Nước Thiên Chúa : Mầu Nhiệm mang tên Hội Thánh.

 

Chúa nhật XI năm B

Nước Thiên Chúa
Mầu Nhiệm mang tên Hội Thánh.

 

Nước Thiên Chúa : Mầu Nhiệm mang tên Hội Thánh.Saigon có hai mùa mưa và nắng. Và cứ mỗi độ tháng sáu, tháng bước vào mùa mưa,  người Saigon lại thả hồn mơ mộng nhìn những hạt mưa rơi… để rồi ngẫu hứng cất lên tiếng ca rằng  “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt…”

Tháng sáu, theo lịch phụng vụ Công Giáo, cũng là tháng “chuyển mùa”, từ “Mùa Phục Sinh” trở về với “Mùa thường niên”.

Nếu việc chuyển mùa từ nắng sang mưa đã đem đến cho người Saigon thú vui ngồi thưởng thức coffee Brodard ngắm từng hạt mưa rơi và nghe “phố buồn” qua giọng ca Khánh Ly “hạt mưa mưa rơi tí tách, mưa tuôn dưới vách, mưa xuyên qua mành”, thì việc chuyển mùa của lịch phụng vụ Công Giáo, cũng đem lại cho người tín hữu niềm hạnh phúc được tái chiêm ngưỡng những “hạt mưa mầu nhiệm” đến từ Thiên Chúa…

Vâng, nếu được phổ một bài ca tháng sáu. Tháng sáu ! Đẹp thay những hạt mưa mầu nhiệm… Hạt mưa “Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa”… Hạt mưa “Mầu Nhiệm Mình Máu Chúa Kitô”…   hạt mưa “Mầu Nhiệm Nước Thiên Chúa”. 

“Nước Thiên Chúa”, đó chính là sứ điệp chủ yếu được Đức Giêsu công bố ngay khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Xuất hiện tại Galilê tâm hồn tràn đầy Thần Khí, Đức Giêsu rao giảng rằng : “Thời đại đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1, 15).  

Khi sứ điệp được loan ra, nhiều người không khỏi bàng hoàng… không khỏi ngạc nhiên… Một số người thắc mắc, và đại diện cho họ, những người Phariseu, đã đến chất vấn Đức Giêsu : “Bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến?” (Lc 17, 20).

Vâng, một câu hỏi thật là chính đáng. Đối với người Do Thái, khi nói đến Triều Đại hay Vương Quốc Thiên Chúa, họ nghĩ rằng đó là một Vương Quốc thật sự giữa trần gian với đầy đủ uy quyền của nó.  Israel đã được dạy dỗ rằng, sẽ có một Đấng Messia đầy quyền uy đến giải thoát họ khỏi gông cùm của đô hộ bởi ngoại bang và lập ra một Triều Đại mới.

Thế nhưng, đó không phải là ý nghĩa của sứ điệp mà Đức Giêsu công bố.  Ý nghĩa đích thực của sứ điệp đã được Đức Giêsu hé mở trong một dịp Ngài và các môn đệ đến vùng kế cận thành Xêdarê Philipphê.

Tại nơi đây, Đức Giêsu đã thiết lập một “Nước Thiên Chúa” bằng việc trao cho môn đệ Phêrô “chìa khóa Nước Trời”.  Nước-Thiên-Chúa không phải là một thực thể trần gian. Nước Thiên Chúa mà môn đệ Phêrô “nghĩa là Tảng Đá” được Thầy Giêsu trao quyền “cầm buộc – tháo cởi” chính  là “Hội Thánh của Thầy” (x. Mt 16, …18)

Vì thế, trước câu hỏi của nhóm Pharisêu được nêu ở trên, Đức Giêsu đã trả lời rằng : “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được” (Lc 17, 20).

Dụ ngôn “hạt giống được mọc lên” và dụ ngôn “hạt cải” như một lời giải trình của Đức Giêsu cho câu trả lời trên của Ngài.

Không phải là một nông gia nhưng Đức Giêsu đã mô tả công việc của một nông dân rất xác thực.  Người nói : “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất” (Mc 4, 26).

“Vãi hạt giống xuống đất”. Đó là công việc chính người viết đã làm qua.

Sau biến cố 30.04.1975, với chính sách ngăn sông cấm chợ, Saigon thiếu hụt rau quả một cách trầm trọng. Chính vì thế, để “khắc phục” tình trạng này,  nhiều cư dân thành phố tận dụng tối đa những khoảng đất còn lại trong nhà để trồng thêm rau quả.

Có thể nói rằng nhà nhà trồng rau, người người trồng rau. Gia đình tôi, (vâng.. xin phép được xưng tôi) cũng trồng rau. Miếng đất sân nhà, trước là sân chơi nay biến thành vườn rau đay.

Công việc không có gì nặng nhọc. Lấy cuốc sới đất lên rồi hạt giống cứ thế mà “vãi xuống đất”. Chẳng cần phân bón gì cả. Cũng chẳng cần thăm non gì cả. Thế mà chỉ một thời gian ngắn, mảnh vườn trồng rau đay của tôi  trở thành rừng rau đay.

