Lễ Lá C: Vạn tuế Đấng ngự đến nhân danh Chúa

 

 

Vạn tuế Đấng ngự đến nhân danh Chúa

Lc 19,28-40; Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

Lễ Lá C: Vạn tuế Đấng ngự đến nhân danh ChúaHầu hết mọi người đều biết rằng khi đến nhà thờ vào ngày hôm nay và Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta sẽ được nghe trình thuật về cuộc thương khó. Bài đọc này rất dài, thường được chia ra thành ba phần. Vào các Chúa Nhật khác, chúng ta thường được nghe những trình thuật Tin mừng ngắn hơn, nhưng các bài Tin mừng của hai ngày này thì khá dài. Vào thời đầu, trình thuật thương khó là một bài liên tục, không chia thành những phân đoạn ngắn. Còn hôm nay, người công bố được chọn đọc bài ngắn hơn, tỉ như là trình thuật thương khó của Luca, nhưng tại sao lại cắt ngắn bài mà theo truyền thống vốn đọc đầy đủ? Nếu thánh Luca cho rằng bài thương khó ngắn thôi cũng có thể đáp ứng được mục đích của mình thì ngài có lẽ đã viết ngắn. Với những người đọc có chuẩn bị kỹ thì câu truyện này sẽ khá hấp dẫn, nhất là vì chúng ta không được nghe bài thương khó trong bất kỳ dịp nào khác, và tôi có thể đoan chắc rằng, chúng ta không khi nào chọn bài Tin mừng này để cầu nguyện.

Hôm nay, các nhà thờ sẽ chật kín người: lá được làm phép và phân phát cho mỗi người, rồi sẽ rước từ cuối nhà thờ lên đến cung thánh. Nhưng, chắc chắn là chúng ta không đang diễn lại một biến cố quá khứ của Đức Giêsu, phải không quý vị? Chúng ta không giả vờ như không biết điều gì đang chờ Người phía trước, Người sẽ chết thế nào và sống lại ra sao. Ngược lại, chúng ta đã nghe Tin mừng và cử hành những hiệu quả của Tin mừng ấy suốt năm phụng vụ này. Trong suốt tuần này chúng ta tiếp tục cử hành những điều ấy. Vì thế, hôm nay chúng ta cùng hợp với các tín hữu khắp nơi và mọi thời trong việc cử hành niềm vui này.

Trong Tin mừng Luca, Đức Kitô đang dẫn đầu đoàn người tiến lên Giêrusalem nơi Người sẽ chiến thắng không phải bằng sức mạnh của bạo lực và vũ khí, như hy vọng của đám đông những người chứng kiến Người tiến vào Giêrusalem, nhưng bằng thập giá mà Người tự nguyện vác lấy.

Trong khi bài đọc khá dài thì đổi lại bài giảng sẽ ngắn. Chúng ta có thể tập trung vào bài Tin mừng Luca được đọc trước khi rước lá (19,28-40). Trình thuật Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem mang nhiều dấu chỉ Kinh thánh Cựu Ước về niềm mong chờ Đấng Mêsia và trình thuật phong vương của vua. Vì thế, dân chúng trải áo mình dưới chân Đức Giêsu như xưa kia Giêhu được chào đón (2V 9,13). Vua Đavít muốn rằng con trai của ông là Salômôn, người thừa kế ngai vàng, phải cưỡi con la của Đavít (1V 1,33). Con lừa con, chứ không phải một con ngựa chiến, là một con vật biểu tượng cho hòa bình, là dấu chỉ của việc Đấng Mêsia dịu hiền đang đến giữa dân (St 49,11). Đức Giêsu là người đầu tiên ngồi trên con vật này, Người “đăng quang” khi bước vào thành thánh để hoàn tất sứ điệp mà Người đã ra giảng về một triều đại mới dưới sự cai trị của Thiên Chúa.

Một vị vua được mong mỏi từ rất lâu nay đang tiến vào trong thành để lên nắm vương quyền của người. Sự hồ hởi của “vô số các môn đệ” sẽ sớm bị dập tắt bởi những biến cố sắp xảy đến. Vị vua sẽ bị đóng đinh vào thập giá. Sự căng thẳng theo Đức Giêsu bấy lâu nay sẽ không ngừng gia tăng. Đám đông ra đón Người, như chúng ta cũng sẽ làm thế khi Người trở lại vào ngày sau hết (ngày quang lâm). Những trình thuật trong tuần này sẽ có những biến cố đầy kịch tính, nhưng sẽ kết thúc ở nơi sự từ bỏ cách thanh thản của Đức Giêsu: “Lạy Cha, Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46). Trên thập giá, phía trên đầu Đức Giêsu có ghi: “Đây là vua dân Dothái” – để mỉa mai Người, nhưng với con mắt đức tin có thể nhìn ra đó lại là một chân lý sâu thẳm hơn.

