Hiển Linh : Cuộc Hành trình không cô đơn

CUỘC HÀNH TRÌNH KHÔNG CÔ ĐƠN

 

Hiển Linh : Cuộc Hành trình không cô đơnVào mỗi dịp Lễ Giáng Sinh. Hầu như mỗi nhà thờ đều thiết kế một hang đá Belem đầy mỹ thuật và đẹp mắt. Và ai trong chúng ta lại không hơn một lần đến chiêm ngắm; ai trong chúng ta lại không một lần bớt chút thời giờ để viếng thăm.

Hình ảnh hang đá Belem với Giuse và Maria quây quần bên Hài nhi Giêsu được : “bọc tã, nằm trong máng cỏ” trông rất nên thơ và thật đơn sơ. Sự đơn sơ đó không làm giảm giá trị sự linh thiêng, sự huyền diệu. Hình ảnh một ngôi sao từ trên cao chiếu tỏa rực rỡ khiến cho “gia trang hang lừa” như được tôn thêm sự thánh thiêng.

Hình ảnh ngôi sao đó được Thánh Kinh mô tả là một “Ngôi Sao Lạ”. Một  ngôi-sao-lạ nhưng không “xa lạ” với mấy nhà chiêm tinh. Mấy nhà chiêm tinh và ngôi sao lạ như hình với bóng trong suốt cuộc hành trình. Và cuộc hành trình đó đã dệt lên một câu chuyện đầy thi vị và lạ lùng : câu chuyện về các nhà chiêm tinh đi tìm “Ấu Chúa”.

Đang khi Giêrusalem như một chú gấu ngủ vùi  giữa tiết trời đông. Thì  “từ phương Đông” một nơi thật xa xăm; xuất hiện “mấy nhà chiêm tinh”. Họ đi đến Giêrusalem sau khi phát hiện ra một ngôi sao lạ và tin rằng “ngôi sao lạ” mà họ đã nhìn thấy chính là một “điềm chỉ” về một “Đức vua dân Do Thái mới sinh”.

Thế là họ rời bỏ quê hương và cùng nhau dong duổi đường gió bụi; lần theo dấu vết “ngôi sao lạ” đó với hy vọng sẽ được gặp vị  quân vương để mà “bái lạy người”.

Rất có thể họ là “con cháu Apraham” thuộc dòng dõi của Itmael và những người con của Apraham với Cơtura ! (St 25, 1-6; 12-18). Và phải chăng chính vì họ là  những người thuộc huyết thống, con cháu Apraham nên họ đã biết đến Bi-lơ-am – một người thuộc dân tộc Madian –  cũng là một dân tộc thuộc dòng dõi Itmael.

Chính Bi-lơ-am đã được Đức Chúa bày tỏ cho biết rằng. Có : “Một ngôi sao hiện ra từ Giacop. Một cây phủ việt trồi lên từ Israel ” ! (Ds 24,17).

Lời tiên báo từ một ngàn năm trăm năm trước của Bi-lơ-am về một : “ngôi sao hiện ra từ Giacop” và một ngôi sao lạ mà hôm nay họ nhìn thấy : “xuất hiện bên phương đông” đã khiến họ  nghĩ rằng : phải chăng hôm nay điều đó đã ứng nghiệm !!!

Thế là, với trang phục trang nhã, cưỡi những chú lạc đà oai vệ. Họ quyết định thực hiện một cuộc hành trình tìm kiếm. Hành trang mang theo ngoài những lễ vật để dâng tiến. Họ chỉ có mỗi một lòng tin sắt son vào sự dẫn đường của ngôi sao lạ . Như một kim chỉ nam; ngôi sao lạ đó đã dẫn dắt họ suốt cuộc lữ hành.

