Sự Sống, Quà Tặng Và Trách Nhiệm

Sự Sống, Quà Tặng Và Trách NhiệmVĩnh Thịnh, OP.

Đi vào hiện hữu, một quà tặng cao quí

Tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi mà con người không ngừng tự đặt ra cho chính mình. Trong vũ trụ bao la đầy huyền bí này, con người chỉ là một sinh vật bé nhỏ nhưng cũng là “một cây sậy biết suy tư” (Pascal). Tố chất biết suy tư giúp cho con người không chỉ sống mà còn biết chiêm ngưỡng chính sự sống. Qua đó họ khám phá ra rằng sự sống chính là một huyền nhiệm.

Nhìn lại lịch sử cuộc đời chính mình, bạn sẽ phải thốt lên lời vui mừng và tạ ơn. Từ hư vô bạn đi vào hiện hữu. Nếu trong quá trình trên chỉ cần có một sự kiện nhỏ bị “lệch” đi thì có thể sẽ chẳng có bạn trên cõi đời này. Có những giây phút rất ngắn ngủi nhưng lại rất quan trọng như là giây phút bố mẹ bạn gặp nhau và quyết định hôn nhân; là giây phút một tinh trùng (trong khoảng 300 – 500 ngàn tinh trùng) kết hợp với trứng; là quá trình hình thành cơ thể trong bụng mẹ; v.v.. Sự có mặt của bạn trên cõi đời này là kết quả của những quá trình sinh học phức tạp và hoàn hảo mà cho đến ngày nay khoa học_dù tiến bộ rất nhanh_ cũng không thể nào thấu hiểu hết được. Đứng trước những huyền nhiệm đó, con người chỉ biết hướng nhìn lên Thượng Đế mà thán phục vả cảm tạ.

Có lẽ Dothái là dân tộc sớm nhận biết và đặt cuộc đời mình dưới sự che chở và hướng dẫn của Đấng Tạo Hóa. Những lời sau đây của Tiên tri Isaia từ thế kỷ thứ VIII TCN vẫn còn âm hưởng cho đến ngày nay:

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây,
hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý:
Đức Chúa đã gọi tôi
từ khi tôi còn trong lòng mẹ,
lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. (Is 49,1)

Đời người thường có những thời điểm rất quan trọng. Hai trong số các thời điểm đó là lúc sinh và lúc tử. Mặc dù là hai thời điểm quan trọng nhất nhưng ta lại không được hay không có quyền làm chủ. Vậy thì ai? Chính Thiên Chúa Hằng sống. Quả vậy, dù cha mẹ là những tác nhân trực tiếp trong việc lưu truyền sự sống nhưng chính Thiên Chúa mới là chủ tể sự sống. Thánh vịnh 127 có câu : “Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban.” (Tv 127, 3). Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã các đôi vợ chồng, là những người “được kêu gọi lưu truyền sự sống, luôn ý thức về ý nghĩa của sự sinh sản, bởi sự sống là một biến cố đặc biệt chứng tỏ sự sống nhân linh là một hồng ân đã được nhận lãnh thì tới phiên nó cũng phải được ban tặng.”

Chính vì sự sống là một quà tặng cao quí đến từ Thiên Chúa nên con người không có quyền làm tổn hại sự sống, dù là sự sống của chính mình. Ngược lại, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào như khổ đau, bệnh tật, suy yếu, v.v., sự sống vẫn quí giá và là hồng ân của Thiên Chúa.

Sự sống cao quí là vậy, thế nhưng trong mọi thời đại, sự sống luôn bị đe dọa dưới nhiều hình thức với nhiều nguyên nhân và mức độ khác nhau.

Những đe dọa chống lại sự sống

Chính đức Giêsu khi mới sinh ra cũng bị quyền lực Hêrôđê đe dọa sự sống đến nỗi gia đình Ngài phải đi lánh nạn! Suốt ba năm đời sống công khai, mạng sống của Ngài luôn bị đe dọa bởi những người đứng đầu tôn giáo trên chính quê hương mình.

Lịch sử con người được ghi lại và tô đậm bằng những cuộc chiến tranh đẫm máu. Sự sống bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như thiên tai, bệnh dịch, đấu tranh giai cấp hay chống quân xâm lược. Thế nhưng đau đớn hơn cả là con người đe dọa sự sống của nhau bằng những nguyên ích kỷ, hưởng thụ, những hành động vô lương tâm. Đáng tiếc thay những hiện tượng này ngày càng gia tăng trong các xã hội hiện đại.

