Suy Tôn Thánh Giá

 

 

NGÀY 14 THÁNG CHÍN

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Suy Tôn Thánh GiáLòng tôn sùng Thánh Giá đã ra đời từ những thời kỳ đầu của Giáo Hội. Ngày lễ này đã được mừng từ thế kỷ IV. Hôm nay, Giáo Hội nhớ lại ngày hoàng đế Heraclius tìm được Thánh Giá sau khi chiến thắng quân Ba tư.

Những bản văn trong bài lễ và phụng vụ giờ kinh hôm nay tuyên xưng Thánh Giá là khí cụ ơn cứu rỗi. Vì nguyên tổ chúng ta đã phạm tội dưới bóng cây gỗ, nên Thiên Chúa đã đoái thương thực hiện công trình cứu rỗi chúng ta trên cây gỗ Thánh Giá.

23.1 Nguồn gốc ngày đại lễ.

Qua cuộc Thương Khó của Chúa, Thánh Giá đã trở nên ngai vinh quang, không còn là một hình cụ xử tội nữa. Vinh quang thay Thánh Giá đã đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Nhờ Thánh Giá mà chúng ta đã chiến thắng. Với Thánh Giá chúng ta sẽ được cai trị. Vì Thánh Giá mà mọi sự dữ sẽ bị hủy diệt, Alleluia.1

Ngày đại lễ chúng ta mừng hôm nay có nguồn gốc từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo. Theo chứng cứ từ xưa, lễ này ghi nhớ ngày tìm được Thánh Giá Chúa Giêsu đã chịu tử nạn.2 Ngày lễ này sau đó lan rộng trong Giáo Hội Tây Phương và không bao lâu đã được mừng kính trong toàn thể Giáo Hội. Tại Roma, trước khi cử hành thánh lễ, người ta tổ chức cuộc cung nghinh từ vương cung thánh đường Đức Bà Cả đến vương cung thánh đường thánh Gioan Lateran để tôn vinh Thánh Giá.3

Vào đầu thế kỷ VII, quân Ba Tư tàn phá thành phố Jerusalem. Họ phá hủy nhiều thánh đường và chiếm đoạt nhiều thánh tích. Một ít năm sau, hoàng đế Heraclius đã chiếm lại được thành thánh. Theo một truyền tụng đạo đức, hoàng đế mặc hoàng bào lộng lẫy, uy nghi trang trọng, đích thân vác Thánh Giá lên đồi Canvê. Thánh Giá trở nên rất nặng đến độ hoàng đế không thể vác nổi để hành hương theo đường thương khó. Giám mục Jerusalem khi ấy là Zecariah đã giải thích rằng để vác được Thánh Giá, nhà vua phải noi gương khó nghèo của Chúa Kitô, Đấng không dính bén của cải giàu sang trần thế. Hoàng đế Heraclius lập tức cởi bỏ hoàng bào và mặc y phục đơn sơ. Khi ấy, vua đã vác được Thánh Giá lên đỉnh Canvê.4

Khi còn nhỏ, chúng ta đã học làm dấu Thánh Giá trên trán, trên môi, và trên ngực như một dấu chỉ để tuyên xưng đức tin. Giáo Hội tôn kính Thánh Giá trên các bàn thờ khi cử hành phụng vụ và cả bên ngoài những nơi phượng tự. Là cây có mùi vị thơm tho nhất, Thánh Giá còn là một vũ khí linh diệu để ngăn chặn sự dữ, nhất là xua tan nỗi sợ hãi của chúng ta trước những kẻ thù phần rỗi. Hằng ngày chúng ta vẫn cầu nguyện khi làm dấu Thánh Giá: Lạy Chúa, vì dấu Thánh Giá xin chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ.

Một giáo phụ đã dạy: Thánh Giá là khiên thuẫn chống lại ma quỉ mà cũng là một biểu hiệu chiến thắng. Đó là lời hứa chúng ta sẽ không bị Thần Chết vượt qua (Xh 9:12). Thánh Giá là công cụ của Thiên Chúa để nâng dậy những ai sa ngã và phù giúp những ai đang chiến đấu. Thánh Giá là chiếc nạng đỡ cho người què quặt và sự hướng dẫn cho người ương ngạnh. Thánh Giá là đích điểm lúc nào cũng phải hướng đến, là nguồn suối cho linh hồn và thể xác chúng ta. Thánh Giá xua trừ mọi sự dữ, tiêu diệt tội lỗi và kín múc vô vàn lợi ích cho chúng ta. Thánh Giá thực sự là hạt mầm ơn phục sinh và là cây sinh sự sống muôn đời.5 Trong thánh lễ chúng ta cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha hằng hữu, vì vâng phục Cha, Con Một Cha đã chấp nhận cái chết trên thập giá vì phần rỗi nhân loại. Chúng con xưng nhận mầu nhiệm thập giá trên trần gian, ước chi chúng con cũng được lãnh nhận tặng ân cứu độ trên thiên đàng.6

Thánh giá hiện diện trong đời sống chúng ta bằng nhiều cách. Thánh giá có thể là bệnh tật, nghèo đói, mỏi mệt, đau đớn, khinh khi hoặc cô đơn. Hôm nay, trong giờ cầu nguyện, chúng ta hãy xét lại tâm hồn chúng ta khi đối diện với thánh giá. Mặc dù nhiều khi rất khó đón nhận, nhưng thánh giá có thể trở thành một nguồn thanh luyện, Sự Sống, và niềm vui, nếu như chúng ta đón nhận với lòng yêu mến. Khi gặp thánh giá, ước chi chúng ta đừng bao giờ thở than, nhưng hãy cảm tạ Chúa về những thất bại, đau khổ, tổn thiệt, vì chúng thanh luyện chúng ta. Những nghịch cảnh như thế là những cơ hội giúp chúng ta đến gần Chúa hơn.

