Sứ điệp ngày Truyền thông Xã hội 16.05.2010

 
 

Sứ điệp của ĐTC Bênêđictô XVI
nhân ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 44

Chúa Nhật 16/05/2010

“Linh mục và việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số :
những phương tiện truyền thông hiện đại phục vụ Lời Chúa”


Sứ điệp ngày Truyền thông Xã hội 16.05.2010Anh chị em thân mến,

Chủ đề của Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội năm nay – “Linh mục và việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số: những phương tiện truyền thông hiện đại phục vụ Lời Chúa” – nhằm trùng khớp với việc Giáo Hội cử hành Năm Linh Mục. Chủ đề này nhấn mạnh đến một lãnh vực mục vụ quan trọng và nhạy cảm, lãnh vực truyền thông kỹ thuật số, trong đó các linh mục có thể khám phá ra những khả năng mới mẻ để thực thi thừa tác vụ phục vụ Lời Chúa của mình.

Các cộng đoàn Giáo Hội vẫn hằng sử dụng những phương tiện truyền thông hiện đại để thúc đẩy việc truyền thông, dấn thân với xã hội, và gia tăng nhiều hơn việc cổ võ đối thoại ở cấp độ rộng lớn hơn. Tuy nhiên, sự bùng nổ tăng trưởng mới đây của các phương tiện truyền thông hiện đại và ảnh hưởng xã hội lớn lao của chúng đã làm cho chúng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết cho thừa tác vụ linh mục được sinh nhiều hoa trái.

Bổn phận hàng đầu của linh mục là loan báo Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, và thông truyền ân sủng cứu độ trong các bí tích. Được Lời Chúa quy tụ và triệu tập, Giáo Hội là dấu chỉ và là dụng cụ của sự hiệp thông mà Thiên Chúa thực hiện với mọi người, và mỗi linh mục được kêu gọi để xây dựng sự hiệp thông đó, trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Đó là phẩm giá và vẻ đẹp rất cao trọng của sứ vụ linh mục, nó đáp ứng cách đặc biệt cho lời thách đố của thánh Phaolô: “Quả thế, Kinh Thánh nói: Bất kỳ ai tin vào Người sẽ không phải hối tiếc… Quả thế, tất cả những ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu thoát. Thế nhưng, làm sao họ kêu cầu vị Chúa mà trước tiên không tin vào Ngài ? Làm sao tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi ?” (Rm 10, 11,13-15).

Giữa những biến chuyển văn hóa hôm nay mà người trẻ đặc biệt nhạy cảm, câu trả lời thích đáng cho lời thách đố trên đây cần phải bao hàm việc sử dụng những kỹ thuật truyền thông hiện đại. Thế giới kỹ thuật số, với khả năng diễn tả hầu như vô hạn của nó, làm cho chúng ta, hơn bao giờ hết, nhất trí với lời cảm thán của thánh Phaolô: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng !”(1Cor 9, 16).

Việc mỗi ngày một sẵn có nhiều hơn các phương tiện truyền thông hiện đại, đòi hỏi những người được mời gọi rao giảng Lời Chúa phải chịu trách nhiệm lớn hơn, nhưng cũng đòi buộc họ phải tập trung hữu hiệu và thúc bách hơn trong những nỗ lực của mình.

Các linh mục đứng trước ngưỡng cửa của một thời đại mới: Vì các công nghệ hiện đại tạo được những hình thức quan hệ sâu xa hơn, vượt qua được những khoảng cách lớn hơn, nên, các linh mục được mời gọi đáp ứng lại trong công việc mục vụ của mình bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông cách hữu hiệu hơn bao giờ hết để phục vụ Lời Chúa.

Việc phổ biến nhiều phương tiện truyền thông đa năng và những trình đơn tuỳ chọn phong phú của chúng có thể khiến chúng ta nghĩ rằng: chỉ cần hiện diện trên web là đủ, hoặc xem nó chỉ như một không gian để lấp đầy. Đúng ra, các linh mục được trông mong hiện diện trong thế giới kỹ thuật số như là những chứng nhân trung thành của Tin Mừng, thực thi cách chính đáng vai trò lãnh đạo cộng đoàn, những cộng đoàn không ngừng gia tăng việc diễn tả chính mình với những “giọng nói” khác nhau được cung cấp bởi thị trường kỹ thuật số.

