Sự Chết – Một Tiếng Gọi

 

SỰ CHẾT – MỘT TIẾNG GỌI

Những tiếng gọi trong đời đã làm nên những ơn gọi khác nhau để người ta theo đuổi, khiến cho mỗi người có một ơn gọi khác nhau. Từ tiếng gọi ấy đã hình thành cho người ta một lối sống, một tư cách riêng. Tiếng gọi ấy rất cần thiết và rất thiêng liêng. Đa số chúng ta không biết chắc tiếng gọi ấy sẽ tạo cho con người mình như thế nào, nhưng họ cứ đi theo nhiều khi cắm đầu cắm cổ mà theo nữa!

 Sự Chết - Một Tiếng Gọi

Riêng sự chết là một tiếng gọi mang tính bắt buộc không lệ thuộc vào sự lựa chọn tự do của ta. Dù ta không đi theo tiếng gọi ấy thì nó vẫn cứ gọi và bắt ta theo bằng mọi cách. Tiếng gọi của sự chết có một sức mạnh rất lớn lao mà không một thụ tạo nào chống cưỡng lại được.

Ta tự hỏi tiếng gọi ấy do đâu và ai gọi vậy? Lại là một sự đụng chạm đặc sệt tính tôn giáo và tính huyền nhiệm. Một câu thắc mắc trong đời thường nhưng không tầm thường chút nào. Nó muốn dẫn dắt chúng ta phải dò dẫm để tìm thấy một cánh cửa mà đằng sau nó có một chân trời hy vọng.    

Tiếng gọi của sự chết không dẫn ta tới một sự vô vọng như  người ta nói: chết là hết. Hay như tâm trạng của một người vô thần với nỗi buồn tuyệt vọng vì người con mình đã chết thật! Người kitô hữu luôn xác định rằng sự chết là do Chúa gọi, cho nên khi một ai đó chết người ta thường nói : họ được Chúa gọi về, họ đã ra đi theo tiếng Chúa gọi…. Xác định được như thế, chúng ta thấy sự chết là một cuộc trở về, trở về với cội nguồn của mình. Cái suy nghĩ ấy làm giảm đi sự đau đớn, tiếc xót của chúng ta và lại tăng thêm sự hy vọng, phấn khởi nữa. Tang lễ của người kitô hữu luôn mang mang một sự tin tưởng và hy vọng.

Tiếng gọi của sự chết thật đột ngột nói lên sự tuân mệnh quyết liệt của thụ tạo trước sức mạnh tuyệt đối của Thiên Chúa. Tiếng gọi của Thiên Chúa luôn mang đặc tính này . Như trong kinh thánh, chúng ta đã thấy việc Thiên Chúa kêu gọi các ngôn sứ, Đức Giêsu  kêu gọi các môn đệ…luôn là tiếng gọi đòi hỏi sự đáp trả dứt khoát, không chần chừ. Sự chết cũng xảy ra cho chúng ta theo đặc tính của tiếng gọi này, nhưng mang nhiều sự mờ ảo và mông lung về phía chủ thể gọi. Chủ thể gọi là Thiên Chúa đã ẩn mình đi khiến người ta xôn xang, hoang mang bối rối và tưởng chừng như không có ai cứu vớt mình trong giờ chết. Trong thận phận người, Đức Giêsu cũng đã cảm nghiệm được điều này lúc hấp hối trên thánh giá nên đã phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15, 34 ). Lời kêu cứu của Đức Giêsu diễn tả được tất cả nỗi bi đát của phận người cùng với sự nghiệt ngã của nỗi cô đơn tột cùng khi thân phận mình bị bỏ rơi hoàn toàn.

Trong ý nghĩa này, tiếng gọi của sự chết nơi mỗi người chúng ta cũng là một nỗi sợ hãi, buồn chán. Sự bấp bênh và dòn ải của phận người còn được đánh dấu trong cái nhận thức giới hạn về sự chết của mình. Nhận thức giới hạn về tiếng gọi của sự chết được diễn tả trong những lo âu quanh quẩn ở trần gian mà không vượt ra khỏi ranh giới của những cái tạm thời, mau qua.

Rất may, niềm tin của người kitô hữu chúng ta được đặt ở vị trí cao, luôn xác định sự chết là tiếng Chúa gọi mời thì những quy luật tất yếu khác sẽ phải tuân theo là điều dĩ  nhiên . Người kitô hữu phó thác cho sự quan phòng thương yêu của Chúa, tin tưởng vào sự an bài xếp đặt của Ngaì trong tiếng gọi sau hết này. Họ không chùn bước mà ra sức phấn đấu để hoàn thành tiếng gọi sau  cùng. Nên không lạ gì, có người ra đi trong sự bình an phó thác. Có người ra đi trong sự hân hoan phấn khởi  “khi Chúa thương gọi tôi về , hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ” ( TV 125 ). Có người ra đi trong sự nhẹ nhàng thanh thoát vì đã xác định được tiếng gọi của mình là do Chúa quyết định. Những suy nghĩ này mặc cho ta một tâm tình biết  đón nhận cái chết của người thân yêu hay của chính mình bằng thái độ tạ ơn. Tạ ơn vì giây phút thực hiện ơn gọi đã đến. Tạ ơn vì sẽ được gặp Thiên Chúa sau bao nhiêu năm mòn mỏi trông chờ. Tạ ơn vì mình được ở trong số những kẻ dược Chúa gọi thì Ngài cũng an bài, xếp đặt như  Đức Giêsu đã nói: “trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở”.

Những lý do ấy tương đối đủ để người kitô hữu chúng ta không bao giờ thất vọng, không bao giờ nghi gnờ về tình thương của Chúa, không bao giờ phản đối hay kêu ca về cái chết của mình xảy ra ngoài ý muốn ….

Cuối cùng người kitô hữu phải tập thoát ra khỏi mọi tiếng gọi khác trong đời để vươn tới một tiếng gọi duy nhất, chấm dứt tất cả mọi ơn gọi khác, đấy cũng là lý tưởng mà thánh Phaolô đã xác định cho chúng ta: “chết là một mối lợi” .
                                         
 Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

 

Trả lời