi viết về những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho tôi, một cô gái mù đã nhìn thấy ánh sáng niềm tin từ Thiên Chúa. Ánh sáng mà tôi nhìn thấy đó là ánh sáng tỏa ra từ thập giá Đức Ki-tô. Ánh sáng đó đã và đang dẫn dắt tôi đi qua miền thung lũng tối…!

Noel 2013

Vũ Thủy

Trả lời