Niềm hy vọng và sự an ủi từ nơi Thiên Chúa

 

Niềm hy vọng và sự an ủi từ nơi Thiên Chúa

Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Kính thưa quí vị,

Niềm hy vọng và sự an ủi từ nơi Thiên ChúaTrong các bài đọc Chúa nhật mùa Phục sinh này, sách Khải huyền xuất hiện 6 lần. Sau này sách Khải huyền sẽ không xuất hiện lại nữa trong hai năm cho đến khi quay lại chu kì năm C, vào năm 2016. Vì hiếm khi chúng ta có cơ hội nghe sách Khải huyền, nên tôi đã suy tư về các bài đọc này, ít là một phần trong những tuần qua.

Tôi thắc mắc không biết có bao nhiêu người trong chúng ta đọc sách Khải huyền để suy niệm riêng? Tôi thì hiếm khi. Nhưng tôi nhớ có vài người thường hay đọc. Họ là những bạn tù ở nhà giam San Quentin gần San Francisco. Tôi ngạc nhiên khi lần đầu tiên khám phá ra điều này. Nhưng nó củng cố cho lý do rằng họ tìm kiếm nguồn an ủi trong cuốn sách về các thị kiến bí ẩn này. Chúng ta có thể thấy ngôn ngữ toán học kỳ dị, khó hiểu và thậm chí còn kỳ quặc. Nhưng, những người bạn tù mà tôi biết ở East Block, nơi có sự bảo vệ chặt chẽ nhất, đã nhận ra rằng sách Khải huyền rất thích hợp với họ. Những hình ảnh chúng ta có thể thấy là kỳ cục, hay siêu phàm, cách nào đó lại nói về niềm hy vọng và sự nhẫn nại cho những con người đang bị giam trong bốn bức tường 23 giờ một ngày.

Thị kiến về thời cánh chung của sách Khải huyền đã giúp cho những tù nhân tập trung vào thời điểm tự do trong tương lai. Họ hy vọng sẽ xảy ra trong cuộc đời của họ, dù một số không có ngày ra, vì thế những thị kiến về “một trời mới và đất mới” như Gioan hứa với họ, mang đến cho họ niềm an ủi và hy vọng rằng sau cùng họ cũng được giải thoát cuộc đời lao lý.

Tôi không muốn quí vị ngạc nhiên với việc San Quentin có 5.000 độc giả Kinh thánh. Trái lại, như tôi đã nói “một vài tù nhân” có sách Kinh thánh và tìm thấy nguồn an ủi nơi Lời Chúa, đặc biệt nơi sách Khải huyền. Đây cũng là trường hợp dành cho các tín hữu sơ khai khi lần đầu tiên nghe sách này. Họ là con số nhỏ trung thành với niềm tin của mình cũng như phấn đấu để cùng nhau sống cộng đoàn dù bị bao quanh bởi thế giới thù địch. Thậm chí, tác giả sách này cũng chịu áp bức, khi ông nói: “Tôi là Gioan, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giêsu. Khi ấy tôi đang ở đảo gọi là Patsmo vì lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giêsu” (1,9). Như vậy, tác giả đang sống trong lưu đày, chịu đau khổ trong tù, vì “làm chứng cho Đức Giêsu”.

Chúng ta không cần phải bị giam cầm hay lưu đày mới trở thành những độc giả của sách Khải huyền, để lắng nghe và được Lời Chúa thôi thúc – và để chịu thử thách sống đức tin cách kiên vững mà chúng ta tuyên xưng trong thánh đường mỗi Chúa nhật.

Nếu trước đây chúng ta đã không để ý, thì bài đọc hôm nay cho thấy rõ rằng sách Khải huyền nhằm an ủi những ai đang trải qua thử thách đức tin. Xuyên suốt sách Khải huyền là một bảo đảm rằng, dù cho những tội ác có vẻ rõ ràng chiến thắng trên thế giới, nhưng Thiên Chúa tối cao và công minh cuối cùng sẽ chiến thắng sự ác và ban tặng sự công chính cho những ai kiên tâm bền chí và sống đời tín thác. Sách Khải huyền nói với những ai đang nhìn lên Thiên Chúa để xin nguồn an ủi; hẳn sự an ủi chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Cách nào đó, đây là sách mang tính ngôn sứ, thôi thúc chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa và sống kiên trung với giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với chúng ta trong Đức Kitô.

