Hôm nay, tôi “nghiêng bên nào”?

 

Hôm nay, tôi “nghiêng bên nào”?Cuộc đời của con người, như một vòng tuần hoàn, sinh lão bệnh tử. Đó là quy luật muôn đời của Tạo Hóa. Mọi người, không trừ một ai, “sống làm người ai không phải chết?” (x.Tv 88, 49).

Cái chết, không ai trốn tránh khỏi. Người ta có thể trốn công an, trốn thuế, trốn học, trốn giám thị v.v.. nhưng không thể trốn cái chết. Chỉ có điều, sau cái chết là gì, con người sẽ đi về đâu vẫn luôn là điều bận tâm của con người.

Phật giáo, theo thuyết luân hồi, cho rằng, sau khi chết, con người sẽ đầu thai kiếp mới. Tùy cách sống đời này, kiếp sau, con người có thể thành con vật, cũng có thể từ con vật hóa kiếp thành người.

Người vô thần thì sao! Thưa, với những kẻ chẳng tin vào Thượng Đế, thì, chết là hết.

Còn với Ki-tô giáo? Thưa, đức tin dạy rằng: “Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay”. “Đổi thay” như thế nào? Thưa, điều này đã được Đức Giê-su mặc khải trong một lần tranh luận với nhóm Sa-đốc. Cuộc tranh luận này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.  Cuộc tranh luận được ghi lại như sau:  Một hôm, có mấy người thuộc nhóm Sa-đốc đến gặp Đức Giêsu.

Cứ sự thường, mỗi khi có một “nhóm” nào đến gặp Ngài, y như rằng, hôm đó sẽ có một cuộc tranh luận gay gắt. Với nhóm Sa-đốc hôm nay, cũng không là ngoại lệ. Khi gặp Đức Giêsu, thoạt tiên họ giả lả nói với Ngài một câu chuyện rất bình thường, chuyện rằng: “Thưa Thầy, ông Môse có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dõi cho anh hay em mình…” Ơ hay! Thì cứ theo luật (luật thế huynh), mà thi hành, chứ kể ra với chủ ý gì hả, thưa mấy ông Sa-đốc!

Đúng, quả thật mấy ông Sa-đốc có chủ ý rõ rệt. Hôm ấy, họ nói tiếp với Đức Giêsu, rằng: “Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy,  bảy anh em chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng người đàn bà ấy cũng chết”. Và đây là chủ ý của họ: “Vậy, trong ngày sống lại, người đàn bà  sẽ là vợ ai?” (x.Lc 20, 33)

Theo bạn, đây là câu chuyện thật hay do nhóm Sa-đốc “phịa” ra? Không thấy thánh sử Luca nói đến. Thế nhưng, dù thật hay phịa thì câu chuyện này như một sự thách thức mà nhóm Sa-đốc muốn thách thức Đức Giêsu. Họ thách thức Đức Giêsu điều gì? Thưa, họ thách thức Ngài về việc “chuyện gì sẽ xảy ra ở thế giới bên kia, thế giới của sự chết…?”

Đúng, quả là một thách thức gay go. Thế nhưng, có gay go thì cũng chỉ gay go đối với những ai chưa biết gì về “cuộc sống đời sau”. Với Đức Giêsu, Đấng “từ trời mà xuống” – Đấng đã tuyên bố rằng “Ta  là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.”, thì có gì ngăn trở Ngài biết đến những gì sẽ xảy ra ở “cuộc sống đời sau”!

Và, để trả lời cho câu hỏi,  Đức Giêsu nói rằng, “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chống” (Lc 20, 34-35). Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra ở sự sống đời sau!

Thưa, là thế này. Sự sống đời sau, không có luật sư, vì cuộc sống ở đó không có sự tranh tụng. Không có bác sĩ, vì ở đó không có bệnh nhân. Không có kỹ sư, vì ở đó không cần xây dựng nhà cửa. Không có linh mục để làm phép hôn phối, vì ở đó không có chuyện “cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”. Hôm ấy, Đức Giêsu tuyên bố, con người sẽ “không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20, 36) Như vậy, chuyện “kẻ chết sống lại” và cuộc sống đời sau ra sao, đã được Đức Giê-su mặc khải quá rõ ràng. Thật đáng tiếc cho nhóm Sa-đốc xưa, tiếc vì họ chỉ công nhận “ngũ kinh”, năm cuốn đầu bộ Cựu Ước và không tin có đời sau.

