Hãy yêu thương nhau…

Hãy yêu thương nhau…

Hãy yêu thương nhau…Cách nay khá lâu, trong chương trình “The voice of Holland”, có một thí sinh tên là Charly Luske, khi anh ta  vừa cất tiếng hát ca khúc “It’s a Man’s Man’s Man’s World”, lập tức cả khán phòng  bùng nổ bởi những tiếng vỗ tay reo hò, có năm vị giám khảo, bất ngờ thay, cả năm vị cùng nhấn chiếc nút để xoay cái ghế mình đang ngồi, từ vị trí “giấu mặt” với thí sinh, thành diện đối diện với Charly Luske.

Vì sao năm vị  giám khảo lại cùng một lúc đồng thuận như thế? Vì sao khán thính giả lại phấn khích với bản nhạc này? Phải chăng là vì chất giọng anh ta? Phải chăng là bởi ý nghĩa của bài hát? Đúng vậy, chất giọng anh ta rất tốt, nhưng phải nói thêm rằng, thành công của anh ta là do ý nghĩa của bài hát.

Chúng ta hãy nghe, thật ý nghĩa thay, khi bài hát có lời rằng “This is a man’s world. This is a nam’s world… But it wouldn’t nothing, nothing… without a woman or a gril – Đây là thế giới của đàn ông; Đây là thế giới của đàn ông.  Nhưng nó sẽ chỉ là vô nghĩa.  Vô nghĩa nếu thiếu đi người phụ nữ”.

“Bạn thấy đấy…” Charly Luske tiếp tục cất tiếng hát rằng “…Đàn ông tạo ra xe hơi, để đưa ta đi qua những con đường dài. Đàn ông làm ra tàu hỏa để vận chuyển đồ trọng tải lớn. Đàn ông tạo ra đèn điện, để thắp sáng mọi bóng tối vây quanh ta. Đàn ông tạo ra tàu thủy,  cũng như Noah tạo ra rương (ark)… Đây là thế giới của đàn ông;  Nhưng nó sẽ chỉ là vô nghĩa nếu thiếu đi người phụ nữ. Cô ấy đâu có cần tới tôi. Tất cả chỉ là vô nghĩa”. (lược dịch: nguồn internet)

Tất-cả-chỉ-là-vô-nghĩa, chỉ với sáu chữ, nó gợi cho ta nhớ đến một  lời ví von đã được chép trong sách Huấn Ca, rằng: “Không có hàng rào, trang trại bị cướp phá, vắng bóng đàn bà, đàn ông sẽ lang thang, rên rỉ” (Hc 36, 23). Có lẽ, không ai có thể phủ nhận, tác giả của bài hát nêu trên, qua tiếng hát nỉ non của người ca sĩ, đã muốn ca ngợi về một thứ tình yêu – “tình yêu đôi lứa”.

Tình yêu đôi lứa ư! Vâng, đó là món quà tặng của Thượng Đế, Người đã ban tặng cho con người, ngay từ tạo thiên lập địa. Sách Sáng Thế đã thuật lại rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa phán: Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm một trợ tá tương xứng với nó… Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (Stk 2, 18…22).

Con người có nhận không? Thưa có. Con người đón nhận trong tiếng reo hò mừng vui:  “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Tình yêu đôi lứa, hay tình yêu giữa con người với con người được khởi đầu như thế đấy. Nó đồng hành suốt chiều dài lịch sử con người.  Nó đã được mô tả “mãnh liệt như tử thần… đam mê dữ dội như âm phủ… nước lũ không dập tắt nổi, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8, 6-7).

