Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

 

  “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương…” (Mt5.7)

Đời người ví như một cuộc lữ hành trần thế – một chuyến tàu qua bao sân ga là những biến cố vui buồn, trải qua như một giấc mộng…

Tuổi già là sân ga cuối cùng. Như soeur Isabella hay gọi là “trạm chót” cuộc đời. Sân ga này buồn lắm, mệt lắm và cô đơn lắm… Những vị khách đều dừng lại nơi đây với hành lý, là bệnh tật, khổ đau gánh cả một đời.

Khi sức khỏe, tuổi trẻ và sự minh mẫn không còn, kiếp người còn lại gì ngoài thân xác vô dụng bỏ rơi lăn lóc giữa đời nghiệt ngã…

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên

Địa chỉ: 617A Ấp Suối Tiên, Cây Gáo, Trảng Bom, Đồng Nai

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Câu “Phục Vụ Trong Yêu Thương” được viết phía sau tấm bảng hiệu của Viện. Đó là lời nhắc nhở lẫn nhau của các soeur, của khách đến thăm và của các cụ còn khỏe mạnh với những chị em yếu liệt hơn.

Chiếc xe 29 chỗ đã nằm gọn trong khuôn viên xinh đẹp và yên tĩnh. Những gói quà là nhu yếu phẩm cần thiết hằng ngày dành cho các cụ được cả đoàn dỡ xuống. Và vì mùa xuân đã về, nên quà có thêm những phong bao lì xì đỏ – như lời nhắn nhủ yêu thương: Dù là sân ga cuối đời, dù đông về trên tóc, mùa xuân vẫn đến chốn nhân gian, không bỏ sót chốn nào một niềm vui…

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Đồng hành cùng Hội Mân Côi đến thăm các cụ có những vị khách đặc biệt. Đó là những người bạn Hàn Quốc rất yêu mến Việt Nam và việc thiện nguyện. Họ ăn mặc rất lịch sự như một sự trân trọng dành cho nơi mình sẽ viếng thăm.

Cử chỉ hòa nhã, yêu thương của những người bạn Hàn Quốc khi chăm sóc, và gửi quà cho các cụ già thật sự làm tan chảy trái tim của bất cứ ai đang hiện diện. Với vốn tiếng Việt lơ lớ, họ đã thật sự đem lại niềm vui, tiếng cười hạnh phúc cho các cụ. Họ tặng những đôi tay nhàu nhĩ vì thời gian ấy không chỉ vật chất, mà còn là những bài hát tiếng Hàn, những điệu múa vui nhộn và cả tấm chân tình vô cùng quý giá…

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Cùng chia sẻ ngọt bùi, chung nhau những bữa cơm nhưng mỗi bà ở đây đều có những hoàn cảnh và nỗi niềm riêng. Các bà đều thuộc nhóm đối tượng người già neo đơn, nghèo và không nơi nương tựa. Có những trường hợp mà người thân đưa đến rồi bỏ lại trước cổng Viện hoặc được các bệnh Viện chuyển tới. Cũng có những bà bị bệnh về thần kinh, bại liệt được con cái gửi ở Viện do hoàn cảnh quá khó khăn không có điều kiện chăm sóc. Đặc biệt, Viện cũng là nơi tiếp nhận hàng chục cụ bà lang thang chủ yếu mưu sinh bằng việc bán vé số, làm thuê nhưng già yếu…

Hiện Viện có chưa tới 10 soeur dòng Đa Minh làm việc, nhưng đã trực tiếp phục vụ chăm sóc 130 cụ, có người tuổi đã hơn 90 , trong có khoảng 30 cụ bị liệt và tâm thần không ổn định…

Mỗi ngày, cùng với sự hỗ trợ của các cụ còn khỏe, các soeur phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị bữa sáng, vệ sinh cá nhân cho các cụ bị bại liệt. Khu dành cho các cụ bị bại liệt thoáng mát và sạch sẽ vô cùng, hoàn toàn không có mùi hôi và một chút bẩn nào. Gió từ bờ hồ thổi lên mát mẻ – vỗ về những bờ tóc rối pha sương, những đôi vai gầy guộc hằn vết tháng năm…

Tuy chịu nhiều vất vả, nhưng các soeur vẫn luôn giữ được sự ân cần, nhẹ nhàng, vui vẻ. Gắn bó với Viện đã gần chục năm, một soeur bộc bạch: “Chúng tôi lấy tình yêu để lo lắng và phục vụ cho các cụ bằng sự chân thành và tình thương giữa những con người với nhau…”

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Không chỉ lo từng bữa ăn, giấc ngủ, các nữ tu nơi đây còn trực tiếp lo hậu sự cho những cụ bà già yếu khi họ ra đi. Các cụ được lo lễ tang chu đáo trong tình yêu của Chúa Kitô và yên nghỉ tại nghĩa trang của Viện. Đến nay, đã có gần 150 cụ bà an nghỉ tại nghĩa trang của Viện.

