Nhờ “tin mà thấy”…

 

Nhờ “tin mà thấy"…Chúa Nhật hôm nay (27/03/2016), toàn thể Giáo Hội Công Giáo long trọng cử hành Thánh Lễ Mừng Chúa Giêsu Phục Sinh. Niềm tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh, ngay từ đầu, đã được các cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi tuyên xưng, qua việc truyền dạy của các tông đồ.

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô dạy rằng: “Trước hết, tôi đã truyền cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người được mai táng, và ngày thứ ba đã trổi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai… sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào đã sinh non” (x. 1Cor 15, 3-8)

Ông Kê-pha là ai? Thưa, là ông Phê-rô. Tông đồ Phê-rô và cả Gio-an nữa, có thể được xem là những người đầu tiên hiện diện tại ngôi mộ táng xác Đức Giê-su, và các ông đã thấy nó chỉ còn là một “ngôi mộ trống”. Sự kiện này đã được tông đồ Gio-an ghi chép lại, và như lời ngài nói: “là để anh em tin”. (x.Ga 20, ..31)

Vâng, câu chuyện được ghi lại, rằng: hôm đó, vào lúc  “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ…”

Bà Maria Mác-đa-la là ai? Thưa, bà ta chính là người đã được Đức Giê-su trừ quỷ và chữa bệnh. Hôm đó, hôm Đức Giê-su bị bắt và bị giết chết, bà ta đã theo chân Người suốt con đường từ dinh Philato đến tận đồi Golgotha. Chính mắt bà chứng kiến cảnh hành hình và cái chết của Ngài.

Cũng ngày hôm đó, lúc ông Joseph, người Arimathe, được tổng trấn Phi-la-tô cho phép nhận thi hài Đức Giê-su để chôn,  “bà và một bà khác cũng tên là Maria…” có mặt ở đó. Chính mắt bà thấy ông ta ôm xác Đức Giê-su “lấy tấm vải gai sạch mà liệm và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá…” Sau đó, ông ta “lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về” (x. Mt 27, 59-61). Vậy mà hôm nay, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, khi đến mộ, bà ta thấy“tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”. Ngôi mộ giờ đây, chỉ còn là một “ngôi mộ trống”

Trong sự hốt hoảng, bà ta chạy về. Người đầu tiên bà gặp, chính là  “ông Simon Phêrô và một người môn đệ Đức Giê-su thương mến”. Đứng trước mặt hai ông, bà thổn thức, nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”(Ga 20, 2).

Sau khi nghe những lời kể của Maria Mác-đa-la, không một chút đắn đo, Phê-rô và Gio-an lập tức ra khỏi nhà. Tại sao họ lại vội vã như thế!  Thưa, tuy Kinh Thánh không ghi lại, nhưng chúng ta có thể tin rằng, sự vội vã đó là do niềm mong đợi, qua lời Đức Giê-su nói, đã tiềm ẩn trong tâm tư các ông, rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”.

Hôm nay, tính từ hôm thứ sáu, ngày Thầy Giêsu bị đóng đinh trên thập giá tại Golgotha, đã sang ngày thứ ba… Là ngày thứ ba, sao không vội vã cho được, nhỉ!

Chuyện kể tiếp, rằng: “Cả hai người cùng chạy”. Và, khi tới ngôi mộ, nơi Thầy Giê-su đã được mai táng, thật đúng y như lời kể của bà Maria, ngôi mộ trống không. Một cảnh tượng khác thường đã xảy ra. Các ông chỉ thấy “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại…” (Ga 20,..7).

Không hiểu tại sao những “băng vải tẩm thuốc thơm quấn thi hài Đức Giêsu” nay đã được “xếp riêng ra một nơi”…  Đức Giê-su đâu? Các ông không thấy. Ai đã tạo ra sự kiện khác thường này, các ông không bận tâm.

Nhưng, khi nhìn những sự khác thường đó, Gio-an “đã tin”. Mang niềm vui đó,  “Các môn đệ lại trở về nhà”. (x.Ga 20, 10)

Có thật sự là hai ông đã tin?  Thưa, có phần chắc là như thế. Hiện tượng ngôi mộ trống như là nguồn “ánh sáng Phục Sinh” đã rọi sáng niềm tin của các ông, đã  mở toang cánh cửa tâm hồn các ông, để các ông hiểu rõ hơn về những điều Kinh Thánh đã chép, rằng “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”. (Ga 20, 9).

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, niềm tin của các ông chưa trọn vẹn, chưa trọn vẹn là bởi các ông vẫn thực sự chưa nhìn thấy con người Phục Sinh của Đức Giê-su. Thế nên,  đã có lần khi Đức Giê-su hiện ra: “đứng giữa các ông… các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 36-37).

Các môn đệ, chỉ thật sự tin và (sau này) công bố niềm tin này trước bàn dân thiên hạ là nhờ Đức Giê-su, trong bốn mươi ngày sau khi Phục Sinh, Ngài đã hiện ra nhiều lần để củng cố đức tin các ông và “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.

Thật vậy, tác giả sách Công Vụ Tông Đồ có chép rằng, Đức Giêsu, “Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong suốt bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3)

Nhờ thế, mà sau này, dù phải đối mặt với các tư tế, các kỳ mục, các kinh sư, ông Phêrô và Gioan vẫn không sợ hãi mà tuyên tín rằng “Đức Giêsu Kitô , người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 4,10).

Ngày nay, với niềm tin tông truyền, Giáo Hội vẫn luôn tuyên xưng rằng, Đức Giêsu – “Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.

