Phải biết tha thứ cho nhau

 

Phải biết tha thứ cho nhauThất tình lục dục là gì? Thưa, đó là:  bảy trạng thái tình cảm và sáu điều ham muốn. Với thất tình, đó là bảy trạng thái tình cảm mà mỗi chúng ta đều có như: vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, ghét và ham muốn hay nói cách khác, đó là: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố và dục.

Còn với lục dục, đó là: sắc dục, thính dục, hương dục, vị dục, xúc dục và pháp dục. Đây là sáu điều ham muốn, nếu để nó trở thành thói quen thì khó mà từ bỏ.

Trở lại với thất tình, thật khó để phủ nhận rằng, “giận” là thứ  gây ra nhiều hậu quả tai hại nhất. Chỉ là một sự vô tình va chạm nhẹ khi lưu thông trên đường phố, ấy thế mà nó đã làm cho không ít người nổi cơn giận dữ, rồi vì không thể chế ngự cơn giận dữ đó, có người đã gây ra án mạng chết người.

Thực tế  mà chúng ta được biết, những vụ bắn phá, giết người gần đây trên đường phố ở Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota, nguyên nhân chính cũng là do lòng “tức giận”.

Người ta kể rằng,  ở Hoa kỳ, có một người đàn ông chỉ vì quá tức giận chính phủ đã gây khó khăn trong công việc đầu tư thuế má của mình, làm anh bị thua lỗ mất mát nhiều tiền và rồi vì nuôi dưỡng sự căm hận lâu ngày, cho đến khi không còn kiềm chế được,  anh ta đã  lái chính chiếc máy bay của mình, tự sát bằng cách đâm vào một toà nhà của cơ quan khai thuế thuộc thành phố Austin , thủ phủ của tiểu bang Texas.

Đó là chuyện ngoài xã hội. Còn chuyện nơi gia đình thì sao, nhỉ! Vâng, sẽ rất là nguy hiểm nếu người vợ hay người chồng cứ để cho lòng tức giận âm ỉ trong tâm hồn mình. Hạnh phúc trong nhiều gia đình bị đổ vỡ hoặc chia rẽ cũng do bởi bức tường giận dữ được xây dựng qua nhiều năm chung sống, để rồi một ngày nào đó nó trở nên trái đắng, một trái đắng khó nuốt.

Nói về sự giận dữ, chúng ta có thể ví nó như một căn bệnh ung thư, một thứ ung thư âm thầm hủy hoại cuộc đời của bất cứ ai nuôi dưỡng nó.  Nói mà không sợ sai, phần lớn hạnh phúc của con người sẽ được duy trì một cách tốt đẹp, nếu sự giận dữ  của mỗi con người luôn được kiềm chế.

Thật ra, giận dữ không có gì sai trái, miễn sao “đang cơn giận, chớ phạm tội”. Rất khó… rất khó thực hiện, phải không thưa quý vị! Tuy nhiên, sự việc sẽ trở nên dễ dàng, nếu chúng ta, noi theo lời thánh Phao-lô truyền dạy, đó là: “phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau” (x.Ep 4, 32).

Mà, có lý do gì chúng ta không thể tha thứ cho nhau, nhỉ! Vì, đó chính là “nhân đức”, một nhân đức không thể thiếu trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu. Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, khi nói đến nhân đức này,  Ngài đã có những lời truyền dạy rất quyết liệt, một sự quyết liệt mà bất cứ ai theo Ngài, đều phải thực thi.

 

Đức Giê-su đã nói gì về sự tha thứ? Thưa, rất rõ ràng. Chuyện được ghi lại như sau: Một hôm, khi Đức Giê-su và các môn đệ quây quần bên nhau, bất chợt tông đồ Phê-rô đến gần Ngài và hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”.

Ông… ông Phê-rô đã đưa ra  con số bảy. Và, chắc hẳn không ít người trong chúng ta cho rằng, đó là một con số quá nhiều. Quá nhiều, bởi, nếu lời đề nghị của ông Phê-rô, đem so sánh với nhân sinh quan của người Việt Nam, thì bảy lần của ông Phê-rô, có thể nói là tuyệt vời. Người Việt Nam ta, giỏi lắm cũng chỉ “quá tam ba bận”, mà thôi. Còn nói tới luật Do Thái ư! Bốn lần là quá sức chịu đựng rồi.

Nay, ông Phê-rô gợi ý bảy lần, ôi ngài Phê-rô ơi! ngài quả là một con người “giàu lòng lân tuất”. Một con người giàu lòng lân tuất như thế, ấy thế mà cứ tưởng rằng Thầy Giê-su sẽ cho một lời khen. Trái lại, Đức Giê-su không khen, nhưng đã đưa ra một lời truyền dạy: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Vâng, “đến bảy mươi lần bảy”, thánh Phê-rô cùng với các bạn đồng môn của ông, đã nghe rõ mồn một như thế.

Bảy mươi lần bảy nghĩa là bao nhiêu? Phải chăng là bảy mươi nhân bảy bằng bốn trăm chín mươi lần? Vâng, không thấy thánh sử Mát-thêu giải thích. Nhưng, theo cách nói của Thánh Kinh thì, bảy mươi lần bảy có nghĩa là  “forever”, là mãi mãi… mãi mãi… mãi mãi cho tới chết.

Phải  là mãi mãi. Bởi có như thế, mới có thể cho mọi người biết, rằng: “Lòng lân tuất của Đức Chúa cao cả dường bao, ơn tha thứ dành cho kẻ trở lại với Người lớn lao biết mấy” (x.Hc 17, 29).

