Ngài phải ở lại nhà chúng ta…

 

Ngài phải ở lại nhà chúng ta…“Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc kêu gọi chúng ta thay đổi cuộc sống, giúp chúng ta đến gần Ngài để được hoán cải. Ngài luôn có lòng nhân từ, khoan dung và tín trung của một người cha”. Đây chính là tâm điểm bài giảng của ĐGH Phan-xi-cô trong một thánh lễ tại nhà nguyện Casa Santa Marta.(nguồn: Radio Vatican)

Mà. thật vậy, theo những gì Kinh Thánh ghi lại, thì trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn là kẻ đi bước trước trong việc kêu gọi con người hoán cải.

Khi nói đến việc “đi bước trước trong việc kêu gọi con người hoán cải”, câu chuyện những người dân ở thành Ni-ni-vê, như một điển hình.

Chuyện kể rằng, đây là một ngôi thành, nơi mà Thiên Chúa đã nhìn thấy “sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta” (x.Gn 1,2)

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn  quan tâm đến họ. Người quý mạng sống của họ và nghĩ rằng họ có thể ăn năn hối cải. Và Thiên Chúa đã “đi bước trước”, đi bước trước bằng cách sai tiên tri Giô-na đi đến thành Ni-ni-vê, đến Ni-ni-vê để cảnh báo họ về sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với dân thành này. Họ đã được cảnh báo rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị phá đổ”.

Thông điệp của Giô-na có nhiều người lắng nghe. Họ đã tin vào thông điệp. Và, thông điệp của  ông nhanh chóng lan truyền khắp thành. Chẳng mấy chốc, cả thành bàn tán xôn xao về thông điệp hủy diệt này. Dù giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, già hay trẻ,  tất cả đều ăn năn hối cải và cùng nhau kiêng ăn.

Và, nguồn tin này nhanh chóng lan đến tai vua. Nhà vua cũng đã tin vào thông điệp của Giô-na và ăn năn hối cải vì kính sợ Đức Chúa Trời. Ông rời ngai vàng, bỏ áo bào và quấn bao gai giống như dân chúng, thậm chí “ngồi trong tro”.

Thoạt đầu, việc kiêng ăn chỉ là hành động tự phát của dân chúng, nhưng giờ đây cùng với những người “rất lớn”, tức quan chức trong triều, vua chính thức ban chiếu chỉ về điều này.

Theo lệnh vua, hết thảy dân chúng đều phải quấn bao gai, kể cả súc vật. Mọi người phải trở lại, bỏ đường gian ác  và những hành vi bạo lực của mình.

Vua khiêm nhường nhận biết dân mình đã làm điều xấu xa và hung bạo. Ông hy vọng rằng Thiên Chúa thật sẽ thương xót khi thấy họ ăn năn hối cải. Nhà vua nói: “Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt và nguôi cơn thịnh nộ , khiến chúng ta khỏi phải chết”.

Thiên Chúa, khi nhìn thấy sự ăn năn hối cải của dân thành Ni-ni-vê, “Người đã  không giáng (tai họa) xuống nữa” (x.Gn 3, 10). Thật đúng như lời ĐGH Phan-xi-cô, trong một bài giảng đã nói: “Thiên Chúa không đe đọa, nhưng kêu gọi chúng ta trở về với lòng nhân từ, khoan dung, cho chúng ta niềm tự tin.”

Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, Ngài cũng luôn kêu gọi mọi người hoán cải trở về. Ngài đã kêu gọi một Mát-thêu và đặc biệt hơn, đó là một Da-kêu, bằng những lời nói dịu dàng và tin tưởng: “Này ông Da-kêu… hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.

Vâng, chi tiết câu chuyện Đức Giê-su ở lại nhà ông Da-kêu đã đượcthánh sử Luca ghi lại như sau: Chuyện kể rằng: Hôm ấy, “Sau  khi vào Giê-ri-cô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy”.

Tưởng chúng ta cũng nên biết, Giê-ri-khô là một thành phố nằm cách Giêrusalem 37 cây số, do vua Hêrôđê xây dựng cách ngôi thành cũ (đã bị Gio-sue phá hủy) không xa.