Chúng ta sẽ được nghe sách Khải huyền cho đến Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Bài đọc hôm nay nằm ở cuối sách, một trong những thị kiến thường được trích dẫn, khơi lên niềm hy vọng và sự mong chờ nơi những thính giả đầu tiên xưa kia – và chúng ta bây giờ. Thị kiến về thành Giêrusalem mới là thị kiến thứ bảy cũng là cuối trong loạt những thị kiến về những sự sau hết. Đoạn văn trước (20, 11-15) mô tả sự tận cùng của cuộc sáng tạo cũ: Thiên Chúa đang lại bắt đầu với “trời mới đất mới”. Chúng ta sẽ không nhìn vào không trung để tìm thế giới mới này, nhưng nó sẽ xuất hiện tại đây, ngay cạnh chúng ta.

Sứ điệp mà chúng ta nghe công bố là chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa nhân lành. Hãy tưởng tượng xem khi các tín hữu được nâng lên sau những đau khổ; được ủi an khi nghe biết rằng họ sẽ không bị bỏ rơi. Thiên Chúa luôn nhớ đến họ và ở với họ. Hơn thế nữa: Thiên Chúa luôn ở trong họ. Quyền lực nào có thể tách họ ra khỏi Thiên Chúa?

Vì sự bách hại của Domitian (81-96) những người Dothái và những tín hữu Dothái đang trốn chạy khỏi Châu Á. Họ sẽ bị phân tán, bị tấn công và hoảng sợ. Những Kitô hữu bày tỏ niềm tin vào Đức Giêsu là Đấng Mêsia, không còn được liên kết với các anh chị em Dothái ban đầu. Họ dần trở thành một cộng đoàn tín hữu tách biệt, nhỏ bé và dễ bị tổn thương. Các tông đồ đã chết và trong thế giới mới cùng với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống hẳn các Kitô hữu này đã cảm thấy rất cô đơn.

Gioan cho họ biết rằng những gì mà họ có là một Giêrusalem mới. Thiên Chúa, Đấng Tạo hoá, bằng cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, đã tái tạo lại chúng ta. Những điều cũ, đau khổ và tội lỗi không còn thống trị trên chúng ta nữa. Tại sao “biển không còn nữa”? Vì biển đại diện cho sự hỗn độn và nguồn tội lỗi mà con quái vật đi lên để đuổi bắt con người. Vì thế, tất cả những gì là tội ác và dìm con người xuống, nay sẽ không còn. Đối với một cộng đoàn hay cá nhân chịu đau khổ lâu dài, bài đọc hôm nay không chỉ là một bài thơ đáng yêu, nhưng còn khẳng định: cuối cùng Thiên Chúa sẽ chiến thắng sự dữ. Như Gioan viết: “Này đây Ta làm mới mọi sự”. Người sẽ thực thi lời hứa rằng nỗi đau sẽ chấm dứt, đau khổ sẽ không còn nữa và một thời mới sẽ bắt đầu. Sẽ không còn nước mắt, “không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ, vì những điều cũ đã qua đi”. Những gì đã bị tội lỗi cướp mất sẽ được Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta làm mới lại.

Đền thờ ở Giêrusalem là trung tâm của việc phụng tự Dothái. Đền thờ nguy nga rộng lớn là biểu tượng của giao ước bền vững của Thiên Chúa với dân. Thánh điện bên trong, nơi cực thánh, là nơi vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện trên mặt đất. Quí vị có thấy rằng Đền thờ, trung tâm của Giêrusalem cũ, không được đề cập ở Giêrusalem mới đang từ trời xuống phải không? Sau đó, Gioan nói: “Tôi không thấy có Đền thờ trong thành, vì Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng và Con chiên là Đền thờ của thành” (21,22). Thay cho nơi phụng tự cũ trong Đền thờ, Thiên Chúa sẽ ngự giữa chúng ta. Các ngôn sứ đã hứa điều này (Gr 31,33; Ed 37,27-28). Thiên Chúa sẽ chiến thắng sự ác và sẽ hiện diện vĩnh cửu mà không tội ác, khổ đau và quyền lực nào có thể lấy đi được.

Thánh Phaolô đã cho chúng ta biết Giêrusalem mới là Hội thánh (Gl 4,26). Thiên Chúa không là thứ quyền lực xa vời trên cao, nhưng Người ở với chúng ta luôn mãi. Chính sự hiện diện thâm sâu của Thiên Chúa với chúng ta lúc này an ủi và lau sạch những giọt nước mắt cô đơn hay cảm giác bị bỏ rơi. Sự chết không còn thống trị chúng ta vì Đức Kitô phục sinh đã tước khỏi nó quyền lực đe doạ chúng ta.

Chúng ta có thể tin vào điều Gioan nói vì tác giả không nói về bản thân mình, lời của ông mang uy quyền của Thiên Chúa để giúp họ đứng lên. Ông đã nhận lãnh sứ điệp này từ chính Đức Kitô (1,11) và nhờ vào tiếng nói phát ra từ trời (14,13). Ông khẳng định sứ điệp của mình là thật vì bắt nguồn từ chính Thiên Chúa.

Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời