Phải biết sám hối và tránh xa tội đời

 

 

Phải biết sám hối và tránh xa tội đờiHôm nay (8/12/2019) theo lịch Phụng Vụ, toàn thể Giáo Hội bước vào tuần thứ II – Mùa Vọng. Rảo quanh một số nhà thờ, cũng như một vài xóm đạo, hầu hết những nơi đó đều đã thiết kế xong hang đá, biểu tượng  nơi Đức Giê-su sinh ra.

Riêng tại nhà thờ, ngoài việc thiết kế hang đá, cây thông, ông già Noel v.v.. chúng ta còn thấy có một chương trình tĩnh tâm cũng đã được niêm yết.

Thưa quý vị, năm nay  chủ đề gì sẽ được thuyết giảng trong buổi tĩnh tâm, nơi nhà thờ của quý vị? Vâng, nói mà không sợ sai, rằng sẽ có rất nhiều chủ đề và chúng ta có thể ví nó như là một vườn hoa với trăm hoa đua nở.

Và trong số trăm hoa đua nở đó, có phần chắc, đóa hoa “sám hối” sẽ là  chủ đề được nhiều vị linh mục dùng làm đề tài cho việc thuyết giảng của mình.

Mà, cớ gì lại không thuyết giảng đề tài sám hối nhỉ! Bởi, sự sám hối là một trong những chủ đề lớn của Mùa Vọng. Và lòng sám hối luôn là tiền đề cho những ai muốn  “được ơn tha tội” (x.Mc 1, 4). Chính ông Gio-an… Gio-an Tẩy Giả đã rao giảng như thế.

**

Vâng, hơn hai mươi thế kỷ trước, tại Palestin đã xuất hiện một nhà thuyết giảng, nhà thuyết giảng đó tên là Gioan Tẩy Giả. Ông đã đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê.

Ông Gio-an Tẩy Giả là ai? Thưa, theo lời Kinh Thánh có ghi, thì: “Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (x.Mt 3, 3).

Thật vậy, khi xuất hiện trong hoang địa, ông đã “hô” lên rằng: “Anh  em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (x.Mt 3, 1-2)

Tiếng hô của ông, cứ tưởng rằng, sẽ được đáp lại bằng những tiếng hò reo giễu cợt, hay  chỉ là những tiếng phèn la chập choãng, lạc lõng giữa hoang địa.

Nhưng không, tiếng hô của ông  đã đánh động tâm hồn nhiều người. Để rồi “người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp miền ven sông Gio-đan, kéo đến với ông”.

Người ta kéo đến với ông để làm gì? Thưa, “họ thú tội”. Và ông Gio-an… ông đã “làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mt 3, 6).

Hôm ấy, những người đến với ông Gio-an Tẩy Giả không chỉ là dân chúng, nhưng còn có “nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Sa-đốc”.

Những “ông kẹ” này  đến làm gì? Thưa, họ “đến chịu phép rửa”.

Chính… chính sự kiện này, ông Gio-an Tẩy Giả đã có một bài thuyết giảng… một bài thuyết giảng cảnh cáo những ông Pha-ri-sêu và Sa-đốc là những kẻ giả hình, một sự giả hình cần phải vứt bỏ đi, có như thế mới có thể chứng  tỏ lòng sám hối của mình.

Vâng, hôm ấy, ông Gio-an lớn tiếng nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”.

***

Bài thuyết giảng của ông Gio-an Tẩy Giả đã được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu (x.Mt 3, 1-12). Và thật phải đạo khi hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được nghe lại.

Nghe lại không phải là để nghe về một con người có vẻ hơi “lập dị” qua cách ăn mặc… “mặc áo lông lạc đà”, lập dị qua cách ăn uống “ăn châu chấu và mật ong rừng”.

Nghe lại, trước hết là để nhìn về một ông Gio-an như là tấm gương mẫu mực cho một lối sống “từ bỏ”. Thì đây, chúng ta hãy nhìn xem, ông Gio-an đã “từ bỏ” những gì?

Thưa, ông ta từ bỏ “chức vụ”, một chức vụ có nằm mơ cũng không thấy. Là con ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, và bà Elisabeth cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon, lẽ nào ông không được thừa kề chức “tư tế” như cha của ông? Thế nhưng, ông từ bỏ. Kinh Thánh ghi về ông rằng: “Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en” (x.Lc 1, 80).

Tiếp đến, đó là, ông đã  từ bỏ sự nịnh hót, sự dối trá, nói cách khác, ông đã dám sống cho sự thật và chết cho sự thật.