Khi Đức Giêsu đến gần thành Giêrusalem, Người dừng chân trên Núi Cây Dầu và cầu nguyện cho thành (19,41). Từ vị trí đó, Người có thể đã nhìn thấy thành và cổng Đền Thờ mở ra để đón Người. Người có vẻ khẩn trương vào thành. “Trình thuật hành trình” của thánh Luca (bắt dầu từ chương 9,15) cho thấy Đức Giêsu quyết tâm lên Giêrusalem. Nhưng, điểm nhấn không phải là việc Người vào thành, mà là đi thẳng đến đích mà Người dự định, là Đền Thờ. Một trong những chủ đề xuyên suốt của Tin mừng Luca là cầu nguyện. Điều này được thể hiện qua việc Tin mừng của ngài khởi đi từ Đền Thờ và cũng sẽ kết thúc ở đó. Sau khi sống lại, Đức Giêsu hiện ra cùng các môn đệ và nhắn nhủ họ hãy ở lại Giêrusalem cho đến khi Người gửi Thánh Thần đến. Người lên trời và, thánh Luca cho biết, người ta thấy các môn đệ “không ngừng lên Đền Thờ để ca tụng Thiên Chúa” – và ngay tại Đền Thờ, tin mừng bắt đầu và kết thúc. (Lc 24,53)

Rất dễ chú ý đến bản tính kiên định của những người ùa ra chào đón Đức Giêsu cũng như sự phấn khởi quá khích và những mong muốn sai lầm của các môn đệ. Mới vừa đó thôi họ còn chào đón Người, chẳng lâu sau chính họ lại hò la đòi xử tử Người, còn các môn đệ thì bỏ rơi Người. Quả thật các nhà giảng thuyết khó mà trình bày được.

Đây là những con người tuyệt vọng, cả lịch sử của họ toàn là kiếp nô lệ. Và nay đất của họ lại bị thế lực tàn ác khác chiếm cứ. Dĩ nhiên, họ muốn Thiên Chúa gửi đến cho họ vài người có khả năng đánh đuổi quân thù và tái lập tự do trên mảnh đất mà Thiên Chúa đã ban cho. Đó chẳng phải là điều mà Thiên Chúa muốn cho họ hay sao? Đức Giêsu từ trên Núi Cây Dầu đi xuống và những môn đệ đang phấn khởi la lên “Vạn tuế đức vua, đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao! Vinh quang trên các tầng trời!” chắc chắn đã làm lóe lên niềm hy vọng trong dân chúng đang tụ tập quanh đó. Một người Galilê cùng với các môn đệ khố rách áo ôm liệu có phải là cách Thiên Chúa đáp lại lời kêu xin bao đời của họ chăng? Liệu “Đức vua ngự đến nhân danh Chúa” này sẽ là người tái lập vương triều Đavít? Chắc họ cũng phải đắn đo đôi chút, nhưng với cái chết của Đức Giêsu thì niềm hy vọng này cũng tắt ngúm.

Dân chúng sẽ sớm thất vọng. Thiên Chúa đã không sai đến một đấng cứu tinh giỏi tài quân sự để chiến đấu. Nhưng, như thánh Phaolô nói với chúng ta hôm nay, “ dẫu là là Thiên Chúa … nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ”. Quả là cách biểu lộ vinh quang kỳ lạ! Thay vì là một chiến thắng uy hùng thì Thiên Chúa lại gửi đến một người dám hy sinh chính mình cho chúng ta.

Khi – người nghèo nghe Tin mừng; những kẻ đang bị giam cầm sẽ được tự do; người mù được thấy Chúa trên trần gian – hay nói cách khác, khi chúng ta cảm nghiệm được “năm hồng ân” mà Đức Kitô hứa trong hội đường (Lc 4,16-21), thì chúng ta cũng sẽ hy sinh chính mình vì tha nhân, như Đức Kitô đã làm. Những gì Người thực hiện cho chúng ta hôm nay sẽ hoàn thành lời Người hứa với thính giả trong hội đường trước kia.

Như đã nói trên đây: những gì chúng ta đang cử hành không chỉ là việc nhìn lại những đau khổ và cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Một lần nữa, trong tuần này chúng ta lại được nghe Tin mừng về công trình cứu chuộc của Đức Giêsu và được Tin mừng ấy canh tân, để rồi chúng ta lại dám can đảm dấn thân bước theo con đường thập giá của Đức Giêsu trong việc phục vụ người khác.

Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời