Lễ Quán Tẩy : Tiếng vọng từ trời cao… (10.01)

 

Lễ Quán Tẩy : Tiếng vọng từ trời cao…

Lễ Quán Tẩy : Tiếng vọng từ trời cao… (10.01)Sau khi Adam và Eva phạm tội bất trung. Con người bị đuổi ra khỏi vườn Eden. Con người không còn được diện-đối-diện với Thiên Chúa. Kể từ đó : “Sự gian ác của con người (ngày một) nhiều trên mặt đất” (Stk 6,5). Điều đó đã khiến cho : “Đức Chúa hối hận và buồn phiền”. Vì thế Ngài đã : “Xóa bỏ khỏi mặt đất con người mà (Ngài) đã sáng tạo (bằng) một cơn hồng thủy kéo dài bốn mươi ngày” (Stk).

Duy chỉ có gia đình ông Noe được cứu. Ông ta sống một đời sống : “Đẹp lòng Đức Chúa”. Chẳng những Đức Chúa đã cứu thoát ông và toàn thể gia đình. Ngài còn lập một giao ước với ông. Rằng từ nay : “Sẽ không còn hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa” (Stk 9,15).

Than ôi ! với bản chất kiêu ngạo do nguyên tổ để lại; “cái tôi” như ăn sâu vào huyết quản con người; cái tôi đó cám dỗ con người muốn làm những điều vươn-thấu-trời-cao để làm sao cho : “Danh ta được lẫy lừng” (Stk 11,4). Điều đó một lần nữa không đẹp lòng Đức Chúa. Chính sự kiêu ngạo đó mà con người đã phải gánh chịu một thảm kịch. Một thảm kịch làm đảo lộn dự tính của con người. “Tiếng nói của mọi người xáo trộn”. Đức Chúa khiến cho họ : “Không ai hiểu ai (và)  phân tán họ ra khắp mặt đất” (Stk 11, 7-8).

Thế nhưng, dẫu cho con người đã có thái độ ngạo mạn như thế. Thiên Chúa vẫn luôn là : “ Ðấng từ bi và nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương.
Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên. (Tv 145:8-9). Lòng nhân hậu đó đã được biểu lộ qua biến cố Đức Chúa kêu gọi Ap-ra-ham. Qua Apraham và dòng dõi của ông.. Con người có được một niềm hy vọng mới. Niềm hy vọng về một Đấng Cứu Thế với lời tiên báo rằng : “Một ngôi sao hiện ra từ Giacop. Một cây phủ việt  trồi lên từ Israel ” ! (Dân số ký : 24,17).  Và niềm hy vọng đó đã trở thành sự thật. Tại Belem : “Một Đấng Cứu Độ đã sinh ra”  và được đặt tên là Giêsu. Người chính là “Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,11).

Đang khi toàn dân cứ ngỡ rằng : “Ông Gioan là Đấng Messia”. Thì từ Nazareth –  Đức Giêsu – sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà – Ngài đã bất ngờ xuất hiện bên bờ sông Giodan. Đức Giêsu đến :  “gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình” (Mt 3,13). Sông Giodan – một con sông gắn liền với lịch sử của Israel. Một con sông với biết bao điều huyền diệu.

Xưa kia, trong cuộc hành trình về miền đất hứa. Khi đến bên sông Giodan. Mười hai chi tộc Israel đã phải sững sờ chứng kiến : “Hòm-Bia-Giao-Ước” đã biến sông Giodan thành “đất khô cạn cho đến khi toàn dân (Israel)  đã qua hết”. (Gs 4, 17).

