Hãy Yêu Thương và Tha Thứ

 

Hãy Yêu Thương và Tha ThứYêu thương để tha thứ và tha thứ để yêu thương. Vâng, đó là điều không ai trong chúng ta lại không mong muốn. Mà, thật vậy, trong thế giới tình cảm của con người, yêu thương là điều rất cần thiết. Cần thiết là bởi, trong cuộc sống thường nhật, “không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, còn có cả sương mù và giá lạnh nữa”(Louis Evely). Chính trong những lúc “sương mù và giá lạnh” đó, điều gì an ủi được chúng ta, nếu không phải là nhận được từ một ai đó sự yêu thương!

Còn về sự tha thứ ư! Vâng, không ai là thánh nhân. Cuộc sống của con người là một chuỗi dài của lầm lỗi. Có ai mà không hơn một lần phạm tội. Thế nên, có ai mà không mong muốn được hưởng sự tha thứ, sau mỗi lần lầm lỗi, phạm tội!

Luận bàn về sự tha thứ, Mahatma Gandhi nói: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm cách của kẻ mạnh.” Victor Hugo thì nói: “Tha thứ là tôn giáo tuyệt vời nhất”. Còn Martin Luther ư! Ông ta nói: “Tha thứ là mệnh lệnh của Chúa”.

Đúng vậy, Ki-tô giáo đã xem yêu thương và tha thứ chính là lệnh truyền của Đức Giê-su. Lệnh truyền này đã được ghi lại rất chi tiết trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 6, 27-38)

Theo lời thánh Luca ghi lại, thì, hôm ấy, sau khi lên núi cầu nguyện, Đức Giê-su cùng với các môn đệ xuống núi. Sau đó, Ngài đã dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đây, ngoài các môn đệ, người ta còn thấy đoàn lũ dân chúng từ khắp mọi nơi đến, đến để nghe Ngài giảng dạy.

Hôm ấy, bắt đầu cho lời truyền dạy, Đức Giê-su đã dạy cho mọi người những phương cách sống, sống sao để nhận được phước hạnh bây giờ cũng như mai sau ở trên trời, sống sao để tránh những mối họa, những mối họa làm cho con người phải diệt vong.

Không cổ vũ cho một lối sống tiêu cực, “mắt đến mắt, răng đền răng”, Đức Giê-su tiếp tục có những lời phán dạy đầy nhân bản, Ngài dạy rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa”(x.Lc 6, 27-30). Tất cả những lời Đức Giê-su truyền dạy, tựu trung đều xoay quanh hai vấn đề, đó là: “yêu thương và tha thứ”.

Thì đây, chúng ta hãy nghe tiếp lời Thầy Giê-su phán dạy: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho  người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ”. Và để kết thúc, Đức Giê-su thẳng thắn nhắc lại một lần nữa với các môn đệ, rằng: “Anh  em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả”.

Những phương cách yêu thương mà Đức Giê-su truyền dạy, có quá là “kỳ lạ”!!! Thưa, nếu chúng ta tiếp nhận những phương cách đó, theo nhãn giới thế gian, thì quả đúng là kỳ lạ, và khó thực hiện. Còn, nếu tiếp nhận với đôi mắt đức tin, thì những phương cách yêu thương đó lại là những phương cách yêu thương “kỳ vĩ”.

“Phải có lòng nhân từ”. Đúng, để có thể yêu thương, yêu thương theo phương cách Đức Giê-su truyền dạy, phải có lòng nhân từ, và đó là sự kỳ vĩ, sự kỳ vĩ chỉ có ở Thiên Chúa, một Thiên Chúa “ưa sự nhân từ”.

Hôm ấy, trước các môn đệ, Đức Giê-su đã lớn tiếng phán dạy: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh  em là Đấng nhân từ”.

Tiếp theo lời phán dạy, Đức Giê-su đã phác họa ra một lộ trình, một lộ trình để thể hiện lòng nhân từ, đó là: “Đừng xét đoán… Đừng lên án… Hãy tha thứ… Hãy cho (đi)” (x.Lc 6, 37-38)

Thánh Vịnh (33, 5), có chép rằng: “Chúa yêu thích điều công minh chính trực”. Hôm ấy, Đức Giê-su đã nói lên sự công minh chính trực của Thiên Chúa dành cho những ai biết yêu thương và tha thứ, rằng: “Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”(x. Lc 6, 38)

Lời Đức Giê-su truyền dạy là như thế. Thế nên, đã là một Ki-tô hữu, hãy tự hỏi mình rằng, “yêu thương và tha thứ” có là hành trang cho cuộc hành trình về Nước Trời của mỗi chúng ta? Hay, vì mớ hành trang đó “quá nặng nề” nên ta đã không muốn nó hiện diện trên đôi vai cho cuộc hành trình của mình?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn câu trả lời đó đem lại cho chúng ta “phần thưởng lớn lao”, thì đừng quên… đừng quên nhìn lại những tấm gương về sự yêu thương và tha thứ, (những tấm gương đó đã được ghi lại trong Kinh Thánh cũng như trong lịch sử Giáo Hội), và xem đó như là mẫu mực cho cuộc  sống của mình.

Vâng, hãy trở về đất nước Israel của thời Cựu Ước. Chuyện kể rằng, có một chàng trai trẻ làm nghề chăn chiên tên là David. Và lúc đó, Israel đang lâm vào một cuộc chiến tranh với Philitinh.

Bên phe địch có một mãnh tướng khổng lồ tên là Gôliat. Tên mãnh tướng này mỗi ngày đều ra thách đấu với Israel. Vua Israel là Saul hoảng sợ vì không có vị tướng lãnh nào dám ra đối đầu.

