Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng…

 

Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng…Khác với Mùa Vọng, chỉ có bốn tuần, là đến Lễ Giáng Sinh. Mùa Chay có tới năm tuần, và sau năm tuần, chúng ta còn phải chờ thêm một tuần nữa, mới đến Lễ Phục Sinh.

Chúa Nhật hôm nay, là ngày đầu tiên của tuần lễ này. Và mở đầu cho tuần lễ này, toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành một thánh lễ được gọi là “Lễ lá”.

Cử hành thánh lễ này, ngoài việc nhắc lại sự kiện Đức Giêsu vào Giêrusalem với sự tiếp đón cuồng nhiệt của dân chúng, Giáo Hội còn “Tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giê-su”, một cuộc thương khó đã được chính Ngài loan báo ba lần, trong những ngày còn tại thế, rằng: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” .

Cuộc thương khó của Đức Giê-su đã được thánh Mát-thêu ghi lại như sau:

Vâng, bi kịch bắt đầu xảy ra tại vườn Ghếtsimani, nơi Đức Giêsu cùng các môn đệ thường đến đó cầu nguyện. Hôm ấy, trong thinh lặng của nguyện cầu, Người cảm thấy buồn rầu xao xuyến.

Không… không thể tin được, một người như Đức Giê-su… một Giê-su với quyền năng đã “dẹp yên biển động”, một Giê-su với quyền phép “chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân”, một Giê-su với chỉ một lời tuyên phán “Hãy ra khỏi mồ”, lập tức anh Lazaro, một người đã chết và đã được chôn trong mộ bốn ngày, “liền ra” khỏi mộ… Ấy thế mà, tại  vườn “Ghết”, Ngài đã phải nói với những người môn đệ của mình, rằng: “Thầy buồn đến chết được!”.

Lý do gì Đức Giê-su buồn-đến-chết-được nhỉ! Thưa, buồn là bởi, một người trong nhóm mười hai phản bội. Y tên là Giu-đa Itcariot. Được các thượng tế hứa hẹn sẽ “cho ba mươi đồng bạc”, vì thế cho nên “từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.” (x.Mt 26, 15-16).

Trong bữa tiệc lễ Vượt Qua, đang bữa ăn, Đức Giê-su vén bức màn bí mật đó, khi Ngài tuyên bố trước nhóm mười hai, rằng: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Nghe tin đó, thánh sử Mát-thêu kể lại rằng: “các môn đệ buồn rầu quá sức”. Để phá tan mối nghi ngờ, các ông tranh nhau lên tiếng: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”

Thật trơ trẽn khi Giu-đa cũng cất tiếng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?”. Đáp trả câu hỏi của y, Đức Giê-su trả lời rằng: “Chính anh nói đó”. Mà, thật vậy, khi dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su đến, không bỏ lỡ cơ hội, Giu-đa Itcariot phát động cuộc “hành quân” để truy bắt Ngài.

Vâng, hôm ấy, thật hãi hùng! Người ta thấy “cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo gươm giáo gậy gộc”. Nhóm người này đã được “các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến”. (x.Mt 26, 47)

Ánh đuốc bập bùng phá tan màn đêm vườn “Ghết”, nơi được tên điềm chỉ cho biết, rằng, Đức Giêsu cùng các môn đệ của Ngài đang ở đó.

Tiếng vó ngựa, tiếng gươm giáo khua vang đến rợn người. Ghết-sê-ma-ni như nổ tung lên khi tên phản bội xuất hiện. Nụ hôn của y chính là ám hiệu ai sẽ là người cần bắt. Hôm trước, hắn đã nói với đồng bọn: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.”

Sự hốt hoảng của các môn đệ bùng lên khi tên phản bội xông đến hôn Đức Giêsu. Vâng, hôm ấy, thánh sử Mát-thêu đã ghi lại rằng: “Ngay lúc đó, Giu-đa tiến lại gần Đức Giê-su và nói: ‘Ráp-bi, xin chào Thầy!’ rồi hôn Người”. (x. Mt 25, 49)

Thật ra, đây không phải lần đầu tiên người ta tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59). Nhưng hôm nay, tại vườn Ghết, Giêsu người Nazareth vẫn đứng lặng, mặc cho “địch thù gào thét”, mặc cho “ác nhân hà hiếp”.(Tv 55).

Toán quân, viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái, sau khi nhận ra ám hiệu, đã ập đến bắt Đức Giêsu. Bắt được rồi, họ  “điệu (Ngài) đến  thượng tế Caipha”. Tại đây, người ta thấy “các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó”.

Một “tòa án bỏ túi” được vội vàng dựng lên. Công tố viên, (nếu được phép được gọi như thế),  là các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng ra sức  “tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình”.

Oái ăm thay! họ không tìm ra, “mặc dù có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian” (Mt 26, 59).

Tức tối vì vẫn chưa có lý do để khép tội Đức Giê-su. Một cái bẫy đã được thượng hội đồng dàn dựng. Ôi! quả đúng như lời Kinh Thánh có chép: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người”(Gr 17, 9).