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Khi thấy bóng dáng soeur Isabella, Giám đốc Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên xuất hiện, các cụ bà lại râm ran gọi “Dì Hường, Dì Hường…”. Cái tên dì Hường đã trở nên thân thuộc với các cụ bà nơi đây. Mỗi ngày soeur Isabella lại đi thăm tất cả các phòng và hỏi thăm tình hình sức khỏe, động viên các cụ.

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Tình nguyện về Viện phục vụ từ năm 2006, soeur Isabella đã dành hết tâm huyết để mở mang Viện, mang lại môi trường sống tốt nhất cho các cụ. Lúc đó, Viện còn xập xệ, nguồn thực phẩm chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. Thấy vậy, soeur Isabella đã mạnh dạn đào ao thả cá, nuôi heo, gà và mở rộng khuôn viên của Viện. Nhờ đó, mỗi năm Viện thu hoạch hàng chục tấn cá và gà, heo phục vụ đời sống và cải thiện bữa ăn cho các cụ.

“Nhiều người khuyên nên cứ để Viện xập xệ nhằm dễ kêu gọi lòng thương của mọi người. Thế nhưng, tôi không nghĩ như vậy. Đây đã là “trạm chót”cuộc đời của các cụ nên tôi muốn mang lại điều kiện sống tốt nhất có thể cho các cụ”.

Từ đó, soeur Isabella đã đứng ra vận động các nguồn lực để cải tạo khuôn viên, làm hành lang an toàn trên các lối đi lại, đồng thời nâng cao chất lượng bữa ăn cho các cụ theo phương châm “Mở cửa phòng ăn – Đóng cửa phòng thuốc”

Tạm biệt soeur Isabella và các cụ ở Suối Tiên. Chiếc xe nhỏ tiếp tục lăn bánh về hướng Sài Gòn, nơi cũng có một chốn bình yên cho những mảnh đời gieo neo khi tuổi đã sang đông. Những thùng quà bánh sữa, những phong bao lì xì tuổi mới xếp gọn trên xe chờ tay người nhận.

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Suốt đoạn đường đi, không gian xe ngập tràn tiếng đàn ghita của Cha Maurice Lục Vĩnh Phố,OP và tiếng hát của những thành viên trong Hội Mân Côi. Cha Maurice – Người mục tử hiền lành không ngại gian khổ, luôn đồng hành cùng đoàn chiên đến những nơi xa xôi. Cha dùng bàn tay thánh hiến của mình chúc lành và an ủi người nghèo khổ yếu liệt.

Với cây đàn ghita, trái tim nồng ấm và nụ cười luôn nở trên môi, Cha Maurice đem đến niềm vui nho nhỏ cho những mảnh đời bất hạnh, đem đến tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa. Có nhiều cụ bà khi biết đó là linh mục, ngay lập tức thốt lên: “Cha ơi!” và vội nắm lấy tay Cha như cố níu những ơn lành thiêng liêng mà tuổi già khát khao hơn hết thảy mọi thứ trên đời…

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Viện Dưỡng Lão Tình Thương Vinh Sơn

Địa chỉ: 469 Nơ Trang Long, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM

Thuộc Dòng Nữ Tu Bác Ái Vinh Sơn

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Tọa lạc trên diện tích 1.200m² sát bờ sông Sài Gòn, được bao bọc bởi nhiều loại cây xanh, Viện Dưỡng Lão Tình Thương Vinh Sơn thoáng mát, yên tĩnh với không khí trong lành vô cùng.