Và cũng như xưa, như các thượng tế và kỳ mục đạp đổ niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh bằng cách dùng thủ đoạn hối lộ “cho lính một số tiền lớn” để họ vu khống lên rằng, “các môn đệ của (Giêsu) đã đến lấy trộm xác”. Ngày nay, không ít người, vẫn kiên trì dùng những thủ đoạn đó. Họ đưa ra những sự dối trá và lừa lọc rất thâm độc để tấn công Hội Thánh Chúa, đả phá sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Triết gia người Đức, David Strauss, đã nêu lên vấn đề này trong tác phẩm “The life of Jesus critically examined” với lập luận cho rằng: Các tín hữu đầu tiên của Kitô giáo đã cố tìm mọi cách để gán cho Giêsu đủ thứ huyền thoại về một Đấng Cứu Thế mà mọi người mong đợi. Tác giả cuốn sách cố chứng minh rằng, Đức Giêsu của Kinh Thánh chỉ là một Giêsu của huyền thoại.

Có lẽ, chúng ta không cần tranh luận gì về những điều mà họ đã viết, bởi những gì họ  viết đều có một điểm chung, đó là “sự dối trá và lừa lọc”. Mà những ai “dối trá và lừa lọc” thì, xin mượn lời của Benjamin Franklin để kết luận: “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực.”

Vấn đề còn lại của chúng ta, là những người tin vào sự Phục Sinh của Đức Giê-su, đó là: đừng để những sự dối trá và lừa lọc đó ảnh hưởng đến niềm tin của mình. Làm sao để nó không ảnh hưởng, nhất là, trong thế kỷ 21 này, với một nền công nghệ thông tin hiện đại như ngày nay, sự dối trá và lừa lọc lại càng tinh vi hơn nữa!

Thưa, không gì tốt hơn là hãy trở về với “Kinh Thánh” và cũng đừng quên siêng năng tham dự “Tiệc Thánh”. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau như là một điển hình và là mẫu mực để chúng ta noi theo. (x. Lc 24, 12-32).

Chuyện vắn tắt là thế này, theo lời họ kể, dù đã biết “có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi… ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy”… Ấy thế mà, hai vị vẫn chưa tin, họ khăn gói quả mướp trở về Emmau, quê mình.

Chỉ tới khi gặp Chúa Giê-su, nghe Ngài giải thích Kinh Thánh, một sự giải thích khiến lòng hai vị “bừng cháy lên”, rồi sau đó, cùng Ngài ăn bữa tối, nhìn thấy Ngài “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”, hai vị mới “nhận ra Người”.

Vâng,  niềm tin Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh của hai môn đệ trên đường Emmau nói riêng, (và nhóm mười hai nói chung), đó là:  sự cảm nghiệm, một sự cảm nghiệm được chạm, được thấy, được nhìn, được nghe chính Thầy của mình, nói tắt một lời, được gặp Đức Giê-su Phục Sinh qua “Kinh Thánh” và “Tiệc Thánh”.

Có người nói Kinh Thánh là cuốn sách xưa rồi. Đúng, sách xưa, nhưng hãy nhớ rằng, sách xưa là sách quý. Hơn nữa, Kinh Thánh là một cuốn sách không thể “dối trá”, bởi những gì đã được viết trong đó, nếu là sự lừa dối, tất nhiên không thể tồn tại đến hôm nay. Vâng, “ai đó có thể lừa dối một số người trong một lúc, và lừa dối hết mọi người trong vài lúc, nhưng không thể mãi mãi lừa dối được tất cả mọi người.” (Abraham Lincoln)

Còn nơi bàn “Tiệc thánh” ư! Vâng, nơi đây, Đức Giê-su cũng không “lừa lọc” ai cả.  Trái lại, Ngài đã có một lời hứa với chúng ta, rằng: “Thật, tôi bảo thật… Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).

Hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa cho chúng ta nghe lại câu chuyện “ngôi mộ trống”. Câu chuyện về ngôi mộ trống, hay câu chuyện về hai môn đệ trên đường Emmau, cũng như nhiều câu chuyện khác, nói về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su, đã được ghi lại trong Kinh Thánh, tuy đã hơn hai ngàn năm nay, nhưng nó vẫn tồn tại và vẫn luôn được rao truyền, không chỉ cho chúng ta hôm nay, nhưng là  cho đến tận thế.

Phải chăng, đó… đó chính là “phép lạ”, một phép lạ thay cho phép lạ Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra, mà, rất có thể một ai đó trong chúng ta mơ ước được thấy,hôm nay?

Thưa, đúng vậy. Sự tồn tại của Kinh Thánh, cho đến hôm nay, (có ghi chép những câu chuyện nêu trên), bất chấp thời gian và không gian, bất chấp sự cấm cách, bắt bớ, tiêu hủy v.v.. cho chúng ta tin như thế.

Thế nên, hôm nay, sau khi nghe lại câu chuyện này, chúng ta hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi mình, rằng: tôi “đã thấy, đã nghe và đã tin”! Hay ta nửa tin nửa ngờ! Hoặc ta chỉ tin khi có mặt trong nhà thờ mỗi Chúa Nhật!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, các môn đệ xưa, không phải nhờ “thấy mới tin” nhưng là “nhờ tin mà thấy”. Các ông đã tin vào những gì Chúa Giê-su giải thích, nên các ông đã thấy, không phải thấy một Giê-su chết treo trên thập giá, nhưng là một Đức Giê-su Phục Sinh.

Petrus.tran

 

Trả lời