Lễ Hiện Xuống : Thánh Thần nguồn ơn hiệp nhất…

Thánh Thần nguồn ơn hiệp nhất…

Lễ Hiện Xuống : Thánh Thần nguồn ơn hiệp nhất…Năm mươi ngày sau biến cố phục sinh của Đức Giêsu. Có vẻ như giữa thế quyền Roma và thần quyền Do Thái vẫn tiếp tục toa rập nhau để tìm cách hãm hại nhóm môn đệ của Ngài. Sự toa rập đó đã khiến cho nhóm mười một ngại xuất hiện trước công chúng. Các ông : “sợ người Do Thái” (Ga 20, …19).

Không sợ sao được khi “truyền thông nhà nước” do được các thượng tế hối lộ : “cho một số tiền” nên đã vu khống các môn đệ ông Giêsu lợi dụng ban đêm lén đến : “lấy trộm xác” rồi phao tin rằng Thầy của họ đã sống lại từ cõi chết.(Mt 28,13).

Trước tình thế đó các môn đệ đã phải  đóng kín cửa nơi các ông cư ngụ. Và đang lúc các ông hoang mang tột cùng thì Đức Giêsu hiện đến. Sự hiện đến của Đức Giêsu đã làm tan biến những âu lo phiền muộn nơi các ông.

Thay vào đó các ông cảm nhận được sự “Bình An” do chính Thầy của mình đem lại. Sự bình an đó không chỉ dựa vào lời chúc của Đức Giêsu : “Bình an cho anh em”. Nhưng còn được bảo trợ bởi Thánh Thần Chúa khi Đức Giêsu : “Thổi hơi vào các ông và bảo : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).

Một luồng sinh khí mới ngự trị trong tâm hồn các ông. Và luồng sinh khí đó trở nên sức mạnh của các ông trong ngày lễ ngũ tuần. Ngày mà các môn đệ : “Từng người một… ai nấy đều tràn đầy Thánh Thần” (Cv 2,4).

Sự nhát đảm được thay thế bằng sự can đảm. Các ông: “bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”. Ơn Thánh Thần Chúa – qua các môn đệ – như một phép lạ đã khiến cho : “các dân thiên hạ” phải  “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình”(Cv 2,6).

Dù là : “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay ngưởi Ảrập”. Tất cả mọi người đếu được nghe các môn đệ : “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11).

Một chút tâm tình…

Nhìn những sự kiện đã xảy ra trong ngày lễ ngũ tuần khi xưa, có thể khẳng định rằng : Thánh Thần Chúa chính là nguồn ơn hiệp nhất. Thoạt đầu từ chỗ chỉ là một “nhóm nhỏ mười hai”. Ơn Thánh Thần Chúa đã quy tụ ba ngàn… năm ngàn và giờ đây là gần hai tỷ người trên khắp thế giới tin vào Đức Giêsu.

Vâng, Thánh Thần Chúa đã thay thế cho “Babel xưa”. Nếu Babel trước đây đã : “làm xáo trộn tiếng nói của mọi người”. Càng không phải để :“khiến chúng (ta) không ai hiểu ai nữa” (Stk 11,7). Thì Thánh Thần đến để mọi người hiệp nhất trong : “Một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” (Ep 4, 5).

Điều gì đã làm cho Cộng đoàn tín hữu đầu tiên : “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau”!!! Phép lạ nào đã khiến : “Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau…” (Cv 2, 42…44)

Phải chăng chính là “ Ơn Chúa Thánh Thần” !!!

Một phút suy tư…

Nói tới Chúa Thánh Thần; hẳn nhiên chúng ta luôn nghĩ tới những đặc sủng mà Thần Khí Chúa sẽ ban cho chúng ta. Thánh Phao lô nói : “Có nhiều đặc sủng khác nhau” (I Cr 12,4). Kẻ được : “ơn khôn ngoan để giảng dạy”. Người nhận : “ơn hiểu biết để trình bày”. Kẻ khác được : “ơn làm phép lạ… ơn nói tiên tri… ơn nói tiếng lạ… ơn giải thích tiếng lạ”(I Cr 12, 8-10).

Cũng vậy, là Kitô hữu – mỗi chúng ta cũng nhận được đặc sủng khác nhau. Người được ơn trở thành Giám Mục. Người khác được ơn làm Linh mục, tu sĩ hoặc phó tế. Lại có một số đông chỉ là giáo dân… Đặc sủng đến với chúng ta mỗi người mỗi cách – theo lời Thánh Phaolô – “là vì ích chung” (I Cr 12, 7).

Sẽ thật là tệ hại nếu chúng ta không sử dụng những “ân huệ thiêng liêng” này đúng vai trò và vị trí của một Kitô hữu. Vâng, : “chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói : Giêsu là đồ khốn kiếp” (I Cr 12,3).

Cũng vậy, chẳng có ai là con cái Chúa… là Giám Mục… là Linh Mục… là tu sĩ… là giáo dân mà lại dùng ngôn ngữ hè phố để phỉ báng Hội Thánh Chúa… chỉ trích Mục Tử… chê trách thẩm quyền Hội Thánh…

Là con cái Chúa, sẽ thật là hổ thẹn nếu miệng chúng ta hát-kinh-hòa-bình : “xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa”… thế nhưng bàn tay chúng ta lại viết những lời hiệu triệu tẩy chay vị Giám Mục này hay bôi nhọ Linh Mục kia… Làm như thế có khác nào thay vì : “đem an hòa vào nơi tranh chấp”; chúng ta lại gieo rắc sự “bất an” vào tâm hồn những anh chị em tín hữu đơn sơ…

Thật xúc động khi Thánh Phaolo; dù đang bị tù; nhưng Ngài vẫn viết những lời khuyên chân tình rằng : “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ƠN KÊU GỌI mà Thiên Chúa đã ban cho anh em”. Ngài viết tiếp : “Anh em hãy tha thiết duy trì SỰ HIỆP NHẤT mà Thần Khí đem lại”(Êphêsô 4,1-3).

Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã cầu nguyện rằng : “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11). Nhắc lại lời cầu nguyện của Đức Giêsu để chúng ta thấy rằng Ngài đã quan tâm đến sự hiệp nhất như thế nào.

Có lẽ không lúc nào mà chúng ta lại không cần đến sự hiệp nhất. Vì thế hãy nhanh chóng mặc lấy tâm tình của Thánh Phao lô mà nguyện rằng : “Thánh Thần khấn xin ngự đến. Hồn con đang mong chờ Ngài”.

Vâng, chúng con mong chờ Ngài đến. Để : “Hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.”. Để : “giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ”. Và để : “liên kết muôn người (chúng con) trong lòng mến Chúa Cha muôn đời”. Amen.

SAIGON … đợi cơn mưa về.
Petrus.tran

—–

NB : Trong bài viết có trích lời nhạc phẩm : “Thánh Thần hãy đến” và “Bài ca hiệp nhất” của linh mục Thành Tâm

Trả lời