Như vậy, các linh mục được thách đố loan báo Tin Mừng bằng cách sử dụng những tài nguyên nghe-nhìn thuộc thế hệ mới nhất (hình ảnh, video, phim ảnh, blogs, websites) là những phương tiện, cùng với những phương tiện truyền thống, có thể mở ra những triển vọng to lớn mới mẻ cho việc đối thoại, phúc âm hoá và dạy giáo lý.

Sử dụng những kỹ thuật truyền thông hiện đại, các linh mục có thể giới thiệu cho người ta biết đời sống của Giáo Hội và giúp người đương thời khám phá ra khuôn mặt của Chúa Kitô. Họ sẽ hoàn thành tốt mục tiêu này nếu, ngay từ lúc còn ở trong trường đào tạo, họ học biết cách sử dụng thích hợp và thông thạo những kỹ thuật này, được uốn nắn bởi một sự thấu hiểu thần học lành mạnh, và phản ánh một linh đạo linh mục vững vàng, đặt nền tảng trên cuộc đối thoại liên lỉ với Chúa.

Nhưng các linh mục, hiện diện trong thế giới truyền thông kỹ thuật số, sẽ được người ta để ý về sự gần gũi Đức Kitô và con tim linh mục của họ, hơn là sự hiểu biết của họ về phương tiện truyền thông. Điều này không chỉ làm sinh động những hoạt động mục vụ vươn xa, nhưng còn ban tặng “linh hồn” cho những cơ cấu truyền thông tạo ra mạng web.

Sự chăm sóc yêu thương của Chúa dành cho mọi người trong Đức Kitô phải được diễn tả trong thế giới kỹ thuật số, không chỉ như chuyện giả tưởng trong quá khứ, hay như một lý thuyết nghiên cứu, mà là một thực tại cụ thể, hiện thực, đầy sức lôi cuốn.

Như vậy sinh hoạt mục vụ của chúng ta trong thế giới thế giới kỹ thuật số phải giúp cho người đương thời, đặc biệt cho nhiều người trong ngày sống của ta đang trải nghiệm sự hoang mang bối rối, thấy “rằng: Thiên Chúa thật gần gũi; rằng: trong Chúa Kitô, tất cả chúng ta thuộc về nhau.” (ĐTC Benêđictô XVI, Diễn từ cho Giáo Triều Rôma, ngày 21.12.2009).

Còn ai hơn linh mục, với tư cách là người của Chúa, bằng những khả năng của mình trong kỹ thuật số đương thời, có thể triển khai và đem ra thực hành một sự “vươn ra” mang tính mục vụ, có khả năng làm cho Thiên Chúa hiện diện cách cụ thể trong thế giới hôm nay, và trình bày sự khôn ngoan tôn giáo trong quá khứ như là một kho tàng phong phú tạo cảm hứng khiến ta nỗ lực sống xứng đáng trong hiện tại, trong khi xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Các nam nữ tu sĩ, làm việc trong các phương tiện truyền thông, có nhiệm vụ đặc biệt là mở cửa cho những hình thức gặp gỡ mới mẻ, giữ gìn phẩm chất cuộc giao tiếp của con người với nhau, và quan tâm tới những cá nhân cũng như những nhu cầu thiêng liêng đích thực của họ. Như thế, các tu sĩ có thể giúp cho những người của thời đại kỹ thuật số cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, lớn lên trong nỗi mong đợi và niềm hy vọng, và được cuốn hút đến với Lời Chúa, Lời ban ơn cứu độ và cổ võ sự phát triển con người toàn diện.

Bằng cách này, Lời Chúa có thể băng qua nhiều giao lộ khác nhau của thế giới mạng internet, và cho thấy Thiên Chúa luôn có chỗ chính đáng của Ngài trong mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta.

Nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, Thiên Chúa có thể đi dạo trên những nẻo đường các thành phố của chúng ta, dừng chân trước ngưỡng cửa ngôi nhà và con tim của chúng ta, và một lần nữa lên tiếng gọi: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3,20).

Trong sứ điệp năm ngoái, tôi đã khích lệ các vị lãnh đạo thế giới truyền thông phát huy một nền văn hóa tôn trọng phẩm giá con người. Đó là một trong những cách thức mà Giáo Hội được kêu gọi để thực thi “việc phục vụ văn hóa” trên “châu lục kỹ thuật số” hôm nay.

Với Tin Mừng trên tay và trong tim, chúng ta phải tái khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục chuẩn bị những con đường dẫn đến Lời Chúa, trong lúc thường xuyên lưu tâm đến những người đang còn trong tâm trạng tìm kiếm; quả thực, chúng ta nên khích lệ sự tìm kiếm của họ như là bước khởi đầu của việc phúc âm hoá.

Chính vì việc mục vụ trong thế giới truyền thông kỹ thuật số giúp ta tiếp xúc được với những người theo các tôn giáo khác, với những người không tin, và với những người thuộc mọi nền văn hoá, nên nó đòi hỏi sự nhạy cảm đối với những người không tin, những người nản chí và những người đang âm ỉ sâu thẳm khao khát chân lý vĩnh cửu và tuyệt đối.

Đúng hệt như ngôn sứ Isaia đã thị kiến về một ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc (x. Is 56, 7), làm sao chúng ta lại có thể không nhìn thấy mạng web đang mở ra một không gian – giống như “hành lang của dân ngoại” trong Đền Thờ Giêrusalem – dành cho những người chưa biết Chúa.

Sự phát triển những công nghệ mới và thế giới kỹ thuật số mênh mông chính là tiêu biểu cho một tài nguyên lớn lao dành cho toàn nhân loại và cho mỗi cá nhân, và sự phát triển này thúc đẩy những giao lưu, gặp gỡ và đối thoại. Nhưng sự phát triển này cũng tiêu biểu cho một cơ hội to lớn dành cho các tín hữu. Không một cánh cửa nào có thể hoặc nên đóng lại trước những người nhân danh Chúa Kitô Phục sinh muốn dấn thân tới gần người khác.

Đặc biệt đối với các linh mục, những phương tiện truyền thông hiện đại cung cấp cho họ những khả năng mục vụ vươn xa và mới mẻ luôn mãi, khích lệ họ trở thành hiện thân của sứ mạng phổ quát của Giáo Hội, để xây dựng tình bằng hữu đích thực bao la, và làm chứng rằng: trong thế giới hôm nay, một cuộc sống mới đã nảy sinh nhờ việc lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng là Chúa Con muôn thuở đã đến giữa chúng ta để cứu độ chúng ta.

Đồng thời, các linh mục cũng phải ghi tâm điều này: hoa trái tột bực của tác vụ linh mục đến từ chính Đức Kitô, Đấng mà linh mục gặp được và lắng nghe Ngài khi cầu nguyện; loan báo về Ngài khi giảng dạy và làm chứng bằng đời sống; hiểu biết, yêu mến và cử hành Ngài trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và bí tích Giải Tội.

Thế nên, một lần nữa tôi mời gọi anh em linh mục yêu dấu hãy khôn ngoan sử dụng khả năng độc đáo của truyền thông hiện đại. Xin Chúa làm cho tất cả anh em trở thành sứ giả nhiệt thành của Tin Mừng trong một “hội trường” hiện đại được mở ra do những phương tiện truyền thông hiện đại.

Với niềm tin cậy đó, tôi khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa và Cha sở Họ Ars phù hộ anh em, và với lòng yêu mến, tôi gửi đến từng người trong anh em Phép Lành Tông Toà của tôi.

Vatican, 24.1.2010, Lễ Thánh Phanxicô de Sales
Đức thánh cha Bêneditô XVI

Trả lời