Tài hoa và đức mến của người ngã ngựa tại Damas



Tài hoa và đức mến của người ngã ngựa tại Damas



Tài hoa và đức mến của người ngã ngựa tại DamasNếu có một câu hỏi dành cho Thánh Phaolô: “Hãy mô tả Ngài bằng 4 từ?”,  tôi sẽ chọn: tài hoa và đức mến.

Đức mến

Sự dấn thân, nhiệt tình vô điều kiện của Thánh Phaolô trong truyền rao Lời Chúa thể hiện trong cả lời nói và việc làm. Đối với Ngài, Thiên Chúa là tất cả. Các bài viết của Thánh Phaolô thường hay lặp lại các câu ngắn sau “trong Đức Kitô”, “Thiên Chúa của tôi”, “ nhờ Đức Kitô”, “với Đức Kitô”, “Đức Kitô ở trong tôi”. . . Đối với Ngài tình yêu với Thiên Chúa là tuyệt đối.

Ngài đi truyền giáo khắp mọi nơi: Sýp, Pamphilia, Pixidia, Corinto. . .Bị bắt nhiều lần: lần 1 tại Giêrusalam, lần 2 tại Palestin, lần 3 tại Roma. . . cuối cùng là tử đạo. Ngoài việc truyền giáo trực tiếp bằng lời giảng, Ngài còn viết các thư cho các cộng đoàn lẫn các cá nhân. Tuy các đối tượng mà Ngài rao giảng là khác nhau, nhưng điểm hội tụ mà Ngài truyền tải là “Đức Kitô đã chết và đã sống lại”.

Tài hoa

Cuốn Tân Ước dày khoảng 800 trang thì số trang của Thánh Phaolô chiếm khoảng 200 trang, so sánh như thế mới thấy gia tài đồ sộ mà Ngài để lại cho con cháu. Lối viết súc tích, lôi cuốn, rực lửa làm bài viết của Ngài nổi trội trong toàn bộ cuốn Tân Ước. Tất cả các điều trên đạt được được có lẻ Ngài lấy từ nguồn cảm xúc vô tận từ Chúa Giêsu Kitô, để các bài đọc trở thành những đoạn văn vượt thời gian. Ngày nay, 13 thư của Ngài là một trong các chủ để cho các chương trình Thần học và cho chính mỗi chúng ta, những người đang muốn đến gần với Chúa hơn thông qua các lời giảng tâm huyết, mạch lạc rõ ràng của Ngài dành cho hậu thế. Chúng ta có thể tìm thấy chính mình trong các thư của Ngài muốn mô tả,  khi trìu mến, lúc quở trách, kể cả những đau khổ của Ngài khi thấy chúng ta đang đi trên các con đường thiện ác vô lường.

Ngài là nhà truyền giáo, nhà văn, nhà tổ chức, nhà hùng biện, khai phá và vun trồng. Tài hoa của Ngài đã được Thiên Chúa tuyển chọn để  trở thành khí cụ sắc bén trong việc truyền rao và xây dựng giáo hội thời sơ khai. Đặc biệt, đối tượng rao giảng của Ngài rất đa dạng. “Người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt dân ngoại, vua chúa và con cái Israel.” (Cv 9, 15)

Chữ NGỘ

Không ai trong chúng ta có thể quên đoạn Kinh Thánh mô tả Thánh Phaolô được Chúa Giêsu chinh phục trên đường đi Damas. Nó minh chứng rằng, cách mà Thiên Chúa gọi con người là đa dạng và cách gọi Thánh Phaolô là rất đặc biệt. Với một trải nghiệm quá lớn lao như thế với bản thân, Thánh Phaolô đã trở thành một con người khác sau biến cố ngã ngựa. Cái khoảnh khắc sát na đó, đã làm Thánh Phaolô chợt NGỘ. Sau đó Ngài bị mù, không ăn, uống 3 ngày (Cv 9, 9). Tưởng họa mà lại hóa phước. Chết để được phục sinh.

Sau đó Ngài lao vào các hoạt động mà chúng ta đã biết. Vấn đề đặt ra là, Ngài không được thụ hưởng sự giảng dạy trực tiếp từ Chúa Giêsu, vậy ngôn từ, tri thức của Ngài đến từ đâu? Trong (Cv 13, 2) nói rõ, Thánh Thần bảo “Hãy dành riêng Banaba và Phaolô cho ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi 2 người ấy làm”. Vậy, sự khôn ngoan, trí mẫn tiệp, sức lực mạnh mẽ của Ngài có từ Chúa Thánh Thần.

Ngài không chỉ diện kiến Thiên Chúa một lần khi ngã ngựa mà còn vài lần  khác trong (Cv 13, 2), (Cv 26, 16). Đó là hồng ân Thiên Chúa dành cho Ngài. Nói chung dành cho tất cả những ai có tinh thần giống Ngài.

Thiên tài của Thánh Phaolô làm chúng ta suy nghĩ, tại sao Ngài có thể làm được những chuyện lớn lao như thế? Xin được giải thích và kết luận bài viết bằng một câu trong tin mừng (Ga 15, 6)

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong kẻ ấy thì người ấy sinh nhiều HOA TRÁI. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”

Lạy Thánh Phaolô, xin luôn trợ giúp sưởi ấm lòng mến Chúa, yêu người trong mỗi chúng con. Và xin cho chúng con được một phần tài hoa của Ngài.

G. Tuấn Anh.

 

Trả lời