Sinh viên với Ngày Nhà Giáo 20-11

Nhóm sinh viên Nhịp Bước Đaminh

Chữ “lễ” trong tiến trình thành nhân
Ngày Nhà Giáo 20-11


Sinh viên với Ngày Nhà Giáo 20-11Nhân ngày Hiến Chương Các Nhà Giáo, nhóm sinh viên Nhịp Bước ĐaMinh đã tổ chức một buổi sinh hoạt văn hóa với chủ đề: Chữ “Lễ” trong tiến trình thành nhân”. Chương trình được tổ chức vào Chúa nhật, ngày 21.11.2010, từ 19g00 đến 21g00, tại tầng trệt Trung Tâm Mục Vụ Giáo xứ Đaminh – Ba chuông.

Đúng 19g00: hai ca sĩ cây nhà lá vườn bước ra sân khấu với phần nhạc nền của bài ….. và cất lên giọng ca thánh thót lôi cuốn mọi người đã trò chuyện tập trung hướng mắt về phần sân khấu. Sau khi bài hát kết thúc, hai MC thật trẻ trung và duyên dáng trong tác phong rất lịch lãm: Quốc Vinh với trang phục quần tây áo sơ mi thắt “Cà ra vát”; còn Hoài Châu trong trang phục Đầm.

Sau phần chào hỏi, tuyên bố lý do, và giới thiệu thành phần tham dự, chương trình chính thức được bắt đầu với phần phát biểu khai mạc của Cha linh hướng Giuse Đỗ Trung Thành. Trong phần phát biểu của Cha đã nhấn mạnh đến tinh thần của buổi sinh hoạt với hai nội dung:

– Tôn tạo và phát huy nhân tố văn hóa tinh thần cao quí của dân tộc trong tiến trình thành nhân là “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” và đó chính là cái “lễ” mà người học trò cần phải có đối với Thầy cô của mình.

– Cùng với các thầy cô tìm hiểu và đánh giá đa chiều về hiện trạng nền giáo dục hiện nay của Việt Nam, đồng thời, từ đó đưa ra những cung cách ứng xử thiết thực và cụ thể của người thầy cũng như của người sinh viên Công giáo nơi môi trường học đường.

Và, chương trình được phân đoạn thành ba phần, mỗi phần có nội dung riêng:

 

Sinh viên với Ngày Nhà Giáo 20-11


Phần thứ nhất : được bắt đầu với hình thức diễn đàn “bàn tròn” xoay quanh nội dung cuộc trao đổi về hiện trạng nền giáo dục và đâu là lý do sâu xa của những hiện tượng tiêu cực trong mối tương quan giữa thầy và trò.

Ngoài hai bạn MC, khách mời tham gia trao đổi là Thầy Đaminh Nguyễn Văn Đích, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo xứ và bạn sinh viên Đaminh Nguyễn Quốc Huy. Cuộc trao đổi diễn ra trong bầu khí rất sôi nổi và ý nghĩa. Trong cương vị là thầy giáo đã đứng trên bục giảng cho đến hiện nay gần 30 năm, Thầy Nguyễn Văn Đích đã thẳng thắn trình bày quan điểm của mình trước nền giáo dục hiện nay cũng như lý do sâu xa của những hiện tượng tiêu cực dưới nhiều góc độ khác nhau, giúp cho cử tọa, đặc biệt các bạn sinh viên có cái nhìn đúng đắn hơn về thực trạng nền giáo dục hiện nay.

Với câu hỏi của hai bạn MC về thực trạng nền giáo dục hiện nay của nước ta, thầy đã nhận định rằng:

“Rõ ràng nền giáo dục của ta vẫn còn tồn tại rất nhiều hiện tượng tiêu cực khiến bản thân người nhà giáo như tôi cũng thấy chạnh lòng, lấy một vài ví dụ : thầy cô dạy học sinh không hết mình, dạy cho có, cho qua theo bổn phận của mình, giảng dạy không tận tâm và hết sức mình, bệnh thành tích trong học đường, chạy theo những thành tích ảo, không có chất lượng, và những hiện tượng dạy thêm, thương mại hóa giáo dục, bắt các em học sinh đi học thêm, trên lớp chỉ dạy theo những giáo trình đã dạy học thêm cho các em và cho các em làm lại y như vậy, (bản thân tôi, tôi cũng có dạy thêm nhưng cho các em làm những bài tập bên ngoài, mở rộng chứ không dạy và bắt các em làm bài tập trên lớp y như trong lúc dạy thêm), v.v. Tuy nhiên đó cũng chỉ là con số nhỏ, không nhiều, bởi vì thực tế cũng có rất nhiều những giáo viên tận tâm và hết mình với học trò.

