Lạy Chúa xin hãy dạy con…

 

Lạy Chúa xin hãy dạy con…Sách Giảng Viên có chép: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời; một thời để chào đời, một thời để lìa thế…” (Gv 3, 1-2). Đúng vậy, có sinh ắt có tử, đó là quy luật muôn đời của Tạo Hóa. Tất cả mọi người, không trừ một ai, “sống làm người ai không phải chết?” (Tv 88, 49).

Khi nói về sự chết, là người tin Chúa, chúng ta tin rằng, còn có một cuộc sống ở đời sau. Cuộc sống đó được phân chia rõ rệt: hoặc ở Thiên Đàng, hoặc ở Địa Ngục. Đây không phải là niềm tin mơ hồ, bịa đặt, nhưng là niềm tin đã được Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, mặc khải.

Trong những ngày còn tại thế, chính Đức Giê-su đã phán truyền với các môn đệ, rằng: “Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”(Ga 14 1, 3)

Lời phán truyền của Đức Giê-su đã được hơn hai ngàn năm. Và, số lượng người “về với Thầy” rất là đông đảo. Thánh Gio-an tông đồ, đã khẳng định như thế qua một thị kiến, rằng: “Tôi thấy; kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta… Họ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn  nước trường sinh”. (Kh 7, 16).

Dựa vào thị kiến (nêu trên) của tông đồ Gio-an, và để tuyên xưng niềm tin “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công”, Chúa Nhật hôm nay, (01.11.2020) toàn thể cộng đồng tín hữu Công Giáo “mừng kính các thánh nam nữ”.

Kính các thánh nam nữ, không chỉ là tôn kính những thánh tích của quý ngài, nhưng còn là để chúng ta noi theo những tấm gương mẫu mực về đức tin, đức cậy và đức mến, được thể hiện qua đời sống của quý ngài. Ba nhân đức đó, qua lời dạy dỗ của Đức Giê-su, đã được xem như là những “phúc đức”, và phần thưởng cho những ai “dám” thể hiện những phúc đức đó trong cuộc sống của mình. đó chính là NƯỚC TRỜI.

Vâng, theo thánh sử Mát-thêu, có tất cả “tám phúc đức” mà Đức Giê-su đã nói đến. Hôm ấy, bằng những lời rất truyền cảm, Đức Giê-su đã nói đến phúc thứ nhất, rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Chớ… chớ có suy nghĩ tiêu cực về  mối phúc này. Tại sao? Thưa, chúng ta hãy nhớ rằng, khởi sự cho việc loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su đã lớn tiếng nói, rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Mà, sám hối thì bắt đầu từ đâu nhỉ! Chẳng phải là từ tâm hồn sao! Kêu gọi mọi người có tâm hồn nghèo khó, Đức Giê-su muốn hướng mọi người đến việc “từ bỏ”,  từ bỏ ngay từ trong “thâm tâm” mình những gì có thể làm ngăn cản việc đón nhận Tin Mừng, đón nhận Thiên Chúa, đón nhận Nước Trời.

Có rất nhiều điều chúng ta được Đức Giê-su khuyên phải từ bỏ. Và điều phải từ bỏ “nặng ký” nhất, đó là lời Đức Giê-su đã truyền dạy người thanh niên giàu có, Ngài truyền dạy rằng: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (x.Mt 19,21)

Trong thực tế của cuộc sống, có ai dám làm điều này không nhỉ! Thưa có, đó là thánh Phan-xi-cô thành Assisi, ngài chính là  mẫu mực cho một cuộc sống có “tâm hồn nghèo khó”.

Có-tâm-hồn-nghèo-khó, chúng ta không còn bận tâm đến sự giầu sang, nhưng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.

Có-tâm-hồn-nghèo-khó chúng ta dễ dàng biểu lộ tình yêu thương tha nhân. Chúng ta không ngại ngùng chia sẻ và hiến tặng cho người thiếu thốn điều chúng ta có: một nụ cười, thời gian, của cải, theo  khả năng của mình, chẳng hạn. Khi cho đi mọi sự vì tình thương yêu, ta nên nghèo khó, hay nên trống rỗng, nên hư vô, được tự do, với tâm hồn trong trắng. Và, cuối cùng là gì! Thưa, chúng ta có phúc. Kinh Thánh nói: “Cho có phúc hơn nhận”.

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại,và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”(x.Mt 5, 1-11)

Đó là những “phúc đức” tiếp theo, mà Đức Giê-su đã công bố. Các thánh nam nữ, có phần chắc đã xem những phúc đức đó như là hành trang cho cuộc sống đức tin của mình.

Và, vì quý ngài ấy là “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ”, thế nên thật khó để liệt kê tất cả những gì quý ngài ấy đã thể hiện, trong cuộc sống của mình, tại đây.

Chúng ta không thể liệt kê những gì quý ngài ấy đã thể hiện. Thế nhưng, với mỗi chúng ta, có gì ngăn cản việc chúng ta thử hỏi lòng mình rằng: tôi có xem “tám phúc đức” nêu trên như là hành trang cho cuộc sống đức tin của mình? Cuộc tự thẩm vấn lương tâm của mình về sự việc này, quan trọng lắm, thưa quý vị. Quan trọng là bởi, tám-phúc-đức này chính là “Hiến Chương Nước Trời”.

Và, như ai cũng biết, sống ở Việt Nam chúng ta phải chấp hành hiến pháp Việt Nam. Sống ở Mỹ, chúng ta phải tuân thủ luật pháp Mỹ v.v… Vậy thì, là công dân Nước Trời cớ gì chúng ta không thực thi Hiến Chương Nước Trời!

Vâng, vạn sự khởi đầu nan. Thế nhưng, chớ thấy “gian nan bắt đầu nản”. Các thánh nam nữ cũng chỉ là phàm nhân đầy yếu đuối như chúng ta mà thôi. Các ngài đã thực hiện được, thực hiện được là “nhờ ơn Chúa”.  Và, thánh Phao-lô như một điển hình. Chúng ta hãy nghe ngài Phao-lô chia sẻ: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu. Trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (1 Cr 15,10).

Ơn Chúa ban sẽ không vô hiệu. Thế nên, để chúng ta có thể thực hiện được những lời Đức Giê-su đã dạy dỗ (qua tám phúc), trong cuộc sống của mình, không gì tốt hơn là hãy cất tiếng nguyện xin Chúa, xin rằng:  “Lạy Chúa xin hãy dạy con:

Tìm an ủi người hơn được người ủi an,

Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết

Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu..

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,

 Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Kinh Hòa Bình)

Vâng, hãy ngước mắt lên Thánh Giá Chúa Ki-tô, khẩn khoản nài xin Ngài, xin rằng: Lạy Chúa xin hãy dạy con.

Petrus.tran

 

 

Trả lời