Một vị thượng tế cất tiếng hỏi Đức Giê-su: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?”

Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa ư! Vâng, đó là điều Đức Giê-su đã “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết” vì giờ-Ngài-chưa-đến. Nhưng hôm nay thì “Giờ đã đến” – “đã đến giờ Con Người được tôn vinh”.

Hôm đó, tại dinh thượng hội đồng, Đức Giê-su dõng dạc lên tiếng: “Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”.

Vâng “Chính ngài vừa nói”, chính câu trả lời này,  chính là chứng cứ để cho các vị thượng tế kết án Đức Giê-su. Họ cho rằng, đó là những “lời nói phạm thượng”.

Hôm ấy, sau lời nói của Đức Giê-su, không chần chờ, “Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: ‘Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?”…

Vâng, hôm ấy, dựa vào câu trả lời của Đức Giê-su, những kẻ kết án Ngài không cần nhân chứng nữa.  Kết thúc phiên tòa (không nhân chứng) là một màn “khạc nhổ vào mặt và đánh đấm Người”.

Và… và rất là ngạo mạn. Có kẻ đã tát Ngài và nói:  “Ông Ki-tô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?”

***

Chúng ta vừa nhìn lại, vừa nghe lại “Cuộc thương khó của Đức Giê-su”.  Và, những gì chúng ta vừa nhìn lại, vừa nghe lại, mới chỉ là “phần mở đầu” của cuộc thương khó. Hay nói cách khác, những gì chúng ta vừa nhìn lại, vừa nghe lại, mới chỉ là đoạn đầu của “Con đường Chúa đã đi qua”. (x.Mt 26, 14 – 27-66)

Vâng, dù chỉ mới là “đoạn đầu” của con đường Chúa đã đi qua, thế nhưng, mỗi khi nhìn lại, mỗi khi nghe lại, là một Ki-tô hữu, có ai trong chúng ta lại không công nhận rằng, quả thật đây là con đường, một con đường  “thương đau đày ải nhân gian”!

Thì đây, “cửa” ải-nhân-gian thứ nhất, mà Đức Giê-su đã phải vượt qua, đó là sự phản bội, sự phản bội bởi chính “kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với (Ngài)” (x.Mt 26, 23).

Cửa ải-nhân-gian thứ hai, mà Đức Giê-su đã phải đối diện, đó là: “Đêm nay, tất cả (các môn đệ) sẽ vấp ngã vì (Ngài)”. (x.Mt 26, 30)

Còn “cửa ải” nào không nhỉ! Thưa, còn. Đó là “Gà chưa kịp gáy, thì…” Thì sao! Thưa,  tông đồ Phê-rô “Chối Thầy ba lần”.

Còn… còn nữa. Nhưng thôi, nêu ra thêm nữa làm gì, nhỉ! Chỉ cần… chỉ cần bấy nhiêu thôi, chỉ cần bấy nhiều “cửa ải” đó, thiết tưởng rằng, cũng đủ để cho những ai đi qua, sẽ phải “cười ra nước mắt”,  cũng đủ để cho những ai đi qua, sẽ phải “xót xa ngời lên tròng mắt”…

Vâng, hôm ấy, nhân danh Thiên Chúa (có lẽ là thế!), xót xa thay! khi toàn thể Thượng Hội Đồng, đồng thanh cất tiếng nói: “Hắn đáng chết”.

****

Đức Giê-su đã chết. Ngài đã chết trên thập giá tại đồi Golgotha. Ngài chết trong tình cảnh: “Bạn quên ta tình cũng quên ta. Nên trắng đêm thui thủi một mình” (trích nhạc phẩm: Thói đời)

Mà, thật là vậy. Những người trước đây đã từng được Đức Giê-su chữa lành, đã từng được Ngài cho ăn no nê, đã từng được Ngài cho sống lại, nay họ đâu rồi!

(Nếu có…than ôi! Theo lời tường thuật của các thánh sử, thì chỉ thấy một rừng người hô vang: đóng đinh nó vào thập giá, mà thôi). Nhắc đến chuyện này để làm gì? Thưa, để nói về chúng ta, hôm nay.

Vâng, hôm nay, sau khi nghe lại, sau khi nhìn lại cuộc thương khó của Đức Giê-su, chúng ta sẽ làm gì?

Phải chăng, chúng ta sẽ cất tiếng hỏi: “Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua. Con đường nào Ngài ra pháp trường. Mão gai nào hằn sâu trên trán”!?

Tốt… hỏi như thế rất tốt. Tại sao? Thưa, là bởi, như chúng ta thường nói: hỏi là trả lời. Mà,  khi chúng ta “Hỏi Chúa – Lạy Chúa”, lẽ nào Ngài không trả lời chúng ta!

Thật vậy, Đức Giê-su đã  và đang trả lời chúng ta. Ngài đã trả lời chúng ta trong Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, Đức Giê-su đã “họa” ra một lộ trình để chúng ta đi. Lộ trình đó mang tên “Bát Phúc – Tám mối phúc thật”.