Và, nói về nguyên nhân sâu xa của thực trạng đó, thầy cho rằng : Do môi trường giáo dục học đường còn nặng tính hình thức, không chú trọng đến chất lượng … chạy theo thành tích để được tăng cấp bậc, khen thưởng … bản thân tôi- một giáo viên dạy tiểu học, nếu như trong lớp tôi có 1 học sinh bị ở lại lớp thì tôi sẽ bị cắt thưởng, bị khiển trách, vì vậy nên giáo viên cũng có lý đo để họ phải đua nhau theo những thành tích ảo, không thực tế, và cũng không hết lòng dạy dỗ học sinh…

 

Sinh viên với Ngày Nhà Giáo 20-11


Còn việc dạy thêm, thương mại hóa giáo dục, nguyên nhân của nó là do đồng lương hiện nay của giáo viên, công viên chức giáo dục vẫn còn quá thấp. Bản thân tôi hơn 20 năm dạy học nhưng lương cơ bản hiện tại của tôi chỉ khoảng 4 triệu, vậy nên những giáo viên mới ra trường thì mức lương cao cũng chỉ khoảng trên dưới 2 triệu, vậy thử hỏi làm sao họ có thể sống đúng với giá trị nghề nghiệp cao quý này được, khi đồng lương quá thấp như vậy, họ buộc phải tìm đến những cách khác để kiếm thêm thu nhập dưới nhiều hình thức khác nhau, nhẹ nhất là việc dạy thêm mà chúng ta đã đề cập đến…

Nói về chữ “lễ” trong nền giáo dục hiện nay, thầy đã không ngần ngại tỏ bày quan điểm của mình, Phải công nhận rằng, trong ngôi trường nào chúng ta cũng có những biểu ngữ “tiên học lễ, hậu học văn” nhưng chúng ta vẫn còn chưa chú ý nhiều đến “ chữ Lễ”, tôi hoàn toàn đồng ý với những nhà nghiên cứu giáo dục rằng, chữ lễ phải đến từ 2 chiều, trò đối với thầy và thầy đối với trò, cái vấn đề cơ bản của nền giáo dục hiện nay là vẫn còn chưa quan tâm nhiều đến chữ lễ, và đó cũng là nguyên nhân xảy ra những hiện tượng tiêu cực trong tương quan ứng xử giữa Thầy và trò…

Để mời gọi học sinh – sinh viên sống chữ “Lễ”, thầy đã nói : Tôi nghĩ rằng, giáo viên chúng tôi không cần gì nhiều ở học sinh sinh viên, chúng tôi chỉ cần các em yêu thương, quý mến chúng tôi là hạnh phúc rồi, nhiều khi ra đường chúng tôi chỉ mong mỏi học sinh của mình khi gặp thầy cô chỉ cần gật đầu chào thôi, nở một nụ cười… thế là được rồi …

 

Sinh viên với Ngày Nhà Giáo 20-11


Mặc dù, phần thứ nhất với cuộc trao đổi chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, nhưng cũng phần nào cho mọi người thấy được rõ hơn thực trạng và nguyên nhân của những tiêu cực trong nền giáo dục chúng ta hiện nay qua “tiếng nói người trong cuộc”, và nguyên nhân của những thái độ ứng xử tiêu cực trong tương quan thầy trò là do thiếu sự quan tâm và chú trọng đến chữ “Lễ” trong giáo dục ngày nay…

Và, chữ “Lễ” được hiểu như là cung cách ứng xử, thái độ ứng xử, hay nói khác đi là “Thầy sống hết mình với chữ Lễ của thầy và trò cũng sống hết mình với chữ Lễ của trò, có như thế thì thầy cũng như trò mới hoàn thành tốt trách nhiệm của mình đối với bản thân và với cuộc đời trong tiến trình thành nhân.

Phần thứ hai : với nội dung xoay quanh tâm tình: tìm kiếm một cung cách ứng xử thiết thực cho thầy và trò Công giáo trong nền giáo dục hiện nay.

Phần này được bắt đầu bằng một bài hát rất ý nghĩa và như là định hướng cho cuộc trao đổi với hình thức giao lưu giữa hai MC và cử tọa (thầy cô và sinh viên), bài hát có tựa đề “Học Cùng Giêsu” do ba bạn sinh viên và Cha linh hướng trình bày.

Sau bài hát, hai MC bắt đầu đưa ra những câu hỏi trước hết hướng đến quí thầy cô… Phải nói là trong chương trình hôm nay, nhóm sinh viên rất hân hạnh được đón tiếp sự tham dự của Giáo sư Lê Tôn Hiến, thầy đã sinh sống và giảng dạy tại các trường tại Mỹ, hiện nay thầy đã 70 tuổi, nhưng vì muốn đền đáp và sống nhiệm vụ của một kitô hữu, thầy đã trở về Việt Nam và thành lập trường Kinh Luân để tiếp tục đem những vốn liếng Chúa ban phục vụ cho giới trẻ, giới sinh viên tại quê nhà với ba môn học rất thiết thực: Anh văn, Tin học và Giá trị Sống, được nhiều người hưởng ứng và đăng ký theo học.