Chỉ tiếc rằng,  tội lỗi mà con người vấp phạm đã làm cho tình yêu, với một chút lãng mạn của “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy; Ngàn năm chưa dễ đã ai quên”, nay bỗng chốc trở thành nỗi đau chất ngất, chất ngất bằng những từ ngữ: tại-bị-bởi vì… bởi vì “người đàn bà Ngài cho ở với con”, tại-bị-bởi-vì “Con rắn đã lừa dối con” v.v…  Để rồi, hôm nay, vẫn biết rằng, tình yêu là quà tặng của Thượng Đế, nhưng khi đối diện, con người vẫn thở than, “đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn”… 

Vâng, làm sao không “vạn lần buồn” khi con người ngày nay, do ảnh hưởng bởi những chủ thuyết lệch lạc: chủ thuyết vô thần, chủ thuyết hiện sinh, do ảnh hưởng của những lối sống: lối sống thụ hưởng v.v… đã làm cho “Tình Yêu – món quà tặng của Thiên Chúa”  trở nên trần trụi, trơ trẽn như một món hàng đổi chác. Tình yêu như thế… chết là cái chắc… vạn lần buồn là điều không tránh khỏi…

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu bền vững. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu với những đặc tính: đi bước trước, dâng hiến và trao ban. Và Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa, Ngài đã đến thế gian để gửi đến thế gian tình yêu đó.

Nếu thế gian quan niệm, tình yêu thương được thể hiện qua việc “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”.  Thì, với Đức Giê-su, tình yêu của Ngài, đó là thứ tình yêu “nhưng không – vô hạn”.  

Nếu thế gian dạy rằng: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” thì Đức Giêsu đã lớn tiếng dạy rằng “Còn Thầy, Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”(Mt 5, 43-44).

Nếu thế gian khuyên rằng “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, thì Đức Giêsu đã khuyên rằng “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12).

Nếu thế gian dạy rằng “mắt đền mắt, răng đền răng” thì Đức Giêsu khuyên dạy: “còn Thầy, Thầy bảo anh  em, đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”.

Trong đêm mừng lễ Vượt Qua, cũng là đêm Đức Giê-su sẽ thể hiện tình yêu nhưng không và vô hạn của mình, qua  cuộc tử nạn trên thập giá tại Golgotha, Ngài đã đưa ra một giáo huấn mới về tình yêu, giáo huấn rằng: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người  mình yêu” (Ga 15, 13). 

Vâng, đúng là một thứ tình yêu mới và đã được Đức Giê-su gọi là “điều răn mới”. Và, như một chiếc cầu ân sủng nối kết các môn đệ với tình yêu của Thiên Chúa,  Đức Giêsu đã phán: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (Ga 15, 9).

Yêu anh em như vậy là như thế nào? Thưa là, Đức Giê-su coi các môn đệ như là : “Bạn hữu” của Ngài.  Vâng, chính việc trở thành bạn hữu, chính việc không gọi các môn đệ là tôi tớ, Đức Giê-su đã mở ra một cánh cửa cho tình yêu thâm nhập vào từng con người, từng cá nhân, nói tắt một lời, từng người môn đệ của Ngài.  

Có thể nói rằng, với những điều Đức Giê-su đã giảng dạy nơi công chúng cũng như những gì Ngài đã truyền dạy cho các môn đệ trong chốn riêng tư, nó chính là mẫu mực cho một tình yêu nhưng không, vô vị lợi, một tình yêu hoàn hảo mà mỗi người môn đệ của Ngài phải thể hiện để “yêu  thương nhau”.

“Anh em hãy yêu  thương nhau”. Vâng, đây là một lệnh truyền. Với lệnh truyền này, tông đồ Gioan, sau này, tiếp tục truyền dạy cho chúng ta, rằng: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 8).

Có thể nói ngược lại chăng! Không biết Thiên Chúa con người thiếu vắng tình yêu thương! Đúng vậy. Hãy nhìn xem,  xã hội chúng ta đang sống, một xã hội cổ vũ cho chủ nghĩa vô thần, người ta hô hào “Thiên Chúa chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của con người” điều gì đã và đang xảy ra! Thưa, dối trá, gian lận, lừa bịp khắp nơi. Từ nơi học đường lẫn nơi công sở.  Trộm cắp, cướp bóc xảy ra nhan nhản. Và rất nhiều, rất nhiều sự gian ác xảy ra chỉ vì  “Không biết Thiên Chúa” . 

