Phải là: “hai trong một”…

 

 

Phải là: “hai trong một”…Thế giới chúng ta đang sống, có thể nói, là một thế giới của những luật lệ. Có hai thứ luật đang chi phối đời sống con người, đó là luật quốc gia và luật quốc tế. Mỗi quốc gia có một đạo luật riêng cho quốc gia đó và luật quốc tế thì được sử dụng cho toàn thế giới.

Từ luật quốc gia đến luật quốc tế, con người đã phải sống trong cả một rừng luật. Cả một rừng luật, cứ tưởng rằng sẽ đem lại cho quốc gia, cho  thế giới một nền hòa bình, và cho con người một sự sống an lành, ấm no và hạnh phúc. Trái lại, thế giới lại luôn phải đối diện với chiến tranh, và  con người lại luôn phải sống trong bất an, trong lo âu…  từng ngày… từng giờ.

Tại sao? Thưa, tại vì trong mớ rừng luật ấy, những nhà lãnh đạo, những nhà cầm quyền (nhất là nhà cầm quyền độc tài) lại thường sử dụng “luật rừng”.  Và đó là lý do con người luôn phải đối phó tìm cách “lách luật”.

Cuộc sống của một Ki-tô hữu cũng là một cuộc sống của luật lệ. Người Ki-tô hữu cũng phải thực thi những luật lệ mà Thiên Chúa đã công bố. Đó là “Mười Điều Răn Của Đức Chúa Trời”.

Khác với luật thế gian, một thứ luật được thực thi bằng họng súng, bằng nhà tù. Luật của người Ki-tô hữu được thực thi bởi tình yêu thương. Nói theo cách nói của thánh Phao-lô, đó là: “đức mến”.

Đức Giê-su, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã truyền dạy như thế khi có một số người Pha-ri-sêu, còn được gọi là những nhà thông luật, đến chất vấn Ngài về luật lệ. Vâng, câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 22, 34-40)

Chuyện kể rằng: sau thất bại trong việc gài bẫy Đức Giê-su về việc nộp thuế, nhóm Pha-ri-sêu họp nhau lại. Họ họp nhau lại để làm gì? Thưa, họ bàn với nhau cử một người thông luật trong nhóm đến gặp Đức Giê-su để chất vấn Ngài những vấn đề liên quan đến lề luật.

Không như những lần trước, họ thường đặt thẳng vấn đề với Đức Giêsu về việc thực thi luật lệ. Ví dụ như, tại sao Ngài “không giữ ngày sa-bát!” Hoặc là, tại sao môn đệ Thầy “không rửa tay trước khi ăn?” v.v…

Lần này, khi vị thông luật đến, ông ta tung một đòn hỏa mù bằng một câu hỏi đầy lắt léo, ông ta hỏi rằng: “Thưa Thầy,  trong sách Luật Mô-se, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”

Vâng, đúng là quá lắt léo. Điều răn nào là điều răn trọng nhất ư! Do Thái giáo dựa trên 10 điều răn. Trải qua nhiều thế hệ, những thầy thông giáo chú giải thêm, thêm đến 613 lề luật. Trong số 613 lề luật, những thầy thông giáo lại chia thành 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm làm. Nếu tính số ngày trong một năm, thì mỗi ngày là có một luật cấm làm.

Vâng, giả sử ông Mô-se có sống lại, có lẽ, ông ta sẽ rất ngạc nhiên về câu hỏi này. Làm sao không ngạc nhiên cho được! Năm xưa, hồi trên núi Sinai xuống, chẳng phải là ông đã công bố  “Mười Điều Luật” đó sao! Trải qua bao thế hệ, với mười giới luật đó mọi người đều tuân giữ, có ai thắc mắc điều nào trọng nhất đâu! Thế mà hôm nay, mấy ông Pha-ri-sêu lại bày trò thắc mắc !

Thật ra, khi đặt câu hỏi này, ông thầy thông luật đã đặt Đức Giê-su vào một cái bẫy. Tại sao lại gọi là bẫy ? Thưa, trong bối cảnh Israel thời đó, mỗi một phe nhóm như Xa-đốc, kinh sư, luật sĩ, Phariseu v.v… họ thích điều luật nào thì cho điều luật đó quan trọng hơn cả. Nếu Đức Giêsu trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng, Ngài sẽ bị “chụp mũ” là về phe nhóm này, chống nhóm kia. Và điều hiển nhiên là các nhóm khác sẽ gân cổ lên đối chất với Ngài… Hôm ấy, dù ông thầy thông luật có ngụy trang cái bẫy đầy mầu sắc đạo đức, nó vẫn không làm cho Đức Giêsu sập bẫy.

“Điều răn nào là điều răn trọng nhất ư?”. Đức Giêsu đáp “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Người nói tiếp rằng : “Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mt 22, 37-38).