Phải là mãi mãi. Vì có như thế, lời Đức Giê-su truyền dạy “hãy yêu kẻ thù”, và  “hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em”, mới có thể là một lời truyền dạy khả thi.

“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Vâng, nghe rất dễ, nhưng  để thực hiện lại là một nan đề. Vậy, làm sao để có thể thực thi mệnh lệnh này? Thưa, hãy nhìn lên Thập Tự Giá nơi Đức Ki-tô đã chết đau đớn, đổ máu, để cứu chúng ta ra khỏi “bùn lầy” của tội lỗi và ban cho con người “quyền trở nên con Thiên Chúa” (x.Ga 1, 12).

Trên thập tự giá, Đức Giê-su đã làm gì nhỉ ! Thưa, đó là  một tấm lòng đầy bao dung, Ngài cất tiếng cầu nguyện, nguyện rằng: ‘Lạy Cha xin tha cho họ’. Chưa hết, Ngài  còn ‘bào chữa’ cho những kẻ đóng đinh Người, rằng :  ‘vì họ không biết việc họ làm’.

Người đời thường cho rằng, tuổi trẻ là tuổi bồng bột, nóng nảy, khó mà có thể thực hiện lòng bao dung và sự tha thứ. Với những ai có suy nghĩ như thế, hãy nhìn tấm gương chàng trai trẻ David.

Chuyện kể rằng: Vua Sa-un căm ghét David, một thuộc hạ của mình, chỉ vì một câu hát đón mừng sự thắng trận của David: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, ông Da-vid hàng vạn”.

Chính vì câu hát này, vua Sa-un giận lắm. Kể từ ngày ấy, Saun thường ngó Davvid với đôi mắt ghen tỵ. Sa-un tìm cách giết Da-vid. Đã hai lần David thoát chết. Ấy thế mà, David không trả thù, dù đã có lần vua Sa-un nằm trong tầm ngắm của ông ta. (x.1Sm 24, 1-8) Tại sao David tha thứ? Thưa, nhờ ơn soi sáng, David đã nhận ra vua Sa-un chính là “đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong”. Vì Chúa, ông ta đã tha thứ.

Vâng, vì Chúa, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Bởi vì, thật xấu hổ khi chúng ta cất tiếng nguyện xin Chúa “tha nợ chúng con”, nhưng sau đó, chúng ta lại không “tha kẻ có nợ chúng con”.

Không tha-kẻ-có-nợ-chúng-con, chúng ta đã hành xử bất nhân, giống như “kẻ mắc nợ” trong dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót” (x.Mt 18, 23-35)

Dụ ngôn được kể rằng: Người thứ nhất nợ người chủ (nhà vua) đến mười ngàn yến vàng.  Nhưng y không có gì để trả và đã nài xin chủ “rộng lòng hoãn lại cho tôi”. Với một tấm lòng thương xót, người chủ  “cho y về và tha luôn món nợ”. Nhưng khi anh này đi về, thấy một người bạn của mình chỉ nợ mình có một trăm quan tiền. Chuyện kể tiếp rằng: “Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo : trả nợ cho tao!”.

Bóp cổ… Ghê thật, phải không, thưa quý vị!  Vâng, thật ghê tởm, khi “người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ… xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”, thế mà y không chịu. Và, y đã tống giam anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ…

Người chủ nghe được chuyện bất công này, cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?’.

Vâng,  sách Huấn Ca có lời dạy rằng : “…bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha”. Tên đầy tớ gian ác này, đã không bỏ qua món nợ nhỏ bé mà người bạn của mình mắc nợ, thế nên, y đã không được tha. Và, kết quả đã rõ, đó là : ‘tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông’.

Qua dụ ngôn này, cùng với lời truyền dạy của sách Huấn Ca (nêu trên), không có lý do gì chúng ta được miễn trừ thực thi lòng thương xót và sự tha thứ đối với tha nhân. Tại sao ? Thưa, là bởi, chúng ta chỉ là những con nợ  trước mặt Thiên Chúa.  Chúng ta chỉ là những tội nhân xấu xa “đáng chết;” nhưng đã nhận lãnh được sự thứ tha, vô điều kiện, khi chúng ta ăn năn hối cải và đến tiếp nhận Cứu Chúa Giê-su.

Đó… đó là điều thánh Phao-lô đã thấu hiểu, thấu hiểu sau cú ngã ngựa tại Damas, và rồi ngài đã nói lên sự trải nghiệm của mình, rằng: “(Vì) Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em cũng phải tha thứ cho nhau” (x.Cl 3, 13).  Vâng, vì Chúa, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau.

Tưởng chúng ta cũng nên biết, người Hoa Kỳ có câu nói: “We like beast when we kill, we like men when we judge; but we like God when we forgive”.Vâng, tạm dịch là:  “Chúng ta giống thú vật khi giết hại, giống người khi xét đoán; nhưng giống Thiên Chúa khi chúng ta tha thứ cho nhau”.

Mà, chúng ta giống ai nhỉ! Thưa, như lời sách Sáng Thế Ký có ghi: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa”. Chúng ta được sáng tạo theo-hình-ảnh-Thiên-Chúa, chẳng phải là, giống-Thiên-Chúa sao! Thế nên, chúng ta: “phải biết tha thứ cho nhau”.

Petrus.tran

 

Trả lời