 

Sinh viên với Ngày Nhà Giáo 20-11


Hai MC đã nhanh nhẹn chộp lấy cơ hội hiếm có này, để “khai thác” những lời vàng ngọc của thầy – Quả thật là như thế! Sau đây là nội dung những lời phát biểu của thầy:

“Trước hết, tôi đến đây hôm nay với tư cách là một “học trò” để nhớ về ông thầy của mình trong bầu khí của ngôi nhà thờ này và tại địa điểm này, thầy là hiệu trưởng đầu tiên của trường Saint Thomas, đó là cha Phạm Văn Vang… cha đã để lại một gia sản rất lớn và có một phần ở trong tôi…Và, tôi đến đây để nhớ về Cha và đó là sống chữ “lễ”. Tôi không học chữ lễ, nhưng nguồn gốc của nó nằm trong máu, trong óc của tôi vì người đã tạo nên nó trong tôi…

Bây giờ trong tư cách là một người thầy, … tôi thật xúc động khi nghe những hiện tượng tiêu cực của một số thầy cô giáo trong việc hành xử thô bạo với học trò… tôi nói lên những điều đó, không phải để chê trách nền giáo dục và cũng không phải để lên án thầy cô đó; nhưng là tôi đứng vào vị trí của những thầy cố đó để nói lời xin lỗi các em, xin lỗi phụ huynh các em…

Và để đền bù cho những mất mát do các thầy cô đó, tôi đến đây và tôi sẽ đền bù cho những thiếu sót đó; tôi sẽ dạy tăng gấp đôi tâm tình của tôi, bỏ ra nhiều thời giờ hơn bù vào phần của các thầy cô khác mà tôi có nhiệm vụ phải chia sẻ. Sở dĩ tôi làm thế, không phải tôi muốn tỏ ra mình cao thượng, nhưng vì nhiệm vụ của một người đang sống trong môi trường này (kitô giáo), nhiệm vụ của một người giáo dân, của một tín hữu và vì do chúng ta có niềm tin. Các em cũng có thể thực hiện sự đền bù ấy vì các em cũng đang sống trong môi trường như thế…”

Và, trong phần phát biểu của thầy, thầy đã cho mọi người hiểu về chữ “lễ” một cách rất súc tích và dễ hiểu:

Cái gốc của chữ lễ được thấy trong thời phong kiến với cái được gọi là “bộ lễ”, tức là “bộ ngoại giao”, là cái trật tự, người trên kẻ dưới không vượt mặt nhau, và trật tự đó thể hiện bằng cái lễ. Thầy đã lấy một ví dụ cụ thể: có những người Việt kiều sau khi trở lại Mỹ nói với thầy rằng: Sài gòn bây giờ mất trật tự quá ! Mất trật tự trong giao thông là do thiếu “lễ”.

 

Sinh viên với Ngày Nhà Giáo 20-11


Phần trình bày của thầy chiếm khoảng thời gian 10 phút, nhưng hầu như đã nói lên được rất nhiều điều, mọi người tham dự đều im lặng chăm chú lắng nghe… Bạn nào cũng khen thầy nói hay …

Có thể nói, phần trình bày của thầy Lê Tôn Hiến rất đầy đủ và thiết thực với câu hỏi của hai MC đặt ra cho quí thầy cô giáo… cho nên, sau đó, Micro đã được chuyển qua phía các bạn sinh viên. Trong số nhiều ý kiến của các bạn sinh viên về cung cách ứng xử của sinh viên Công giáo trong môi trường học đường hôm nay, có hai ý kiến rất đáng chú ý:

– Sau khi kể ra một câu chuyện cụ thể giữa các bạn trong lớp đã có những suy nghĩ tiêu cực về Cô giáo trong việc chấm bài của lớp …, bạn Phong đã kêu gọi, đối với sinh viên Công giáo: sống “lễ” là chúng ta nên có suy nghĩ tích cực và cư xử tốt với thầy cô giáo bằng những nụ cười, cái chào hỏi, lời chúc mừng, v.v… Bởi vì, còn rất nhiều thầy cô rất hết lòng với học trò và hết lòng với sự nghiệm “trồng người” của mình một cách nghiêm túc.

