Cầu cho sự hiệp nhất các kitô hữu

Cầu cho sự hiệp nhất các kitô hữu

Lm Vũ Đức Trung op

Chúng ta đang sống trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu trên toàn thế giới (18 đến 25 tháng 01). “Ut unum sint” – xin cho tất cả nên một – Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong nhà tiệc ly (Ga 17,21) vẫn chưa được thực hiện trọn vẹn. Đại kết là hiệp nhất nhưng trong đa dạng phong phú. Tinh thần đại kết đòi phải tôn trọng lẫn nhau, tìm hiểu truyền thống và những điểm tích cực của những “phe nhóm bên kia”. Một tuần lễ trước lễ “Thánh Phaolô trở lại” (25/1) được dành để cầu nguyện cho sự “trở lại” của từng người và của từng “phe nhóm” thực là ý nghĩa. Muốn có đại kết thực sự, điều trước tiên cần đó là hoán cải, tức là “trở lại” với Thiên Chúa, với chính mình và cuối cùng sẽ dẫn đến “trở lại” với anh chị em mình trong tình yêu Chúa Kitô.

Có một thực trạng đáng buồn đó, là sự chia rẽ giữa các kitô hữu, những người cùng tin vào Đức Giêsu. Nguyên nhân của sự chia rẽ có lẽ phải trở ngược lên tới thời kỳ sơ khai của Hội thánh. Khởi đi từ những căng thẳng giữa cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái và kitô hữu gốc lương dân (xc Cv 15,1tt; 1 Cr 1,12). Đến thế kỷ V xảy ra hiện tượng một nhóm tín hữu tách rời ra khỏi Giáo hội vì quan điểm thần học khác biệt (Nestôriô). Tiếp đến là những quan điểm thần học đối nghịch với Kitô giáo. Đỉnh cao là cuộc ly giáo Đông Phương Thế kỷ XI và cuộc cải cách ly giáo Tây Phương Thế kỷ XVI (Anh Em Tin lành)… Dường như lời cầu nguyện “Xin cho tất cả nên một” của Đức Giêsu đã bị lãng quên…

Lịch sử là như thế ! Nhưng tự căn bản đã có yếu tố hợp nhất giữa các kitô hữu rồi : Bí tích rửa tội. Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể của Đức Kitô, được trở thành con Thiên Chúa, được lãnh nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính những yếu tố thần linh đó làm nên sự hiệp nhất tự thân giữa các kitô hữu. Hơn nữa, qua bí tích rửa tội, chúng ta đang thực hiện một cuộc hoán cải sâu xa, toàn diện. Nhờ cuộc hoán cải này, mọi người nhận ra mình nơi Thiên Chúa và nhận ra anh chị em mình trong Thiên Chúa. Đây thực là một sự hiệp nhất tinh thần. Sự hiệp nhất giữa các kitô hữu đã phát xuất từ niềm tin, bí tích rửa tội và sự hoán cải cá nhân.

* Trong niềm tin, tất cả mọi kitô hữu đều tuyên xưng một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật. Mọi kitô hữu cùng tin kính một Đức Giêsu Kitô đã nhập thể để cứu độ, Người đã chịu đau khổ và chết vì chúng ta; Người đã sống lại và toàn thắng mọi sự dữ. Mọi kitô hữu cùng tin kính Chúa Thánh Thần, Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, cùng với một phép rửa để tha tội và con người chết sống lại và sự sống đời sau.

* Phép rửa tội đưa con người vào Giáo hội của Đức Kitô. Nhờ phép rửa, con người tham dự vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Phép rửa là bước đầu tiên đưa con người từ tội lỗi và tăm tối bước sang sự sống mới, một sự sống cần được tăng trưởng mãi. Phép rửa tái sinh con người trong Thánh Thần và được Thánh Thần hướng dẫn.Tất cả các Giáo hội Kitô đều có phép rửa, tuy có ít nhiều khác biệt.

* Hoán cải là đòi hỏi trước hết của phép rửa. Hoán cải là thay đổi lối sống theo tinh thần Đức Giêsu. Mọi kitô hữu khi lãnh nhận phép rửa đều được mời gọi hoán cải mỗi ngày trong đời sống mình. Nhờ hoán cải, đời sống kitô hữu được triển nở viên mãn trong Đức Giêsu.

Như thế, niềm tin, bí tích rửa tội và hoán cải là điểm gặp gỡ giữa mọi người tin vào Đức Giêsu. Khi sự gặp gỡ này được hoàn trọn, có lẽ lời cầu nguyện “Xin cho tất cả nên một” của Đức Giêsu đã thành tựu.

Lạy Chúa, chúng con nguyện xin Chúa
cho niềm tin chúng con triển nở và trưởng thành.

Xin Chúa dẫn đưa tới chỗ thành toàn :
là tham dự Ánh sáng Chúa và sống nhờ Bình An Chúa.
Cho niềm tin chúng con linh hoạt,
cho chúng con không xem niềm tin như một tài sản bất động.
Nhưng là khởi điểm công cuộc tìm kiếm.
Là bước đầu hành trình,
mỗi lúc thêm gian lao, mỗi lúc thêm cấp bách,
tiến về chân lý và khôn ngoan.

Xin cho luồng đức tin thổi vào cuộc sống chúng con.
Linh hoạt và biến đổi cuộc sống thành một ân huệ yêu thương.

Trả lời