Hiển Linh : Chúng ta đang tìm Chúa ở đâu ?

 

Lễ Hiển Linh

Chúng ta đang tìm Chúa ở đâu ?
Mt 2: 1-12

Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ : Anh em HV Đaminh Gò-Vấp

Hiển Linh : Chúng ta đang tìm Chúa ở đâu ?Từ “Hiển Linh” bắt nguồn từ chữ HyLạp “epiphaineia” có nghĩa là “sự biểu lộ”. Hôm nay chúng ta cử hành lễ này, nhưng thực sự Lễ Hiển Linh kéo dài cả năm vì suốt năm nay trong Kinh thánh, phụng vụ và trong thế giới chúng ta, Đức Giêsu sẽ “biểu lộ” cho chúng ta biết Thiên Chúa.

Chúng ta mừng Lễ Giáng Sinh cách đây 2 tuần nhưng phần còn lại của thế giới vẫn tiếp tục diễn ra. Những cửa tiệm lớn cũng đang bắt đầu trang hoàng cho ngày lễ Tình nhân và mùa Xuân. Các dịp lễ và tiệc tùng ê hề đã kết thúc. Các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe và Hội những người ăn kiêng ghi lại con số kỷ lục về những thành viên mới tại thời điểm này của năm. Như mẹ tôi đã từng nói, khi chúng ta trở lại trường học sau những ngày nghỉ hay kỳ hè, “Âm nhạc trôi qua thì ngày lễ cũng kết thúc”. Những đồ trang trí Giáng Sinh đã được cất kho để dành cho năm sau.

Nhưng lễ Chúa Hiển Linh hôm nay khiến chúng ta để ý đến máng cỏ. Hầu hết các giáo xứ hiện nay đã đặt ba vị đạo sĩ vào khung cảnh này. Ba vị đạo sĩ đã đến nơi máng cỏ và câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ cho đến hai mươi thế kỷ sau: “Đức vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu?”. Câu hỏi của các ông cũng chính là thắc mắc của chúng ta! Hôm nay, khi chúng ta nghe câu hỏi này được công bố trong thánh đường thì mắt chúng ta sẽ hướng về hình ảnh máng cỏ. Chúng ta cố gắng trả lời: “Người ở đó, trong khung cảnh êm đềm, cùng với sự chăm sóc bao bọc của cha mẹ Người, có các mục đồng đang thờ lạy và đàn vật dễ thương, hiền hòa vây quanh ”. Hôm nay, chúng ta sẽ vơi bớt những căng thẳng rã rời khi chú tâm vào cảnh tượng đó, một biểu tượng dành để chiêm niệm. 

Nhưng khi những đứa trẻ nói: “hãy thực tế đi!”. Cuộc sống là như thế sao? Phải chăng chúng ta cứ ra vẻ cuộc sống của mình sẽ tốt hơn khi được sắp đặt sẵn để chúng ta có thể “thực hiện theo chương trình”? Một chương trình đẹp đẽ và thanh bình ư? Phần lớn cuộc đời chúng ta đều không chắc chắn, an bình hay đáng yêu. Vì thế, chúng ta tạ ơn Chúa đã mặc lấy xác phàm đi vào trong thế giới của chúng ta, không như vài bức tranh của Norman Rockwell. Ngay từ lúc mới sinh, Hài Nhi đã được cha mẹ bao bọc yêu thương, nhưng cũng phải đối mặt với những hiểm nghèo và túng thiếu – giống như nhân loại trải qua suốt dòng lịch sử. 

“Đức vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu?”. Nếu Tin Mừng đúng, thì Ngài ở những nơi mà chúng ta cảm thấy lo lắng, căng thẳng và mâu thuẫn– thêm vào đó là những thời kỳ được chúc phúc của sự thanh bình mà chúng ta sẽ trải nghiệm. Đức Giêsu khởi đầu cuộc sống của mình trong một thế giới bao quanh bởi sự mâu thuẫn, bởi sự thống trị tàn bạo của thế lực ngoại bang. Cũng như trong thế giới ngày nay, có nhiều người tị nạn đang trốn khỏi sự xung đột, tìm tiếm sự an toàn, thực phẩm và gia đình của mình.  