Quả đúng như lời Đức Giêsu nói : “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết”.

Về dụ ngôn “Hạt cải”. Có lẽ trong chúng ta ai cũng đã thấy hạt giống đó. Thế nhưng, chắc hẳn trong chúng ta chưa ai thấy cây cải lớn “đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

Nhưng đó là sự thật. Linh Mục Tanila Hoàng Đắc Ánh, hiện đang phục vụ tại nhà thờ Mai Khôi – Tú Xương,  đã nhìn thấy cây cải đó ở Giêrusalem trong dịp Ngài được sang bên đó du học. Trong một lần giảng về đề tài này, Ngài cho biết, cây cải đó cao khoảng hai mét.

Vâng, hai dụ ngôn, tuy nội dung khác nhau, nhưng tựu trung, Đức Giêsu muốn đưa  ra một chân lý rằng : Nước Thiên Chúa, hay nói cách khác, Hội Thánh Chúa dù luôn phải đối mặt với “quyền lực tử thần”  nhưng vẫn âm thầm “nẩy mần và mọc lên…  như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ” khác. (Mc 4, 27… – 32).

Một chút tâm tình…

Theo số liệu mới nhất của Giáo Hội Công Giáo. Số người tin vào Chúa mỗi ngày một tiếp tục tăng. Niên giám Giáo Hội năm 2011 đã được trình lên Đức Benedicto XVI vào ngày 19.02 cho biết : tổng số người Công Giáo hiện đang sống trên toàn cầu trong năm 2009 đạt 1.181.000.000 tín hữu. (nguồn : VietCatholic). Cuốn niên giám còn nhấn mạnh rằng; trong hai năm gần đây (2008-2009) số lượng tín hữu tăng thêm 15 triệu người.

Vâng, chắc hẳn nhóm mười hai các môn đệ năm xưa  không nghĩ rằng chỉ một “hạt cải Phêrô” được “vãi xuống mảnh đất tại kinh thành Roma” năm xưa, nay sau hơn hai mươi thế kỷ nó đã trở thành “cây cải Vatican khổng lồ” như hôm nay. 

Ôi ! Quả đúng là Mầu Nhiệm. Một “Mầu Nhiệm mang tên Hội Thánh”.

Đáng buồn thay ! Hôm nay, còn có nhiều thiếu xót và sai lầm của bản thân ta  hay của một ai khác đó khiến cho khuôn mặt của Hội Thánh trở nên méo mó khó thương và là cớ làm cho con cái Chúa trong Hội Thánh nản lòng dẫn đến xa lìa Hội Thánh.

Phải chăng, đã đến lúc mỗi chúng ta cần phải sám hối… và phải chăng chúng ta cần cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần !?

Vâng, đừng quên lời tông đồ Phaolô đã nói : “tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm” (2 Cor 5, 10).

Một phút suy tư…

Chúng ta hãy trở lại dụ ngôn “hạt giống tự mọc lên” và dụ ngôn “hạt cải”. Có hai dữ kiện chúng ta cần lưu ý. Một là “người vãi hạt giống xuống đất”. Hai là “hạt cải”. 

Nếu được cho phép, nên chăng chúng ta gom hai dụ ngôn này và gọi là dụ ngôn “2 trong 1”.

Vâng, Nước Thiên Chúa hay còn gọi là Hội-Thánh-Chúa không thể tồn tại và phát triển nếu không hội đủ hai yếu tố này.

Chính vì thế, dữ kiện “người vãi hạt giống xuống đất và hạt cải” phải là “điều kiện ắt có và đủ” của một người Kitô hữu.

Là một Kitô hữu, mỗi chúng ta đều được mời gọi trở nên “người vãi hạt giống” như trong dụ ngôn. Thế nhưng, có cần thiết phải “mang hạt cải” sang tận Phi Châu, Afghanistan, Campuchia v.v…?

Nếu làm được thì tốt đấy. Nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta thực hiện ngay tại đây, trong gia đình của chúng ta.

Thật vậy, trong gia đình, nếu vợ chồng có tình yêu thương chỉ cần bằng “hạt cải” thì làm gì có chuyện “ông nói gà, bà nói vịt”. Và nếu vợ chồng có sự trung tín chỉ cần bằng hạt cải thì làm gì có chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem”.

Ngoài xã hội, nếu mỗi một nhân đức Kitô giáo được  hiện diện trong mỗi con người Kitô hữu, chỉ cần lớn bằng hạt cải, thì có phần chắc Hội Thánh của Chúa không thể phân rẽ một cách trầm trọng như hôm nay và thế giới chắc hẳn cũng tránh được nhiều cuộc chiến tranh vô nghĩa.  

Phải chăng đó là một “tham vọng”!?

Nếu đó là tham vọng… Vâng, xin mượn lời tông đồ Phaolô như một cách trả lời cho câu hỏi trên, rằng, “chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa” (2 Cor 5, …9).

Petrus.tran

Trả lời