Vâng, đó là một thiếu sót lớn. Thật vậy, nếu họ công nhận thêm những sách khác trong Kinh Thánh, họ sẽ nghe được Thiên Chúa nói gì với dân riêng của Người. Thì đây, sách Macabe chẳng từng chép: “dựa vào Lời Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại”, đó sao! (2Mcb 7,14).

Mà thật, những phép lạ (sau này), “cho con trai một bà góa thành Nain sống lại”, rồi đến “cho con gái ông Gia-ia sống lại”, kế đến sự kiện “anh Lazaro đã chôn trong mồ được bốn ngày” được sống lại,  do Đức Giê-su thực hiện, như để củng cố thêm niềm tin, rằng: vào ngày sau hết, Thiên Chúa “Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”.

Theo lịch Phụng Vụ, chúng ta bắt đầu bước vào tháng mười một, tháng nhớ đến những người đã “lìa thế”. Nhớ đến những người ấy, để nghĩ về chúng ta, rồi sẽ có một ngày, ta cũng sẽ “xuôi tay ra đi giã từ cuộc đời”. Tôi có là ai đi chăng nữa, thì: “Nay anh mai tôi chung đường chung lối”. Tôi có là ai đi chăng nữa, thì, “Ngày mai ra đi sẽ mang được gì?”

Vâng, chẳng mang được gì cả, “của Xê-da trả cho Xê-da”, là bụi đất lại trở về bụi đất. Chẳng được gì cả “ngoài trống vắng mà thôi”! Nếu… nếu cái gì còn tồn tại bên ta,  đó chính là một sự “đổi thay”, đổi thay một cuộc sống mới, một cuộc sống trong “cực hình lửa thiêu đốt” hoặc một cuộc sống mới “ngang hàng với các thiên thần”. Được như thế nào, phụ thuộc vào  cách sống ngay trong hiện tại của chính mỗi chúng ta, như có lời đã chép “sống sao chết vậy”.

Thật vậy, Kinh Thánh có chép rằng, “Trong ngày mệnh chung, trả cho con người theo lối họ đã  sống, đối với Đức Chúa, là chuyện thật dễ dàng” (x.Hc 11, 26).

Cho nên, hãy ghi khắc câu Kinh Thánh (nêu trên) vào tâm hồn mình, bởi, “cái lối” mà chúng ta đã và đang sống chính là “tiêu chuẩn”, chính là “thước đo”, và là “câu trả lời” trước tòa phán xét, nơi Thiên Chúa sẽ chọn “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” (x.Lc 20, 34-35). Cuối cùng, như chúng ta thường nói: “cây nghiêng bên nào thì sẽ ngã bên ấy”.

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi: lối sống của tôi hôm nay, có “nghiêng” về với những điều Đức Giê-su đã truyền dạy! (tám mối phúc thật, chẳng hạn), hay ta lại “nghiêng” về Satan và những quyến rũ của nó? Nếu “nghiêng” về Satan và những quyến rũ của nó! Thưa, có phần chắc, có nằm mơ, cũng không thể thấy được Nước Trời.

Còn nếu “nghiêng” về “tám mối phúc thật” ư! Hãy tin rằng, chúng ta sẽ được “gọi là con Thiên Chúa” và “Nước Trời” sẽ là của chúng ta, đúng với lời hứa của Đức Giê-su: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Thưa Bạn, để chắc chắn cuộc sống đời sau của ta “ngang hàng với các thiên thần”, nên chăng, chúng ta hãy tự vấn tâm hồn mình, rằng: đời sống Ki-tô hữu của tôi, hôm nay, “nghiêng bên nào?”

Petrus.tran

 

Trả lời