Ngày 14.3.2020: Là con hay tôi tớ của Chúa?

 

Tin Mừng theo Thánh Luca: Lc 15:1–3, 11–32

Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người.  Còn những người thuôc phái Pha-ri-sêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.

Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: Rồi Ðức Giêsu nói tiếp: “Một người kia có hai con trai.  Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con.  Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp.

Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,  nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.  Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!  Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,  chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.”Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chầm anh ta và hôn lấy hôn để.  Bấy giời người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”  Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,  Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!  Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng.”

Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,  liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.  Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khoẻ”.  Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.  Cậu trả lời cha: “Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.  Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”

“Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.  Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy”.

LÀ CON HAY TÔI TỚ CỦA CHÚA ?

Thông thường, khi đọc dụ ngôn này, chúng ta nhận ra người con thứ mới cần phải hối cải để quay trở về với cha của cậu, nhưng chúng ta quên hình ảnh của người con cả, vốn đang ở nhà nhưng lại tự nhận mình là tôi tớ, chứ không phải là con, đồng thời từ khước lòng thương xót của cha dành cho em của mình.

Chúng ta là hiện thân của người con thứ đi xa hay người con cả ở nhà? Nhiều lần chúng ta cho rằng giữ đạo vì bổn phận, nếu không sẽ bị Chúa phạt, sẽ bị xuống hoả ngục mà quên rằng, đạo là con đường đưa chúng ta về với Cha, là phương thế giúp chúng ta nhận ra vai trò là con của Chúa. Và cũng chắc chắn, không ít lần chúng ta đã vui khi ‘đứa em’ của mình lầm lỡ, nhưng lại từ chối nhắc nhở hay khuyên bảo nó trở về, tệ hơn là phàn nàn Chúa vì đứa em ấy luôn được nhiều điều may lành.

Trả lời