Lòng quảng đại của Thiên Chúa

 

Lòng quảng đại của Thiên Chúa

Is 55,6-9;  Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16

Lm. Jude Siciliano, OP.

Lòng quảng đại của Thiên ChúaKính thưa quý vị,

Dụ ngôn những người làm vườn nho hôm nay nhắc cho chúng ta rằng Đức Giêsu không chủ ý dùng các dụ ngôn để dạy những bài học về luân lý. Phải chăng sẽ rối tinh lên nếu các công ty, tổ chức và doanh nghiệp trên thế giới áp dụng tiêu chuẩn trả lương như ông chủ vườn nho trong bài Tin Mừng hôm nay: những người làm việc cả ngày và những người làm việc chỉ trong một giờ, tất cả đều được trả công như nhau? Dụ ngôn này không nhằm nói đến việc thực thi công bằng trên thế giới; đã có những giáo huấn khác của Đức Giêsu đề cập đến điều này (xc. Mt 19). Trong dụ ngôn hôm nay, Đức Giêsu kể câu chuyện về những hoạt động trong Nước Thiên Chúa, đang hiện diện tại đây giữa chúng ta và trong tương lai nữa.

Dụ ngôn hôm nay giúp chúng ta tập trung và điều chỉnh hướng nhìn hầu có thể nhận ra cách thức, nơi chốn và thời điểm Thiên Chúa hoạt động trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta suy niệm dụ ngôn này cùng những dụ ngôn khác để cái nhìn của mình, vốn đã bị các hệ thống giá trị trần gian làm lu mờ đi, trở nên sáng suốt.

Nhóm thợ cuối cùng được thuê gây chú ý cho chúng ta bởi vì khoản tiền công họ được trả không chỉ gây sốc cho những người được thuê làm toàn thời gian (“là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”), mà cho cả chúng ta nữa. Nghe như một câu chuyện cổ rất xa xưa. Dù vậy, chúng ta chấp nhận nó và xem ra không công bằng với chúng ta, cũng như với những người đã làm việc cả ngày. Ai trong chúng ta không phải là một anh thợ chăm chỉ và không muốn được trả lương xứng với công sức bỏ ra cho một ngày công vất vả, nhọc nhằn? Ắt hẳn trong câu chuyện ngày hôm nay, những người thợ làm việc từ giờ thứ mười một là những người bị bất ngờ nhất khi nắm chặt trong tay phần lương hậu hĩnh – hãy nhìn vẻ ngạc nhiên trong mắt họ và cái há hốc mồm kinh ngạc khi họ trông thấy vận may tuyệt vời của mình.

Tại sao những người đến sau này không được thuê sớm hơn, trong khi vẫn có nhu cầu thuê mướn? Khi ông chủ hỏi những người này vì sao chỉ đứng đó suốt ngày mà không làm gì cả, họ trả lời rằng : “Vì không ai mướn chúng tôi”. Không ai muốn thuê họ. Nếu theo tiêu chuẩn của thị trường lao động ngày nay, có lẽ họ bị xem là những kẻ vô dụng và chẳng có chút giá trị nào. Họ khiến tôi nhớ đến những người trẻ gặp khó khăn về thể chất lẫn tinh thần, đang làm công việc gói hàng trong siêu thị. Hoan nghênh những siêu thị nhận thấy giá trị của những con người này. Nếu không ở siêu thị, liệu có nơi nào khác thuê mướn họ chăng? Có công việc làm thường giúp người ta ý thức được giá trị bản thân, và ngược lại.

Phải chăng dụ ngôn hôm nay đặt vấn nạn về các tiêu chuẩn của chúng ta? Ông chủ đang cần nhân công, vì nho đã đến mùa thu hoạch. Ông nhận rõ giá trị của những người thợ được thuê sau cùng không dựa trên lượng công việc họ làm. Trong Nước Trời, mà vốn đã khởi đầu nơi trần gian này, con người được đánh giá theo một bậc thang giá trị hoàn toàn khác. Thiên Chúa là Đấng vô cùng thiện hảo, như ông chủ trong dụ ngôn hôm nay, Người hào phóng cả với những người làm được nhiều lẫn những người làm được ít.

Vậy thì, phải chăng dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay cổ võ cho những kẻ biếng nhác? Phải chăng tôi có thể bớt đi các việc lành và cậy dựa vào lòng quảng đại của Chúa là đủ? Cuối cùng, chúng ta cũng sẽ được “trả lương” như nhau mà. Ồ, có nên như vậy hay không? Tôi tiếp tục phục vụ vườn nho cho Chúa mỗi ngày. Tôi cố gắng đáp ứng những nhu cầu và nắm bắt những cơ hội đến với tôi. Dù vậy, vào cuối ngày, tôi có thể sẽ cảm thấy rằng mình “đáng lẽ có thể làm được nhiều hơn” hoặc “đã lãng phí cả ngày và chỉ làm được chút ít”. Trong những lúc chán nản như thế, dụ ngôn hôm nay khích lệ chúng ta khỏi sự lo lắng thái quá về kết quả đạt được. Tôi nhớ đến một bài thơ hồi đại học :

“Vườn nho Ngài, con chạy vào vội vã

Từ toà tháp cổ khu vườn, giờ mười một đã điểm.

