Sao còn đứng nhìn trời!

 

 

Sao còn đứng nhìn trời!Sinh-lão-bệnh-tử… Đó, đó là quy luật bất biến trong cuộc sống của con người. Con người được sinh ra, lớn lên, theo năm tháng tiến về tuổi già, rồi bệnh hoạn và cuối cùng là cái chết. Ấy thế mà… thế mà có một người đã vượt ra khỏi quy luật nghiệt ngã đó. Người ấy chính là Đức Giê-su Ki-tô.

Đức Giê-su được sinh ra tại Belem miền Giu-đê. Sau ba mươi ba năm sống ẩn dật tại làng quê Nadaret, Ngài bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng. Trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su đã từng nói với các môn đệ, rằng: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Vâng, Đức Giê-su đã chịu chết và Ngài đã sống lại. Và, đó là sự khác biệt, một sự khác biệt giữa Người và con người ở thế gian này.  Một sự khác biệt lớn hơn nữa, đó là sau khi sống lại, Đức Giê-su: “Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”.

Đức Giê-su lên trời. Đó là niềm tin của chúng ta, hôm nay. Niềm tin này không do tự Giáo Hội đặt ra, nhưng do từ các tông đồ truyền dạy. Các tông đồ truyền dạy, bởi các ông chính là những nhân chứng, đã chứng kiến Đức Giê-su  “được cất lên ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” (x.Cv 1, 9)

Theo tác giả sách Công Vụ ghi lại, trước đó, các vị tông đồ đã có một tâm trạng rất lạc quan và hy vọng. Niềm lạc quan và hy vọng Đức Giê-su, vị Thầy của mình, sẽ bắt đầu thiết lập một vương quốc mới. Hôm ấy, các tông đồ đã hỏi Đức Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?”

Khôi phục vương quốc Israel ư! Thật đáng tiếc! Đó không phải là sứ vụ của Đức Giê-su, như có lần Ngài đã nói trước quan tổng trấn Philato: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (x.Ga 18, 36)

Trải qua bốn mươi ngày, kể từ khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng hiện ra với các môn đệ. Và mỗi khi hiện ra với các ông, Ngài chưa một lần hứa sẽ thực hiện nguyện vọng nhuốm mùi “trần thế” của các ông.

Điều Đức Giê-su thực hiện cho các ông, đó là sự bình an, mỗi khi hiện đến, Ngài đều chúc “Bình An cho anh em”. Và, quan trọng hơn, đó là Ngài đã ban cho các ông “Thánh Thần”.

Về Thánh Thần, Đức Giê-su đã nói với các ông rằng: “…khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (x.Cv 1, 8)

Lời truyền dạy “làm chứng nhân của Thầy” cũng đã được thánh sử Mát-thêu nhắc đến. Theo lời thánh sử ghi lại thì, tại Ga-li-lê trên một ngọn núi, nơi “Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến”. Tại đây, Ngài  đã truyền dạy cho các ông, rằng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (x.Mt 28, 19-20)

Thánh Phao-lô, tuy không chứng kiến việc Đức Giê-su lên trời, nhưng ngài vẫn có một sự xác tín vững mạnh qua lời truyền dạy cho những tín hữu ở Ê-phê-sô, rằng: “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt bên hữu Người trên trời” (Ep 1, …19-20).

Nhắc đến lời truyền dạy của thánh Phao-lô để làm gì? Thưa, để nói rằng, thánh Phao-lô đã không mô tả Đức Giê-su lên trời như một viên phi công lái một chiếc phản lực cơ, bay lên trời. Hay  như một phi hành gia lên trời bằng một chiếc phi thuyền.

Trong Kinh Thánh, từ ngữ “trên trời” có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện. “Lên trời” là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang. Như có lời được ghi trong Thánh Vịnh: “Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”.

Biết được như thế, hiểu được như thế, để làm gì? Thưa, là để, nếu hôm nay, có một ai đó nói với chúng ta, đại loại rằng thì-là-mà làm gì có chuyện Đức Giê-su lên trời, và rằng, niềm tin vào Đức Giê-su lên trời chỉ là một niềm tin mơ hồ, vớ vẩn của những kẻ ngu dốt, ngu muội v.v… thì,  chúng ta cũng không cần tranh luận với họ làm gì cho mất thời giờ. Không cần tranh luận bởi vì, tám mươi phần trăm các nhà khoa học đã tin vào Thiên Chúa. Họ có ngu dốt đâu!

