Lễ Đức Kitô Vua : Thầy Đến Là Để Phục Vụ.

Lễ Đức Kitô Vua

Thầy Đến Là Để Phục Vụ.
2Sm 5, 1-3; Cl 1, 12-20; Lc 23, 35-43.

Lm. Jude Siciliano, OP.
Chuyển ngữ: Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp

Lễ Đức Kitô Vua : Thầy Đến Là Để Phục Vụ.Anh chị em thân mến,

Bài đọc một hôm nay gợi lại cho chúng ta cảnh 12 chi tộc It-ra-en họp nhau tại Heb-ron để nhận Đa-vit làm vua của mình và bày tỏ lòng trung thành với ông. Mãi sau này, người Do-thái thời Đức Giêsu cũng phải chịu sự cai trị của vua Hê-rô-đê và đế quốc Rô-ma. Họ đang ở trong một tình trạng đáng thương, vô vọng và vì thế lại hoài niệm về cái quá khứ vinh quang, khi họ có đại vương Đa-vít làm vị vua mục tử của mình. Vua Đa-vit cũng có những lầm lỗi riêng, nhưng tất cả mọi người đều đứng về phía ông. Các chi tộc đã nói với Đa-vit: “này chúng tôi đây, là xương và là thịt ngài”. Bất chấp sự yếu đuối do phận người của vua, Thiên Chúa vẫn dùng ông để thống nhất 12 chi tộc rải rác thành một vương quốc hùng mạnh.

Dưới sự cai trị của Hê-rô-đê và sự chiếm đóng của người Rô-ma, dân tộc đau khổ này không chỉ hoài niệm về những khoảnh khắc vinh quang trong quá khứ mà họ còn trông chờ một Đấng Mê-si-a, một vị vua như Đa-vit đến giải phóng họ. Họ hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ lại một lần nữa, như Người đã làm trong quá khứ, giải thoát họ khỏi những người chèn ép họ. Vậy thì, vị vua được chờ đợi trong thời gian dài này đang ở đâu và làm sao để họ nhận ra vị vua này khi Người xuất hiện? Người chắc chắn được ngụy trang theo một cách thức người ta không thể ngờ tới nhất, thậm chí là ghê tởm – bị treo trên thập giá! Nhằm làm bẽ mặt và châm biếm người Do-thái, Phi-la-tô đã đặt trên thánh giá của Đức Giêsu tấm bảng, “Đây là vua dân Do-thái”. Làm sao vị vua này lại ở một nơi nhục nhã đến thế?

Từ Chúa Nhật thứ 13 trong lịch phụng vụ, Thánh Lu-ca đã kể cho chúng ta rằng Đức Giêsu “cương quyết lên đường đi Giê-ru-sa-lem” (9, 51-62) và như vậy chúng ta đang được đồng hành cùng với Người và các môn đệ của Người đi đến thành thánh Giê-ru-sa-lem. Dọc đường, thánh Lu-ca thỉnh thoảng lại nhắc nhở chúng ta rằng họ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem. (Trình thuật về hành trình này bắt đầu từ 9, 51 và kết thúc ở 19, 28, khi Đức Giêsu tiến vào Giê-ru-sa-lem.) Trong khi đi đường với các môn đệ của mình, Đức Giêsu vừa thực hiện các phép lạ, vừa dạy họ cầu nguyện và cho họ biết cái giá của việc làm môn đệ Người, sai họ đi thực hiện sứ vụ, gặp chống đối từ các nhà lãnh đạo tôn giáo, tiên báo về cuộc thương khó Người phải chịu, cảnh báo về cuộc khủng hoảng sẽ xảy đến, cổ vũ niềm tin của họ và khuyến khích họ kiên trì cho đến khi Con Người trở lại. Dầu vậy, khi họ đến Giê-ru-sa-lem và những gì Đức Giêsu đã tiên báo trở thành sự thật, Người bị bắt và bị đóng đinh, các môn đệ vẫn hoàn toàn bị sốc và bị nghiền nát trong sự tuyệt vọng và rồi họ phân tán tan tác.

Trong trình thuật của Lu-ca về cuộc hành quyết, những người còn đứng lại cho tới cuối cùng là: đám đông đứng nhìn, những người lính đang chế giễu, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng đang cười nhạo và ở đàng xa, “những người bạn của Người và những người phụ nữ đã đi theo Người từ Ga-li-lê…(23, 49). Dĩ nhiên, cũng có hai tên tội phạm treo hai bên cạnh Người. Đó là một ngai vàng cô đơn và một triều thiên không quyền lực dành cho “vị Vua người Do-thái” này. Mỉa mai thay, một tên tội phạm cùng bị treo với Người lại là người có đức tin và anh đã xin Đức Giêsu nhớ đến anh khi Người bước vào Nước của Người.

Các vị vua và nữ hoàng, không chỉ là bù nhìn, nắm quyền hành trên thần dân của họ. Đó là thứ quyền lực “từ trên xuống” như quyền hành chúng ta có đối với đồ vật, thú vật và chúng lệ thuộc vào con người. Chúng ta thấy một hình ảnh về quyền lực như vậy ở một căn cứ Hải quân khi một viên trung sĩ huấn luyện kỹ năng hét lên, “Chú ý” và những tân binh đứng ngay đơ như cột, tròng mắt đứng yên, ngẩng cao đầu.

