Hồng Ân Sự Sống

Hồng Ân Sự Sống

Đỗ Quyên ,OP.

Có những lúc chị nghĩ giá như mà chị không đi xét nghiệm, siêu âm khi mang thai vào tháng thứ sáu, chắc chị không phải đối diện với sự đắn đo, hoang mang sớm như thế. Kết quả xét nghiệm cho biết đứa con chị sinh sẽ không được bình thường như bao đứa trẻ khác.

Trong quá khứ, chị đã có nhiều lần tham gia vào các hoạt động bác ái, xã hội. Đến thăm các gia đình có con em khuyết tật. Ở tất cả những nơi chị đến, chị đều bắt gặp những ánh mắt chơi vơi, vô hồn của những đứa trẻ. Điều khác biệt đó chính là ở nơi những ánh mắt của những người cha người mẹ khi họ nhìn con họ. Có ánh mắt tìm chỗ đậu đâu đó nơi những đồ vật trong nhà khi chị hỏi thăm. Có ánh mắt lầm lũi, tủi cực cúi xuống bàn tay xoắn xuýt ra như mình là kẻ có tội. Thế nhưng cũng có ánh mắt chan chứa yêu thương như  muốn ôm ghì lấy lấy đứa con đang vặn vẹo khó nhọc trên chiếc chiếu kia. Tại nơi này, chị nghe thấy bà mẹ trẻ nói cách trìu mến: “Cu Tin nhà tôi ngoan lắm. Ít khóc. Cho ăn dễ lắm.” Thương quá. Chị muốn ôm lấy bà mẹ trẻ hay muốn ôm lấy chính câu trả lời cho lòng thương xót của bản thân? Chị cũng chẳng biết nữa.

Lúc biết tin về tương lai của con, thật sự chị cũng muốn tách bạch giữa đức tin và cuộc sống. Chị đã cả nghĩ rằng đức tin chẳng giúp ích gì cho cuộc sống của mình. Nhiều khi chúng còn là rào cản. Bỏ đi hay giữ đứa con tật nguyền này lại? Tin và sống? Ôi thật khó! Đêm tối của đức tin chính là đây.

Chị buồn, anh chồng chị cũng buồn. Chị không ngủ được, chị cũng thấy anh trở mình suốt đêm. Chị đến tìm sự an ủi, chỉ khuyên của cha xứ. Sau khi lắng nghe và trò chuyện, Cha tặng chị cuốn “Thông điệp Tin mừng về Sự sống”, nói chị về nhà đọc. Trong cuốn ấy, chị đọc thấy: “Quả thực nhiều lần, đối với người mẹ, việc lựa chọn phá thai mang tính cách bi thảm và thương tâm… không vì những lý do thuần túy là ích kỷ hay nhẹ dạ, nhưng bởi lý do người ta muốn bảo vệ những lợi ích quan trọng, như sức khỏe hay một mức sống thích hợp cho các thành phần khác của gia đình. Đôi khi người ta sợ cho đứa con sắp sinh ra gặp phải những điều kiện sống khiến người ta nghĩ rằng tốt hơn cho nó là đừng sinh ra” (số 58).

Ở một nơi khác chị được dạy rằng: “Con người phải được tôn trọng và đối xử như một ngôi vị ngay từ khi được thụ thai. Vậy thì ngay từ lúc đó, người ta phải thừa nhận cho nó những quyền của ngôi vị, trong đó đứng hàng đầu là quyền được sống, một quyền bất khả xâm phạm của mọi con người vô tội” (số 60). Ngày hôm sau chị nói với chồng, chị muốn tiếp tục mang thai và sinh con. Chị nhận ra ánh mắt chứa chan của anh khi anh nói: “Anh cũng tính nói với em điều ấy.” Chị không biết chọn lựa ấy có phải là do chồng chị vốn là một giáo lý viên, và chị vốn là một thành viên của Huynh đoàn Đaminh trẻ hay không? Đơn giản là vợ chồng chị không nỡ giết chết đứa con của mình.

Kể ra hai vợ chồng chị cũng táo bạo thật. Chấp nhận sinh con.

Đứa trẻ ra đời, có một người đến thăm buột miệng hỏi: “Buồn không?” Chị nhoẻn miệng cười tha thứ. Bé Na nhà chị bị thiểu năng trí khôn, nhưng cháu vẫn có cảm giác mừng vui khi được mẹ cha bồng ẵm. Chân tay của cháu phát triển bình thường. Tạ ơn Chúa. Rồi cháu sẽ khá hơn thôi, chị nghĩ vậy. Nếu không có nhà trường nào dạy cho cháu, chính chị sẽ đích thân dạy cháu đọc, cháu viết. Chị biết rằng sẽ vất vả lắm, nhưng có nỗi vất vả nào sánh với tình thương của người mẹ?

Chiều này chị bồng cháu ra mái hiên trước nhà chơi. Chị chơi trò cút bắt, đùa giỡn cùng con. Những người đi đường hiếu kỳ chăm chú nhìn hai mẹ con. Chị nhìn họ, bất chợt họ tảng lờ nhìn quanh quất đâu đó. Có vẻ như họ sợ chị buồn. Họ sợ chị đọc thấy ánh mắt thương hại của họ. Chị mặc kệ, hai mẹ con vẫn chơi, tiếng cười của đứa trẻ bị cù léc tan trong rán chiều.

Khi người mẹ đã thấm mệt, chị dạy con cách chào hỏi. Lác đác những người khách qua đường cảm thấy hào hứng khi nhận được cái cúi đầu khó khăn của một đứa trẻ còn lâu mới phân biệt được phải trái. Thế nhưng những cử chỉ chân thành ấy bỗng chốc phá vỡ bầu khí ngăn cách họ với mẹ con chị. Họ hớn hở tiến lại hỏi thăm. Họ còn lục trong giỏ những cái bánh cái kẹo làm quà cho con chị.

Chị âu yếm và nghiêm trang ngắm nhìn con như thể đang tham dự thánh lễ.

Trả lời