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào bên trong khu vực nghỉ dưỡng dành cho các cụ là một tấm bảng lớn treo trên vách tường, ngay lối đi, với dòng chữ “Hội Ngộ Trong Tình Thương Yêu”. Giữa tấm bảng là một trái tim màu đỏ thiết kế đẹp và hài hòa, bên trong dán ảnh chân dung của gần 100 cụ bà đang được nuôi dưỡng tại nhà tình thương này.

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Nói về công việc chăm sóc các cụ già, một soeur đã bày tỏ: “So với công việc chăm sóc các trẻ em mồ côi – thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ già từ lúc còn sống cho đến lúc mất không đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi người làm công việc này phải chịu khó, kiên nhẫn, hiểu tâm lý người già và nhất là phải có lòng thương người thì mới làm được”.

Theo lời soeur, các “bảo mẫu” cho các cụ phải dậy từ 4 giờ sáng, vệ sinh cá nhân và ăn sáng qua loa là lập tức bắt tay vào công việc. Đầu tiên là gọt rửa rau củ, làm cá thịt, nấu cơm, chế biến thức ăn theo đúng khẩu phần và quy định dành cho các cụ già, nhất là các cụ bị ốm, bị liệt, hoặc ăn uống kém. Nấu nướng xong xuôi, các chị lại đi đến từng giường đỡ các cụ dậy, gấp chăn màn, dọn dẹp phòng, giúp các cụ làm vệ sinh. Riêng đối với các cụ bị ốm, lẫn, nằm liệt một chỗ, thì các chị lại phải tự tay chăm sóc tất cả mọi sinh hoạt cá nhân, kể cả việc đút cơm hàng giờ đồng hồ. Sau bữa cơm chiều, tối đến các chị lại hối hả chuẩn bị giường chiếu, chăn màn, dụng cụ vệ sinh và đỡ các cụ lên giường. Khi các cụ đã yên giấc, các chị lại đi một vòng xem xét tình hình, hơn 10 giờ đêm mới về chỗ nghỉ.

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Những cụ bà ở đây đều thèm lắm cái cảm giác có người đến thăm để nói chuyện. Cứ ngồi xuống với các cụ là những câu chuyện không đầu, không cuối cứ nối dài cho đến khi thời gian không chờ nữa mới thôi…

“Tui đó, thèm có người nói chuyện lắm. Ngồi không vậy cả ngày, buồn” – một cụ cười móm mém.

Ngồi trên chiếc xe lăn, một cụ rất hào hứng nhẩm theo bài hát của nhóm Mân Côi, cười sảng khoái khi một vài cụ ở đây lên góp vui văn nghệ. Cụ còn giục vài người bạn già lên hát.

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Nếu ví trẻ em như chim non trên cành, thì tuổi già là chiếc lá vàng khô trong mùa đông lạnh lẽo – run rẩy đếm từng ngày trôi. Khi thăm những Viện mồ côi, đều thấy các em nhỏ ríu rít vui tươi dù bóng tối bất hạnh đã chụp phủ đời em. Viện dưỡng lão thì khác. Khi không có khách đến thăm, chỉ có sự im ắng ngắm thời gian chầm chậm qua song cửa. Tuổi già bạc phếch niềm vui, trên khóe mắt chỉ hằn sâu những kí ức buồn đau không bờ bến…

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mc9:41)

Hội Mân Côi: Mùa Xuân nơi sân ga cuối cùng

Trước khi kết thúc bài viết này, xin thay mặt Hội Mân Côi cảm ơn sự hỗ trợ và đồng hành của quý ân nhân về vật chất cũng như tinh thần. Xin cảm ơn các anh chị em đã góp công sức, sự hiện diện và lời ca tiếng hát trong tình yêu thương – trao gửi đến các cụ ở 2 nhà dưỡng lão mà đoàn đã đến thăm viếng trong cùng một ngày.

Và vì tình thương nơi mỗi người là nguồn dồi dào Chúa ban cho, Hội Mân Côi xin trân trọng mời gọi anh chị em cùng cầu nguyện và những đóng góp cho các cụ già nơi các Viện – xin gửi trực tiếp cho các soeur theo địa chỉ đã nêu trên. Hoặc liên hệ với người phụ trách Hội Mân Côi tại Nhà Thờ Giáo Xứ Đa Minh Ba Chuông vào 19h30 tối thứ Năm hàng tuần – giờ cầu nguyện và chiêm ngắm những màu nhiệm thánh thiên.

Elizabeth Định Nguyên

Xem thêm hình

Trả lời