Một lời khuyên đẹp

Một lời khuyên đẹp

Một lời khuyên đẹpTôi đang học lớp Ba, thì một căn bệnh ập đến đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi. Những cơn đau từ hai bên sống lưng dần dần kéo lên tới đầu làm tôi nhức nhối, cha mẹ tôi đã phải bán heo gà, và rồi đến đồ đạc trong nhà, để lấy tiền chạy chữa thuốc thang cho tôi. Nhưng chẳng có bác sĩ nào biết tôi bị bệnh gì hết, cho đến khi mắt tôi mờ dần và mù hẳn, tôi mới chỉ là cậu bé mười hai tuổi. Lúc đó tôi đã khổ như vậy, mà những đứa trẻ cùng trang lứa cũng chẳng tha cho, chúng còn chọc phá làm cho tôi càng cảm thấy tủi hổ. Tôi rơi vào tình trạng tuyệt vọng đến nỗi không ăn không uống nhiều ngày, thân mình tôi gầy ốm đến nỗi đi chẳng vững, vì tôi đâu còn thiết sống thì ăn để mà làm gì!

Có lẽ câu chuyện về tôi đã loan đi làng trên xóm dưới, một bà dì trong vùng tìm đến thăm tôi. Thấy tình trạng tôi như vậy, bà khóc; mẹ tôi khóc; và tôi cũng khóc. Bà dì khuyên tôi phải sống, bà nói: “Con còn có linh hồn. Con cứ không ăn uống như vậy thì rồi sẽ chết, mà chết như cách con đang sống đó thì linh hồn phải rơi xuống địa ngục!” Thấy bà dì đó khóc, tôi biết bà thương tôi, và cũng vì sợ bị rơi vào địa ngục, tôi không còn muốn chết nữa! Bà dì tặng cho tôi một tràng chuỗi, bà khuyên tôi nên đọc kinh cầu nguyện cho mình và cho người khác, có ơn ích hơn là ngồi khóc than buồn khổ. Tôi nghe lời bà dì, ăn uống trở lại, và lần chuỗi cầu kinh, không còn cảm thấy buồn khổ tuyệt vọng như trước nữa. Cuộc đời tôi cứ thế trôi qua. Tôi sống nhờ vào tình thương yêu đùm bọc của gia đình, ngày ngày quanh tuẩn trong nhà như sự đời phải thế. Cho đến năm hai mươi tuổi, những suy nghĩ về một cuộc sống tự lực cánh sinh đã thúc đẩy tôi tìm một lối đi mới cho đời mình.

Theo lời giới thiệu của một người quen, tôi từ Bình Định vào Sàigòn tìm đến cơ sở nuôi dạy người mù của các sư huynh La San Hiền Vương, mong được học hành để có thể sống tự lập. Không may cho tôi, trường học mà tôi định đến vừa lúc họ đang bãi khóa. Thế là các sư huynh thu xếp cho tôi vào ở tạm với một số anh em khiếm thị, tại một nông trang thuộc huyện Bình Chánh. Ở đó, tôi dần dần làm quen với cuộc sống xa nhà, học hỏi anh em khiếm thị những kinh nghiệm sống, và rồi tôi có thể đi cuốc đất trồng cây với mọi người. Đó là những tháng ngày ở nông trang trồng khóm, chúng tôi từ khai khẩn đất hoang cho đến những ngày thu hoạch là cả một quá trình gian khó, nhưng với sự giúp đỡ của một vài sư huynh, chúng tôi cũng tạm coi như đã tự lực cánh sinh mà kiếm được cái ăn cho bản thân.

Tôi nhớ lại một ngày hết sức ấn tượng trong đời mình. Hôm đó, tôi cùng các bạn đang loay hoay khai hoang một vùng đất lau sậy để trồng khóm… Tay tôi đang lần sờ một bụi lau sậy định cuốc nó lên, thì chạm phải một vật gì tròn tròn. Tôi cầm cái vật tròn đó lên, chưa kịp làm gì thì nghe tiếng la của một người mắt sáng: Coi chừng nổ, tất cả nằm xuống, M79 đó! Tôi đã từng nghe anh em bè bạn nói về nguyên tắc hoạt động của một số loại bom đạn, nên ngay lập tức tôi đã nhắm hướng ném quả M79 đó đi thật xa, rồi nằm sấp xuống đất. Hú hồn hú vía, quả lựu đạn đó không nổ! Qua cơn hoảng hốt, mọi người chúng tôi ai ai đều nói nhờ ơn Đức Mẹ cứu, không thì banh xác hết cả bọn rồi! Một lần khác, tôi vì nhảy mương mà đạp trúng cái cuốc chim, bàn chân tôi bị đâm thủng một lỗ, máu chảy dầm dề… Số là hôm đó anh bạn mắt sáng để cái cuốc chim ở bờ mương bên kia, rồi bỏ đi công chuyện. Vốn sống chung với người mù, anh đã biết phòng hờ cắm cái cuốc thật xa, để lỡ anh em mù có nhảy mương qua thì cũng không sao. Song le, bởi tôi quá cẩn thận, sợ lọt mương, nên đã gắng hết sức nhảy cho thật xa, nào ngờ ngoài tầm dự phỏng của anh bạn tôi. Chiều đó, tôi một phen hoảng hồn, các sư huynh phải đưa tôi về nhà chăm sóc băng bó, và tôi phải nghỉ làm việc nhiều ngày.