Trong ngôi thành này “có một người tên là Da-kêu, ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có” (x.Lc 19, 2)

Chỉ vài lời mô tả về ông, chúng ta có thể nghĩ rằng, ông này không được  dân chúng thiện cảm lắm. Tại sao vậy? Thưa, là bởi, bất cứ thời buổi nào, chẳng ai ưa người thu thuế, họ thường thu nhiều hơn quy định mà họ phải thu, nhờ đó họ rất giàu, cho nên nhìn họ là thấy ghét. Còn với người Do Thái thời đó, họ liệt ông vào hạng người tội lỗi.

Ấy thế mà, Đức Giê-su lại có một cái nhìn khác về ông ta. Chuyện kể tiếp rằng: hôm ấy, khi nghe đồn có một người tên là Giê-su đi ngang thành, ông Da-kêu bèn “tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai…”.

Nhưng tiếc thay! Vây quanh Đức Giê-su là một rừng người. Với bản thân ông, thật khó để mà nhìn thấy dung nhan của một người được cho là đi tới đâu đều đem đến cho mọi người niềm vui và hạnh phúc. Vâng,“ông ta lại lùn”.

Trong lúc khó khăn về “chiều cao” của mình, chợt ông thấy phía trước có một cây sung. Ố hay đấy! Cái khôn trong người ông “ló ra”. Tại sao không leo lên đó nhỉ!

Và, như một đứa trẻ con, ông đã leo… “leo lên cây sung để xem Đức Giê-su, vì Ngài sắp đi ngang qua đó”. Quả thật, Đức Giê-su có đi ngang qua.

Rồi “Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy…”. Tới chỗ ấy Ngài làm gì nhỉ! Thưa, “Người nhìn lên…”. Trên cây, Dakêu nhìn xuống, người ông muốn thấy, nay đã thấy. Hóa ra “Đây là Người” ư!

Chưa kịp bảy tỏ niềm vui, thì ông nghe như có tiếng ai gọi tên-cúng-cơm của mình.  Đúng, không thể tin được! Chính là Đức Giêsu. Ngài nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi…”

Nằm mơ ư! Không! Đôi tai ông nghe rõ mồn một tiếng Đức Giêsu nói: “hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Thế là, ông Da-kêu, “vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người”.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã ở lại nhà ông. Ở bên ngoài nhà ông, rừng người theo Ngài quay ra xầm xì với nhau rằng: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”.

Nhà ông Dakêu là “nhà người tội lỗi” ư! Có sao đâu! Vì đó chính là lý do để Đức Giêsu “phải ở lại nhà ông”.

Đức Giêsu đến Giê-ri-cô không phải là đến để thăm di tích lịch sử, một lịch sử hàng ngàn ngàn năm trước, người hùng Giô-suê cùng đạo quân mình, đã tiến chiếm Giê-ri-cô, một Giê-ri-cô như là bàn đạp để thiết lập một quốc gia Do Thái hùng mạnh, dưới triều đại vua David.

Không! Ngài đến là để “đến với những con chiên lạc nhà Israel”.

Mà, Da-kêu, như ta được biết, là một người, nói theo cách nói ngày nay, tệ lắm cũng là “chi cục trưởng” một chi cục thuế, một chức vụ đáng nể, hái ra tiền, những đồng tiền (tất nhiên) có hơi hám bất chính, thế thì, ông có khác gì “con chiên lạc nhà Israel”! Vậy, có gì ngăn cản Đức Giê-su đến với ông?

Hôm ấy, sau khi Đức Giê-su về nhà Da-kêu, thật tuyệt vời, một thay đổi lớn trong con người ông. Về mặt vật chất, tất cả quyền hành lẫn quyền lợi, ông coi như cỏ rác. Về mặt tâm linh, ông có một sự hoán cải, hoán cải trở về. Thì đây, chúng ta cùng xem sự thay đổi của ông, qua những lời ông tuyên bố.

Hôm ấy, trước mặt Đức Giê-su,  ông nói: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo”. Tiếp đến, ông khẳng định: “Nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.

Ôi! một người lùn-thể-xác, nhưng không lùn-đức-ái.  Ôi! một người thể-xác-lùn, nhưng không lùn-công-bằng.

