Sự công chính trước mặt Chúa (Bài 04)

Bài Giảng Trên Núi IV : Sự công chính trước mặt Chúa

Lm Giuse Phan Tấn Thành op

Sự công chính trước mặt Chúa (Bài 04)Kính thưa quý vị và các bạn,

Trong bài giảng trên núi, từ “công chính” được nói tới nhiều lần (5,6.10.20; 6,33). Thực ra, tiếng iustitia (justice) trong các tiếng Âu châu thường được dịch ra Việt ngữ là “công lý, công bằng”, áp dụng vào những mối tương quan giữa con người với nhau sống trong xã hội.

Thế nhưng Kinh thánh còn áp dụng danh từ ấy cho cả mối tương quan của con người với Thiên Chúa; vì thế mà nó được dịch là “công chính” (hay: ngay lành, chính trực).

Theo quan niệm phổ thông trong các tôn giáo, con người được coi là “công chính” khi mà ăn ở sòng phẳng với Thiên Chúa, thi hành đầy đủ các bồn phận mà Chúa đã truyền, cách riêng là các bồn phận đối với chính Chúa, quen gọi là các việc đạo đức. Đối lại, con người cũng có quyền đòi Thiên Chúa thanh toán nghĩa vụ của Ngài, tức là ban thưởng cho người lành. Thế còn đức Giêsu nghĩ thế nào về sự công chính ? Chúng ta thử tìm câu trả lời khi phân tích Bài giảng trên núi, trong phần dành cho các việc đạo đức (6,1-18). Giáo lý về sự công chính trước mặt Chúa được trình bày qua ba thí dụ điển hình nói về việc thực hành sự bố thí, sự cầu nguyện, sự ăn chay. Lối trình bày có tính cách phản đề; nhưng lần này sự đối chiếu không còn là với luật Moisen nữa bèn là với “bọn đạo đức giả” (giả hình). Nói chung, lối hành văn gồm hai vế, một vế tiêu cực và một vế tích cực như thế này:

1) Tiêu cực. Khi bố thí / cầu nguyện / ăn chay … anh em đừng làm như bọn đạo đức giả … Họ muốn cho thiên hạ khen. Thầy bảo thật anh em: Họ đã được phần thưởng rồi.

2) Tích cực. “Còn anh (ở số ít), khi bố thí / cầu nguyện / ăn chay, anh hãy làm thế này … để cho kín đáo. Và Cha trên trời, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

Trong khi trình bày sự cầu nguyện, thánh Matthêu không những đã ghi lại lời đức Giêsu đã dạy về thái độ khi cầu nguyện mà cả về nội dung lời nguyện, tóm lại trong kinh Lạy Cha. Trong bài hôm nay, trước hết, chúng tôi sẽ nói qua giáo huấn về sự công chính trước mặt Chúa; sau đó, chúng tôi sẽ phân tích kinh Lạy Cha.

I. Sự công chính trước mặt Chúa

Các rabbi Do thái thường phân biệt giữa kẻ công chính khi tuân hành Lề luật và người đạo đức khi thực hành các việc thiện. Nhưng ra như đức Giêsu không muốn biết tới sự phân biệt đó. Cả hai đều có thể gom lại trong quan niệm “công chính”. Trước đây, chúng ta đã biết quan niệm của Ngài về Lề luật rồi; bây giờ chúng ta hãy xem Ngài nghĩ gì về các việc thiện, điển hình là: bố thí, cầu nguyện, ăn chay. Đây là ba việc đạo đức của tín hữu Do thái, như sách Tobia (12,8) đã viết: “Sự cầu nguyện kèm theo ăn chay, sự bố thí kèm theo công bằng, thì quý hơn là giàu sang kèm theo tội lổi”. Nên biết là không có luật nào truyền buộc phải thực hành ba việc thiện đó; vì vậy mà chúng thường được coi như biểu hiệu của tâm tình đạo đức của con người muốn làm cái gì “tốt hơn”. Đức Giêsu không chỉ trích sự thi hành các việc đó; nhưng Ngài đả kích cách thức của bọn giả hình (đạo đức giả); đồng thời Ngài muốn dạy các môn đệ một cách thức để được Chúa chấp nhận.

Trong Phúc âm theo Matthêu, tiếng “giả hình” (hypokritês) có hai nghĩa. 1/ Giả hình có nghĩa là bôi bác cho có vẻ bề ngoài, chứ trong ruột thì rổng tuếch (Mt 15,7; 23,25.28); 2/ Giả hình có nghĩa là bất lương, chẳng coi Chúa ra gì hết (7,5; 23,13.14.15.23.29; 24,51); tư tưởng này đã có trong sách Giop 34,30; 36,13. Ở đây xem ra tiếng “giả hình” được hiểu theo nghĩa thứ nhất; dù sao thì thái độ giả hình được áp dụng cho những người thích quảng cáo rầm rộ cho thiên hạ biết công việc của mình. Tại sao gọi là giả hình ? Bởi vì họ không nhắm tới chủ ý của việc thiện là tôn vinh Thiên Chúa mà họ chỉ tìm cầu hư danh; như thế là bề trong với bề ngoài không ăn khớp với nhau!

Đối lại, đức Giêsu khuyên các môn đệ hãy thực hành các việc thiện cách kín đáo. Thực ra chủ yếu của lời khuyên không phải ở tại chỗ “kín đáo”, bởi vì trên đây, ngài đã khuyên các môn đệ phải ăn ở thế nào để cho thiên hạ thấy công việc tốt đẹp của họ mà tôn vinh Cha trên trời (5,16). Điều mà đức Giêsu nhấn mạnh ở đây là cần phải làm các việc thiện “để cho Cha trên trời thấy”, chứ không phải để cho thiên hạ thấy! Nói cách khác, sự công chính trước mặt Chúa đòi hỏi một sự thông hiệp thân mật với Chúa, tìm cách làm theo ý Chúa ngõ hầu làm đẹp lòng Ngài, và rồi Ngài sẽ ban thưởng.

Một thái độ thường xảy ra trong đời sống đạo là con người yêu sách Thiên Chúa phải trả công xứng đáng với việc lành mình đã làm. Thiên Chúa cũng phải giữ phép công bằng chứ! Phúc âm của Matthêu đã hơn một lần cảnh giác chúng ta về não trạng đó trong dụ ngôn về những người được gọi vào làm vườn nho (20,1-15). Mấy chàng hùng hục làm việc đầu tắt mặt tối tưởng rằng mình sẽ lãnh tiền công nhiều hơn những tên mới tới vào ban chiều; thế nhưng họ đã vỡ mộng ! Ở bài giảng trên núi, xem ra vấn đề đó không được đặt ra; nhưng dù sao, không thể so sánh mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa giống như công nhân đòi ông chủ trả lương, mà là “phần thưởng” (misthos: 5,12.46; 6,1.2.5.16) của Cha trên trời. Đó là một hồng ân, và hồng ân đó là Nước Thiên Chúa (5,3.10), tức là chính Thiên Chúa.

II. Kinh Lạy Cha

Thánh Matthêu đã xen kinh Lạy Cha vào bài giảng trên núi, trong khi thánh Luca đặt trong một bối cảnh khác (Lc 11,2-4). Chúng tôi xin miễn bàn khía cạnh phê bình văn bản khi đối chiếu giữa Matthêu với Luca. Chúng ta hãy phân tích kinh Lạy Cha trong bối cảnh của bài giảng trên núi.

Phần nào thánh Matthêu trình bày Kinh Lạy Cha theo lối văn của một phản đề. Trước hết là một thái độ tiêu cực; nhưng lần này không còn đối chiếu với luật cũ hay bọn giả hình nữa, mà là đối chiếu với “dân ngoại” (6,7: Anh em đừng lải nhải như dân ngoại). Tiếp đó là giáo huấn tích cực: “anh em hãy cầu nguyện như thế này”. Thoạt tiên xem ra đức Giêsu chỉ có ý dạy các môn đệ cầu nguyện vắn tắt chứ đừng có kể lể dài giòng như là dân ngoại; nhưng kỳ thực, Ngài đã mặc khải cho các môn đệ biết khuôn mặt của Thiên Chúa, để từ đó các môn đệ biết cách để mà đối xử với Cha trên trời. Thực vậy, trong bản kinh Lạy Cha, ta có thể thấy bản tóm lược của cả bản Tin mừng, bởi vì bản kinh gói ghém những tư tưởng chủ chốt của giáo huấn của đức Kitô. Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo (số 2761) đã trích dẫn tư tưởng của văn hào Tertullianô, coi bản kinh Lạy Cha như là tóm lược của toàn Phúc âm (breviarium totius Evangelii: De Oratione,1).

Quý vị có thể đọc bản chú giải kinh Lạy Cha ở các tác giả khác (thí dụ như Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo); ở đây chúng tôi chỉ muốn trình bày sự liên hệ tư tưởng với bài giảng trên núi.

A. Lời kinh được mở đầu như thế này: Lạy Cha chúng con, Đấng ngự trên trời. Trong suốt Bài giảng trên núi, Thiên Chúa được trình bày nhiều lần như là “Cha các con, Đấng ngự trên trời” (5,16.45.48; 6,1.8.14.15.26.32; 7,11). Hình ảnh đó được gắn với lên tính toàn thiện, lòng khoan nhân phổ quát cũng như sự chăm sóc ân cần cho từng thọ sinh. Ngài là “Cha” cho nên rất tốt lành; Ngài “ngự trên trời”, thấu suốt tất cả mọi sự và toàn năng vô biên. – Kinh “Lạy Cha” gồm có hai phần: mổi phần gồm ba lời cầu.

B. Ba lời cầu trong phần đầu tựu trung vào một điều mà duy một mình Thiên Chúa mới thực hiện nổi: đó là xin cho triều đại Ngài mau đến, nhờ thế Danh Ngài sẽ được tỏ lộ như là Đấng Thánh, và ý Ngài sẽ hoàn thành.