Để bảo vệ sự thật, ông đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên nhóm thần quyền giả hình Phariseu và Sa-đốc chỉ là một “Nòi rắn độc”. Và ông đã dám chết cho sự thật để ngăn cản bạo chúa Hê-rô-đê đã làm một việc đáng xấu hổ, “lấy vợ của anh” mình.

Nghe lại còn là để xem bài thuyết giảng của ông như là “bản xét mình” cho mỗi chúng ta.

Chỉ… chỉ cần nghe lại một câu thôi, rằng: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối” và hãy  “xét mình” rằng: Đã bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời chúng ta, chúng ta phải làm gì để chứng tỏ lòng sám hối?”

Chúng ta phải làm gì? Phải chăng là siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể? Tốt. Phải chăng là xưng tội mỗi năm ít là một lần? Cũng tốt.

Tất cả những việc làm nêu trên đều tốt. Thế nhưng, sẽ là tốt hơn nữa nếu chúng ta biết “từ bỏ chính mình”.

Tại sao phải biết “từ bỏ chính mình”? Thưa, vì đó  chính là điều Đức Giê-su đã truyền dạy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(x.Mt 16, 24)

Thật vậy, hãy thử nghĩ xem! Nếu chúng ta từ bỏ những thói hư tật xấu như: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, nóng giận, tranh chấp, bè phái, ganh tỵ, say sưa chè chén v… thì điều gì sẽ xảy ra?

Thưa, điều tất yếu, đó là: chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái, hoa trái tiết độ, hoa trái hiền hòa, hoa trái trung tín, hoa trái nhẫn nhục, hoa trái nhân hậu.

Với… với việc sinh nhiều hoa trái (nêu trên), có phần chắc, không ai dám phủ nhận rằng: chúng ta đã chứng tỏ lòng sám hối.

****

Bây giờ, thật hữu ích để chúng ta bớt chút thời gian đọc lại lời ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng: “Anh  em hãy sám hối”.

Vâng, phải sám hối, bất luận chúng ta là ai, bởi vì, như lời thánh Phao-lô nói: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Rm 3, 23).

Và, chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy tội lỗi. Sự phạm tội xảy ra như “chuyện thường ngày ở huyện”.  Tham ô và dâm ô đứng đầu. Phá thai quán quân thế giới. Gian lận, lừa đảo, dối trá nhan nhản khắp nơi, từ trong nhà thờ, nhà chùa… ra đến tận hang cùng ngõ hẻm. Hôn nhân đồng tính đã được hợp pháp hóa v.v…

Nếu… nếu đem thành Sô-đô-ma xưa, để so sánh với xã hội chúng ta đang sống hôm nay, nói không sợ sai, xã hội chúng ta rất đáng bị Thiên Chúa thiêu hủy.

Nói ra thực trạng này để làm gì? Thưa, để bắt đầu từ bây giờ, chúng ta phải tỏ lòng sám hối. Sáu bảy triệu người Công Giáo chẳng lẽ không được “mười người” sám hối sao!!!

Chúng ta phải sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Nếu không, ông Gio-an Tẩy Giả cảnh báo: “bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”.

Hãy nghe thêm một lời cảnh báo của ông Gio-an Tẩy Giả: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham. Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở thành con cháu ông Áp-ra-ham”.

Nhắc lại lời cảnh báo này để làm gì? Thưa, là để nói về chúng ta hôm nay, rằng: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: chúng ta đã là một Ki-tô hữu”.

Một… một Ki-tô hữu mà không “sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”, thì chỉ là “thóc lép”, mà thôi. Mà, một khi đã là thóc lép thì sao nhỉ? Thưa, ông Gio-an Tẩy Giả nói rằng: “thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (x.Mt 3, 12)

Thật sự là vậy, cho nên, hãy nghe lại lời kêu gọi của ông Gio-an Tẩy Giả: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.

Đã đến gần… Chúa Giê-su sắp đến thật gần… thật gần trên cuộc sống của mỗi chúng ta. Thế nên, đừng chần chờ gì nữa, mà hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.

Nói cách khác, để chứng tỏ lòng sám hối, chúng ta: “Hãy thắp nến sáng với bao việc lành. chờ ngày về nơi phúc vinh Thiên Đàng. Hãy sống xứng đáng với Cha trên trời. Ngày dài trần gian tránh xa tội đời.” (trích nhạc phẩm: Hãy sẵn sàng)

Đừng quên Kinh Thánh có chép rằng: “Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.” (x.Tv 51, 19). Thế nên, có gì không phải khi chúng ta cùng ngước nhìn thánh giá Chúa Ki-tô mà nguyện rằng: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sám hối và biết tránh xa tội đời”.

Vâng, là một Ki-tô hữu, chúng ta “phải biết sám hối và tránh xa tội đời”.

Petrus.tran

 

 

Trả lời