Hãy yêu thương nhau

 

Hãy yêu thương nhauSuốt tuần qua (trừ thứ ba 1/5/2018), Phụng Vụ Lời Chúa luôn được trích trong Tin Mừng thánh Gio-an (chương 14&15). Đây là một chương nói đến những lời truyền dạy của Đức Giê-su, những lời truyền dạy về “tình yêu thương”.

Mà, thật vậy, tình yêu thương là chủ đề luôn được Người đem ra rao giảng. Và, thánh Gio-an đã không bỏ xót một chi tiết nào về những lời truyền dạy đó.

Chúng ta hãy nghe ngài Gio-an chia sẻ về những lời truyền dạy đó, như sau: “Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 8-10).

Vâng, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu có những đặc tính: đi bước trước, dâng hiến và trao ban. Tình yêu của Thiên Chúa không như  kiểu tình yêu của thế gian “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Tình yêu của Người,  là thứ tình yêu: nhưng không –  vô biên giới – vô hạn.

Nếu người xưa dạy rằng: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”, thì Đức Giêsu dạy rằng “Còn Thầy, Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44).

Nếu người xưa khuyên rằng “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, thì Đức Giêsu truyền dạy, rằng “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12).

Nếu người xưa dạy rằng “mắt đền mắt, răng đền răng” thì Đức Giêsu truyền dạy: “còn Thầy, Thầy bảo anh em, đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”.

Thánh còn Gio-an kể rằng: Trong đêm mừng lễ Vượt Qua, cũng là đêm Đức Giê-su sẽ thể hiện tình yêu nhưng không và vô hạn của mình, qua cuộc tử nạn trên thập giá tại Golgotha, Người đã đưa ra một giáo huấn mới về tình yêu thương, giáo huấn rằng: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Vâng, quả là một thứ tình yêu tuyệt diệu, một thứ tình yêu  đã được Đức Giê-su gọi là “điều răn mới”. Và, như một chiếc cầu ân sủng nối kết các môn đệ với tình yêu của Thiên Chúa, Đức Giêsu phán: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (Ga 15, 9).

Yêu anh em như vậy là yêu như thế nào? Thưa là, Đức Giê-su coi các môn đệ như là: “Bạn hữu” của Ngài. Là bạn hữu của Ngài, các môn đệ sẽ được nếm trọn mùi vị của một tình yêu nhưng không, một tình yêu “nơi Cha Thầy”.

Với những điều Đức Giê-su đã truyền dạy, có thể xem đó như là mẫu mực cho một tình yêu tận hiến, vô vị lợi, một tình yêu hoàn hảo, một thứ tình yêu mà mỗi người môn đệ của Ngài, phải thể hiện.

Hôm ấy, Đức Giê-su kết thúc bài giáo huấn bằng lời dạy, rằng: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”.

“Anh em hãy yêu thương nhau”. Vâng, phải chăng đây là một lệnh truyền. Thưa, đúng vậy. Chính vì đón nhận lời giáo huấn này như một lệnh truyền, tông đồ Gioan, sau này, đã lớn tiếng nói: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 8).

Có thể nói ngược lại chăng! Không biết Thiên Chúa, giữa con người với con người sẽ thiếu vắng tình yêu thương!

Đúng vậy. Tấm gương nguyên tổ Adam và Eva xưa như một điển hình. Khi ông bà chối bỏ Thiên Chúa, Eva trước cái nhìn của Adam, không còn là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” nữa… Thiếu vắng Thiên Chúa,  Cain đâu còn tình yêu thương, kết quả là, vì lòng ghen tỵ,  anh ta đã giết Aben, em mình…

“Anh em hãy yêu thương nhau”. Là một Kitô hữu, không ai được phép từ chối thực thi lệnh truyền này. Bởi vì, đó chính là dấu chỉ để “thiên hạ nhận biết (chúng ta) là một đệ của Đức Giê-su Ki-tô” (x.Ga 13, 35)

Yêu thương nhau như thế nào? Thưa,  hãy hành động như  hành động  của người Samaria trước nạn nhân bị cướp đánh đập giữa đường, không tránh qua lối khác mà đi, nhưng đã đứng lại cứu giúp, được kể trong dụ ngôn “người Samaria nhân hậu”.

Và, đừng biến mình thành ông nhà giàu trong câu chuyện “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó”, để rồi cuối cùng “phải chịu khốn khổ” về đời sau.

Có ai trong chúng ta lại không hơn một lần được dạy dỗ rằng, “thương người như thế thương thân”, hoặc “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, hay “một miếng khi đói bằng gói khi no” v.v…

Vâng, hãy nhớ lời Kinh Thánh có dạy “Đừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” (x.Hc 4, 31).

Truyền thông mạng kể lại một câu chuyện như sau: “Trong một đêm mưa bão bất thường trên đường phố Alabama vắng vẻ, lúc đó đã 11h30 khuya, có một phụ nữ da đen vẫn cứ mặc cho những ngọn mưa quất liên hồi vào mặt, cố hết sức vẫy vẫy cánh tay để xin đi nhờ xe.

Một chiếc xe chạy vút qua, rồi thêm một chiếc xe nữa, không ai để ý đến cánh tay dường như đã tê cứng vì lạnh cóng. Mặc dù vậy, bà ta vẫn hy vọng và vẫy chiếc xe kế tiếp. Một chàng trai da trắng đã cho bà lên xe. (Mặc cho cuộc xung đột sắc tộc 1960). Bà ta có vẻ rất vội vã, nhưng không quên cám ơn và ghi lại địa chỉ của chàng trai.

