Một Ki-tô hữu: phải thuộc về Đấng Ki-tô

 

Một Ki-tô hữu: phải thuộc về Đấng Ki-tôCứ sự thường, đặt niềm tin vào một người nào đó, ta phải biết người đó là ai. Cũng vậy, theo một tôn giáo nào, ta phải biết tôn giáo đó đem lại cho ta điều gì. Khi ta đặt niềm tin vào Chúa, ta phải biết… phải biết Chúa là Đấng như thế nào. Tin vào Đức Giê-su, phải biết Ngài là ai.

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, chính Ngài cũng đã chất vấn các môn đệ của mình về điều này: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” . Cuộc chất vấn này, đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại, thì, sự việc xảy ra hôm Đức Giê-su và các môn đệ “đến vùng kế cận thành Xêdarê Philipphe”. Tưởng chúng ta cũng nên biết, Xêdarê Philipphe thuộc vùng cực bắc xứ Palestin. Lãnh địa này không thuộc quyền của tiểu vương Hê-rô-đê, nhưng do em của ông là Phi-lip cai trị. Chính Phi-lip là người xây dựng thành Xê-da-rê. Và để phân biệt với thành Xê-da-rê miền duyên hải, nên thành này được gọi là Xêdarê Philipphe.

Hôm ấy, tại nơi đây, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”

“Con Người” là ai ư! Trong ba năm theo Thầy Giê-su, có lẽ chưa có lúc nào bầu không khí trong nhóm các môn đệ lại sôi nổi như lúc này. Rất sôi nổi, bởi qua câu hỏi này, các ông có dịp để nói lên rất nhiều lời đồn đãi, những lời đồn đãi mà các ông đã nghe được từ bàn dân thiên hạ, về Thầy của mình.

Hôm ấy, các ông đã thưa với Đức Giê-su, rằng: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (x.Mt 16, 14).

Những lời đồn đãi này, đúng hay sai, không thấy Đức Giê-su xác định. Thay vào đó, Ngài dùng lại câu hỏi này, để hỏi các ông, hỏi như để thẩm định nhận thức của chính các ông, nhận thức về Ngài, sau những ngày tháng các ông đã tin và đi theo Ngài.  Câu hỏi rằng: “Còn anh em,  anh em bảo Thầy là ai?”

Thầy là ai! Vâng, câu hỏi được Đức Giê-su đặt ra cho mười hai vị môn đệ, và Si-mon Phêrô, một Si-mon Phêrô như là phát ngôn nhân thay cho nhóm mười hai, đã thưa với Đức Giêsu rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Do bởi đâu mà ông Simon Phê-rô có được câu trả lời như thế! Vâng, Đức Giê-su đã có câu trả lời cho chúng ta. Hôm ấy, Ngài đã nói với ông Phê-rô rằng: “Này anh Simon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”.

Cha của Thầy – Đấng ngự trên trời… Vâng, nghe lời tuyên phán này, chắc hẳn nhóm Mười Hai các ông, ai nấy đều phải kinh ngạc. Ô hay ! Cha của Thầy Giê-su là ông Giu-se, ở làng Nadaret, kia mà ! Sao hôm nay, Cha  của Thầy lại  “ở trên trời”!

Còn Lm. Charles E .Miller, khi nghe lời tuyên phán của Đức Giê-su, ngài Lm. có lời chia sẻ, rằng: “Đức Giê-su đã đặt một nền móng cho một chân lý cao diệu: Thiên Chúa là Cha Người, và Người thật sự là Con Thiên Chúa, không theo nghĩa mơ hồ và giống như vậy, mà theo một ý nghĩa vượt qua mọi hiểu biết của con người”.

Lời chia sẻ của ngài Charles E .Miller rất đúng. Suốt chiều dài lịch sử cứu độ, có không ít điều Thiên Chúa đã thực hiện vượt qua mọi hiểu biết của con người. Sự kiện dân Do Thái vượt qua biển đỏ không suy xuyển một người nào. Trái lại, hùng quân Ai Cập do rượt theo dân Do Thái đi vào biển đỏ đã chết không kịp lui binh, như một điển hình.