1) Thoạt tiên, xem ra lời cầu thứ nhất ước gì Danh Cha hiển thánh chẳng có nghĩa lý gì! Cần phải lồng nó trong bối cảnh của Cựu ước thì mới thấy được sự súc tích của nó. “Danh” của Chúa có nghĩa là việc Chúa bày tỏ bản tính uy nghi thánh thiện của Ngài. Danh của Ngài có thể mất vẻ thánh thiện vì hai phía. (a) Về phía dân Israel, khi mà họ thờ tà thần ngẫu tượng (Ed 43,7-8); như vậy họ đã làm dân ngoại coi rẻ Thiên Chúa. (b) Tuy nhiên, Danh của Chúa cũng mất vẻ thánh thiện do phía Chúa nữa, khi mà Ngài không đến cứu vớt dân mình, để cho chúng bị lầm than khồ sở, và như vậy cũng làm cho dân ngoại chế diễu (Ed 39,7). Hiểu như vậy, lời cầu “xin cho Danh Cha hiển thánh” vừa bao hàm việc Chúa ra tay bày tỏ vinh quang của Ngài trước mặt chư dân, vừa xin Ngài hãy thay đồi con tim của dân Israel ngõ hầu họ gắn bó với Ngài (Ed 36,20-28). Về phần

các người Kitô hữu, họ biết rằng Thiên Chúa đã mặc khải vinh quang của Ngài nơi đức Kitô rồi, nhưng họ vẫn tiếp tục khẩn nài Chúa tỏ vinh quang trọn vẹn của thời cánh chung và đồng thời xin Chúa thánh hóa bản thân các tín hữu, những kẻ được đặt làm muối đất và ánh sáng trần gian ngõ hầu qua việc tốt lành của họ thiên hạ tôn vinh Cha trên trời (5,16).

2) Nội dung của lời cầu thứ hai cũng giống như lời cầu thứ nhất: người tín hữu khẩn nài Thiên Chúa hãy mau mau thể hiện triều đại của Ngài trên trần gian, ngõ hầu vinh quang của Ngài được tỏ rạng và con người cũng được hưởng hạnh phúc. “Triều đại Thiên Chúa” tức là “Nước trời” mà đức Giêsu loan báo trong bài giảng trên núi. Đức Giêsu tỏ cho ta biết những điều kiện để vào Nước Trời, qua các mối phúc thật (5,3.10), qua việc thực hành ý Chúa (5,19.20). Nước Trời cũng là phần thưởng mà Chúa hứa dành cho các môn đệ.

3) Lời cầu thứ ba tiếp nối với lời cầu thứ hai: xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. “Ý của Chúa” bao gồm hết những yêu sách mà Ngài muốn con người phải chu toàn. “Ý của Chúa” cũng bao gồm kế hoạch cứu độ của Ngài, mà đặc trưng là lòng thương xót (9,13; 12,7; 18,14). Nên lưu ý là ở đây, người tín hữu không xin cho mình được tuân hành ý Cha, nhưng họ nài xin cho “ý Cha được thể hiện”. Như vậy, vai trò chủ động là Thiên Chúa; và người tín hữu ước mong sao cho hết mọi người biết hòa hợp theo chương trình của Chúa.

C. Từ chỗ ý thức về vai trò của mình trong việc thể hiện ý Chúa, người tín hữu bước sang ba lời cầu kế tiếp, trong đó họ xin Chúa cất đi ba chướng ngại làm ngăn trở mình không được gia nhập vào Nước Chúa, đó là:

1/ sự âu lo thái quá về cơm ăn áo mặc đến nổi quên đi điều tối cần là phải tìm kiếm nước Chúa (6,25-34);

2/ tội lổi làm con người xa cách Chúa (xin tha tội);

3/ nguy cơ sa ngã phạm tội.

Nội dung của ba lời cầu này sẽ được quảng diễn trong phần còn lại của bài giảng trên núi.

4) Lời cầu xin thứ tư: bánh của ngày hôm nay (những gì cần để sống hôm nay) nhấn mạnh đến sự tín thác nơi Cha trên trời (6,32-34) và sự thong dong không rơi vào cảnh nô lệ tài sản (6,24).

5) Lời cầu xin thứ năm bắt nguồn từ ý thức về những tội tầy trời của mình. Vì thế người tín hữu khiêm tốn xin Chúa ban ơn tha thứ, và đồng thời bày tỏ sự sẵn sàng tha thứ cho anh em. Điều này còn được nhắc lại ở cuối kinh Lạy Cha (6,14-15) và trong dụ ngôn về đầy tớ thiếu lòng thương xót (18,23-35). Chúng ta cũng đừng quên rằng một mối chân phúc đã được dành cho kẻ có lòng thương xót (5,7).

6) Lời cầu xin chót van nài Cha đừng để cho mình sa ngã vào tội mất niềm tin vào Ngài, hay là chiều theo những quyến rũ của Quỷ dữ. Xem ra lời khuyên “đừng quăng của thánh cho chó và đừng liệng ngọc trai cho heo” (7,5) là một thứ chú giải cho lời cầu xin này: có người đã biết được điều cao quý của Nước trời rồi, thế mà lại còn sa lầy vào chỗ bùn nhơ ! Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi thảm cảnh đó !

 

Trả lời