Ông thầy thông luật đã hố to khi đem luật ông Môse ra “thử” Ngài. Những điều Đức Giêsu nói cho ông thông luật nghe cũng chính là những điều khi xưa ông Môse đã nói trước toàn dân Israel, “Nghe đây, hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. (Dnl 5,5).

Ông Môse còn dặn rằng “Những lời tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng… phải nói lại cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường…”(Dnl 6, 6-7). Ngoài ra, luật cũng đã nói: “ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,..18).

Và, hôm ấy, Đức Giêsu cũng  đã nói đến. Ngài nói rằng: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Cuối cùng, Đức Giê-su kết luận rằng: “Tất cả Luật Môse và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.

 

Một lần nọ, khi nói tới lề luật, Đức Giê-su có nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-se hoặc các lời ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Và hôm nay, đúng là Ngài đã kiện toàn. Một sự kiện toàn tuyệt hảo.

“Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”, tốt nhưng chưa đủ, còn phải “Yêu người thân cận”, nữa. Phải yêu người thân cận, bởi đó chính là “dấu” để thiên hạ biết “anh em là môn đệ của Thầy”. Phải yêu người thân cận vì đó là “vật chứng” để chúng ta đem ra trình diện trong ngày phán xét.

Tông đồ  Gioan đã nói “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (1Ga 4,21). Chúng ta sẽ được phán xét dựa vào tình yêu tha nhân, bằng sự phục vụ, chứ không phải là yêu Chúa bằng hình thức, trên môi miệng. Thật vậy, chính Đức Giêsu đã nói rằng : “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”(Mt 25, 40).

 

“Làm như thế cho một trong những người bé nhỏ” là làm gì ? Xin thưa, chính là “Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết”.  Thực thi những điều nêu trên, đó chính là cách minh chứng rằng, rằng chúng ta đã “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của (chúng ta), hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”.

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.”  Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (x.Mt 22, 37-40). Đó… đó là lời truyền dạy của Đức Giê-su, năm xưa. Còn hôm nay, với chúng ta thì sao, nhỉ !

Thưa, hôm nay, Đức Giê-su – qua Hội Thánh – chúng ta được truyền dạy rằng: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.”

Vâng, hãy tạ ơn Chúa…  Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã rút từ 613 điều luật, thật khó “học thuộc lòng”  cũng như thật khó thực thi, để hôm nay chỉ còn có Mười-Điều-Răn và đã được tóm về hai điều, đó là “mến Chúa  và yêu người”.

Vâng, chỉ có năm chữ “mến Chúa và yêu người” quả là quá dễ học và dễ nhớ. Thế nhưng dễ nhớ và dễ học vẫn chưa đủ để chứng thực chúng ta là một Ki-tô hữu, một người môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô.

Để chứng thực là một Ki-tô hữu, chúng ta không chỉ “học” mà còn phải “hành”, chưa hết, việc thực hành của chúng ta còn phải ở mức độ “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”.

Luật Kitô giáo là luật được xây dựng trên nền tảng tình yêu thương. Và tình yêu thương mà luật Kitô giáo truyền dạy chính là sự  luôn sẵn sàng dấn thân, dẫu biết rằng để thể hiện sự dấn thân đó, đôi lúc sẽ phải “chết trong lòng một ít”, và đôi khi sẽ phải  “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”.

Chính vì thế, để chứng tỏ mến Chúa và yêu người  “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” chúng ta không được phép “yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”, mà ngược lại, chúng ta cần phải  “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44).

Một cách thế khác, để chứng tỏ mến Chúa và yêu người  “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, chúng ta chỉ cần “làm một việc bình thường với một tình yêu phi thường”. (Mẹ Têrêsa Calcutta)

“Làm một việc bình thường” đó là việc gì? Thưa, rất giản dị, đôi khi chỉ là một nụ cười. Đôi khi chỉ là một lời xin lỗi hay một lời cám ơn. Và, sẽ là tốt hơn nữa, nếu chúng ta biết: “nhẫn nhục, hiền hậu, không làm điều bất chính, không vênh vang, không tự đắc, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù…” với tha nhân, với tất cả mọi người chung quanh ta. Nói cách khác, khi chúng ta thực hiện những điều giản dị nêu trên, thì đó chính là lúc chúng ta thể hiện một cách hoàn hảo giới răn Mến Chúa và yêu người.

“Mến Chúa và yêu người”. Với hai điều răn này, Lm Charles E Miller có lời khuyên rằng: “chúng không được tách rời trong tâm hồn hoặc trong hành động của chúng ta”. Nói theo cách nói bình-dân-học-vụ, Mến Chúa và Yêu người, “phải là hai trong một”.

Petrus.tran

 

Trả lời