Nhớ Ngoại Mùng Một Tết

 

 

Nhớ Ngoại Mùng Một Tết

 

Nhớ Ngoại Mùng Một TếtTết nhiều năm về trước – những ngày Tết đông đủ con cháu

Mùa Tết đến, các cây mai tứ quý lâu đời trong vườn nhà ngoại vàng rực sắc xuân; những cành hoa vươn ra khỏe khoắn như đón chào thời khắc giao mùa. Dượng Bảy cũng tranh thủ những ngày cận Tết, chủ vườn vừa bán vừa tặng, mua hai chậu cúc marguerite chưng hai bên cửa phòng khách.

Buổi sáng đầu năm ở nhà ngoại thật tấp nập, đông vui. Chốc chốc lại nghe tiếng xe máy dừng trước cổng; một “tiểu gia đình” đến đấy mà!  ón con cháu vào nhà, nghe tiếng chào lễ phép “Con thưa mẹ… Con thưa ngoại…”, gương mặt ngoại rạng rỡ hẳn lên.

Chúng con cảm nhận được niềm hạnh phúc trong mắt ngoại, niềm hạnh phúc của một người phụ nữ mà gia đình là tất cả cuộc đời của bà. Ngoại tới lui chăm chút cho con cháu, người khoanh bánh tét, đứa miếng lạp xưởng…

Khoảng 10g sáng, tất cả đã tề tựu đông đủ. Ngoại có mười người con, năm trai năm gái. Trừ cậu thứ sáu sống xa gia đình từ lâu, chín người còn lại đều đã có mặt. Đã đến rồi phần quan trọng nhất của ngày mùng một – chọn người đại diện đứng ra chúc Tết ngoại. Các bậc nam giới trong gia đình sẽ được ưu tiên đảm nhiệm trọng trách này. Trong không khí trang nghiêm, những lời chúc như thấm sâu hơn vào tâm trí của mọi người.

Dù chỉ là những lời chúc về sức khỏe, niềm vui dành cho ngoại nhưng ai nấy cũng ngân ngấn nước mắt, buồn vui lẫn lộn. Vui vì vẫn còn có ngoại Tết năm nay, buồn vì thời gian sao như tên bay, thắm thoát một năm lại trôi qua, ngoại già thêm một tuổi, quỹ thời gian còn lại bên con cháu không còn nhiều nữa…

Sau lời mừng tuổi ngoại, đến phần bọn trẻ con thích nhất – được Ngoại lì xì. Xếp hàng từ lớn đến bé, chúng con vòng tay chúc sức khỏe ngoại và nhận từ ngoại những phong bao lì xì sắc đỏ may mắn với lời chúc ngoan và học giỏi kèm với một nụ hôn vào má.

Sau phần chúc Tết, đại gia đình tụ lại chụp với nhau một tấm hình. Mỗi năm con cháu một đông thêm nên ban đầu là hai hàng, kế đó tăng lên ba hàng, thậm chí sau này một số cậu dì phải kê thêm chiếc ghế nhỏ để đứng lên mới đủ khung hình. Ngoại mặc chiếc áo dài, ngồi nơi trang trọng nhất với con cháu xung quanh, mỉm cười thật phúc hậu.

Tiếp đến, từng nhóm nhỏ chụp riêng với ngoại. Ngoại chụp với “ngũ long công chúa” – tức các con gái của ngoại, các con trai và với từng tiểu gia đình. Hôm nay ngoại là “người mẫu chính”, ai cũng muốn có hình chụp chung với ngoại mà ngoại dù mệt cũng chẳng nỡ từ chối một ai…

Những ngày Tết đông đủ ấy quả là hạnh phúc phải không ngoại?

Tết 2008 – ngoại bệnh

Sau cơn đột quỵ vào tháng 4-2007, ngoại yếu hẳn đi. Ngoại khó ngủ, sức ăn uống kém đi nên ốm hẳn so với trước. Trí nhớ của ngoại cũng không còn minh mẫn như xưa, lúc nhớ lúc quên. Tuy vậy, nghe có ai đến thăm là ngoại mừng lắm vì biết đó là con cháu của mình.

Tết 2008, con cháu vẫn tụ họp bên ngoại dù giờ đây ngoại chẳng thể tới lui gắp cho đứa này miếng củ kiệu, cắt cho đứa kia miếng bánh chưng. Ngoại vẫn cố gượng chụp với con cháu tấm hình Tết nhưng dáng ngoại ngồi không còn vững, ánh mắt không còn thần sắc như những Tết trước. Run run sờ mặt cháu cố Tommy đang ngủ ngoan trong lòng mà mắt ngoại rưng rưng; chúng con nhìn ngoại mà lòng xót xa…

Tết nay – vắng ngoại

Ngày 30 Tết, con ngồi viết mà lòng nhớ ngoại vô cùng. Thế là ngoại đã mãi mãi yên nghỉ, mãi mãi xa chúng con. Mùng một Tết này con cháu của ngoại cũng vẫn hẹn nhau quây quần dưới mái nhà nơi ngoại đã từng sống thuở sinh thời.

Cầu mong hương hồn của ngoại trên trời cao sẽ cảm nhận được sự ấm áp trong làn khói hương hòa quyện với những lời cầu nguyện của chúng con.  Ngoại à, những kỷ niệm về ngoại sẽ sống mãi trong lòng chúng con. Chúng con sẽ nhớ mãi giọng nói nhỏ nhẹ, nụ cười hiền hòa và tất cả những gì ngoại đã làm cho chúng con, sống vì chúng con.

Rồi đây, nhiều thế hệ cháu chắt của ngoại sẽ ra đời và chúng con sẽ kể cho chúng nghe về ngoại, về người bà đáng kính mà chúng con may mắn hơn đã được sống cùng, về những ngày đẹp nhất trong cuộc đời khi chúng con được chăm sóc trong vòng tay trìu mến của ngoại.

 

Thảo Vy

 

 

Trả lời