Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta

Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-18

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng taPhải chăng mọi người, nhất là các trẻ em cảm thấy một chút hụt hẫng khi nghe bài Tin Mừng hôm nay? Đâu rồi các thiên thần, mục đồng, trẻ thơ mới sinh, cùng với cha và mẹ của em? Và hang bò lừa với các con vật nữa chứ? Thay vào đó, chúng ta nghe một bài đọc có vẻ khá trừu tượng trích từ Tin Mừng thánh Gioan nói về Ngôi Lời trở nên xác phàm. Hầu như chẳng thể làm nên một tấm thiệp Giáng sinh!

Quý vị còn nhớ bữa tiệc sinh nhật gần nhất đã tham dự không? Tuổi tác của người mà quý vị đang mừng không phải là trọng tâm, những ai tụ họp lại vì dịp này không ăn mừng người ấy như hồi còn là một đứa trẻ mà như một con người hiện tại vào ngày mừng sinh nhật. Cũng thế đối với Đức Giêsu. Mỗi mùa Giáng Sinh chúng ta nhớ lại thời thơ ấu của Người với những nét chính yếu do Tin Mừng Luca và Mátthêu thuật lại. Cả hai Tin Mừng này đều có những lời lẽ ám chỉ tương lai đầy những truân chuyên của trẻ thơ mới sinh; nhưng chúng ta chỉ lướt qua chúng thôi và tập trung vào những nét mang lại bầu khí ấm cúng.

Tin Mừng thánh Máccô không có trình thuật về Giáng Sinh và gia cảnh của Đức Giêsu. Thay vào đó, Tin Mừng Máccô khởi đầu với trình thuật ông Gioan Tẩy Giả rao giảng. Thánh Gioan cũng không bắt đầu bằng những trình thuật về thời thơ ấu theo như lẽ thường. Lời tựa cho Tin Mừng Gioan chúng ta nghe hôm nay có thể sẽ làm đảo lộn những hình ảnh và tư tưởng mang tính cảm tính nào đó của chúng ta.

Tôi nhớ đến một bức tranh vẽ Đức Giêsu còn nhỏ cùng với Thánh Giuse trong xưởng mộc. Hai người đang làm việc với hai khúc gỗ. Hai khúc gỗ này tạo thành một cây thập tự. Ngay cả trong bối cảnh có vẻ bình yên một người cha đang dạy nghề cho con, đã có những điềm báo về tương lai của cậu bé thợ mộc rồi – cây thập giá. Trình thuật hôm nay trình bày một cái nhìn đơn giản về những điều đang ở ngay trước mắt những độc giả của Tin Mừng Gioan. “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.”

Chúng ta có nguy cơ trở thành Lão Hà Tiện[1] tại bữa tiệc Giáng Sinh này. Vì vậy, chúng ta cần thánh Gioan trợ giúp để chú tâm và nhận biết rõ về con người mà chúng ta đang mừng lễ sinh nhật hôm nay. Trẻ thơ nằm trong máng cỏ làm cho các cánh thiệp Giáng Sinh thêm đẹp và làm cho trẻ em vui tươi phấn khởi. Nhưng chúng ta, những độc giả của Tin Mừng đôi khi đang sống những mảnh đời rối ren và chai sạn. Vì những mảnh đời như vậy mà chúng ta, những người trưởng thành, cần phải được nhắc nhớ về món quà và yêu cầu mà Ngôi lời mặc lấy xác phàm gửi đến cho ta.

Chúng ta cử hành biến cố Giáng Sinh và sự hiện diện của Đức Kitô trong thế giới ngày nay. Người không còn là một hài nhi, nhưng là Đấng Phục Sinh ở giữa chúng ta. Thánh Gioan nhắc nhớ chúng ta rằng có những người đã không chấp nhận Người, ngay cả dân của Người trong khi họ mong đợi sự phục hưng của Sion như ngôn sứ Isaia đã hứa. Trong những lời mở đầu, thánh Gioan báo trước Đấng đã đến giữa chúng ta, sống cuộc đời như chúng ta, đã đi vào cái chết trước chúng ta và bây giờ tặng ban cho chúng ta cuộc sống mới – “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác…”

Chúng ta đang mừng biến cố Giáng Sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã không kết thúc cuộc đời trong ngôi mộ. Người đã trỗi dậy từ cõi chết. Giờ đây Người ban cho ta “ân sủng và sự thật” bằng cách mặc khải tình yêu Thiên Chúa dành cho ta. Chúng ta hạnh phúc vì Đức Kitô đã ra đời. Chúng ta hạnh phúc vì Người mang lấy cuộc sống của chúng ta và đã trung tín với Thiên Chúa và với chúng ta cho đến cùng. Ngày hôm nay chúng ta vui mừng vì Đấng đang hiện diện ở giữa chúng ta bây giờ, làm cho chúng có khả năng chia sẻ cuộc sống với lòng trắc ẩn và tốt lành của Người đối với những người bé mọn nhất. Người đã truyền cho chúng ta phải yêu thương nhau, chúng ta thực hiện được điều này bởi vì “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác…”

Chúng ta được kể trong số những người đã đón nhận ánh sáng đã đến trong thế gian và tri ân vì những gì Người đã thực hiện và trao ban cho chúng ta. Người mang đến hy vọng và hứa chia sẻ sự sống phong phú hơn cho chúng ta, nhiều thách thức hơn cho chúng ta và nhiều điều tốt đẹp hơn để chúng ta thực hiện, bởi vì “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta.”

Trẻ thơ trong hang đá đã trưởng thành và thách thức nhiều giá trị trong thế giới của chúng ta. Liệu chúng ta có dám đối diện và nỗ lực để sống cuộc sống mới Người đem lại cho chúng ta không hay chúng ta có cái nhìn nặng cảm tính về Người và giữ Người luôn mãi trong máng cỏ, chỉ như một đứa trẻ kháu khỉnh, chẳng có mấy ảnh hưởng gì đến cuộc sống và thế giới của chung ta?

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

 


[1] ND: Ebenezer Scrooge là nhân vật chính trong truyện “A Christmas Carol” của Charles Dickens. Trong truyện lão Scrooge là một người bần tiện chỉ biết lo làm sao cho túi tiền mình càng đầy càng tốt. Ông không quan tâm đến những nỗi khổ của tha nhân. Ông đặc biệt căm ghét Giáng Sinh, ông thường đáp lại các lời chúc Giáng Sinh của người khác bằng câu nói quen thuộc trên môi : “Humbug!” – “Vớ vẩn!” hay “Trò bịp!” vì ông cho rằng Giáng Sinh chẳng mang lại được đồng nào mà còn bị mất tiền cho việc ăn mừng hoặc phải quyên góp tiền giúp những người nghèo trong dịp lễ lớn này.

Trả lời