Tiếp đến là trường hợp của “Na-a-man -Tướng chỉ huy quân đội của Vua Aram”.  Ông ta  “mắc-bệnh-phong-hủi”. Và khi biết rằng : “Một ngôn sứ ở Samari (có thể) chữa ông khỏi bệnh”. Na-a-man đã đến để xin chữa bệnh. Sau một chút nghi ngờ về những lời chỉ dẫn của Ê-li-a. Ông đã thực hiện lời chỉ dẫn đó. Để rồi ông đã  phải kinh ngạc vì chỉ cần : “Dìm mình bảy lần trong sông Giodan”… thế mà nhờ đó : “Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ”. Chuyện kể rằng : “Ông đã được sạch” (2V 5, 14).

Hôm nay, một lần nữa – sông Giodan – như một nhân chứng đã chứng kiến thêm một điều huyền diệu. Sau khi : “Giêsu chịu phép rửa và đang khi Người cầu nguyện thì…”Các tầng trời mở ra”. Và liền đó : “Thần Khí Chúa đáp xuống như hình chim bồ câu và ngự trên Ngài”. Giodan đúng là một dòng sông với biết bao điều huyền diệu.

Một chút tâm tình.

Sự kiện Đức Giêsu “xin-làm-phép-rửa-cho-mình” – một phép rửa “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” đã làm nổi bật vai trò cứu chuộc của Ngài. Vai trò đó đã được sứ thần Chúa loan báo khi xưa : “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Và Gioan – chính ông cũng đã nói về Giêsu rằng : “Đây ! Chiên con của Đức Chúa Trời. Là Đấng xóa bỏ tội trần gian”. (Ga 1,29).

Hình ảnh một Giêsu bị “dìm-mình-xuống” và để gánh-lên-tội-lỗi-trần-gian đã làm chấn động  trời cao. Để rồi từ trời cao có tiếng phán. Tiếng phán đó không phải là tiếng phán của luận phạt. Không phải là tiếng phán để khi nghe chúng ta phải “sợ hãi và chạy trốn” như nguyên tổ khi xưa !!!

Trái lại, tiếng phán đó là tiêng phán của một Thiên Chúa là tình yêu. Là tiếng phán của sự giao hòa giữa trời và đất. Này con…  “Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con”. (Lc 3,22).

Một phút suy tư.

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;  nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1).

Hôm nay, Thiên Chúa không những phán dạy chúng ta qua Thánh Tử mà  còn ban Con Một  của Ngài. Người Con Một đó : “Đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Để : “những ai đón nhận tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12).

Với niềm tin qua Bí Tích rửa tội chúng ta được trở nên con Thiên Chúa. Bí tích rửa tội đánh dấu sự khởi đầu đời sống Kitô hữu của chúng ta. Bí Tích rửa tội là bước đầu trong cuộc hành trình của chúng ta về Giêrusalem mới.

Một cuộc đồng hành không ngơi nghỉ cùng Đức Giêsu Kitô về Trời Mới Đất Mới.

Đang lúc cuộc hành trình của chúng ta chưa đến đích. Nhà thờ nơi chúng ta đến thờ phượng chính là Giêrusalem tại thế của chúng ta. Quy tụ nơi đây , chúng ta luôn được Đức Giêsu cùng đồng hành qua Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta luôn được “Lời Ngài” – qua phần đọc Phúc Âm – soi bước chúng ta đi.

Bước vào Giêrusalem thiêng liêng của mình, chúng ta làm dấu thánh giá. Cử chỉ làm dấu thánh giá có khác nào chúng ta nhắc lại lời vị chủ tế đọc lên khi cử hành Bí Tích rửa tội cho chúng ta khi xưa : “Ta rửa con. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Một sự kiện trọng đại trong đời chúng ta. Đó là chúng ta đã đựợc kết nạp vào gia đình Thiên Chúa và được nên một với Con Ngài. Trong niềm tin đó, chúng ta vui mừng chờ đợi ngày Ngài quang lâm. Và sẽ vui mừng hơn nữa khi từ trời cao – Thiên Chúa – một lần nữa – Ngài gọi chúng ta là : “Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con”. Amen.

Petrus.tran

Trả lời