Một tuần sau, cánh cửa nhà chàng trai tốt bụng vang lên tiếng gõ cửa. Chàng trai ngạc nhiên hết sức khi thấy một cái tivi khổng lồ ngay trước cửa nhà mình. Một lá thư được đính kèm, trong đó viết: “Cảm ơn cháu vì đã cho tôi đi nhờ xe vào cái đêm mưa hôm ấy. Cơn mưa không những đã làm ướt sũng quần áo mà nó còn làm lạnh buốt trái tim và tinh thần của tôi nữa. Rồi thì lúc đó cháu đã xuất hiện như một thiên thần. Nhờ có cháu, tôi đã được gặp người chồng tội nghiệp của mình trước khi ông ấy trút hơi thở cuối cùng. Một lần nữa tôi muốn cảm ơn cháu đã không nề hà khi giúp đỡ tôi.” Cuối thư là dòng chữ: “Chân thành – Mrs. Nat King Cole”.(nguồn: internet)

Câu chuyện, gợi cho chúng ta nhớ tới lời khuyên của thánh Phao-lô: “Cho có phúc hơn nhận’. Vâng, đúng là anh chàng trai trẻ có phúc khi đã “cho bà lên xe”.

Xã hội chúng ta đang sống hôm nay, có quá nhiều chuyện rất thương tâm. Con giết cha, vợ giết chồng, bà giết cháu, anh em chém giết nhau chỉ vì gia tài v.v… Bởi vì sao? Thưa, bởi thiếu tình yêu thương. Thiếu tình yêu thương là do từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nói rõ hơn, là do con người không còn đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải làm gì? Thưa, phải thi hành lệnh truyền của Đức Giê-su: “Anh em hãy yêu thương nhau”.

Nói rõ hơn, chúng ta phải là cánh tay nối dài của Đức Giê-su, để đem những hoa trái của đức mến, đó là: “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy sự chân thật…”, đến cho mọi người.

Thử nghĩ xem, là một bác sĩ, nếu ta “không tìm tư lợi”, thì những bệnh nhân của ta sẽ ra sao? Thưa, riêng tôi, tôi tin chắc rằng, những bệnh nhân đó sẽ “lợi”.

Là một thầy giáo, nếu ta “vui khi thấy sự chân thật”,  thì làm gì có chuyện: “nữ sinh Phạm Song Toàn (lớp 11, THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, phản ánh cô giáo dạy toán Trần Thị Minh Châu không giảng bài suốt hơn ba tháng, buộc phải chuyển trường để được học tập bình thường như bạn bè cùng trang lứa.”(nguồn: news.zing.vn)

Là một người chồng, nếu ta “không làm điều bất chính”, (nói rõ hơn, nếu ta không có những mối tình bất chính), điều gì sẽ xảy ra? Thưa, gia đình sẽ là một tổ ấm.

Đa phần những gia đình đổ vỡ, nguyên nhân đều thiếu “đức mến”. Mà, không nói ra chúng ta cũng biết, đức mến (những hoa trái của đức mến) chính là  chất xúc tác đem đến cho gia đình “tình yêu thương”. Đức mến, chính là chiếc cầu, nối con người với con người, sánh bước bên nhau chung hưởng niềm vui và hạnh phúc.

Nói về đức mến (tình yêu), có một nhà thơ đã nhận xét: “Mọi năng tài sẽ đi vào… mai một. Trên đời này chỉ tồn tại ba điều: Là đức tin, hy vọng, và tình yêu. Nhưng tình yêu được kể là trọng nhất!” (nguồn: internet)

Tình yêu thương được kể là trọng nhất ư! Thưa, đúng vậy. Thánh Phao-lô cũng cùng quan điểm như thế, ngài đã nói: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn là đức mến”.

Vâng, hãy nhớ, cao trọng hơn là đức mến.  Và, đừng quên, vào ngày phán xét, Đức Giê-su chỉ chất vấn chúng ta một điều duy nhất, đó là tình yêu thương (đức mến) của ta đối với tha nhân, như thế nào.

Ngài không hỏi chúng ta làm chức vụ gì, thân thế sự nghiệp ra sao. Nhưng, Ngài sẽ hỏi: Xưa Ta đói, các ngươi (có) cho ăn? Ta khát các ngươi (có) cho uống? Ta trần truồng các ngươi (có) cho mặc? Ta là khách lạ, các ngươi (có) tiếp rước? Ta ngồi tù, các người (có) hỏi han?

Nói tắt một lời, Đức Giê-su sẽ lấy đức mến của chúng ta, đặt lên bàn-cân-tình-yêu của Ngài, một bàn cân theo tiêu chuẩn Nước Trời, cân chúng ta.

Chúng ta muốn mình có kết quả tốt? Nếu muốn, rất giản dị, ngay hôm nay, hãy ghi khắc lời truyền dạy của Đức Giê-su và xem đó như là kim chỉ nam cho đời sống đức tin của mình.

Vâng, điều Đức Giê-su truyền dạy chúng ta, đó là: “Hãy yêu thương nhau”.

Petrus.tran

 

Trả lời