“Anh em hãy yêu  thương nhau”. Là một Kitô hữu, không ai được phép từ chối thực thi lệnh truyền này. Bởi vì, đó chính là dấu chỉ để “thiên hạ nhận biết (chúng ta) là một đệ của Đức Giê-su Ki-tô” (x.Ga 13, 35)

Thế nên, đừng quên, hành động chạnh-lòng-thương-xót của người Samaria trước nạn nhân bị cướp đánh đập giữa đường – không tránh qua lối khác mà đi – nhưng đã đứng lại cứu giúp, trong dụ ngôn “người Samaria nhân hậu”, phải là tấm gương mẫu mực cho mỗi chúng ta. Cũng đừng biến mình thành ông nhà giàu trong câu chuyện “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” để rồi cuồi cùng “phải chịu khốn khổ” về đời sau. (x.Lc 16, 19-31)  

Có ai trong chúng ta lại không hơn một lần được dạy dỗ rằng, “thương người như thế thương thân”, hoặc “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, hay “một miếng khi đói bằng gói khi no” v.v… Vì thế, để thể hiện tình yêu thương, hãy nhớ lời  Kinh Thánh có dạy “Đừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” (x.Hc 4, 31). Đó cũng là điều thánh Phaolô khuyên : “Cho có phúc hơn nhận”.

Tất cả chỉ là tình yêu, cho nên, một nhà thơ trẻ với cảm nhận của mình đã chia sẻ, rằng:  “Kinh Thánh dạy một tình yêu thuần khiết; Là tình yêu không vị lợi cho mình. Là thực hành một nghĩa vụ thiêng liêng, Để ánh sáng Tin Mừng soi… thế giới” (nguồn: internet).

Nói cách khác: “Để ánh sáng Tin Mừng soi thế giới. Hãy thể hiện một nghĩa vụ thiêng liêng. Đó chính là  tình yêu vô vị lợi. Điều xưa kia, Đức Giê-su truyền dạy”.

Vâng, hôm đó, Người truyền dạy một điều duy nhất, đó là: “Không phải anh em đã  chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em sẽ tồn tại…. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”( Ga 15, 16-17).

Thế giới hôm nay có quá nhiều khổ đau. Khổ đau đến từ nhiều phía, và hầu như nguyên nhân là bởi, thiếu tình yêu thương. Thiếu tình yêu thương là bởi thế giới hôm nay vẫn tồn tại sự vênh vang tự đắc, nơi con người vẫn còn đó sự hận thù, sự gian ác, thiếu sự tha thứ v.v…

Thế nên, là Ki-tô hữu, chúng  ta phải là cánh tay nối dài của Đức Giê-su, để đem những hoa trái của tình yêu thương, đó là: “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy sự chân thật…”, đến cho mọi người, ít nhất là trong gia đình chúng ta.

Trong gia đình,  người chồng “không làm điều bất chính”, không dám xem chuyện “vợ cả, vợ hai, cả hai đều là vợ cả”… vâng, ai dám phủ nhận gia đình đó là một gia đình mẫu mực về tình yêu thương, lòng chung thủy!  Trong gia đình,  người vợ luôn “nhẫn nhục, hiền hậu”… ai dám phủ nhận, gia đình đó là một gia đình mẫu mực về tình yêu thương, lòng bao dung!

Đa phần những gia đình đổ vỡ, nguyên nhân đều thiếu “đức mến”. Mà, theo thánh Phao-lô, những hoa trái của đức mến chính là những điều đã được nêu trên, những điều đem đến cho mọi người “tình yêu thương”.

Albert Camus có nói “Tôi chỉ biết một nghĩa vụ,  đó là  yêu thương”. Albert Camus rất đúng, bởi, cũng như cảm nhận của một nàng thơ, thì:  “Mọi năng tài sẽ đi vào… mai một; Trên đời này chỉ tồn tại ba điều: Là đức tin, hy vọng, và tình yêu. Nhưng tình yêu được kể là trọng nhất!” (nguồn: internet)

Tình yêu thương được kể là trọng nhất ư! Thưa, đúng vậy, bởi, như chúng ta đã biết “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”., và hơn nữa, là bởi, đó là điều Đức Giê-su truyền dạy cho chúng ta là “Hãy yêu thương nhau”.

Petrus.tran

Trả lời