Hãy nghe Johannes Kepler (1571–1630), một trong những nhà thiên văn vĩ đại nhất, đã nói: “Thiên Chúa thật vĩ đại. Quyền năng Ngài vĩ đại và sự khôn ngoan thì vô hạn. Hãy ca tụng Ngài bằng ngôn ngữ của mình, hỡi trời và đất, mặt trời và mặt trăng, các tinh tú. Lạy Thiên Chúa và là Đấng Tạo Dựng nên con! Với trí khôn giới hạn của con, con muốn loan báo sự kỳ diệu của các công trình Ngài cho mọi người hiểu được.”

Với  Isaac Newton, nhà sáng lập vật lý lý thuyết cổ điển, thì sao nhỉ! Thưa, ông ta đã nói: “Điều ta biết được chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương bao la. Những xếp đặt và hài hòa của vũ trụ chỉ có thể xuất phát từ bản vẽ của một Đấng toàn năng và toàn tri”. Còn… còn rất nhiều nhà khoa học đã tin vào Thiên Chúa mà không thể nêu tên ở đây.

Thế nên, những kẻ nào từng nói, đại loại như lời nói của một nữ phi hành gia thời Xô Viết, sau ba ngày “thím ấy” bay trên vũ trụ, khi trở về trái đất, đã tuyên bố rằng: Tôi đã “lên trời” nhưng chẳng thấy Chúa đâu!”, thì chúng ta có thể trả lời, rằng: Cảm ơn thím, nhờ thím đã không thấy Chúa đâu, nên chân lý ngàn đời: Đức Giêsu thật sự đã “Được rước lên trời”, lại càng đáng tin cậy.

Lm. Charles E.Miller, khi nói đến biến cố Đức Giê-su lên trời, ngài chú trọng, không phải là Chúa lên bằng cách nào, nhưng là hướng chúng ta đến lời chỉ bảo sau cùng của Đức Giê-su. Vâng, lời chỉ bảo sau cùng, rất ngắn gọn, rằng: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Xưa, các tông đồ đã thi hành mệnh lệnh này. Và nay, với chúng ta, là một Ki-tô hữu, cũng không là ngoại lệ. Theo tông huấn Giáo hội tại Châu Á ở số 45, do Đức Gioan Phaolo II viết, thì: “Như Công đồng Va-ti-can II đã chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô. Do ơn sủng và do tiếng gọi của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao…Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”. (nguồn: Tông Đồ Giáo Dân Thực Hành).

Vì thế, chúng ta phải “Làm chứng cho Đức Ki-tô”. Và, làm chứng bằng cách thực thi những lời Ngài đã truyền dạy. Những lời Ngài đã truyền dạy, đó là: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc.

Tại sao Đức Giê-su lại đòi hỏi chúng ta phải làm như thế! Thưa, là bởi, làm như thế chúng ta mới có thể là những người được “đứng bên phải Người” trong ngày phán xét, những người được Đức Giê-su gọi đến để  “Chúa chúc phúc (và để) thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho (chúng ta), ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (x.Mt 25, 34).

Rất…  rất thiết thực về những việc làm đó. Thiết thực vì “mỗi lần chúng ta làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất của Chúa, là chúng ta đã làm cho chính Chúa vậy” (x.Mt 25, 40)

Vâng, những-người-bé-nhỏ-nhất-của-Chúa, sau cơn đại dịch  corona virus, có vẻ như mỗi ngày một nhiều, phải không, thưa quý vị!

Thế nên,  hôm nay, sau khi tham dự thánh lễ mừng kính trọng thể Chúa Giê-su lên trời, chúng ta đừng như các môn đệ xưa, “đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi” nữa, mà hãy nhìn vào chính bản thân mình, và tự hỏi: Tôi có sẵn sàng ra đi và làm… làm như thế cho một trong những người bé nhỏ của Chúa!

Chúng ta phải “làm như thế”, nếu không làm như thế, coi chừng chúng ta sẽ bị quở trách, quở trách rằng: “Hỡi những người Công Giáo, sao còn đứng nhìn trời!”.  Vâng, đừng để Chúa nói: “Sao còn đứng nhìn trời”!

Petrus.tran

 

Trả lời