Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Năm tuần I

 

Mùa Chay với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II 

Hãy Tin Tưởng Và Kiên Trì Cầu Nguyện

Lạy Chúa, chẳng ai cứu giúp con ngoại trừ Ngài. (Et 4:17)

Lạy Chúa, trong ngày con kêu cứu, Ngài đã thương đáp lại. (Tv 137)

“Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, cứ gỏ thì sẽ mở cho” (Mt 7:7).

Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Năm tuần ITrong Tin mừng, một trong các môn đệ đã xin với Đức Giêsu, “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện…” (Lc 1:1). Và rồi Người trả lời các ông bằng việc đưa ra ví dụ về một người đàn ông ban đêm cứ gõ cửa nài nỉ kêu xin sự giúp đỡ của người bạn. Anh ta nhận được điều anh ta kêu xin. Vì thế, Đức Giêsu khuyến khích chúng ta  hãy có thái độ tương tự trong cầu nguyện; đó là kiên trì luôn mãi. Người nói: “Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ cửa thì sẽ mở” (Mt 7:7).

Chúng ta cũng có một mẫu gương cầu nguyện kiên trì, khiêm tốn, và tin tưởng như thế trong Cựu ước, nơi tổ phụ Abraham, ông đã van xin Chúa cứu lấy thành Sôđôme và Gômôra nếu như cuối cùng chỉ tìm thấy có mười người công chính.

Vì thế, chúng ta phải thúc giục chính mình cầu nguyện nhiều hơn nữa. Chúng ta phải thường xuyên nhớ đến giáo huấn của Đức Giêsu: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Đặc biệt, chúng ta phải nhớ lời này khi chúng ta mất sự tin tưởng hay mất lòng khao khát cầu nguyện.

Chúng ta cũng luôn luôn học làm mới cách cầu nguyện. chúng ta thường miễn chuẩn cho mình khỏi cầu nguyện với lời bào chữa là không thể cầu nguyện được. Nếu thật sự chúng ta không biết cách cầu nguyện thì học cầu nguyện là điều cần thiết hơn tất cả. Điều này quan trọng đối với người, và có lẽ là quan trọng đặc biệt đối với người trẻ, họ thường thờ ơ trong việc cầu nguyện mà họ đã được học khi còn nhỏ, bởi vì dường như họ còn quá ngây thơ và nông cạn. Đúng ra, tình trạng như vậy lại là một động cơ gián tiếp để đào sâu việc cầu nguyện, làm cho việc cầu nguyện thêm thâm trầm, trưởng thành hơn, và kiếm tìm sự hỗ trợ nơi chính lời Thiên Chúa và trong Chúa Thánh Thần, ‘Đấng chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng rên xiết khôn tả’, như Thánh Phaolô đã viết (Rm 8:26).

Chúng ta biết rõ rằng không thể coi cầu nguyện là chuyện đương nhiên. Nhưng phải học cầu nguyện; có thể nói nghệ thuật này luôn luôn mới mẻ từ chính môi miệng Thầy Chí Thánh, như các môn đệ đầu tiên: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11:1). Việc cầu nguyện làm tăng triển cuộc đàm đạo với Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở nên người bạn thâm giao của Chúa: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15:4). Sự trao đổi này là chính bản chất và linh hồn của đời sống Kitô hữu. Được Thánh Thần tác động, sự trao đổi này mở lòng chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Cha, qua và trong Đức Kitô. Học hỏi khuôn mẫu kinh nghiệm của Kitô hữu theo chiều kích Ba Ngôi và sống khuôn mẫu ấy một cách sung mãn, nhất là trong phung vụ, đỉnh cao và nguồn mạch của đời sống Giáo hội, và cả trong kinh nghiệm cá nhân, là bí quyết của một Kitô giáo sống động thật sự, một Kitô giáo chẳng có lý do gì để sợ hãi tương lai, bởi vì Kitô giáo không ngừng trở về với các nguồn mạch và tìm thấy sự sống mới trong những nguồn mạch ấy.

Các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta phải trở về những “trường” dạy cầu nguyện đích thực, nơi đó cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không chỉ là nài xin giúp đỡ mà còn là tâm tình tạ ơn, chúc tụng, tôn thờ, chiêm ngắm, lắng nghe và dâng hiến mãnh liệt, cho đến khi tâm hồn thật sự “yêu”. Cầu nguyện tha thiết, phải, nhưng không làm chúng ta sao lãng việc dấn thân vào lịch sử; bằng việc mở lòng ra với tình yêu của  Thiên Chúa, cầu nguyện cũng mở lòng chúng ta ra với anh chị em mình, và làm cho chúng ta có khả năng hình thành lịch sử theo như kế hoạch của Thiên Chúa.

+ Đức cố GH. Gioan Phaolô II
Giuse Nguyễn Văn Chữ, OP. chuyển ngữ

Trả lời