Hành trình tìm kiếm “Ấu Chúa” của họ không cô đơn. Ngôi sao lạ như một người bạn chung thủy cùng đồng hành với họ. Ngôi sao đó đã : “dẫn đường cho họ”, từng bước… từng bước…từng bước đi. Từ phương Đông, ngôi sao lạ dẫn dắt họ băng qua Giêrusalem; rồi đến Belem . Và cuối cùng là  “đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”(Mt 2, 10). Chắc hẳn, cùng thời điểm trên – tại Belem – cũng đã có nhiều hài nhi được sinh ra. Nhưng… kỳ diệu thay ! Ngôi-sao-lạ đã chỉ rõ cho các nhà chiêm tinh biết chính xác đâu là “Ấu Chúa” để họ có thể : “sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,10).

Một chút tâm tình

Sẽ thật là ngây thơ khi nghĩ rằng cuộc hành trình đi tìm “Ấu Chúa Giêsu” của mấy nhà chiêm tinh như là một cuộc trẩy hội cưỡi-lạc-đà-xem-hoa !!! Thực tế thì cuộc lữ hành của họ chất chứa đầy những : “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”…

Thế điều gì đã dẫn dắt họ “đi đến nơi – về đến chốn” ! Phải chăng chính nhờ niềm tin – tin vào Lời Chúa và sự vâng phục !! Đúng vậy, đang lúc họ tưởng như là mất phương hướng thì… Lời Chúa chính là ngọn đèn soi dẫn bước đi cho họ. Chắc hẳn không là ngẫu nhiên khi các “thượng tế và kinh sư” đã “bật mí” cho họ nơi sinh của Ấu Chúa chính là : “Tại Belem, miềm Giuđê, vì trong sách ngôn sứ , có chép rằng : Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa , ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời”.(Mt 2,5-6).

Và nếu họ không vâng phục thì liệu họ có giữ được cái đầu của mình khi trở lại kinh thành Giêrusalem trong cuộc trở về cố hương !!! Dâng tiến “Vàng, nhũ hương và mộc dược” tốt thật đấy. Nhưng – Lời Chúa – qua môi miệng  Samuen đã nói rằng : “Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ” (I Sm 15, 22). Vui thay ! Mấy nhà chiêm tinh khi được “báo mộng là đừng trở lại gặp Hêrôđê nữa”.  Họ đã vâng phục và : “đi đường khác mà về xứ mình” (Mt 2, …12).

Một phút suy tư.

Câu chuyện mấy nhà chiêm tinh đi tìm “Ấu Chúa” phải chăng có một nét gì đó giống với đời sống đức tin của chúng ta hôm nay ! Niềm tin Kitô giáo dạy chúng ta rằng : Chúng ta chỉ là những lữ khách trần gian. Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Cuộc lữ hành về “Belem Thiên Quốc” của  chúng ta sẽ có lúc như mất phương hướng và bị vây quanh bởi những “kinh sư thời đại”. Những kinh sư thời đại với những tà thuyết rằng Thượng Đế đã chết rồi. Những kinh sư mang danh Christ nhưng thực chất chỉ là những Anti-Christ. Những nhà tiên tri nhưng chỉ là tiên tri giả.

Họ đã vẽ ra một Thiên Đường nhưng không phải là một Thiên Đường của tình yêu. Ngược lại, Thiên đường của họ chỉ dẫn con người đi vào thung lũng âm u, nghi ngờ, chết chóc !!!

Chúng ta sẽ ra sao nếu không dựa vào Lời Chúa – như mấy nhà chiêm tinh – để tiến bước trên đường lữ thứ trần gian !!!

Lời Chúa ở đâu nếu không phải là trong Kinh Thánh ! Kinh Thánh đã lỗi thời ư !!!  Vâng, Kinh Thánh xưa như mặt trời, nhưng nếu không có mặt trời, loài người sẽ phải dò dẫm trong bóng đêm.  Kinh Thánh xưa như không khí; nhưng nếu không có không khí, loài người sẽ ngạt thở và giãy chết.  Kinh Thánh xưa như nước, nhưng loài người sẽ phát điên nếu không có nước.

Hãy tin rằng hành trình về “Belem Thiên Quốc” sẽ không cô đơn nếu chúng ta có Lời của Ngài !!! Hãy nhớ vua David đã nói : “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105). Và đừng quên chỉ có Lời Chúa mới có thể mang đến sự sống đời đời. Amen.

Petrus.tran

 

Trả lời