Huy Hoàng Nhưng Thân Tình

Chúa nhật thứ II Mùa Chay (Mc 9,1-9)

G. Nguyễn Cao Luật op

Huy Hoàng Nhưng Thân TìnhTrong tình thân mật

Biến cố Ðức Giêsu biến đổi hình dạng trong cuộc gặp gỡ trên đỉnh núi có thể được coi như một cuộc chuyển giao quyền hành, một nghi thức phụng vụ về cuộc đăng quang của Ðấng Mê-si-a. Tuy vậy, nghi lễ này rất đơn giản : đây là một nghi lễ của tình bạn, diễn ra trong bầu khí thân mật, chẳng có sấm chớp như trong các cuộc thần hiện thời Cựu Ước. Chỉ có ánh sáng rực rỡ, có lẽ phát xuất từ chính thân thể của Ðấng Mê-si-a.

Sự kiện Ðức Giêsu biến đổi hình dạng có nghĩa là Vinh Quang đã trở thành Xác phàm, và cuộc sống vinh phúc có thể thực hiện ngay tại trần gian này. Biến cố này cũng là cuộc hiển linh, là sự tỏ hiện của tình thân mật, của sự hiệp thông và việc trao đổi trong tình huynh đệ. Nói tóm, đây là một mặc khải về tình thân mật theo chiều kích Tin Mừng, được bày tỏ trong một kinh nghiệm ngọt ngào. Thực vậy, tình yêu vẫn là yếu tố nền tảng và sâu xa của Tin Mừng.

Sự kiện Ðức Giêsu biến đổi hình dạng hoàn toàn khác hẳn với sự kiện Ðức Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc. Trước hết là nơi chốn : hôm nay, Ðức Giêsu biến đổi hình dạng trên một ngọn núi cao, còn trước đây, Người chịu cám dỗ trong sa mạc. Ở đây, Ðức Giêsu có các bạn hữu cùng tham dự, còn trong câu chuyện trước, chỉ có một mình Người chống lại các cám dỗ của ma quỷ.

Câu chuyện trong sa mạc là một phần trong hành trình tâm linh của Ðức Giêsu : Người muốn đồng hình với nhân loại đến tận cùng của bóng tối. Sa mạc khắc nghiệt, những ảo ảnh : các yếu tố này thuộc về con người cũ, đơn độc, không có sự trợ giúp của ân sủng.

Ngược lại, câu chuyện trên núi cao là mầu nhiệm của con cái ánh sáng. Như Ngôi Lời, họ là những người phát xuất từ Ánh Sáng. Ðồng thời, câu chuyện này cũng là mầu nhiệm về tình thân mật. Cùng với Ðức Kitô, con người đạt tới tình thân hữu chân thực.

Nói tóm, việc biến đổi hình dạng là một dự báo về cuộc phục sinh. Ðức Kitô của ngày hôm qua, con người chịu cám dỗ, nhắc nhớ lại cuộc thử thách lâu dài của dân Do-thái : họ đã đi đến tận cùng của hoả ngục là Ai-cập và sa mạc. Còn hôm nay, Ðức Kitô đã cho thấy hình ảnh về Phục Sinh, trong đó Người được tôn vinh và hoàn toàn rực rỡ.

Ngoài ra, trong câu chuyện hôm nay, vây quanh Ðức Giêsu là các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, những người bạn thân tín nhất. Người cho các ông tham dự vào mầu nhiệm của Người. Cũng theo cách thức này, vào buổi chiều ngày Phục Sinh, Ðức Giêsu sẽ đàm đạo với các môn đệ đang trên đường trở về Em-mau. Sau đó Người còn dùng bữa tối với họ, như những người bạn chân tình.

Xưa kia, ngôn sứ I-sai-a đã la lên : “Hãy trèo lên núi cao, hỡi những kẻ loan Tin Mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh … Kìa Thiên Chúa các ngươi” (Is 40,9).

Tin Mừng – cũng như Ðức Kitô, không cần có những nơi cao, nhưng chỉ cần một cử chỉ, đó là chia sẻ tình huynh đệ. Chỉ một cử chỉ đó thôi là ánh sáng của núi Ta-bo sẽ ló rạng, Ðức Kitô xuất hiện, và tâm hồn mỗi người sẽ bừng cháy. Mỗi người Kitô hữu đều có thể làm được điều này.

Việc biến đổi hình dạng của Ðức Kitô vẫn được tiếp diễn vào cuối một chặng đường cùng đi với nhau, cùng ngồi vào bàn và chia sẻ. Ðó cũng là ý nghĩa của Thánh lễ.

Ðược tách riêng ra …

Các chi tiết trong trình thuật Ðức Giêsu biến đổi hình dạng đều rõ ràng và ai nấy đều biết ; tuy thế, mỗi tác giả sách Tin Mừng vẫn có một vài chi tiết riêng. Chẳng hạn, thánh Mác-cô có ý nhấn mạnh đến chi tiết một mình Ðức Giêsu với các môn đệ, đặc biệt là câu hỏi của các môn đệ : “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì ?” Các tác giả Mát-thêu và Lu-ca không nhấn mạnh đến chi tiết này.