Rất nhiều năm tháng lãng phí trôi qua.

Con có thể làm gì chỉ trong một giờ?”

Tôi tìm được niềm an ủi qua bài thơ đơn sơ này bởi vì tôi luôn cảm thấy mình đang không làm được gì nhiều cho Chúa mà đáng lẽ ra tôi phải làm hoặc làm được như người khác. Thậm chí tôi còn phí phạm biết bao năm tháng, ngày giờ để theo đuổi nhiều mục tiêu khác và chỉ mới gần đây tôi mới trở về với Thiên Chúa. “Tiền công thợ” Chúa trả cho tôi không theo tiêu chuẩn lương bổng. Tôi không cần so sánh mình với những vị thánh vĩ đại, những người đã dành tất cả thời gian và nghị lực phi thường cho việc phụng sự Thiên Chúa. Tôi là một người làm công nhật, đang cố gắng hết mình. Thiên Chúa sẽ ban tặng phần thưởng cho tôi… một ngày nào đó. Tuy nhiên, đừng sợ, trong “ngày phát lương”, tất cả chúng ta sẽ phải ngạc nhiên!

Tôi đã đi làm trễ và hoàn toàn trông cậy vào lòng đại lượng của ông chủ vườn nho. Vào cuối dụ ngôn, ông chủ thực sự là một người hào phóng, bất chấp những tranh cãi về sự công bằng: với ông chủ khác, những người thợ vất vả hẳn phải được hưởng thêm công nhật. Ai làm nhiều sẽ được hưởng nhiều; ai làm ít thì hưởng ít. Đó là lẽ công bằng. Song, những điều đó chẳng là gì với ông chủ trong dụ ngôn này, khi ông nói : “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?”

Chúng ta không thể tranh luận về “sự công bằng” trong việc trao ban ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta cũng chẳng có cậy dựa được vào lý lẽ nào để mà tranh luận với Người, Đấng đại lượng vô cùng. Hầu hết chúng ta, những người đến nhà thờ siêng năng tuân giữ bổn phận suốt nhiều năm trời. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải khẩn nài lòng đại lượng của Thiên Chúa hơn là cậy dựa vào “những công việc” mà ta đã làm. Sau hết, chúng ta không phải là những người làm công ăn lương từ Thiên Chúa. Chúng ta đã ký kết một bản hợp đồng vốn đã được xem xét kỹ lưỡng. Chúng ta hãy dâng cho Thiên Chúa những gì tốt đẹp nhất và cậy trông Người, Đấng đã ký kết giao ước với chúng ta, sẽ thưởng công cho ta vì nơi Người tràn đầy sự nhân lành, đại lượng. Chúng ta không có quyền đòi Thiên Chúa, dẫu cho chúng ta đã có nhiều năm cống hiến phục vụ. Trong xí nghiệp, đòi hỏi của chúng ta có thể hợp pháp; nhưng ở đây, chúng ta chịu chi phối bởi quy luật “kinh tế Nước Trời”, và vì thế, chúng ta cần phải vứt bỏ ngay thứ hệ thống tính toán, định lượng mà đợi chờ phần thưởng của mình cùng với tất cả những người thợ khác. Chỉ có một điều mà chúng ta biết được, đó là, phần thưởng dành cho chúng ta sẽ rất hậu hĩnh và chúng ta sẽ phải kinh ngạc.

Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất ý nghĩa với Giáo Hội tiên khởi, gồm những thành viên đầu tiên là các Kitô hữu gốc Do Thái. Với họ, “những kẻ đến sau”, những người dân ngoại, chỉ đáng nhận được một vị trí thấp bé hơn trong Nước Trời. Xét cho cùng, những người gốc dân ngoại không phải là những người đầu tiên được mời gọi như dân Do Thái là những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ đầu. Dựa vào các thư của Tân Ước, chẳng hạn thư gởi giáo đoàn Galát và các trình thuật Công Vụ Tông Đồ, chúng ta đoán được có sự xung đột giữa hai nhóm người này đã diễn ra gay gắt. Dẫu là trong tiệc cưới hay trong các bữa tiệc Thánh Thể, những chỗ ngồi ưu tiên khó lòng được dành cho những kẻ mới đến, họ không có được vị trí như những người đến trước. Ngoài ra cũng có vấn đề xung quanh bàn tiệc cánh chung khi Đức Giêsu đến lần thứ hai và chúng ta sẽ cùng với Người đi về nhà Cha và cùng với những người khác vào trong Vương Quốc vĩnh cửu. Ở đó, phần thưởng không được căn cứ theo bậc lương và những ưu tiên, nhưng sẽ được ân ban rộng rãi cho tất cả mọi người. Và điều đó nhắc nhở chúng ta một lần nữa rằng đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của loài người.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Trả lời