Bây giờ nhớ lại mới thấy hết những gian khổ chông gai trên đoạn đường ra nông trang, nhảy mương lội bờ tôi đã chẳng uổng công, nó đã dạy cho tôi biết bao kinh nghiệm trong cuộc sống. Hai năm như thế trôi qua, rồi các sư huynh gởi tôi vào Viện Quốc gia phục hồi chức năng, để tôi được học các môn cơ bản của người mù như: định hướng di chuyển, chữ Braille… Sau những môn học đó, tôi được học nghề rửa phim chụp Tia X quang. Thời gian này, tôi sống nội trú ở Viện. Nơi đây, người ta quản lý chặt chẽ hơn khi ở Bình Chánh. Mỗi lần đi nhà thờ, tôi phải nói khó với người gác-dan, nhờ ông ta mở cổng cho đi. Một ngày nọ, tôi đi lễ về tới Viện, thấy mọi người đang xôn xao, đồ đạc trong phòng bị lục tung, thì ra người ta bị mất một cái mùng và tôi trở thành kẻ bị tình nghi số 1. Tôi nghe được câu nói của ai đó nói rằng, nó lấy mất cái mùng rồi còn đâu mà tìm. Tôi buồn rầu nghĩ bụng, mình đi như vậy, người ta nghi oan cho thì đành chịu chứ biết làm sao? Cuối cùng, người ta cũng tìm thấy cái mùng, tôi mừng hết lớn, chỉ còn biết cảm ơn anh chàng đã tìm thấy cái mùng và tạ ơn Chúa vì tôi đã được minh oan…

Ngày kết thúc khóa học, tôi vui lắm, những tưởng từ nay đời mình sẽ thảnh thơi vì có được một nghề nghiệp hẳn hoi như bao nhiêu người khác. Khi đến cơ sở làm việc, người ta yêu cầu tôi phải đi trình diện với chính quyền để lấy giấy miễn quân dịch, bổ túc hồ sơ, mới chính thức được nhận vào làm việc. Tôi làm theo những yêu cầu của họ, và cuối cùng tôi đã có được mảnh giấy miễn quân dịch trong tay. Bây giờ mảnh giấy ấy tôi vẫn còn cất giữ như cất giữ một kỷ niệm, vì tôi chưa kịp nộp nó cho người ta, thì xảy ra biến cố 30-4… Tôi đành trở về quê sống với cha mẹ như những ngày xưa…

Mấy năm sau, chương trình xổ số kiến thiết xuất hiện trở lại, tôi lặn lội vào Sàigòn bán vé số kiếm sống. Anh em bè bạn thương tình cưu mang giúp đỡ, cho tôi về tá túc nhà họ qua đêm. Những ngày Sàigòn mưa dầm ế ẩm, tôi lại trở về quê… Cuộc sống của tôi kéo dài như thế suốt nhiều năm. Cho đến một ngày nọ, tôi gặp được một người con gái, đó là “bà xã” của tôi bây giờ. Buổi tối hôm đó, tôi nghe tiếng đọc kinh bên nhà hàng xóm, nơi tôi trú ngụ, tôi lần mò sang đọc kinh cùng với gia đình họ. Cuối buổi đọc kinh, trong khi mọi người trò chuyện hỏi thăm nhau, cô ấy bắt chuyện với tôi, hỏi thăm về tình trạng đôi mắt của tôi. Sau khi biết chuyện, cô ấy nói sẽ dẫn tôi đi chữa mắt ở nhà một ông thầy nọ, và cô ấy đã kiên nhẫn dắt tôi đi chữa mắt nhiều lần… Từ đó, chúng tôi có tình cảm với nhau. Trải qua nhiều trở ngại, cuối cùng tôi cũng được cha mẹ cô ấy chấp nhận, và sau này còn cho vợ chồng tôi một căn nhà nhỏ, kể từ đó tôi mới chính thức có một mái ấm ở đất Sài thành…

Hôm nay, ngồi ôn lại chuyện đời mình, tôi nhớ lại bà dì năm xưa, người đã khuyên nhủ tôi trong lúc tôi đầy tuyệt vọng. Và nhờ lời khuyên của bà, tôi đã biết siêng năng đọc kinh cầu nguyện, siêng năng đến nhà thờ viếng Chúa. Tôi thật sự biết ơn bà, và cảm tạ Chúa. Nếu không nhờ bà dì tốt bụng đó đến thăm và khuyên nhủ, nếu không có những giờ phút cầu nguyện với Mẹ Maria và với Chúa, tôi làm sao có thể vượt qua những truân chuyên của đời mình. Những khi đi bán vé số một mình trên đường phố, bị lọt cống sâu cả 2 mét, tưởng đã chết, lại được người ta kéo lên; những lần đi bán dạo bị những tên cướp vặt giựt đồ rồi bỏ chạy; những lần đi bán bị người ta lừa đảo mất cả tiền vốn… tôi đều phó dâng nỗi niềm buồn đau cho Chúa và Mẹ để cảm thấy được ủi an. Nếu không có những giây phút cầu nguyện thì làm sao tôi có thể sống bình yên như lúc này đây!

21/4/2015

Vũ Thủy

Viết theo lời kể của anh Trường

(thành viên Huynh đoàn Khuyết tật Kitô Vua)

Trả lời