“Ðức Giêsu đưa các ông đi riêng ra một chỗ … chỉ mình các ông thôi … Các ông chợt nhìn quanh … chỉ còn Ðức Giêsu với các ông mà thôi …”

Cuộc đời của người tín hữu không thể nào tránh được những khoảng thời gian cô độc.

Giữa một thế giới nghi ngờ, hay không biết đến Thiên Chúa, người tín hữu cảm thấy mình lạc lõng, cô độc. Ngoài ra, trong bước đường riêng tư, con người vẫn luôn phải đối diện với những điều không rõ ràng, luôn phải loay hoay trước những vấn đề của mình, nên họ cũng thường cảm thấy cô đơn.

Có thể Tin Mừng vẫn ít được biết đến, và người tín hữu sống trong một xã hội dường như bằng lòng thoả mãn với tình trạng này. Ai quyết định đáp trả lại tiếng gọi của lòng tin cũng là quyết định sống cô đơn.

Và những ai đi theo chọn lựa này, Ðức Giêsu đưa riêng họ ra một nơi. Chính Ðức Giêsu đã sống tình trạng này : đi qua tình trạng cô đơn trên thập giá để rồi đạt tới vinh quang Phục Sinh. Trên bước đường đó, ánh sáng đức tin, cũng như ánh sáng của biến cố trên núi Ta-bo, sẽ luôn chiếu toả trên cuộc sống, đưa đến một cái nhìn mới về con người và cuộc đời.

Tuy thế, ánh sáng này không làm cho các môn đệ hết thắc mắc. Các ông vẫn bàn tán với nhau : “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì ?”

Từ việc được soi sáng đến kinh nghiệm đức tin, luôn có một khoảng cách, một hành trình làm thành một cuộc vượt qua. Cuộc vượt qua này không chỉ là một biến cố lịch sử, nhưng là một thực tại diễn ra bên trong mỗi người.

Lúc này, các vấn đề được đặt ra trong ánh sáng đức tin, và con người tiến bước vào trong mầu nhiệm thân mật của Thiên Chúa.

Lệnh cấm hay là ký thác

Ở trên núi xuống, Ðức Giêsu cấm các ông không được kể lại cho ai nghe những điều đã thấy, cho đến khi con người từ cõi chết sống lại” (Mc 9,9).

Chúng ta có thể nghĩ rằng lệnh truyền này không liên hệ gì đến chúng ta, bởi vì chúng ta là những người sống sau biến cố Phục Sinh, chúng ta có bổn phận phải loan báo dung nhan hiển vinh của Ðấng Cứu Thế, dù gặp thời thuận tiện hay không.

Tuy nhiên, chúng ta không có quyền cho rằng lời nhắn nhủ về bí mật thiên sai không còn giá trị. Thật thế, chúng ta biết rằng, sau khi chịu khỗ hình, Ðức Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết và đã được đưa lên ngự bên hữu Chúa Cha. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, cuộc Phục Sinh của Ðức Kitô, đỉnh cao trong cuộc đời tại thế của Người, mới chỉ là giai đoạn đầu trong việc cứu độ toàn thể nhân loại. Sau nhiều năm lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, mỗi chúng ta vẫn chưa ra khỏi ngôi mộ và chưa thể cất lên tiếng hát của những người được cứu. Hội Thánh vẫn chưa thật sự nhận thấy dung nhan vinh hiển được dành cho mình. Nhân loại ở thế kỷ XX vẫn chưa hoàn toàn đạt tới tình trạng tự do của những người con được sinh ra từ Chúa Thánh Thần.

Như thế, tình trạng của chúng ta cũng giống như của các môn đệ sau khi Ðức Giêsu biến đổi hình dạng, tức là luôn lên đường tiến về thành đô, tức là giữa nhân loại, nơi Ðức Giêsu chịu khổ hình và chịu chết. Chúng ta chưa vội báo tin ầm ỹ về chiến thắng vượt qua, bởi vì có nguy cơ chúng ta đi bên lề hoặc bỏ qua những ngày thứ Sáu, thứ Bảy Tuần Thánh của con người đương thời. Chúng ta mang trong mình một mầu nhiệm, nhưng vẫn còn rất lạ lùng ; chúng ta khám phá thấy nơi mình sức mạnh của sự Phục Sinh, nhưng vẫn còn rất mỏng manh ; chúng ta đã chiêm ngắm Ðức Kitô, nhưng vẫn còn đầy bí ẩn.

Hãy giữ lấy tất cả những điều ấy, và hãy vùi vào giữa cuộc đời của chúng ta như một hạt giống. Ðừng kể lại những điều đã thấy nếu như Con Người chưa bắt đầu phục sinh nơi chúng ta.

Trả lời