Hơn nửa triệu người Cuba dự lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô

 

Hơn nửa triệu người Cuba dự lễ với Đức Thánh Cha PhanxicôLA HABANA. Trong thánh lễ đầu tiên tại Cuba, ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu thực thi tinh thần phục vụ chân thực đối với những người anh em, đặc biệt là những người yếu thế.

Sáng chúa nhật 20-9-2015, ĐTC đã từ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đến Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô của Cuba để cử hành thánh lễ vào lúc 9 giờ sáng giờ địa phương.

Đây là nơi biểu tượng của đất nước Cuba, mang tên nhà cách mạng José Marti (1853-1895), một ký giả kiêm thi sĩ nổi tiếng đã chống lại sự đô hộ của Tây Ban Nha hồi cuối thế kỷ 19, và đã bị giết trong trận chiến chống lại người Tây Ban Nha lúc mới được 42 tuổi. Quảng trường này có thể chứa được 600 ngàn người và đã từng là nơi được hai vị Giáo Hoàng trước đây, Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16 cử hành thánh lễ.

Đến nơi, ĐTC đã dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm hơn nửa triệu tín hữu hiện diện nơi đây dưới bầu trời nóng nực.

Tại nhà thánh, trước khi mặc phẩm phục để cử hành thánh lễ, ĐTC đã gặp và chào thăm một số đại diện các Giáo Hội Kitô ở Cuba.

Đồng tế với ĐTC có đông đảo các giám mục và trăm linh mục Cuba. Và trong số những người hiện diện cũng có chủ tịch Raoul Castro và bà tổng thống Cristina Kirchner của Argentina.

 Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng thuật lại cuộc tranh luận giữa các môn đệ trên đường đi theo Chúa Giêsu để xem ai là người lớn nhất, quan trọng nhất, và Chúa dạy họ rằng ”Nếu ai muốn là người thứ nhất, thì hãy trở thành người cuối cùng trong mọi người và phục vụ tất cả mọi người” (Mc 9,35). Ai muốn là người lớn, thì hãy phục vụ người khác, chứ không sử dụng người khác! ĐTC giải thích rằng:

”Đó chính là điều nghịch lý của Chúa Giêsu. Các môn đệ tranh luận xem ai được chiếm chỗ quan trọng nhất, ai là người ưu tiên, ai ở trên luật chung, trên qui luật tổng quát, để làm cho mình được nổi bật ước muốn ở trên người khác. Ai leo lên nhanh nhất để chiếm những trách vụ mang lại cho mình những ưu thế.

”Chúa Giêsu đảo lộn luận lý của họ và nói với họ rằng đời sống chân chính được sống trong sự dấn thân cụ thể để phục vụ tha nhân.

”Lời mời gọi phục vụ là một đặc điểm chúng ta phải chú ý. Phục vụ phần lớn có nghĩa là chăm sóc sự yếu đuối dòn mỏng. Chăm sóc những người yếu đuối trong gia đình, trong xã hội, trong dân tộc chúng ta. Chúa Giêsu đề nghị nhìn những khuôn mặt đau khổ, vô phương thế tự vệ và sầu khổ và mời gọi yêu thương họ một cách cụ thể. Tình thương được cụ thể hóa trong những hành động và quyết định. Tình thương được biểu lộ trong những công tác khác nhau mà chúng ta được kêu gọi chu toàn trong tư cách là công dân. Những người cụ thể, bằng xương bằng thịt với cuộc sống, lịch sử và nhất là sự mong manh của họ chính là những người được Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy bảo vệ, giúp đỡ, phục vụ. Vì làm Kitô hữu có nghĩa là luôn được mời gọi bỏ qua một bên những đòi hỏi, mong đợi, ước mong được toàn năng của mình, để nhường chỗ cho cái nhìn cụ thể đối với những người yếu thế nhất.

ĐTC cũng cảnh giác rằng chúng ta phải cảnh tỉnh đối với một thứ ”phục vụ” lợi dụng tha nhân, cần chống lại cám dỗ sử dụng việc phục vụ. Có một hình thức thực thi việc phục vụ để mưu tư lợi. Việc phục vụ ấy luôn tạo ra một thức loại trừ người khác.

”Do ơn gọi Kitô, tất cả chúng ta được mời gọi phục vụ mưu ích và giúp đỡ lẫn nhau, và tránh rơi vào cám dỗ phục vụ để lợi dụng. Tất cả chúng ta được Chúa Giêsu khích lệ nâng đỡ lẫn nhau vì tình thương… Việc đảm trách nâng đỡ nhau vì tình thương không hướng về một thái độ nô lệ, trái lại, nó đặt người anh chị em ở trung tâm, phục vụ luôn nhìn khuôn mặt của người anh em, động chạm đến bản thân, cảm thấy sự gần gũi của họ đến độ trong một số trường hợp, chịu đựng họ, thăng tiến họ. Vì thế, việc phục vụ không bao giờ có tính chất ý thức hệ, vì nó không phục vụ các ý tưởng nhưng là phục vụ con người.

Sau cùng, ĐTC nhận xét rằng ”dân tộc Cuba có những vết thương, như mọi dân tộc khác, nhưng biết mở rộng vòng tay, tiến bước trong hy vọng, vì ơn gọi của họ là một ơn gọi cao cả. Ngày hôm nay tôi mời gọi anh chị em hãy chăm sóc ơn gọi này, chăm sóc những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho anh chị em, nhất là tôi muốn mời gọi anh chị em chăm sóc phục vụ những anh chị em yếu đuối. Đừng lơ là bỏ qua họ vì những dự án có vẻ thu hút, nhưng lại không quan tâm gì đến những người ở bên cạnh mình. Chung ta biết, chúng ta là chứng nhân về sức mạnh khôn sánh của sự phục vụ, tạo nên những mầm mống của thế giới mới ấy ở mọi nơi” (Ev. Gaudiii, 276-278).

Trong phần hiệp lễ, ĐTC đích thân cho hàng chục em rước lễ lần đầu được nhận Mình Thánh Chúa, sau đó ngài chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ.

 G. Trần Đức Anh OP

 

Trả lời