Khám Phá Lại Ý Nghĩa Hôn Nhân Ki-tô Giáo

Khám Phá Lại Ý Nghĩa Hôn Nhân Ki-tô Giáo
Bá Hoàng O.P

Khám Phá Lại Ý Nghĩa Hôn Nhân Ki-tô GiáoĐứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, bạn trẻ nào cũng ấp ủ rất nhiều mộng ước. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hôn nhân hiện nay, nhiều người không khỏi băn khoăn lo lắng. Thật vậy, đời sống hôn nhân ngày càng đối diện với nhiều thách đố. Những thách đố ấy có thể đến từ xã hội, từ môi trường sống, hoặc có khi từ chính bản thân đôi bạn. Khám phá lại ý nghĩa hôn nhân Ki-tô giáo giúp những người đã, đang và sẽ tiến bước trong hành trình hôn nhân xác tín hơn vào ơn gọi của mình…

Hôn nhân, Giao ước tình yêu

Đến với hôn nhân, hai người nam nữ hoạ lại tình yêu của Thiên Chúa và Hội thánh. Đó là điều mà thánh Phaolô gọi là ‘mầu nhiệm cao cả’. Bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn bước vào một giao ước, đó là giáo ước tình yêu: “Hôn nhân không chỉ như một hợp đồng dân sự, nhưng là một giao ước tình yêu giữa người nam và người nữ. Giao ước này bền vững suốt đời”. Như thế, do tính bền vững và độc hữu của giao ước hôn nhân, đôi bạn phải trung thành và dấn thân cho nhau cách trọn vẹn trong suốt cuộc đời. Sự dấn thân đôi bạn dành cho nhau đạt đến mức trọn vẹn và thâm sâu nhất qua việc kết hợp tính dục của đời sống vợ chồng.

Lời cam kết mà đôi bạn trao cho nhau trong ngày cưới: hứa trọn đời chung thuỷ, hứa yêu thương suốt đời phải được diễn tả qua việc trao hiến và đón nhận nhau cách vô điều kiện. Một khi trao lời kết ước, “họ muốn hôn nhân của mình luôn tràn đầy tình yêu và hạnh phúc. Họ muốn có một gia đình. Gia đình ấy phải là nguồn vui và trọn vẹn suốt cuộc đời”. Là người Ki-tô hữu, giao ước tình yêu của đôi bạn trước mặt Hội thánh trở thành một bí tích. Qua bí tích tình yêu này, đôi bạn không còn là hai nhưng đã trở nên một. Hơn nữa, đôi bạn được Thiên Chúa ban ân sủng và sức mạnh để tiến bước trên hành trình hôn nhân của mình. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa và tình yêu dành cho nhau, đôi bạn có thể vượt thắng những khó khăn, những đe doạ và thách đố không mấy thuận tiện từ môi trường sống hôm nay.

Đôi bạn- cộng tác viên của sự sống

Cam kết bước vào đời sống hôn nhân cũng có nghĩa là đôi bạn nói lời xin vâng với Thiên Chúa trong việc trở thành cộng tác viên của sự sống. Vì trong hôn nhân, Thiên Chúa kết hợp hai người nam nữ, để khi thành ‘một xương một thịt’, họ có thể truyền lại sự sống cho con người. Khi mở lòng đón nhận con cái là họ được cộng tác với Thiên Chúa và tiếp nối công cuộc sáng tạo của Người: “Khi truyền lại sự sống con người cho dòng dõi mình, người nam và người nữ với tư cách là vợ chồng và cha mẹ, cộng tác một cách độc đáo vào công trình của Đấng Sáng Tạo”.

Tiến đến đời sống hôn nhân, đôi bạn phải xác tín rằng: không bao giờ có sự mâu thuẫn giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản con cái. Tự bản chất, giao ước hôn nhân tình yêu vợ chồng hướng đến việc sinh sản con cái. Có thể nói, hai khía cạnh này không thể tách rời. Công đồng Vatican II đã xác quyết điều này khi dạy rằng: “Yêu nhau với tình yêu hôn nhân mà lại cố gắng ngăn cản việc sinh sản con cái đấy là điều mâu thuẫn. Trái lại, muốn có con mà không chịu yêu nhau thì không xứng hợp với phẩm giá con người. Tự hiến cho nhau, nhưng cùng một lúc loại trừ khả năng cao quý nhất của mình là khả năng làm cha làm mẹ, có phải tự hiến mình trọn vẹn không? Có phải yêu thật không?”. Thật vậy, con cái chính là kết quả và là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng, là lời chứng sống động cho sự trao hiến trọn vẹn cho nhau giữa đôi bạn. Nơi người con, mỗi người nhìn thấy hình ảnh của chính mình cũng như hiện thân của người bạn đời.

Từ đôi bạn đến gia đình

Việc đón nhận sự sống mới dẫn đôi bạn từ đời sống hôn nhân đến đời sống gia đình cách trọn vẹn. Sự xuất hiện của thành viên mới khiến tương quan của đôi bạn được mở rộng hơn. Trong gia đình, điều tốt đẹp nhất mà mỗi thành viên có thể dành cho nhau đó là tình yêu. Và mỗi phần tử luôn được mời gọi thể hiện tình yêu ấy trong từng khoảnh khắc cuộc sống hàng ngày. Với cha mẹ, đó là sự nuôi dưỡng giáo dục dành cho con cái: giáo dục nhân bản cũng như giáo dục đức tin. Với con cái, đó là sự hiếu thảo, vâng lời. Chính qua cuộc sống gia đình mà mỗi thành viên được mời gọi dấn thân cho sứ mạng của Giáo hội và xã hội.

Ngoài ra, gia đình cũng còn được mời gọi trở nên một ‘cộng đoàn hiệp thông của những ngôi vị’: “Ngay giữa lòng cuộc sống hôn nhân và gia đình, toàn bộ những mối tương quan liên vị được dệt nên: tương quan vợ chồng, tình phụ mẫu, tình con thảo, tình anh em. Qua những tương quan ấy, mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong ‘gia đình nhân loại’ và ‘gia đình Thiên Chúa’ là Giáo hội”. Như thế, chính khi chu toàn sứ vụ trong bậc sống riêng là đời sống hôn nhân gia đình, mỗi phần tử gia đình góp phần xây dựng một gia đình lớn hơn, đó là gia đình Thiên Chúa.

Kết luận

Giao ước tình yêu và sự sống đã được khắc ghi vào bản tính của hôn nhân. Đó cũng là khát mong sâu xa của người nam và người nữ dấn thân vào bậc sống này. Với đời sống hôn nhân Ki-tô giáo, đó còn là việc diễn tả tình yêu mà Đức Giê-su dành cho Hội thánh, một tình yêu trọn vẹn và nhưng không. Chính vì thế, xây dựng gia đình thành một cộng đoàn thân mật của tình yêu và sự sống chính là ơn gọi riêng và là con đường nên thánh của những người sống đời sống hôn nhân.

Trả lời