Nguồn tin này đến tai David. Chàng trai này lập tức gặp vua Saul để xin nghênh chiến. Nhà vua chấp nhận. Kết quả là, chàng trai David đã hạ tên khổng lồ Gô-li-at như trở bàn tay. Với chiến thắng này, David được toàn thể dân Israel ngưỡng mộ. Những người phụ nữ vui đùa ca hát rằng: “Vua Saul hạ được hàng ngàn, ông David hàng vạn”(x.1Sm 18, 7)

Chuyện này lọt đến tai vua Saul, kể từ đó nhà vua căm ghét David. Ông ta trở mặt coi David như kẻ thù, một kẻ thù đang cố chiếm đoạt ngai vàng của nhà vua. Saul nhiều lần tìm cách giết David, nhưng không thành công.

Ngược lại, David lại có cơ hội giết vua Saul, nhưng chàng trai này đã không hạ thủ. David không hạ thủ vì kính trọng người đã được ĐỨC CHÚA xức dầu tấn phong.

Với hành động này, David, một cách rõ nét, đã thực hiện lời Chúa truyền dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù”. David thật sự tha thứ cho vua Saul dù cho nhà vua luôn tìm cách truy sát mình.

Ngày nay, ai có thể thực hiện được như David? Có phần chắc không phải là đám lãnh tụ “xôi thịt” đang tìm cách triệt hạ nhau, như chúng ta đã và đang chứng kiến, hằng ngày.

Tuy nhiên… tuy nhiên có một tấm gương mẫu mực để chúng ta noi theo, đó chính là ngài Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II. Hầu như cả thế giới đều biết câu chuyện vị Giáo Hoàng này đã tha thứ cho kẻ mưu sát mình, người Thổ Nhĩ Kỳ, tên là Mehmet Ali Agca.

Vâng, chúng ta hãy đọc lại đôi dòng trong cuốn “Ký ức và Căn Tính” (Memory & Identity do Nhà xuất bản Weidebfeld & Nicolson, UK) trang 180, Đức Giáo Hoàng kể lại rằng: “Đúng, tôi nhớ lại chặng đường tới bệnh viện. Trong một khoảng khắc ngắn ngủi, tôi đã bất tỉnh. Tôi có một cảm giác rằng tôi sẽ sống sót. Tôi bị đau và đây đã là một lý do để sợ sệt nhưng tôi có một sự tín thác lạ thường. Tôi nói với cha Stanislaw (vị thư ký riêng của Đức Thánh Cha nay là Tổng Giám Mục tại Krakow, Balan) rằng tôi đã tha thứ cho kẻ sát hạt tôi. Những gì đã xảy ra tại bệnh viện, tôi không còn nhớ.” (nguồn: internet). Chưa dừng ở đó, chuyện được ghi lại, rằng: vào năm 1983 Đức Thánh Cha đã đến nhà tù Roma thăm và ôm lấy kẻ đã bắn vào mình.

Đây là hai điển hình, (một xưa và một nay), về sự yêu thương và tha thứ. Riêng Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô, ngài đã thể hiện rõ nét điều Đức Giê-su đã cầu nguyện trên thập giá tại Golgotha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải thực thi những gì Đức Giê-su đã truyền dạy, đó là: yêu thương và tha thứ.

Vâng, phải yêu thương, bởi vì, lời Đức Giê-su đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. Và, phải tha thứ, vì, lời Đức Giê-su đã nói: “thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”.

Thế nên, dẫu cho chúng ta đang phải sống trong một xã hội cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa thiếu tình yêu thương (phá thai), chúng ta cũng vẫn phải sống theo các giáo huấn mà Thiên Chúa đã phán truyền: “Chớ giết người”.

Thế nên, dẫu cho chúng ta đang phải sống chung với một xã hội  thiếu lòng bao dung và tha thứ (trả thù, ăn miếng trả miếng), chúng ta cũng vẫn phải sống theo các gương lành của Đức Giê-su: “hãy có lòng nhân từ”.

Vâng, cuộc sống còn rất nhiều người nghèo đói, cơ nhỡ, cô đơn… tình yêu thương sẽ là “hồng cầu” nuôi dưỡng họ. Cuộc sống còn lắm kẻ lầm lạc, còn lắm kẻ thiếu nhân cách, thích gièm pha, ưa xúc xiểm gây tổn thương trầm trọng kẻ khác v.v… lòng bao dung và sự tha thứ chính là liều thuốc “hồi sinh” nhân cách những con người đó.

Hãy nhớ rằng, thánh lễ chính là “nguồn sức mạnh”, nguồn sức mạnh qua việc tham dự Tiệc Thánh Thể, một bữa tiệc Thiên Chúa đã khoản đãi chúng ta bằng Mình và Máu Thánh Đức Giê-su Ki-tô – “chén Máu Thầy… đổ ra cho chúng ta và để chúng ta được tha tội”.

Đó… đó chính là sức mạnh giúp chúng ta vượt thắng những rào cản của tham-sân-si, để rồi chúng ta dám lớn tiếng nói với nhau rằng: “Hãy đến chia nhau nghèo khó. Quên lo tương lai mịt mờ. Hãy cố yêu người mà sống. Lâu rồi đời mình cũng qua”.  Nói cách khác, chúng ta sẽ trở thành những con người giàu tình yêu thương và lòng tha thứ.

Vâng, là một Ki-tô hữu, phải sống theo giáo huấn của Chúa, đó là: “Hãy Yêu Thương và Tha Thứ”.

Petrus.tran

 

 

Trả lời