Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Hai Tuần Thánh

 

Mùa Chay với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Hãy Giúp Ích Cho Người Bên Cạnh

Người không kêu la, cũng không lớn tiếng nơi đường phố. (x.Is 42:1-7.)
Chúa là ánh sáng và là ơn cứu độ của tôi. (x.Tv 26)
“Người nghèo thì anh em có luôn luôn,
nhưng Thầy thì anh em không luôn luôn có đâu”. (x.Ga 12:1-7)

Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Hai Tuần ThánhNhững lời kín đáo mà ngày nọ Chúa Giêsu nói về người tông đồ phản bội vang lên với sức mạnh khác thường: “Người nghèo thì anh em có luôn luôn, nhưng Thầy thì anh em không luôn luôn có đâu” (Ga 12:8).

“Anh em luôn luôn có người nghèo ở bên cạnh”. Sau vực thẳm của những lời này, không ai có thể nói Khó nghèo là gì… Khi người ta hỏi Thiên Chúa, Người trả lời rằng chính Người là người nghèo: “Ego sum payper” (Leon Bloy, La femme pauvre).

Lời kêu gọi sám hối, hoán cải, có nghĩa là lời kêu gọi mở nội tâm ra với “tha nhân”. Trong lịch sử Giáo hội và trong lịch sử con người, không gì có thể thay thế lời mời gọi này. Lời mời gọi này có những điểm đến vô biên. Nó được nói với mọi người, và được nói với từng người vì những lý do riêng biệt của mỗi người. Do đó mọi người phải nhìn chính mình trong hai khía cạnh nơi mục tiêu của lời mời gọi này. Chúa Kitô đòi hỏi tôi mở ra với tha nhân. Nhưng tha nhân nào? Với người đang ở đây, lúc này. Không thể “trì hoãn” lời mời gọi này đến một thời khắc bất định, lúc một người hành khất “đủ điều kiện” xuất hiện và giơ tay ra. Tôi phải mở ra với mọi người, sẵn sàng để trở nên “hữu ích”. Trở nên hữu ích bằng cách nào? Người ta biết rõ rằng đôi khi chúng ta có thể “tặng một món quà” cho người khác chỉ bằng một lời. Nhưng cũng bằng một lời, chúng ta có thể làm cho người ấy đau đớn; xúc phạm, làm tổn thương người ấy; thậm chí chúng ta có thể “giết chết người ấy” về mặt tinh thần. Vì thế, cần phải chấp nhận lời mời gọi này của Chúa Kitô trong những hoàn cảnh sống và tiếp xúc thông thường mọi ngày, ở đó mỗi người chúng ta luôn luôn là người có thể “cho” người khác, đồng thời là người có thể nhận lãnh những gì mà người khác trao tặng mình.

[youtube]7bTUXGxlv-o[/youtube]

Thực hiện lời mời gọi của Chúa Kitô để mở ra với người khác về phương diện nội tâm có nghĩa là bằng cách sống luôn luôn sẵn sàng để tìm thấy chính mình ở điểm đến khác của lời mời gọi này. Tôi là người trao tặng tha nhân ngay cả khi tôi đón nhận, khi tôi biết ơn vì mọi điều thiện đến với tôi từ tha nhân. Tôi không thể đóng kín và vô ơn. Tôi không thể tự cô lập chính mình. Như chúng ta có thể thấy, đón nhận lời mời gọi của Chúa Kitô để mở ra với tha nhân đòi hỏi tái tạo toàn bộ cách sống hàng ngày của chúng ta. Cần phải đón nhận lời mời gọi này trong những chiều kích thực sự của đời sống; không trì hoãn đợi cho đến hoàn cảnh hay trường hợp khác, tới dịp mà sự cần thiết được bộc lộ. Cần phải không ngừng kiên trì trong thái độ nội tâm này. Nếu không, khi cơ hội “khác thường” đến, có thể là chúng ta không có sự chuẩn bị thích hợp.

Tiếp kiến chung. 04-04-1979
+ Đức Gioan Phaolô II
Giuse Nguyễn Văn Chữ, OP. chuyển ngữ

 

Trả lời