Ngày Con Thành Công, Ba Sẽ Về Quê…

 

 

 

Ngày Con Thành Công, Ba Sẽ Về Quê…

Ngày Con Thành Công, Ba Sẽ Về Quê…Cuộc sống thực tế với cơm áo gạo tiền, với nhiều đổ vỡ trong hôn nhân đã khiến nhiều bậc cha mẹ tàn nhẫn tuyên bố: “Chồng (vợ) là oan gia, con là nghiệp báo”. Đổ thừa cái nghèo, họ không chỉ không quan tâm đến nhau mà còn vô trách nhiệm với con cái.

Nhưng vẫn có những bậc cha mẹ trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã, hi sinh đến cùng vì tương lai của con. Họ chấp nhận xa nhau. Một trong hai người xa quê hương, xa gia đình, đến vùng đất xa lạ, bỏ sức lao động để ky cóp những đồng tiền lương thiện cho người ở lại quê nhà nuôi dạy con cái, phụng dưỡng ba mẹ.

Anh Nhất, người Bình Định, lấy vợ năm 1998, có hai con, đứa lớn tên Hương, học lớp 6 Trường THCS Ngô Mây, đứa nhỏ tên Phong lớp 4 Trường tiểu học số 1 Cát Trinh. Để có tiền lo cho em học đại học, phụng dưỡng ba mẹ, nuôi con ăn học, Nhất đã vào Sài Gòn bán bưởi. Hằng ngày anh dậy sớm vào vựa lựa bưởi. Tối anh về nhà trọ tập thể tại Cầu Ông Lãnh. Vợ anh ở quê làm ruộng, trồng đậu phộng và chăm sóc ba mẹ, nuôi dạy con cái.

Mắt anh long lanh hãnh diện khi nói về các con: “Tụi nó học giỏi lắm, lại ngoan ngoãn. Thú thật lần nào về và ra đi, tôi cầm lòng lắm mới không quay lại”.

Chị Thủy, 38 tuổi, người Quảng Ngãi, bán đậu hũ và chè ỉ trước cổng sau Bệnh viện 115 TP.HCM, chị nuôi con trai là sinh viên năm cuối Đại học Giao thông vận tải. Chồng chị ở quê làm ruộng, lo cho mẹ già và đứa con gái nhỏ tên Trang học cấp II. Khi tôi xin chụp hình, chị từ chối: “Mình không nghĩ gì nhưng con trai sắp tốt nghiệp, sợ nó mặc cảm cùng bạn bè. Nó còn trẻ, không có suy nghĩ như bọn mình đâu…”.

Theo chị, sau khi con tốt nghiệp, nếu có việc làm có thể giúp đỡ đứa em ở quê, chị sẽ về quê phụ chồng làm ruộng. Ngược lại, chị sẽ tiếp tục nuôi đứa con thứ hai ăn học như anh nó. Tôi hỏi bán dạo lúc này có khó khăn không, chị Thủy nói thật: “Mình bán sâu trong lề, lại giữ sạch sẽ, mấy anh công an thông cảm cũng không làm khó gì”.

Chị Ngọc, người Quảng Ngãi, 37 tuổi, hằng ngày gánh đậu hũ đi không biết bao nhiêu cây số để ky cóp tiền nuôi con. Tuấn Anh, con chị hiện học lớp 12 ở quê, đứa con út Tuấn Vũ, học mẫu giáo. Cứ bốn tháng chị lại về quê phụ chồng vụ mùa. Lúc thì cấy, khi thì gặt…

Tôi hỏi sao không để chồng vào Nam buôn bán, chị ở ngoài quê đỡ cực hơn, chị lắc đầu: “Chồng tôi ngoài việc nuôi dạy con cái còn phải chăm sóc ba mẹ già, làm ruộng… Cực khổ lắm, cực hơn đi buôn bán như tôi…”. Hỏi về tương lai, chị đáp: “Nếu con đậu đại học, tôi sẽ tiếp tục buôn bán nuôi nó. Chỉ khi hai con thành đạt, vợ chồng tôi mới yên tâm sống bên nhau”.

Chị không muốn chụp ảnh. Chị kể: “Ngày trước có một anh được chụp hình đăng lên báo… Ba mẹ, vợ anh ở quê đọc được bài báo đó đã khóc ngất. Họ không ngờ vào thành phố anh kiếm tiền cực khổ đến thế…”.

Suốt mấy tháng rong ruổi theo những người lao động nhập cư bán dạo khắp thành phố, tôi nhận ra mẫu số chung của họ: nghèo, lương thiện và rất yêu thương, có trách nhiệm với con cái. Họ sẵn sàng hi sinh những gì có thể để dồn sức lo cho con.

Được hỏi sao không mang cả nhà vào Nam sinh sống, anh Nhất thẳng thắn: “Vào hết thì tiền bạc sao đủ nuôi, có cơ hội đâu cho con cái học hành. Chắc chắn tụi nhỏ sẽ học buổi tối, sáng phụ ba mẹ buôn bán như bán vé số kiếm thêm. Như vậy khổ con lắm. Mình có sức khỏe, bán sức khỏe nuôi con cái học hành đàng hoàng chứ. Đời mình đã khổ rồi!”. Chị Thủy cười: “Vào hết thì ba mẹ ở quê ai chăm sóc, con cái còn nhỏ, ở nhà thuê chật chội… làm sao chúng chịu được”.

Khi tôi hỏi có bao nhiêu đôi vợ chồng phải sống như họ, vợ một nơi chồng một chốn, buôn bán lao động cực khổ, anh Nhất trả lời: “Nhiều lắm, chỉ cùng phòng trọ tôi đã có hàng chục người”. Chị Thủy khẳng định: “Hoàn cảnh như mình có hàng ngàn ấy… Không tin chị đến khu phòng trọ sẽ rõ”. Và tôi đã lang thang theo họ để nhận ra bên cạnh những ông bố bà mẹ xem con như cục nợ, còn không ít những bậc cha mẹ đang vắt kiệt sức mình, hi sinh tình yêu, tuổi thanh xuân để nuôi dưỡng tương lai, ước mơ cho con cái. Với họ, con thành người là niềm hạnh phúc vô bờ.

Hỏi về hạnh phúc riêng, anh Nhất bộc bạch: “Vợ cũng giống tôi, lo cho con là trên hết. Khi con cái nên người có thể tự lo, vợ chồng đoàn tụ cũng không muộn…”. Còn chị Thủy, chị Ngọc cười vui: “Cả hai vợ chồng vì con, có hi sinh cũng là ý muốn của cả hai. Tới lúc tụi nhỏ lớn lên, đủ sức lo cho cuộc sống, vợ chồng cùng hưởng tuổi già, đâu có muộn màng gì…”.

Tôi đã theo họ đến những phòng trọ khu vực Q.3, Cầu Ông Lãnh, An Phú Đông… Tất cả những bậc cha mẹ đang miệt mài, vò võ hi sinh… nuôi con nơi xa đều cùng suy nghĩ như thế. Vì con, họ có thể bán báo, vé số, gánh hàng rong, đeo trước ngực hay mang trên vai những thứ lỉnh kỉnh như sách, bóp, móc khóa… rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm TP.

Tôi tin những đứa con lớn lên trong giọt nước mắt nhớ thương của mẹ, giọt mồ hôi của cha sẽ trở thành những con người có ý chí vươn lên, tự lập và thành đạt. Rồi một ngày con cái thành đạt, họ sẽ về quê…

NGUYỄN NGỌC HÀ

 

Trả lời