– Cũng vậy, với câu chuyện cụ thể của bản thân trong lớp học, MC Quốc Vinh đã nêu lên ý kiến đóng góp của mình: cần quảng bá thương hiệu “kitô giáo” trong lớp học. Câu chuyện đó rất đơn giản nhưng lại hiệu nghiệm: “trong lớp tôi chỉ có 2 người là Công giáo trên tổng số 50 bạn, mỗi khi tôi làm cái gì đó cho lớp … thì mấy đứa bạn nó nói rằng, đạo Chúa của mày như vậy đó hả – hay quá há ! tôi thấy vui vui và lấy làm an ủi. Thiết thực quá phải không các bạn ?! cần quảng bá thương hiệu “kitô giáo” trong lớp học. Hãy làm điều gì đó tốt với khả năng của mình trong môi trường học đường…

 

Phần thứ ba : với nội dung tri ân công ơn Thầy Cô.

Phần tri ân thầy cô giáo là tiết mục rất được các bạn sinh viên chú trọng vì qua đấy thể hiện tấm lòng của mình đối với những bậc dạy dỗ mình nên người. Các thầy cô được mời lên sân khấu, các bạn sinh viên cùng lên tặng hoa và hát chung bài “Bụi phấn” – tất cả sinh viên và thầy cô quây quần bên nhau đứng chật kín sân khấu…

Bài hát Bụi Phấn được cất lên, bài hát này rất quen thuộc với các bạn sinh viên nhưng mỗi khi được hát lên là chất chứa trong đó những cảm xúc mới lạ, cảm xúc của sự tri ân, cảm xúc của sự nhớ nhung, nhớ lắm những lúc “bị cô la”, nhưng cũng nhớ lắm những lúc cô giáo hỏi han ân cần.

 

Sinh viên với Ngày Nhà Giáo 20-11


Hình ảnh thầy cô giáo luôn là những hình ảnh đẹp, đó là một kỉ niệm đẹp cho những ai đã rời xa ghế nhà trường, cho dù đi đến nơi đâu, nhưng nếu gặp lại thầy cô giáo cũ, ai cũng nở nụ cười và cúi đầu chào. “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy”… “em yêu phút giây này, thầy em tóc như bạc thêm bạc thêm vì bụi phấn cho em bài học hay…” Sau đó, các bạn sinh viên với những đóa hoa hồng trên tay đến tặng những thầy cô khách mời như lời cảm ơn vì công ơn dạy dỗ của thầy cô.

Đây là tiết mục được bình chọn vui nhất và xôm tụ nhất, vì các bạn ai cũng hát, những bè khác nhau được nối lại với nhau một cách rời rạc đã làm cho bài hát cứ trầm bổng không dứt. Nhưng lại làm cho các bạn rất vui vì được hát chung với nhau, được thể hiện “bản sắc” của mình hihi.

Cha linh hướng cũng giúp vui cho chương trình bằng bài hát Du Ca Tình Yêu, Chị Uyên mời gọi các bạn cùng múa vũ điệu bài đó. Công nhận các bạn múa rất hăng, những bàn tay đưa lên đưa xuống, những nụ cười được trao gửi cho nhau, những cái quàng vai…tất cả được hòa quyện trong niềm vui của ngày nhà giáo.

Những ly Chè Đậu Đen được phục vụ “tận răng” – đó là tâm tình quan tâm chuan bị của cha linh hướng – một chút “cho Zui”. Mỗi bạn không chỉ được ăn một ly mà đến hai ly vì chè, … nhiều quá. Vừa ăn chè vừa thưởng thức các tiết mục văn nghệ với những bài hát ca ngợi và kể về công lao vất vả dạy dỗ ta nên người, còn gì bằng !

Trong ngày nhà giáo, chúng ta không chỉ tri ân thầy cô mà còn phải tri ân công ơn của bố mẹ nữa, vì bố mẹ là những người thầy đầu tiên dạy dỗ con cái, bố mẹ chăm lo cho con từ khi mới lọt lòng, dạy con kêu ba, kêu mẹ. Đó là những bài học đầu tiên trong đời của con cái, rồi lớn lên, cha mẹ dạy con trong cách xử sự, trong lời ăn tiếng nói với những người xung quanh…Tri ân thầy cô nhưng vẫn không quên bố mẹ, các bạn đã múa bài Ba Ngọn Nến Lung Linh để nhớ về tình mẹ cha.

 

Sinh viên với Ngày Nhà Giáo 20-11

 

Xin tri ân công ơn dạy dỗ của quí cha, quí thầy cô giáo trong nhiệm vụ trồng người của mình, được học với các quí cha, quí thầy cô là một niềm vinh dự cho chúng em, những bài học về cách cư xử, những kiến thức khoa học, cũng như được học từ nơi thầy cô chữ Lễ, cho dù ở nơi đâu, và cho dù ở trong hoàn cảnh địa vị nào trong xã hội, chúng em vẫn luôn là những học trò của quí cha và quí thầy cô.

Và, chương trình kết thúc đúng 21g00 với lời cầu nguyện tự phát của bạn Thanh Phong và bài hát “tạ ơn Chúa với Mẹ”…


Trả lời