Ngài Là Cha Tôi

 

Ngài Là Cha Tôi

Ngài Là Cha TôiTruyện cổ Roma thường ghi lại các cuộc chiến thắng khải hoàn của các vị Hoàng đế. Sau một lần thắng trận, các vị hoàng đế thường hướng dẫn các đoàn quân tiến qua các ngã phố cho dân chúng tung hô.

Lần kia, các đường phố đều đông nghẹt. Người ta phải dựng một khán đài đặc biệt để hoàng gia có thể theo dõi cuộc diễu hành. Khi hoàng đế và quân đội tiến đến gần khán đài nơi hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử đang chờ đợi, người ta kinh ngạc vô cùng vì vị hoàng tử nhỏ nhất đã rời khỏi khán đài và chạy vụt đến chiến xa của hoàng đế.

Những người vệ binh có trách nhiệm giữ an ninh hai bên đường đã chận hoàng tử lại. Họ giải thích cho cậu biết rằng: xa giá đang tiến lại gần chính là xa giá của hoàng đế. Không ai được phép đến gần… Vị hoàng tử nhỏ điềm nhiên trả lời: “Ngài là hoàng đế của các ông, còn đối với tôi thì ngài là cha tôi”.

“Ngài là cha tôi”: đó phải là danh xưng mà chúng ta có quyền sử dụng để gọi Thiên Chúa. Ðó cũng là danh xưng nói lên mối liên hệ mật thiết mà Thiên Chúa luôn muốn thắt chặt với từng người trong chúng ta.

“Ngài là cha tôi”: danh xưng ấy cũng cho phép chúng ta khẳng định về giá trị của con người chúng ta. Dù chúng ta có bất tài, yếu hèn, tội lỗi đến đâu, chúng ta vẫn có thể gọi Chúa là Cha.

“Ngài là cha tôi”: danh xưng ấy không cho phép chúng ta thất vọng về chính mình. “Hãy trở nên chính mình”. Ðó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta và yêu thương chúng ta vì những cá biệt của từng người.

Hôm nay chúng ta mừng trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai trụ cột của Giáo hội, nhưng đồng thời cũng là hai tính khí khác nhau, có khi lại xung khắc nhau.

Một người xuất thân từ một dân chài, nóng nảy, cục mịch. Một người xuất thân là một thư sinh học rộng, hiểu sâu.

Hai trình độ khác nhau, hai tính tình khác nhau, nhưng mẫu số chung nối kết hai tâm hồn: đó là cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô. Cuộc gặp gỡ ấy cũng diễn ra trong hai trường hợp khác nhau. Một người chỉ thực sự khám phá ra con người của Ðức Kitô sau ba lần phản bội. Một người chỉ nhận biết Ngài sau những lần truy lùng gắt gao các môn đệ của Ngài… Một người đã nhận ra tình yêu của Ngài qua những giọt nước mắt của sám hối, một người đã gặp gỡ Ngài sau một lần ngã ngựa đớn đau.

Hai tính khí khác nhau, hai trực giác khác nhau, hai đường hướng hoạt động tông đồ khác nhau, nhưng đã gặp gỡ nhau trong tình yêu Chúa và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội của Chúa.

Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vừa là hình ảnh đa diện phong phú của Giáo Hội, vừa là biểu trưng của Tình Yêu của Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong sự yếu hèn, thiếu sót của chúng ta. Tình yêu đó không đòi hỏi chúng ta phải chối bỏ con người tự nhiên của chúng ta. Trái lại Chúa muốn sử dụng tất cả những khuyết điểm, những giới hạn của con người chúng ta để làm nổi bật sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài.

 

Trả lời