Khi chúng ta gọi Đức Giêsu là vua của chúng ta, nhiều người tin rằng đó cũng là một loại quyền lực Người có thể sử dụng bất cứ khi nào Người muốn.

Nhưng hôm nay, trên cây thập giá, quyền lực đó ở đâu? Tại sao Người không sử dụng nó để xuống khỏi thập giá, nghiền nát kẻ thù và công bố sự khai mào của vương quốc Người? Thay vào đó, nếu chúng ta muốn nhìn thấy vị vua của mình, chúng ta phải nhìn vào cảnh tượng khủng khiếp của cây thập giá và sẽ thấy Người bị trói chặt vào xà ngang của cây thập giá đó. Điều gì đang diễn ra vậy?

Đức Giêsu, vị vua, đang chỉ cho chúng ta thấy một loại quyền lực khác từ trên cây thập giá. Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê, nói với chúng ta rằng Đức Giêsu đã hủy mình ra không, đặt qua một bên những ưu phẩm và đặc quyền Thiên Chúa để hạ mình và trở thành con người – Người hạ Mình tới mức sẵn sàng đón nhận cái chết nhục nhã trên thập giá. Quyền lực của Đức Giêsu không được thực hiện bằng sức mạnh, nhưng bằng việc mời gọi chúng ta nên một với Người. Người trao ban chính Mình cho chúng ta trong một tương quan bền vững, ngay cả khi nó có vẻ yếu ớt. Trong tương quan đó, chúng ta chia sẻ quyền lực của Người – một quyền lực có khả năng chữa lành và tha thứ; một quyền lực làm cho chúng ta trở thành kẻ phục vụ Người trong sứ vụ hòa giải của Người. Trong tương quan với Đức Giêsu, chúng ta trở nên mãnh mẽ, không phải bằng việc thâu tóm quyền lực và cai trị người khác, nhưng là chia sẻ sự sống của Người trong tương quan giữa chúng ta với tha nhân.

Qua việc đón nhận cây thập giá, Đức Giêsu đã bước vào sự liên đới với những thành phần thấp kém nhất trong xã hội thời đó. Ai có thể hèn kém hơn một tội nhân bị kết án tử trên thập giá? Đức Giêsu bị đóng đinh là một dấu hiệu qua đó Người trao ban chính mình cho mọi người, đặc biệt là những thành phần bị coi là thấp kém nhất, không phải bằng việc áp đặt bản thân Người trên chúng ta, nhưng bằng việc trao ban chính Người cho chúng ta trong sự yếu đuối và có vẻ thất bại. Trong khi những nhà cai trị trần thế, những vị quân chủ và ngay cả một vài quyền lực tôn giáo, tạo ảnh hưởng của bản thân họ trên chúng ta bằng việc khẳng định quyền lực của họ để đạt được những mục đích cá nhân, thì quyền lực của Đức Giêsu được tỏ hiện trong việc Người phục vụ chúng ta và sẵn lòng hy sinh mạng sống vì chúng ta.

Chúng ta được tự do để chấp nhận hay chối bỏ luật của Người; Người hoàn toàn không bắt ép chúng ta. Người không muốn chúng ta trở thành những thần dân lệ thuộc của Người mà là những người bạn của Người. (“Thầy không còn gọi anh em là những nô lệ nữa, vì một người nô lệ không biết những việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu…” Ga 15, 15). Thực vậy, những ai đón nhận triều đại của Người sẽ sống như những anh chị em trong vương quốc của Người, vương quốc đó đã đang hiện diện trong thế giới này rồi.

Thế giới này từng ngày vẫn luôn lôi kéo chúng ta chọn đi theo luật của những quyền lực và vương quốc khác – lòng tham, bạo lực, độc ác, kiêu ngạo, sự thờ ơ… Như vậy, việc đón nhận luật của Đức Giêsu không phải là một hành động chọn lựa một lần thay cho tất cả, nhưng nó cần được canh tân mỗi ngày nhờ những chọn lựa theo chủ ý của chúng ta. Là những thành viên trong triều đại của Thiên Chúa, dưới quyền của vua Giêsu, đôi khi có thể lại là một điều gây thất vọng. Phần nhiều triều đại của Người vẫn còn chưa hoàn trọn và phân mảnh trong thế giới của chúng ta. Chỉ cần liếc qua những vấn đề nổi cộm ngày nay chúng ta cũng đủ thấy rõ điều đó. Còn nhiều việc cần phải làm để biến “Vương quốc bình an” của Đức Giêsu trở thành một thực tại trong cuộc sống này – không chỉ nơi thế giới quanh ta và trong cộng đoàn Ki-tô hữu chúng ta, mà là chính trong bản thân mỗi người chúng ta nữa.

Vì vậy, chúng ta vẫn sống trong niềm hy vọng và quay trở lại đây mỗi tuần để đón nhận chất dinh dưỡng chúng ta cần – đó là Lời Chúa và Mình máu thánh Đức Giêsu, ngõ hầu chúng ta có thể sống trong triều đại Thiên Chúa, không chỉ như những đầy tớ trung thành, nhưng là như những anh em, chị em của Vua Giêsu.


Trả lời