Ngày 16.4.2020: Chiều kích cộng đoàn trong biến cố Phục Sinh

 

Tin Mừng theo Thánh Luca: Lc 24:35–48

        Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”  Các ông kính hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.  Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng?  Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”  Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.  Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?”  Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.  Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại,  và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.  Chính anh em là chứng nhân của những điều này.

CHIỀU KÍCH CỘNG ĐOÀN TRONG BIẾN CỐ PHỤC SINH

Bên cạnh việc cho xem dấu đinh nơi chân tay, nhằm minh chứng người đang hiện diện trước mắt các môn đệ không phải là ma, thì việc Đức Giêsu ăn uống giữa các ông cho thấy chiều kích cộng đoàn, hiệp thông của biến cố Phục sinh. Chỉ những người sống trong sự hiệp thông mới có thể đón nhận tin mừng phục sinh, bởi Đấng Phục Sinh hiện diện giữa họ.

Tin mừng Phục sinh mang chiều kích cộng đoàn, và chỉ trong cộng đoàn chúng ta được gặp gỡ Chúa, và đón nhận được lời chúc bình an của Người. Hôm nay tôi đang ở đâu trong cộng đoàn gia đình, giáo xứ hay hội đoàn?

Trả lời