Tin Mừng hôm nay cho thấy thật không dễ để được ngồi lên Ngai của Hêrôđê, vì khi ông nghe được câu hỏi của ba vị đạo sĩ: “Đức vua dân Dothái mới sinh, hiện ở dâu?” thì ông trở nên “vô cùng bối rối” và chúng ta hiểu được nguyên do của âm mưu giết Đức Giêsu. Câu chuyện về cuộc đời Đức Giêsu khởi đầu bằng việc di dời chỗ ở, sự xung đột và tình cảnh hiểm nghèo.

Ngày nay, chúng ta đang tìm Đức Giêsu ở đâu? Cho dù chúng ta không còn câu truyện Kinh Thánh nào hay hơn câu truyện này, nhưng chúng ta vẫn biết tìm Người ở đâu: nơi những người mới đến và những người phải dời chỗ ở; nơi những người nghèo mới sinh và gia đình của họ; nơi những người không có nguồn gốc và đang kiếm tìm; giữa những người bị đẩy ra ngoài vì hệ thống luật pháp và những sắc lệnh thiếu quan tâm.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo biết nơi để tìm vị Vua mới sinh. Họ biết Kinh Thánh của họ và những gì các ngôn sứ thời xưa đã nói về vị vua tương lai của Israel: Người ta có thể tìm thấy Người, vị Vua-mục tử, trong thành của vua Đavít. Nếu họ biết thế, sao họ lại không tự đến đó? Còn các vị đạo sĩ, những nhà chiêm tinh ngoại giáo, đã kính trọng sự khôn ngoan cổ xưa của những người đi tìm tôn giáo khác và đã đi tìm Đức Giêsu. Ba vị đạo sĩ nhắc nhớ chúng ta luôn mở rộng tâm trí của mình để đón nhận những chân lý đã được tìm thấy trong những truyền thống tôn giáo khác.

Chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, Đấng chúng ta tìm kiếm, trong Thánh Lễ này, qua Lời và Bí tích của Người. Chúng ta biết tìm ở đó nhờ sự hiểu biết xưa và nay về niềm tin của mình. Chúng ta cũng được hướng dẫn để không bỏ quên Người “ở ngoài kia,” trong những gì mà chúng ta gọi là “thế giới thực”. Nếu đã được Tin Mừng hôm nay hướng dẫn thì chúng ta nhận ra Người cũng đang ở cùng chúng ta trong những nơi có mâu thuẫn, hỗn loạn và tình trạng căng thẳng – dù thế giới không cảm thấy như thế. Cuộc sống chúng ta và những nơi chúng ta nhận ra Đức Giêsu trong thế giới thì không kém phần thánh thiện và đặc biệt dành cho Thiên Chúa so với cung thánh của chúng ta và quang cảnh Chúa Giáng Sinh. Thật khó có thể nhận ra Người trong thế giới đầy xung đột của chúng ta, nhưng Đức Kitô cũng hiện diện ở nơi làm việc cũng như trong nguyện đường của chúng ta. Nếu chúng ta có thể trả lời được câu hỏi “Đức vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu?”, qua cách trả lời “Trong gia đình, nơi làm việc, trong lớp học của tôi”, thì chúng ta cũng có thể trả lời thêm rằng “Đó là nơi tôi có thể trải nghiệm đời sống mới và tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi”.

Các vị đạo sĩ kia là ai? Chúng ta thực sự không biết. Truyền thống nói rằng có ba vị, chắc là vì có ba món quà đã được đặt tên. Chúng ta cũng đặt tên cho các vị. Người ta cho rằng đó là những vị đạo sĩ – các nhà chiêm tinh. Các ông là những người chiêm ngắm các vì sao và tìm kiếm những dấu chỉ trên bầu trời. Khi nhận ra Đức Giêsu, các ông đã sấp mình thờ lạy Người. Các ông đã không sấp mình trước vua Hêrôđê và quần thần của vua, nhưng các ông đã sấp mình trước Đức Kitô.