Còn hôm nay, hôm nay Đức  Giê-su cũng đã làm một việc vượt qua sự hiểu biết của ông Simon Phê-rô. Chuyện là, đáp lại sự bày tỏ niềm tin của ông, Đức Giê-su đã tuyên phán rằng:  “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời, dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

Vâng, Đức Giê-su đã xây dựng Hội-Thánh-của-Ngài,  lịch sử Hội Thánh đã trải qua hơn hai ngàn năm. Và, đúng như lời Đức Giê-su tuyên phán: quyền lực tử thần đã không thể thắng nổi và sẽ chẳng bao giờ thắng nổi Hội Thánh của Đức Giê-su, Hội Thánh mà hôm nay có sự hiện diện của chúng ta. Đó… đó chính là lý do để chúng ta “phải lấy lời tuyên xưng của tông đồ Phê-rô” xem như là lời tuyên xưng của mình, rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Hãy nhớ rằng, tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và tin Người là Con Thiên Chúa, chúng ta  sẽ được sống  muôn đời. Bởi đó là điều Đức Giê-su đã phán hứa : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.(x.Ga 3, 16)

Đấng Ki-tô chẳng phải là Đấng Messia sao! Mà, Đấng Messia chẳng phải là Đấng “Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người”. Vâng, tông đồ Phao-lô, trong thư gửi tín hữu thành Roma, đã nói về Đấng Messia như thế đấy. Để rồi, ngài Phao-lô đã phải cất tiếng: “Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời”. (x.Rm 11, 36)

“Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời”. Thưa quý vị. Nếu xưa kia, “Niềm hy vọng vào một Đấng Messia trở nên nổi bật và rõ nét dưới thời vua David vĩ đại, đặc biệt nhờ ngôn sứ Nathan vào thế kỷ thứ mười trước Công Nguyên”, thì tại sao hôm nay, chúng ta là những người Ki-tô hữu,tại sao lại không đặt niềm tin và hy vọng vào Đức Giê-su – Con Thiên Chúa!

Phải đặt niềm tin và hy vọng vào Đức Giê-su – Con Thiên Chúa. Tại sao? Thưa, bởi vì hôm nay, thế giới hôm nay đang thế nào, nhỉ? Chẳng phải là quá bất an và bất ổn! Chẳng phải là bất an vì thiên tai, vì dịch bệnh! Chẳng phải là bất ổn vì mầm mống chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào!

Còn bất an điều gì nữa ! Còn đấy, còn đấy là những tên “phản-kitô – the anti-christ”. Đó là những tên từ chối… “từ chối Chúa Cha và Chúa Con” (x.1Ga 2,22). Đó là những “người gian ác, đứa hư hỏng, sống trong tình trạng vô luật pháp… thậm chí còn ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa” (x.2Tx 2, 3-4)

Những kẻ này đang ở đâu? Thưa, ở Hoa Kỳ, ở Tây Ban Nha, ở Pháp, ở Đức, ở Trung Quốc, ở Việt Nam v.v… Nói tắt một lời, họ ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Sự thật… tất cả mọi sự kiện nêu trên là sự thật. Và, chúng ta không còn cách nào khác ngoài cách phải đặt niềm tin và hy vọng vào Đức Giê-su – Con Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ không được gì nếu chỉ nói khơi khơi ngoài môi miệng. Trái lại, đức tin của chúng ta phải được “nuôi dưỡng bởi các bí tích, các cơ hội học hỏi trong giáo xứ, qua cầu nguyện, suy tư Lời Chúa”. Vâng, linh mục Jude Siciliano. OP có lời khuyên như thế đấy.

Qua việc cầu nguyện và suy tư Lời Chúa,  đời sống đức tin của chúng ta sẽ thấm nhuần tư tưởng của Đức Giê-su. Một khi thấm nhuần tư tưởng của Đức Giê-su, cung cách sống của chúng ta sẽ thể hiện đúng cung cách sống của Ngài, một cung cách sống thể hiện sự yêu thương và tha thứ, lòng nhân hậu, từ tâm, trung tín, sự hiền lành, khiêm nhường và tiết độ.

Sống với cung cách sống như thế, đó… đó chính là cách chúng ta tạo ra một “Bức Tường Lửa – Lửa Thánh Linh”, một bức tường có thể ngăn chặn “những việc do tính xác thịt gây ra”, đó là:  “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp,chia rẽ, bè phái, ganh tỵ,  say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy.” (x.Gl 5, 19-21)

Đây không phải là chuyện dễ thực hiện, trong một sớm một chiều. Thế nhưng, đó là việc chúng ta phải thực hiện. Bởi, chỉ khi chúng ta sống cung cách sống nêu trên, chỉ khi đó chúng ta mới được gọi là Ki-tô hữu, một Ki-tô hữu thuộc về Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.

Bây giờ, chúng ta trở lại câu hỏi của Đức Giê-su, câu hỏi rằng: “Còn anh em,  anh em bảo Thầy là ai?”. Vâng, đừng lập lại câu trả lời của tông đồ Phê-rô, xưa rồi… xưa rồi Diễm!

Hãy trả lời bằng chính cuộc sống của mình, rằng cuộc sống của mình phải là cuộc sống của một Ki-tô hữu thuộc về Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Nói cách khác: một Ki-tô hữu phải thuộc về Đấng Ki-tô.

Petrus.tran

 

Trả lời