Nhân vật thứ hai trong Tin Mừng


Nhân vật thứ hai trong Tin Mừng

 

Nhân vật thứ hai trong Tin MừngNhân vật chính của Tin Mừng là Đức Giêsu Kitô. Tâm điểm của Tin Mừng là cuộc tử nạn và Phục sinh của Ngài. Nếu phải đi tìm một nhân vật thứ hai của Tin Mừng, người được đề cử là thánh Gioan Tầy giả.

Tin Mừng mô tả khá đây đủ về thánh Gioan, trải qua các giai đoạn quan trọng của một phận người. Từ lúc mang thai trong lòng bà Elizabeth nhờ ân phúc của Thiên Chúa; lúc sinh ra được ông Zacaria lấy bút ghi tên là Gioan (đặt tên theo sự loan báo của sứ thần Chúa); lớn lên trong hoang địa, ăn châu chấu và uống mật ong; rao giảng mọi người hãy thống hối quay về nẻo chính và hãy sinh hoa quả; bị bắt giam vì ngăn không cho vua phạm tội và bị chặt đầu. Đặc biệt hơn, cả bốn thánh sử cùng đề cập tới ngài, trong đó nhiều nhất là thánh sử Luca.

Nếu đọc kỹ Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy thánh Gioan có một đặc ân lớn lao, được tiếp xúc với cả Ba Ngôi Thiên Chúa tại đoạn Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu chịu phép rửa. “Ông Gio-an còn làm chứng: Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1, 32).

Có chuyện ngụ ngôn vui sau, một hôm cáo bảo với cọp rằng, chính nó mới là chúa tể sơn lâm, tất cả các thú vật trong rừng đều phải nể sợ. Nếu không tin hãy để nó đi trước, cọp theo sau, đi khắp nơi mà kiểm chứng. Quả nhiên, đi đâu các loài vật đành phải tránh. Chúng sợ cọp, nhưng cọp lại nghĩ chúng sợ cáo. Câu chuyện hàm ý, người biết dựa vào thế lực, uy quyền của người kề cận để khoe mình, chính là cáo mượn oai hùm.

Thánh Gioan được Chúa Cha tuyển chọn là vị ngôn sứ đi trước dọn đường cho Người Con của mình. Thánh Gioan nói “Tôi là tiếng hô trong hoang địa, hãy sửa đường thẳng cho Chúa đi” (Ga 1, 34), ngài chính là vị ngôn sứ làm cầu nối giữa Cựu ước và Tân ước. Dù được sai đi trước Người Con của một Thiên Chúa quyền năng cả không gian lẫn thời gian, thánh Gioan đã không dùng kế sách cáo giả oai hùm như trên. Ngược lại, ngài rất khiêm tốn khi nói về mình với nhóm thầy tư tế, với các đồ đệ và khi gặp Đức Kitô.

Với nhòm tư tế, ngài nói “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1, 26). Hay một đọan khác, ngài bảo với các môn đệ “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”.  (Ga 3, 29)

Khi bàn về tính khiêm nhường và tự cao, ai cũng thấy rằng học tập tính khiêm nhường thường khó, rất khó. Những ai càng thông minh thì cái tôi càng lớn. Nhưng nhìn ở góc cạnh khác, có một nghịch lí, nếu ai đã sở hữu được bộ óc thông minh thì hãy cố gắng làm chủ bài toán khó: sự khiêm cung.

Bàn về sự khiêm nhường Hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận viết: “Người khiêm nhường như hạ mình sát đất không còn ngã xuống đâu được. Người kiêu ngạo như leo trên tháp cao, rất dễ nhào và ngã khủng khiếp lắm. Càng khiêm tốn Đức Maria càng trong sáng, vì càng thấy rõ nhhững kì diệu của Chúa làm trong lòng Mẹ”.

Khi nói về bản thân, Mẹ Têrêsa thành  Calcuta nói: “Tôi tin rằng nếu Chúa tìm thấy một người nào yếu ớt hơn, vô vọng hơn tôi, Ngài thậm chí sẽ làm nhiều điều cao cả hơn cho người ấy, vì công việc này là của Ngài”.

Trong 14 điều răn dạy của đạo Phật cũng ghi rõ: “Thất bại lớn nhất của đời người là sự tự đại”.

Lạy thánh Gioan Tẩy Giả, xin thầy luôn nhắc nhở, chỉ dạy cho chúng con tính khiêm cung trong lòng.

G. Tuấn Anh

 

 

Trả lời