Thế nên, không ngại để hỏi với quý vị rằng, quý vị có Kinh Thánh chưa? Nếu chưa, đó là một thiếu xót, một thiếu xót rất nghiêm trọng đấy.

Tại sao gọi là rất nghiêm trọng? Thưa, là bởi, “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Giê-su”. Điều này không phải tôi nói. Thánh Giê-rô-ni-mô nói đấy.

Không biết Đức Giê-su thì làm sao biết được những gì Ngài đã “trả lời” chúng ta! Vậy, ngay hôm nay, hãy mua cho được một cuốn Kinh Thánh, quý vị nhé! (Rẻ lắm, cỡ khoảng năm, sáu chục ngàn, mà thôi). Tiếp đến, Đức Giê-su đang trả lời chúng ta. Ngài đang trả lời chúng ta qua “những dấu chỉ của thời đại”.

Dấu chỉ của thời đại nghĩa là gì? Thưa, là những gì đã và đang xảy ra trên thế gian này. Là cái con corona virus đó, thưa quý vị.

Từ ngày con virus quái quỷ này xuất hiện, có bao giờ chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa đang nói gì với chúng ta?  Phải chăng, đó là một cách thức Thiên Chúa“cảnh tỉnh” chúng ta?  Hay chúng ta lại đang chất vấn Người?

Xem trên internet (youtube, facebook ), đã có người chất vấn, đại loại rằng: Có Chúa không!  Ngài đâu rồi! v.v…  Rất may, số người này không nhiều. Nếu…  nếu chúng ta tin rằng đó là hình thức Thiên Chúa cảnh tỉnh, chúng ta sẽ làm gì?

Nên chăng, chúng ta cùng nhau cất tiếng nguyện, rằng : “Chúa ơi! con đây mọn hèn, vấp ngã đã bao nhiêu lần, tội lỗi cám dỗ con mãi, đã khiến hồn con xa Chúa”. (Đây là lời của một bản thánh ca,  trong một clip mang tên “thánh ca cầu nguyện cùng Chúa để đẩy lùi dịch bệnh” – nguồn you tube). Vâng, một lời cầu nguyện xưng thú tội lỗi mình, vào lúc này, là điều rất khẩn thiết.

Rất… rất nhiều người, trong cơn đại dịch này, đã có những lời cầu nguyện xưng thú tội lỗi cùng Thiên Chúa. Chẳng hạn như lời cầu nguyện của Randy Weber, một chính trị gia Hoa Kỳ, đã được loan truyền trên youtube, vào cuối tháng ba vừa qua.

Đứng trước đại dịch đang hoành hành trên đất nước, tại hội trường quốc hội, Randy Weber đã cầu nguyện, rằng: “Cha ơi! Ngài đã nói trong Lời của Ngài rằng: người nào suy gẫm luật pháp của Chúa, sẽ như cây sồi to lớn. Phước cho người nào suy gẫm luật pháp Chúa mỗi ngày. Nhưng, Lạy Chúa, chúng con lại toan bỏ Lời Chúa ra khỏi trường học công cộng. Cha ơi! chúng con đã toan bỏ Kinh Thánh ra khỏi phòng học. Tháo mười điều răn xuống khỏi những bức tường (nếu tôi không lầm, đó là bức tường trước cổng Tối Cao Pháp Viện, việc làm này được thực hiện thời ông Obama làm tổng thống)

Ôi! Chúa ơi! Hãy tha thứ cho chúng con… Lạy Cha, Cha ơi, làm ơn, xin hãy tha chúng con”. Cầu nguyện tới đây, ông ta cùng một số đông người hiện diện, đã bật khóc.

Trở lại lời cầu nguyện của ngài Weber. Vâng,  rất dài và rất cảm động. Nhưng thôi, chúng ta dừng ở đây và cùng Vua David,  cất tiếng khẩn nguyện với Thiên Chúa, rằng: “Chính con đã phạm tội, chính con đã phạm tội”.(x. 2Sm 24, …17)

Chính… chính chúng ta cũng đã phạm tội. Và, đó là lý do để chúng ta cất tiếng khẩn nguyện với Chúa, trong “hoàn cảnh” hôm nay, hoàn cảnh không còn được tham dự thánh lễ, không còn được tham dự ‘Bàn Tiệc Thánh”, nguyện rằng: Lạy Chúa!… “Chúng con chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm”. (Đích đáng như thế nào, lương tâm của mỗi chúng ta tự cáo trách).

Thưa quý vị, đừng khó chịu về lời khẩn nguyện này nhé! Chính lời khẩn nguyện này đã đem “một người gian phi” cùng chịu chết với Đức Giê-su, trên núi Sọ năm xưa “được ở với Ngài trên Thiên Đàng”. (x.Lc 23, 43)

Vâng, bắt đầu trong tuần này, tuần chúng ta gọi là “Tam Nhật Thánh”. đừng khó chịu khi chúng ta quỳ xuống trước thánh giá Chúa Ki-tô, và nguyện rằng: “Lỗi tại con… Lỗi tại con mọi đàng”.

Petrus.tran

 

Trả lời