Công đồng Vatican II đã lên án tất cả những gì đi ngược lại sự sống, như giết người, diệt chủng, phá thai, giết chết cách êm dịu, hoặc tự tử trực tiếp; tất cả những gì xâm phạm sự toàn vẹn của con người, như cắt bỏ một phần thân xác; tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm, như nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ con; kể cả những tình trạng làm việc nhục nhã: tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều thực sự ô nhục.

Vậy mà ngày nay, chiến tranh vẫn còn diễn ra rải rác khắp nơi, nhất là vấn nạn khủng bố, bắt cóc con tin đã đặt sự sống con người ở vài nơi luôn trong tình trạng nguy hiểm. Thậm tệ hơn nữa khi một số quốc gia chấp nhận việc phá thai hay làm cho chết cách êm dịu. Tình trạng mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em vẫn diễn ra thường xuyên trên khắp thế giới. Ngoài ra, việc truyền bá các mầm móng của sự chết còn phát sinh bởi sự bành trướng đầy tội ác của ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Nói chung không thể kể hết những đe dọa chống lại sự sống con người, vì trong thời đại chúng ta, những đe dọa ấy được che đậy dưới rất nhiều hình thức và chúng len lỏi vào mọi ngỏ ngách của cuộc sống một cách rất tinh vi.

Tìm lại sự sống viên mãn trong Đức Kitô.

Trước tình trạng sự sống đang bị đe dọa nghiêm trọng, chúng ta cần đi tìm lại ý nghĩa và giá trị sự sống đích thực và viên mãn. Ý nghĩa và giá trị này chỉ tìm thấy trong một đời sống kết hợp thân thiết với Đức Giêsu Kitô, Đấng là “sự sống và là sự sống lại” (Ga 11, 25) của mỗi chúng ta.
Thật vậy, “Tin mừng về sự sống ở ngay trung tâm sứ điệp của Chúa Giêsu”. Đó là câu mở đầu trong thông điệp tin mừng về sự sống của Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Thực vậy, Chúa Giêsu khẳng định “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Con người đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, do đó con người cũng thông chia sự sống viên mãn với Ngài. Dù cho tội lỗi len lỏi vào trần gian làm gián đoạn sự sống đó nhưng cuối cùng nó đã được chính Con Thiên Chúa chuộc lại bằng chính cái chết và sự phục sinh.
Nước trời đang đến chính là trọng tâm sứ điệp của Đức Giêsu. Nước trời đây không chỉ là sự sống mai sau nhưng là được khởi sự trong trong trần gian này. Thật vậy, khi trả lời Phêrô rằng “chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18, 29-30), Chúa Giêsu không chỉ hứa hẹn sự sống viên mãn ở đời sau nhưng là ngay ở đời này.

Chúa Giêsu khẳng định Người chính là sự sống (x. Ga 14, 6) và ai tin vào Người thì sẽ được sự sống đời đời (x. Ga 3, 36). Người không chỉ khẳng định bằng lời nói mà còn thể hiện cách cụ thể qua cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá. Cuộc phục sinh của người chính là bằng chứng cho sự sống lại của chính chúng ta (x. Rm 8,11). Đặc biệt, Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. “Trong Bí tích này, Chúa thực sự trở nên lương thực cho chúng ta, thỏa mãn cơn đói khát sự thật và tự do của chúng ta. Vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta (x. Ga 8, 32), nên chúa Kitô trở nên lương thực sự thật cho chúng ta”.

Thánh Augustin đã từng thao thức: “Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không cần có chúng ta cộng tác; nhưng Người đã không muốn cứu độ chúng ta mà không có chúng ta góp phần” ( T. Âu tinh bài giảng 169, 11,13 ). Sự sống đã được trao ban cho mỗi người chúng ta. Đức Kitô đã đến để chuộc lại sự sống đó. Phần còn lại chính là trách nhiệm cộng tác của mỗi người chúng ta. Liệu chúng ta có ý thức trách nhiệm đối với sự sống của ta cũng như của anh em mình hay không?

Tóm lại, sự sống là một  mầu nhiệm và là một hồng ân. Mỗi người chúng ta phải biết quí mến sự sống của chính mình cũng như tôn trọng sự sống của anh em đồng loại. Xưa kia Đức Chúa đã hỏi Cain “Em ngươi đâu?” (St 4,9), bây giờ Người cũng sẽ hỏi mỗi người chúng ta về trách nhiệm mà ta phải có đối với người khác. Giới răn mới của Đức Giêsu đòi hỏi mỗi kitô hữu tôn trọng, mến yêu và thăng tiến sự sống của mọi anh em. “Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3, 16).

Trả lời