Trước một con người hoàn toàn “đổi thay” Đức Giê-su nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này…”. Và, sau đó, Ngài nói lên một lý lẽ rất tình người: “…bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Apraham”.

Hôm ấy, kết thúc câu chuyện, Đức Giê-su còn đưa ra một thông điệp, thông điệp rằng: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

Vâng, Đức Giê-su đã đến nhà Da-kêu, Ngài đã đến “để tìm và cứu những gì đã mất”. Ngài hành sử đúng vai trò của một người “đi bước trước”, đi bước trước với những lời nói dịu dàng đem đến niềm tin: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.

Ở lại nhà ông, Đức Giê-su không một lời lên tiếng chỉ trích Da-kêu, Ngài, nói theo cách nói của tác giả sách khôn ngoan, đã “nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải”(x.Kn 11, …22).

Và thật, Da-kêu đã hoán cải. Ông phải hoán cải, bởi vì tên của ông “Da-kêu”, còn có nghĩa là: “Người trong sạch”.

Hôm nay, Đức Giê-su vẫn tiếp tục có những cuộc hành trình, những cuộc hành trình đi ngang qua cuộc đời của mỗi chúng ta.

Ngài không đứng trước cây sung, nhưng đứng trước bàn Tiệc Thánh Thể, qua vị linh mục, và nói với chúng ta rằng: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Ngài không đứng trước cây sung, nhưng đứng trước cánh cửa tâm hồn của mỗi chúng ta và nói: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta  và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 3, 20)

Là một Ki-tô hữu, ngôi nhà của chúng ta (ngôi nhà tâm hồn cũng như ngôi nhà vật chất) phải có Chúa ở cùng.  Tại sao? Thưa, bởi đó là thông điệp của niềm vui.

Nếu trước đó, ông Da-kêu sống trong sự buồn tủi dưới hàng ngàn đôi mắt kinh bỉ mình, thì hôm ấy, sau khi Đức Giê-su hiện diện trong nhà ông, ông đã có được niềm vui.

Niềm vui thứ nhất, đó là  được chia sẻ với tha nhân: “phân nửa tài sản tôi cho người nghèo”. Niềm vui thứ hai, đó là sẵn sàng trở về với một cuộc sống công chính: “nếu tôi chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp tư”.

Mà, được chia sẻ với tha nhân và sống công chính, thưa quý vị, đó chính là điều Đức Giê-su đã truyền dạy: “Thầy bảo cho anh  em biết, nếu anh  em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-seu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. (x.Mt 5, 20)

Thế nên, “Hôm nay” chứ không phải “ngày mai”, chúng ta phải đón nhận “thông điệp của niềm vui”, nói rõ hơn, ngôi nhà của chúng ta, hôm nay phải-có-Chúa-ở-cùng.

Hôm nay, vâng chính là hôm nay, chúng ta đang sống trong một xã hội đầy oán thù, đầy tranh chấp, đầy lỗi lầm… thế nên hôm nay, chính là hôm nay, chúng ta rất cần có Chúa ở cùng.  Bởi vì, có Chúa ở cùng, chúng ta mới có thể có được niềm hân hoan: “Đem yêu thương vào nơi oán thù.  Ðem an hòa vào nơi tranh chấp. Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Hôm nay có rất nhiều người đang phải sống trong sự sầu khổ, thế nên hôm nay, chính là hôm nay, chúng ta rất cần có Chúa ở cùng. Bởi vì, có Chúa ở cùng, chúng ta mới có thể có được niềm hân hoan: “Tìm an ủi người hơn được người ủi an”.

Cuối cùng, nếu hôm nay ngôi nhà của chúng ta (ngôi nhà tâm hồn cũng như ngôi nhà vật chất) có Chúa ở cùng, thưa quý vị, tuyệt vời lắm… đó là “ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.

Vì vậy, ngay hôm nay, bây giờ, hãy biến niềm vui của Da-kêu thành niềm vui của chúng ta. Nói cách khác, hãy biến sự kiện Đức Giê-su “phải ở lại nhà ông” thành sự kiện “Ngài phải ở lại nhà chúng ta”.

Petrus.tran

 

Trả lời