23.2 Chúa chúc lành cho những ai yêu mến thánh giá.

Bài đọc Một trong thánh lễ hôm nay kể lại việc Thiên Chúa trừng phạt dân Israel vì tội kêu trách Giavê và Moses khi họ gặp những trở ngại trong hoang mạc.7 Thiên Chúa cho rắn bò ra và đổ xuống trên họ những tai ương. Sau cùng, họ đã sám hối, và Thiên Chúa phán cùng Moses: Ngươi hãy làm một con rắn đồng và treo trên giá. Nếu ai đã bị cắn mà nhìn lên nó thì sẽ được sống. Vậy Moses làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cái giá. Bất kỳ ai đã bị cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được sống. Rắn đồng là biểu tượng của Chúa Kitô trên Thánh Giá, bởi vì tất cả những ai nhìn lên Người trong niềm tin đều được ơn cứu độ.

Chúa đã giải thích với Nicodemus: Con Người phải được treo lên như Moses đã treo rắn đồng lên trong sa mạc, để những ai tin vào Người thì được sự sống đời đời.8 Từ giờ phút ấy, con đường nên thánh phải qua thánh giá. Dưới bóng thánh giá, những thực tại không hiểu nổi như đau khổ, nghèo đói, thất bại và việc hãm mình đều có ý nghĩa. Hơn nữa, thánh giá còn là dấu chỉ về tình yêu đặc biệt Thiên Chúa dành cho những ai Người muốn ban cho nhiều ơn lớn lao. Ước chi chúng ta vui mừng khi gặp thánh giá, và như thế, thánh giá trở nên hiệu quả trên phương diện thiêng liêng cho chúng ta, bởi vì chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn con tim nhân loại mà thôi. Trong thánh giá có sự thánh thiện. Chúng ta hãy luôn vác thánh giá trong tình yêu. Phải chăng bạn đang chịu một sự thử thách? Phải chăng bạn đang gặp gian nan? Bạn hãy thưa lên một cách chậm rãi, như thể nghiền ngẫm từng lời, ‘Ước chi thánh ý rất công bình và rất đáng mến của Chúa được thể hiện, được hoàn tất, được chúc tụng, và muôn đời được tán dương trên hết mọi sự. Amen. Amen.’ Tôi đảm bảo rằng bạn sẽ tìm được an vui.9

23.3 Hoa quả của thánh giá.

Lạy Thánh Giá rất trung tín, là cây cao quí nhất trong mọi cây. Không có cây nào có lá, hoa, và trái cao quí sánh bằng.10

Lòng yêu mến thánh giá sinh ra kết quả phong phú nơi linh hồn. Trước tiên, thánh giá giúp chúng ta tìm gặp Chúa Giêsu một cách mau chóng. Người đến gặp chúng ta và nghiêng vai vác đỡ phần nặng nề nhất trong bất cứ thử thách nào mà chúng ta gặp phải.

Trong thánh giá, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa hơn bất cứ khi nào khác. Người ta kể lại thánh nữ Catharine khi gặp thánh giá hằng kêu cầu Chúa như không thấy Người đâu. Đến khi đau khổ đã qua mới thấy Chúa hiện đến, thánh nữ liền trách Chúa: Khi con đau khổ thì Chúa ở đâu? Chúa trả lời, Khi ấy Cha ở trong con để giúp con có sức chịu đựng.

Khi gặp đau khổ, chúng ta hãy nhớ chính Chúa Giêsu cũng đã vác thánh giá và đã chết trên thánh giá trước vì yêu chúng ta. Chúa đã phán: Con Người đã phải chịu đau khổ rồi mới vào vinh quang. Bao nhiêu thánh tử đạo đã suy đến tình yêu Chúa mà vượt qua được tất cả những bách hại và hình phạt man rợ nhất để giờ đây muôn đời được vinh phúc trên quê trời.

Khi gặp đau khổ, chúng ta hãy nghĩ đến tình yêu Chúa, và cả những anh chị em khác, những người có thể còn đang chịu nhiều đau khổ nghiệt ngã hơn ta. Bao nhiêu người nghèo khó, đói khát, bao nhiêu trẻ em không được đi học, bệnh tật, và chịu đối xử bất công khắp thế giới, bao nhiêu nhà truyền giáo âm thầm chịu mọi thiếu thốn để đem Tin Mừng đến cho những miền đất xa xôi, bao nhiêu chủ chăn đang phải đương đầu với những vấn đề gai góc trong Giáo Hội. Khi nghĩ đến nỗi đau của tha nhân, chúng ta sẽ quên đi nỗi khổ của mình, và chúng ta sẽ thấy mình cao thượng hơn.

Khi đang vác thánh giá nặng nề lên núi Canvê, Chúa Giêsu đã dừng lại để an ủi các phụ nữ đạo đức thành Jerusalem. Hỏi còn cảnh nào cảm động hơn, hỏi còn tình yêu nào cao cả hơn. Ước chi khi cảm thấy sức nặng thánh giá, chúng ta hãy nhớ đến tình yêu Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nhớ đến những đau khổ của bao nhiêu người khác, và cả những đau khổ của các linh hồn nơi luyện ngục, và đặc biệt hãy nhớ lời Thánh Kinh: Những đau khổ đời này không là gì sánh với phần thưởng vinh quang sẽ tỏ ra cho chúng ta ở đời sau.

Trả lời