Sáng Danh Thiên Chúa Ba Ngôi

 

Sáng Danh Thiên Chúa Ba NgôiNhư một truyền thống đẹp, hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Chúa Ba Ngôi nghĩa là gì? Thưa, theo giáo lý Công Giáo số 266, chúng ta được dạy rằng: “Ðức tin công giáo hệ tại điều này: thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu” (nguồn: internet).

Khi đề cập đến Một Chúa Ba Ngôi, không ít người cho rằng đây là một đề tài khô khan, khó trình bày.  Mà, thật sự là vậy, có khô khan không kia chứ, khi có người đã từng môt tả Một Chúa Ba Ngôi như thể là H2O (nước), tuy ở ba dạng thể: thể lỏng (nước lỏng), thể rắn (nước đá), và thể khí (hơi nước) nhưng tất cả đều được gọi là H2O. Người khác đã so sánh về một quả trứng. Quả trứng có vỏ bọc, có lòng đỏ và có lòng trắng, nhưng cũng chỉ là quả trứng. Và có người đã dùng tới hiện tượng mặt trời, nơi phát ra ánh sáng và sức nóng nhưng cũng chỉ được gọi là mặt trời.

Chúng ta có thể nói rằng, tất cả những so sánh đó không phải là không làm ra một chút sáng tỏ, tuy nhiên, đó cũng chỉ là những diễn tả một cách khập khiễng về tín điều Một Chúa Ba Ngôi. Trong thế giới hữu hạn con người đang sống, thật khó để mà diễn tả về một Thiên Chúa Ba Ngôi một cách hoàn hảo.

Tuy nhiên, nếu chúng ta dựa vào Kinh Thánh để nói về Một Chúa Ba Ngôi thì mọi người đều có thể nhìn thấy “Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần” một cách hoàn hảo.

Kinh Thánh nói gì về tín điều “một Chúa Ba Ngôi”? Thưa, tuy Kinh Thánh không trực tiếp nói về Một Chúa Ba Ngôi, nhưng Kinh Thánh vẫn phảng phất đây đó những trình thuật, những thông điệp nói đến Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Trước hết là ở chương một sách Sáng Thế Ký,  trình thuật đã mô tả rằng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trỗng rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”(x.St 1, 1-2).

Thần khí Thiên Chúa theo trình thuật sách Sáng Thế nói đến, có liên quan đến Thần Khí đã được Đức Giê-su đề cập đến trong đêm Ngài gặp ông Ni-cô-đê-mô chăng! Hôm ấy, Đức Giê-su đã nói với  ông Ni-cô-đê-mô rằng: “…Không ai có thể vào Nước Trời nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (x.Ga 3, 5)

Cũng ở sách Sáng Thế Ký, có đoạn đã mô tả Thiên Chúa tự xưng là “chúng ta”. “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”

Với cách xưng hô như thế, phải chăng đó chính là một hé lộ về chân lý Ba Ngôi Thiên Chúa!

Còn phần Tân Ước ư! Vâng, Phúc Âm Matthêu qua trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan, tác giả đã cho chúng ta thấy hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi thật rõ nét. Thật vậy, thánh Mát-thêu đã thuật lại rằng: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17). Vâng, chỉ một đoạn trình thuật ngắn, tông đồ Mát-thêu đã cho chúng ta thấy rõ nét về tín điều Một Chúa Ba Ngôi.

Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu, cùng với tiếng-từ-trời phán… chẳng phải chính là Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đó sao!  Và có tiếng từ trời phán: Đây-là-Con-yêu-dấu-của-Ta, chẳng phải là một xác nhận Đức Giê-su chính là Chúa Con, đó sao!

Chưa hết, nói đến Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể không nhắc đến những lời Đức Giê-su đã nói trong bữa tiệc Vượt Qua, một bữa tiệc của sự biệt ly, chính ở bữa tiệc này, Đức Giê-su đã nói đến “ngôi thứ ba”. Hôm đó, Ngài đã nói rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi”. Nói về Chúa Cha và Chúa Con, Đức Giê-su cũng đã có lời tuyên bố: “Ta với Cha là một” và “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”.

Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đó là mầu nhiệm, “mầu nhiệm đức tin”. Đức Giê-su, trước khi về trời, Ngài đã nói đến mầu nhiệm này như là một lời tuyên tín cho những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài. Hồi ấy, Ngài đã truyền dạy các môn đệ, rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (x.Mt 28, 18-19).

Qua lời truyền dạy: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…”, thật khó để phủ nhận rằng, mầu nhiệm về “Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần” đã được làm sáng tỏ.

Giáo Hội, qua hai Công Đồng Chung đầu tiên là Nicea I năm 325  và Constantinopolis I năm 381 cũng đã đề ra “tín điều Chúa Ba Ngôi”.

Với tông đồ Phaolô, ngài cũng đã có lời xác tín về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi qua lời cầu chúc cho cộng đoàn Conrito, rằng: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2Cor13,13).

Hôm nay, trong một thế giới “thấy mới tin”, làm thế nào để giải thích “tín điều Chúa Ba Ngôi”? Nên chăng hãy cho thế giới này nhìn thấy cuộc sống đức tin của chúng ta là một cuộc sống của tình yêu thương và sự hiệp nhất?

Vâng, thật đúng là vậy. Nếu cuộc sống của chúng ta là một cuộc sống tràn ngập lòng bao dung, sự chậm giận và tha thứ, đó chính là lúc chúng ta cho mọi người thấy “Chúa Cha”, một Chúa Cha là Đấng “từ bi và nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi”.

Nếu cuộc sống của chúng ta là một cuộc sống luôn: “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp”, đó chính là lúc chúng ta cho mọi người thấy “Chúa Con”, một Chúa Con đã từng có lời truyền dạy, rằng: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”.

Nếu cuộc sống của chúng ta là một cuộc sống, chỉ biết “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”,  đó chính là lúc chúng ta cho mọi người thấy Chúa Thánh Thần – Đấng mà Đức Giê-su đã nói rằng: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Người sẽ ban cho các ngươi một Đấng An Ủi khác, để ở với các ngươi đời đời”.(x.Ga 14, 16).

Để có được một cuộc sống yêu thương và hiệp nhất như thế quả là một việc khó thực hiện. Thế nhưng, với Đức Giê-su, đó lại là điều kiện ắt có và đủ cho bất cứ ai muốn trở thành môn đệ của Ngài, vì như Ngài đã nói; “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này; là anh em có lòng yêu thương nhau”.

Thế nên, là một Ki-tô hữu, là một người môn đệ của Ngài, hãy tự hỏi mình rằng: mỗi khi chúng ta “làm dấu thánh giá”, tôi có chấp nhận trở nên “khí cụ bình an của Chúa”? Hãy tự hỏi mình rằng: mỗi khi chúng ta “làm dấu thánh giá”, tôi có cất tiếng nguyện xin “Thần Linh thánh ái… mở rộng lòng con”?

Mở-rộng-lòng-ta cũng như trở nên khí-cụ-bình-an-của-Chúa… Vâng, đó chính là chúng ta đã có được một cuộc sống, một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương và sự hiệp nhất. Nói cách khác, chúng ta đã có một cuộc sống làm  “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”.

Thế thì, đừng bao giờ quên, mỗi khi chúng ta đã giơ tay làm dấu thánh giá “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì cũng hãy làm sáng danh “Ba Ngôi Thiên Chúa”.

Petrus.tran

 

Trả lời