Các vị đạo sĩ là những người đi tìm kiếm. Chẳng lẽ sự hiện diện của chúng ta trong Thánh lễ hôm nay lại không nối kết chúng ta với các vị, vì chúng ta không bao giờ thôi tìm kiếm Thiên Chúa hay sao? – chí ít là không nên. Tất cả những gì mà cuộc đời chúng ta đang kiếm tìm thì đã tìm thấy nơi Đức Giêsu. Ở mỗi giai đoạn, trong những lúc vui mừng và thỏa mãn nhất, cũng như trong lúc khó khăn và thất bại, chúng ta đều nhận ra Đức Kitô mới sinh ra và hiện diện cùng chúng ta. Nhưng hôm nay, các vị đạo sĩ khích lệ chúng ta không nên mãn nguyện. Chúng ta không bao giờ nghĩ rằng mình đã tìm thấy Thiên Chúa, cũng đừng nghĩ rằng hành trình của mình đã hoàn tất. Chúng ta chỉ có thể biết ơn về những giây phút chúng ta đã cảm nghiệm Đức Giêsu luôn ở cùng chúng ta, để làm cho niềm vui của mình thêm sâu sắc và vơi bớt nỗi buồn.

Một trong những bài thơ tôi thích nhất, đặc biệt là trong Mùa Giáng Sinh này, là bài thơ của tác giả Eliot có tựa đề: “Hành trình của các vị Đạo sĩ”. Eliot tưởng tượng hành trình của các vị đạo sĩ đi tìm Đức Giêsu ra sao. Ông khởi đầu bài thơ thế này: “Chúng ta đang ở trong một mùa đông giá rét, đó là thời điểm tồi tệ nhất trong năm cho một hành trình, và đó là một hành trình dài…”. Việc tìm kiếm Đức Kitô là một hành trình dài và gian khổ, vì nó tốn cả một cuộc đời. Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta cần khởi đầu lại và điều này không luôn luôn dễ dàng. Như nhà thơ viết: “Một thời kỳ khó khăn mà chúng ta có”.

Bài thơ của Eliot gióng lên một tiếng chuông về thực tại. Ông mô tả những vấn đề nảy sinh sau khi các vị Đạo sĩ đã dến gặp đức Kitô và trở về nhà. “Chúng ta đã trở về chỗ ở của mình, những Vương Quốc này, nhưng ở đây không còn thoải mái nữa, trong chế độ tôn giáo cũ”. Việc tìm thấy Đức Kitô và thay đổi đời sống không chỉ đưa dẫn chúng ta đến một đời sống mới, nhưng còn dẫn đến cái chết“… Việc sinh hạ này quả thực là sự thống khổ cay đắng và đau đớn đối với chúng ta, tựa như Thần Chết, cái chết của chúng ta vậy”.

Một điều cần hiểu từ bài thơ là sự nhắc nhớ rằng Lễ Chúa Hiển Linh chính là Tin Mừng thu nhỏ và bao hàm cả cuộc tìm kiếm và một đời sống mới – cũng như sự thay đổi hay sự chết, mà các môn đệ của Đức Giêsu sẽ phải nhận. Việc cởi bỏ cái cũ và mang lấy một lối sống mới được gợi ý ở dòng cuối của bài Tin Mừng. Các vị Đạo sĩ “đã đi lối khác mà về xứ mình”. Chúng ta hiểu những lời thơ của Eliot rằng các vị Đạo sĩ sẽ “…không cảm thấy dễ chịu khi ở đây, trong chế độ tôn giáo cũ”. 

Sau Mùa Giáng Sinh, nhiều người trở lại cuộc sống thường nhật của họ, “mọi việc đâu sẽ vào đấy”. Họ để lại phía sau cảnh tượng êm đềm, luyến tiếc về hình ảnh máng cỏ. Nhưng ở đây trong việc thờ phượng, chúng ta không thể để câu truyện về Đức Kitô lại phía sau ngôi thánh đường của chúng ta. Mỗi Chúa Nhật, chúng ta sẽ quy tụ và lắng nghe Tin Mừng mở ra khi Đức Kitô trưởng thành, loan báo tin vui và hy vọng cho toàn nhân loại (hãy nhớ rằng ba vị Đạo sĩ là những nhà chiêm tinh ngoại giáo) và đương đầu với sức mạnh tôn giáo và xã hội trong thời đại của Người.

Hôm nay, một lần nữa ba vị Đạo sĩ mời gọi chúng ta hướng về Đấng Cứu Thế để kính cẩn bái thờ Người… Và dâng lên Người những món quà của mình trong việc phục vụ vương quốc của Người – “ở ngoài kia”.


Trả lời